2.2. Phạm vi trách nhiệm bồi thƣờng của Nhà nƣớc
2.2.1. Lĩnh vực hành pháp
Nhìn chung, pháp luật của các nước đều quy định lĩnh vực hành pháp thuộc phạm vi điều chỉnh chủ yếu và cơ bản của chế định pháp luật về bồi thường nhà nước. Một số nước không quy định cụ thể lĩnh vực hoạt động nào thì thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bồi thường nhà nước (Đức, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc), điều này được hiểu là không loại trừ lĩnh vực hành pháp khỏi trách nhiệm bồi thường.
Pháp luật bồi thường nhà nước của Hoa Kỳ như đã nói ở trên không quy định cụ thể lĩnh vực hành pháp thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, nhưng Quốc hội Hoa Kỳ trong Luật Bồi thường liên bang (FTCA) đã phủ quyết việc áp dụng nguyên tắc về quyền miễn trừ quốc gia đối với việc bồi thường trong hoạt động hành pháp. Do vậy, bất kỳ thiệt hại nào gây ra trong lĩnh vực hành pháp sẽ được Nhà nước bồi thường.
Luật Bồi thường nhà nước của Nhật Bản thì không quy định về phạm vi các lĩnh vực hoạt động chịu sự điều chỉnh của Luật, nhưng lại quy định các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Điều này được hiểu đồng nghĩa với việc Nhật Bản thừa nhận trách nhiệm bồi thường của mình trong mọi lĩnh vực hoạt động, trong đó có lĩnh vực hành pháp.
Ở Đức, đối với hành vi công quyền của cơ quan hành pháp, công dân có quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại: (1) quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do vi phạm trách nhiệm công vụ; (2) quyền khởi kiện (theo hợp đồng) từ các quan hệ nghĩa vụ theo Luật công (ví dụ trông giữ theo Luật công); (3) quyền khởi kiện yêu cầu xóa bỏ hậu quả bất lợi; (4) quyền khởi kiện yêu cầu đền bù (ví dụ do quốc hữu hóa) [27].
Pháp luật Việt Nam quy định tương đối rõ phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực hành pháp theo cách liệt kê có giới hạn các trường hợp được bồi thường thiệt hại tại Điều 13 của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Theo đó, các trường hợp có thể phát sinh trách nhiệm bồi thường tập trung vào các nhóm hành vi chủ yếu sau đây: (1) Nhóm hành vi liên quan đến thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính; (2) Nhóm hành vi liên quan đến quyền tự do kinh doanh; (3) Nhóm hành vi liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về đất đai, thuế, phí, lệ phí. Như vậy, để xác định một trường hợp cụ thể có thuộc trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực hành pháp hay không, ngoài bốn điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần phải xem xét hành vi trái pháp luật có thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều 13 của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.