Vai trò của quan lại trong TKPK Hậu Lê

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan chế thời hậu lê những nội dung cơ bản và giá trị kế thừa trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền việt nam hiện nay (Trang 30 - 32)

1.2 Khái niệm, đặc điểm, vai trò của Quan chế thời Hậu Lê

1.2.3 Vai trò của quan lại trong TKPK Hậu Lê

1.2.3.1 Quan lại giữ vai trò tư vấn, phụ tá, giúp việc cho nhà vua trong điều hành, cai trị đất nước nhằm bảo vệ vương quyền

Là yếu tố cấu thành thể chế chính trị quân chủ phong kiến Việt Nam, vị trí, vai trò của Quan và Lại chịu sự quy định của hình thức chính thể NN. Trong thời kỳ Hậu Lê, NNPK Việt Nam được tổ chức điển hình dưới hình thức chính thể quân chủ chuyên chế, trong đó toàn bộ quyền lực NN đều thuộc về nhà vua. Tuy nhiên nhà vua không thể tự mình triển khai các hoạt động thực thi quyền lực NN.

Với cương vị điều hành trong các cơ quan NN, Quan giữ vai trò tư vấn cho nhà vua trong việc xây dựng các chính sách và ban hành PL. Các phân

tích ở trên về mô hình NNPK Việt Nam thời Hậu Lê cho thấy: tại triều đình luôn luôn có một số vị trí quyền lực do một số viên quan có phẩm hàm cao (có thể được tổ chức thành cơ quan nhưng cũng có thể tồn tại với tư cách cá nhân) đóng vai trò tư vấn cho nhà vua khi nhà vua cần đưa ra những quyết sách lớn. Về nguyên tắc, nhà vua không có nghĩa vụ tuân thủ các ý kiến tư vấn này nhưng lịch sử Việt Nam cho thấy chưa có trường hợp nào mà nhà vua quyết định ngược lại với ý kiến tư vấn của triều thần.

Quan cũng là lực lượng chủ đạo giúp nhà vua triển khai thực hiện quyền lực NN. Với số lượng tương đối đông đảo, được bố trí trong các cơ quan ở cả triều đình và các địa phương và sự phân công trách nhiệm tương đối rõ ràng, đội ngũ Quan giúp nhà vua quản lý hầu hết các lĩnh vực trong XHPK Hậu Lê. Lại là người thừa hành mệnh lệnh của quan, đóng vai trò trung gian giữa quan và dân. Nhiệm vụ của Lại bao gồm giúp soạn thảo, giao nhận, lưu chuyển công văn sổ sách; triển khai các chính sách của NN tới chức dịch làng xã, đốc thúc chức dịch làng xã có nghĩa vụ với NN. Với các vai trò trên, Quan và Lại giữ vị trí bản lề trong bộ máy NN, kết thành một khối thống nhất giúp nhà vua cai trị đất nước.

1.2.3.2 Quan lại giữ vai trò cầu nối giữa chính quyền NNPK và nhân dân

Quan niệm Nho giáo cho rằng, vua là thiên tử (con trời) có trách nhiệm thay trời hành đạo. Đạo làm vua là phải giữ cho nước yên, người dân được no đủ, xã hội bình trị. Đạo làm vua lấy dân làm đối tượng phục vụ để làm trọn nghĩa vụ với trời. Dân không yên, không vui, không đủ là vua không sáng và sẽ bị trời trừng phạt. Vì vậy, các ông vua Nho giáo thời Hậu Lê luôn phải dựa vào bề tôi (quan lại) của mình để thực thi trách nhiệm với trời. Quan lại đóng vai trò là lực lượng truyền tải các mệnh lệnh của nhà vua đến với dân chúng, tổ chức thực hiện các mệnh lệnh đó, thu nhận các đóng góp của dân chúng

(phu, lính, thuế) để nộp cho nhà vua, phản ánh đến nhà vua về những oan ức, kiện cáo của dân chúng. Đội ngũ quan lại được bố trí ở các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương vừa là tai mắt của nhà vua, giúp nhà vua cai trị dân chúng lại vừa trở thành “kênh” liên hệ duy nhất giữa dân chúng với nhà vua. Người dân chỉ nhìn thấy sự hiện diện của NN thông qua hình ảnh của quan lại tại địa phương. Tương tự như vậy, nhà vua chỉ biết đến dân đen thông qua lời tấu trình của quan lại. Vai trò này của quan lại thể hiện đặc biệt

rõ ở các cấp chính quyền địa phương, trước hết là ở cấp chính quyền cơ sở.

1.2.3.3 Quan lại đóng vai trò tạo dựng và duy trì thường xuyên nền công vụ hiệu quả trong TKPK Hậu Lê

Hiệu quả nền công vụ trong CĐPK tùy thuộc vào năng lực và trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ quan lại. Quan lại phong kiến được đào tạo trên nền tảng học vấn Nho giáo, vì vậy trong quan niệm cũng như hành xử cụ thể đều thấm nhuần tinh thần trách nhiệm với vua (trung quân) với dân (yêu dân). Đó là căn nguyên khiến đội ngũ quan lại trở thành lực lượng nòng cốt trong tạo dựng và duy trì thường xuyên nền công vụ hiệu quả. Đương nhiên, hiệu quả công vụ trong CĐPK không đồng nhất với cách hiểu về hiệu quả công vụ trong chế độ ta ngày nay nhưng điều đó hoàn toàn không phủ nhận vai trò của đội ngũ quan lại. Phần lớn quan lại trong thời kỳ Hậu Lê đều nêu cao trách nhiệm công vụ, giữ gìn đạo đức thanh liêm, ít màng đến tư lợi, cần mẫn với công việc, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật công vụ. Sự tồn tại lâu dài của chế độ và NNPK Hậu Lê phải chăng chính là kết quả vận hành nền công vụ với sự trợ giúp đắc lực của đội ngũ quan lại phong kiến.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan chế thời hậu lê những nội dung cơ bản và giá trị kế thừa trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền việt nam hiện nay (Trang 30 - 32)