Hoạt động lập pháp

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới về trách nhiệm bồi thường của nhà nước (Trang 39 - 41)

Hoạt động lập pháp có sự tác động gián tiếp tới công dân nói riêng và xã hội nói chung. Trong một số trường hợp Luật còn có thể tiềm ẩn những nguy cơ nguy hiểm cho xã hội. Nếu một đạo luật bị coi là vi hiến thì những văn bản dưới Luật cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ vi hiến như vậy. Vì vậy, nếu loại trừ hoạt động lập pháp ra khỏi phạm vi điều chỉnh của pháp luật bồi thường nhà nước thì sẽ không logic. Tuy nhiên cũng có thể đưa ra một số lý do viện dẫn cho việc loại trừ này như: (1) hoạt động lập pháp là hoạt động mang tính quốc gia và về nguyên tắc những hoạt động mang tính quốc gia được loại trừ khỏi sự tác động của hoạt động tư pháp; (2) Về mặt chính trị, Nhà nước mà ban hành một đạo luật bị coi là vi hiến thì có thể xác định sự sai sót này của là hậu quả của hoạt động bầu cử - nói cách khác sai sót không phải do quá trình lập pháp mà là do sự lựa chọn khi bầu cử. Nếu loại trừ hành vi lập pháp ra khỏi phạm vi áp dụng của pháp luật bồi thường nhà nước thì các đạo luật ban hành dù có sai đến đâu cũng chẳng thể xử lý bằng cơ chế của pháp luật bồi thường nhà nước (tất nhiên không loại trừ việc xử lý bằng cơ chế khác nếu có). Hiến pháp của nhiều nước quy định nếu cơ quan lập pháp ban hành Luật vi hiến mà gây thiệt hại thì Tòa án tối cao có quyền tham gia để giải quyết vụ việc, tức là có cơ chế thông qua bên thứ ba phán xét chất lượng của hoạt động lập pháp. Trong khi tranh tụng về tính bất hợp pháp của hoạt động lập pháp,

Toà án ngay lập tức xem xét tính bất hợp pháp của hành vi lập pháp của Quốc hội. Điều này có nghĩa là Tòa án coi đó là vấn đề đương nhiên pháp luật bồi thường nhà nước cũng được áp dụng cho các hành động/ không hành động về mặt lập pháp. Tuy nhiên để xác định hành vi lập pháp có thể là hành vi trái pháp luật và cơ quan lập pháp phải chịu trách nhiệm, các nước rất hạn chế áp dụng. Ví dụ về hai án lệ của Nhật Bản: (1) theo Luật bầu cử của Nhật Bản tại thời điểm ra bản án này không quy định cho phép người tàn tật có thể tự bỏ phiếu ở nhà của mình tuy nhiên người tàn tật lại gặp khó khăn trong việc đến địa điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền của mình. Theo Luật bầu cử cũ trước đó thì lại cho phép người tàn tật được bỏ phiếu tại nhà mình và theo đó quy định này đã bị lợi dụng nhiều và gây ra tình trạng bất bình đẳng trong hoạt động bầu cử. Những người tàn tật đã khởi kiện Quốc hội Nhật Bản vì đã ban hành đạo luật không quy định cho phép người tàn tật được bỏ phiếu tại nhà mình. Việc không có quy định này đã không đảm bảo quyền lợi chính trị cho họ và như vậy là vi hiến. Ngoài ra những người tàn tật đã khởi kiện còn đưa ra lý do là Quốc hội đã không có hành vi sửa đổi Luật bầu cử hiện hành để đảm bảo quyền lợi cho họ. Trong vụ việc này Tòa án tối cao Nhật Bản đã bác đơn kiện của nguyên đơn vì cho rằng đây là vấn đề chính trị mang tính chính sách - việc cho phép hay không là phụ thuộc vào quan điểm của Quốc hội; (2) trong năm 2005, tại Nhật Bản cũng có một vụ việc về kiện Quốc hội cũng từ lý do bầu cử do phía nguyên đơn là những người Nhật Bản định cư ở nước ngoài thực hiện. Phía nguyên đơn đã cho rằng Quốc hội đã không có đạo luật nào tạo cơ chế bầu cử cho những người Nhật Bản đang định cư ở nước ngoài và vì vậy đã không đảm bảo quyền lợi cho họ. Tòa án tối cao Nhật Bản đã ủng hộ quan điểm này của phía nguyên đơn. Trong trường hợp này các đại sứ quán, lãnh sự quán hoàn toàn có thể xây dựng các cơ sở bầu cử cho người Nhật Bản ở nước ngoài nhưng họ đã không làm vì không có luật quy định, vì

vậy điều này là vi hiến. Toà án tối cao Nhật Bản nhận định đây là trường hợp Quốc hội đã không hành động (không ban hành đạo luật về vấn đề này).

Qua hai án lệ trên, có thể thấy cùng về một vấn đề, chỉ trong vòng khoảng 20 năm, quan điểm của Tòa án đã có sự thay đổi nhất định theo sự thay đổi của xã hội. Vụ việc năm 1985 thì Tòa án không ủng hộ quan điểm của nguyên đơn, còn vụ việc năm 2005 thì Tòa án lại ủng hộ quan điểm của nguyên đơn. Giới học giả Nhật Bản cũng đồng tình rằng luật không nên quy định cụ thể mà nên quy định chung chung như hiện hành để Tòa án linh hoạt áp dụng và giải thích pháp luật cho phù hợp từng thời kỳ.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới về trách nhiệm bồi thường của nhà nước (Trang 39 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)