Lĩnh vực lập pháp

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới về trách nhiệm bồi thường của nhà nước (Trang 52 - 54)

2.2. Phạm vi trách nhiệm bồi thƣờng của Nhà nƣớc

2.2.3. Lĩnh vực lập pháp

Pháp luật của các nước đều quy định một cách rất hạn chế việc áp dụng các quy định về bồi thường nhà nước đối với lĩnh vực lập pháp. Sự hạn chế này thể hiện ở chỗ, có thể loại trừ lĩnh vực lập pháp hoặc có thể không loại trừ song sự áp dụng thì luôn ở mức độ nhất định. Nếu quan niệm pháp luật về bồi thường nhà nước là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì với đặc điểm về hành vi trực tiếp xâm phạm quyền và lợi ích của người khác mà hành vi lập pháp (có thể chỉ là gián tiếp) có thể được loại trừ.

Luật Bồi thường nhà nước Nhật Bản (cũng như Luật Bồi thường nhà nước Hàn Quốc) không quy định loại trừ lĩnh vực lập pháp, tuy nhiên từ thực tiễn thi hành luật này (chủ yếu thông qua các án lệ của Tòa án) thì có thể thấy, việc vận dụng các quy định của pháp luật bồi thường nhà nước để khởi kiện và giải quyết bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực này là rất hạn chế. Điều này tuỳ thuộc vào cách giải thích và áp dụng pháp luật của Tòa án cũng như nhận thức của Tòa án trong từng thời kỳ cụ thể.

Pháp luật của Đức giống như đã trình bày ở trên, về nguyên tắc, không loại trừ bất cứ lĩnh vực nào, kể cả lĩnh vực lập pháp. Tuy nhiên, nhìn một cách khái quát, pháp luật về bồi thường nhà nước của CHLB Đức không áp dụng đối với quyền lực lập pháp. Sở dĩ như vậy vì, Điều 19

khoản 1 câu 1 Hiến pháp liên bang đã cấm sự quy định trong những trường hợp riêng biệt, nên công dân không thể trực tiếp chống lại tác động gây hại sinh ra từ hành vi lập pháp đó. Theo đó, công dân phải đợi luật được thi hành rồi mới được khởi kiện (bảo vệ pháp lý nguyên phát)[27].

Pháp luật bồi thường nhà nước Canada hoàn toàn loại trừ lĩnh vực lập pháp ra khỏi phạm vi điều chỉnh của mình. Pháp luật của Hoa Kỳ cũng tương tự như của Trung Quốc và Canada nhưng lý do loại trừ là xuất phát từ phía Quốc hội Hoa Kỳ chưa có quy định nào phủ quyết việc áp dụng nguyên tắc miễn trừ trách nhiệm quốc gia trong lĩnh vực lập pháp.

Pháp luật Việt Nam cũng như đa số các nước trên thế giới đều không thừa nhận trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực lập pháp. Khi xây dựng Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, có nhiều ý kiến đề nghị đưa lĩnh vực lập pháp vào sự điều chỉnh của luật. Tuy nhiên, các nhà làm luật với quan điểm cho rằng hoạt động lập pháp mang tính quốc gia cần phải được loại trừ khỏi sự tác động của hoạt động tư pháp, sai sót khi ban hành pháp luật không phải do quá trình lập pháp mà là do sự lựa chọn khi bầu cử và bên cạnh đó, với trình độ lập pháp của Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết, hạn chế thì khả năng phát sinh bồi thường là rất lớn. Do đó, việc đặt vấn đề bồi thường nhà nước trong lĩnh vực lập pháp sẽ gây sức ép đối với Nhà nước về mặt kinh phí bồi thường.

Tóm lại, pháp luật bồi thường nhà nước của các nước khi quy định về phạm vi các lĩnh vực hoạt động mà Nhà nước phải bồi thường đều có một số điểm chung như luôn quy định về trách nhiệm bồi thường nhà nước trong lĩnh vực hành pháp; đa số các nước không loại trừ lĩnh vực tư pháp nhưng hạn chế phạm vi áp dụng; loại trừ trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực lập pháp hoặc không loại trừ nhưng có sự áp dụng rất hạn chế pháp luật bồi thường nhà nước đối với lĩnh vực này.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới về trách nhiệm bồi thường của nhà nước (Trang 52 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)