Trong quan hệ pháp luật bồi thường nhà nước, như bất kỳ người bị thiệt hại nào khác, người bị thiệt hại luôn mong muốn mình được bồi thường cho mọi thiệt hại và các thiệt hại đó được bồi thường với mức cao nhất. Tuy nhiên, từ góc độ Nhà nước, ngoài việc thừa nhận trách nhiệm bồi thường của mình thông qua các đạo luật được ban hành thì mỗi quốc gia cũng thể hiện chính sách của mình là thừa nhận trách nhiệm đến đâu, đồng thời trên cơ sở khả năng tài chính của mình mà quyết định sẽ bồi thường cho những loại thiệt hại nào và mức bồi thường là toàn bộ hay một phần. Chính vì vậy, việc xác định thiệt hại để giải quyết yêu cầu bồi thường là vấn đề hết sức quan trọng. Nhìn chung, pháp luật của Việt Nam cũng như các nước đều quy định chỉ bồi thường cho những thiệt hại thực tế xảy ra chứ không bồi thường cho những thiệt hại gián tiếp hay thiệt hại suy diễn.
Luật Bồi thường nhà nước của Nhật Bản không quy định cụ thể về việc xác định thiệt hại, nhưng thực tiễn thi hành đạo luật này cho thấy, việc xác định thiệt hại được tiến hành trên cơ sở áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự và quyền xác định thiệt hại cũng như mức bồi thường thuộc thẩm quyền quyết định của Tòa án khi giải quyết từng yêu cầu bồi thường cụ thể tại Tòa án. Nguyên tắc bồi thường ở Nhật Bản là bồi thường toàn bộ những thiệt hại đã được Tòa án xác định.
những thiệt hại thực tế. Luật Bồi thường nhà nước của Trung Quốc thì quy định rất cụ thể về việc xác định thiệt hại và mức bồi thường, ví dụ: trường hợp công dân bị xâm phạm quyền tự do thân thể thì có mức bồi thường xác định; trường hợp bị xâm phạm sức khoẻ thì những thiệt hại như chi phí bệnh viện, chi phí phục hồi sức khoẻ cũng là một loại thiệt hại và được bồi thường.v.v..
Luật về Thủ tục và Trách nhiệm nhà nước của Canada thì không quy định cụ thể loại thiệt hại nào được bồi thường và vì vậy, về nguyên tắc, được hiểu là pháp luật Canada không có một giới hạn nào về thiệt hại và mức bồi thường. Tuy nhiên, trong Luật này có quy định về giới hạn mức bồi thường trong trường hợp xâm phạm bí mật cá nhân, theo đó Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm đối với việc ngăn cản, làm gián đoạn hoặc tiết lộ thông tin đàm thoại cá nhân với mức tối đa không quá 5000 USD. Vì quan niệm Luật này là một phần của luật tư, nên việc kiện đòi bồi thường đối với Nhà nước được thực hiện như một vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, và vì vậy, phạm vi thiệt hại được bồi thường sẽ được xác định thông qua xét xử của Toà án. Pháp luật trao quyền cho các Thẩm phán quyết định mức bồi thường thiệt hại, bao gồm cả thiệt hại về tinh thần và thiệt hại về vật chất, cũng như chi phí khác mà người bị thiệt hại và gia đình phải bỏ ra để khôi phục thiệt hại, miễn là yêu cầu bồi thường thiệt hại được xác định là có căn cứ và hợp lý. Ngoài ra, việc kiện đòi bồi thường đối với Nhà nước theo Luật này không phải được thực hiện hoàn toàn theo kết quả tranh tụng tại Toà án như các vụ kiện dân sự thông thường. Để bảo đảm sự ổn định cho hoạt động của Nhà nước và bản thân cơ quan nhà nước, Điều 9 của Luật này đã giới hạn yêu cầu cầu bồi thường đối với những yêu cầu quá lớn so với khả năng tài chính của Nhà nước. Theo đó, không thừa nhận việc khởi kiện yêu cầu bồi thường đối với Nhà nước hoặc cơ quan/công chức Nhà nước mà mức yêu cầu bồi thường vượt quá khả năng thanh toán của ngân sách quốc gia hoặc vượt quá khả năng tài chính của các cơ quan Nhà nước.
Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước của Việt Nam quy định các loại thiệt hại được bồi thường trong 07 điều (từ Điều 45 đến Điều 51), cụ thể bao gồm: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (Điều 45); Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút (Điều 46); Thiệt hại do tổn thất về tinh thần (Điều 47); Thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết (Điều 48); Thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khoẻ (Điều 49); Quy định về trả lại tài sản trong trường hợp tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu (Điều 50); Quy định về khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự (Điều 51).
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm tài sản đã bị phát mại, bị mất; Tài sản bị hư hỏng; Thiệt hại do việc không sử dụng, khai thác tài sản; Thiệt hại phát sinh từ việc phải nộp một khoản tiền vào ngân sách nhà nước theo các quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp tài sản đã bị phát mại, bị mất thì thiệt hại được xác định căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật và mức độ hao mòn của tài sản đã bị phát mại, bị mất trên thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường. Trường hợp tài sản bị hư hỏng thì thiệt hại được xác định là chi phí có liên quan theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường để sửa chữa, khôi phục lại tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng không thể sửa chữa, khôi phục thì thiệt hại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 45. Trường hợp có thiệt hại phát sinh do việc không sử dụng, khai thác tài sản thì thiệt hại được xác định là thu nhập thực tế bị mất. Đối với những tài sản trên thị trường có cho thuê thì thu nhập thực tế bị mất được xác định phù hợp với mức giá thuê của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, tính năng, tác dụng và chất lượng tại thời điểm giải quyết bồi thường; đối với những tài sản trên thị trường không có cho thuê, thu nhập thực tế bị mất được xác định trên cơ sở thu nhập do tài sản bị thiệt hại mang lại trong điều kiện bình
thường trước thời điểm thiệt hại xảy ra; nếu tài sản bị kê biên được giao cho người bị thiệt hại hoặc người khác quản lý thì chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại về tài sản được xác định là những thiệt hại được bồi thường. Các khoản tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bị tịch thu, thi hành án, khoản tiền đã đặt để bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền được hoàn trả cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của họ; trường hợp khoản tiền đó là khoản vay có lãi thì phải hoàn trả cả khoản lãi hợp pháp; trường hợp khoản tiền đó không phải là khoản vay có lãi thì phải hoàn trả cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của họ cả khoản lãi theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút bao gồm: Trường hợp xác định được thu nhập của người bị thiệt hại; Trường hợp cá nhân có thu nhập thường xuyên nhưng không ổn định; Trường hợp cá nhân có thu nhập không ổn định và không có cơ sở để xác định cụ thể; Trường hợp cá nhân có thu nhập có tính chất thời vụ. Cá nhân, tổ chức có thu nhập và các thu nhập này có thể xác định được thì được bồi thường theo thu nhập thực tế bị mất. Trường hợp cá nhân có thu nhập thường xuyên nhưng không ổn định thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào thu nhập trung bình trong ba tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra. Cá nhân có thu nhập không ổn định và không có cơ sở xác định cụ thể hoặc thu nhập có tính chất thời vụ thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương. Trường hợp không xác định được thu nhập trung bình thì tiền bồi thường được xác định theo mức lương tối thiểu chung đối với cơ quan nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Thiệt hại do tổn thất về tinh thần bao gồm: Tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm quyền tự do về thân thể; Tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm tính
mạng; Tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm sức khoẻ; Tổn thất về tinh thần trong trường hợp danh dự, uy tín bị giảm sút do bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án trong tố tụng hình sự mà không bị tạm giam, tạm giữ. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong thời gian bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh được xác định là hai ngày lương (02) tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là ba ngày (03) lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết được xác định là ba trăm sáu mươi (360) tháng lương tối thiểu. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp sức khoẻ bị xâm phạm được xác định căn cứ vào mức độ sức khoẻ bị tổn hại nhưng không quá ba mươi tháng lương tối thiểu. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà không bị tạm giữ, tạm giam được xác định là một ngày lương (01) tối thiểu cho một ngày bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù cho hưởng án treo. Thời gian để tính bồi thường thiệt hại được xác định kể từ ngày có quyết định khởi tố bị can cho đến ngày có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền xác định người đó thuộc trường hợp “Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù có thời hạn mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội”.
Thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; Chi phí cho việc mai táng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ
cấp dưỡng. Tiền cấp dưỡng hàng tháng được xác định là mức lương tối thiểu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc đã được xác định theo quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khoẻ bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; Trong trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại được bồi thường bao gồm chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại và khoản cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Khoản cấp dưỡng hàng tháng được xác định là mức lương tối thiểu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc đã được xác định theo quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.