Thể lệ, quy trình tuyển chọn quan lại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan chế thời hậu lê những nội dung cơ bản và giá trị kế thừa trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền việt nam hiện nay (Trang 53 - 54)

CHƯƠNG 2 : NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA QUAN CHẾ THỜI HẬU LÊ

2.2 Tuyển dụng quan lại

2.2.3 Thể lệ, quy trình tuyển chọn quan lại

Trong NNPK cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc tuyển chọn quan lại là Bộ Lại. Vào thời Hậu Lê, phàm hai chức trúng trường và các bậc tạp lưu đều do quan Bộ Lại thi hành xét tuyển. Duy chỉ có các chức Tham

Nghị, Hiến phó là do triều đình bảo cử.

Việc tuyển chọn để bổ khuyết vào những chức quan còn trống được thực hiện thường xuyên hàng năm. Theo định kỳ sẽ có những lần tuyển chọn, thuyên chuyển lớn (NN quy định 6 năm có một lần tuyển bổ lớn, 9 năm có một lần thăng giáng, thuyên chuyển lớn).

Để đảm bảo sự trung thực, chính xác và hiệu quả trong hoạt động tuyển chọn, quy trình tuyển chọn quan lại được triều Hậu Lê quy định cụ thể như sau: tháng 3, Bộ Lại yết bảng thông báo về tuyển dụng và thu nộp đơn của những người xin ra làm quan hoặc đề xuất của những người tiến cử; tháng 7, Bộ Lại tiến hành xét đơn và trong vòng một tháng phải hoàn thành xong thủ tục xét đơn; tháng 8, Bộ Lại đệ trình danh sách đã xét lên nhà vua. Sau khi được nhà vua phê duyệt, danh sách những người được chấp nhận được chuyển trả về Bộ Lại và bộ Lại có trách nhiệm chuyển sang Lại khoa để Lại khoa soát lại lần cuối và làm cơ sở theo dõi, giám sát các quan lại sau này. Sau khi có ý kiến của Lại khoa, Bộ Lại mới tiến hành làm lệnh và chuyển tới các đương sự để thi hành. Đối với những người đỗ các kỳ thi Hương và thi Hội thì bổ nhiệm ngay vào vị trí. Riêng đối với những người đã đỗ kỳ thi Đình (Tiến sĩ) và thường được bổ nhiệm vào những chức quan to ở triều đình thì còn phải trải qua kỳ thực tập rồi mới chính thức được bổ nhiệm.

Tuy nhiên, các thủ tục nói trên chỉ là quy trình chung. Trong thực tế, nhà vua có thể tự quyền trao chức vụ hay phẩm tước cho bất kỳ người nào mà nhà vua xét thấy có đủ khả năng đảm trách một vị trí nào đó trong hệ thống quan trường phong kiến. Đôi khi, việc trao phẩm tước chỉ đơn thuần là sự ban thưởng mà không xuất phát từ nhu cầu cần thiết của công việc điều hành chính sự. Trong những trường hợp cụ thể này, vai trò của Bộ Lại và các cơ quan khác trong quy trình tuyển chọn quan lại sẽ không còn mang tính chất hiện thực.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan chế thời hậu lê những nội dung cơ bản và giá trị kế thừa trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền việt nam hiện nay (Trang 53 - 54)