Hệ thống cơ sở đào tạo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan chế thời hậu lê những nội dung cơ bản và giá trị kế thừa trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền việt nam hiện nay (Trang 39 - 41)

CHƯƠNG 2 : NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA QUAN CHẾ THỜI HẬU LÊ

2.1 Chế độ đào tạo

2.1.2 Hệ thống cơ sở đào tạo

Về cơ bản, cơ sở giáo dục đào tạo của nhà Hậu Lê được chia làm hai hệ thống: hệ thống trường công và hệ thống trường tư.

2.1.2.1 Hệ thống trường công

Theo sử sách ghi lại, nhà Hậu Lê sau khi dựng nước đã cho lập các nhà

học để đào tạo và gây dựng nhân tài. “Năm Mậu Thân, niên hiệu Thuận Thiên

thứ I (1428) hạ chiếu trong nước dựng nhà dạy học dạy dỗ nhân tài, trong kinh có Quốc Tử Giám, bên ngoài có nhà học các phủ”. Như vậy, ngay

những năm đầu tiên của nhà Hậu Lê, các trường học đã được xây dựng. Đó chính là trường công do NN quản lý. Hệ thống này được chia làm hai cấp: cấp Trung ương - trường Quốc Tử Giám và cấp địa phương - các trường đặt ở các Lộ (Đạo), Phủ, Huyện (nhà học). Cơ quan quản lý việc học ở thời Hậu Lê là Bộ Lễ.

Quốc Tử Giám được nhà Lý xây dựng vào năm 1070 dành cho con em hoàng tộc và về sau cho phép cả con em nhà bình dân theo học. Năm 1253, Trần Thánh Tông đổi gọi là Quốc học viện, sau đó còn đổi gọi là Thái học viện. Đến thời Lê Sơ, trở lại tên gọi là Quốc Tử Giám, nhưng trong nhiều văn sách vẫn gọi là nhà Thái học. Đây là cơ sở đào tạo duy nhất và lớn nhất ở Kinh đô, có hai chức năng chính là dạy dỗ, bồi dưỡng, đào tạo ra tầng lớp

Nho sinh để cung cấp cho bộ máy quan lại NN, đồng thời quản lý việc giáo dục, đào tạo. Ngoài con em tầng lớp quý tộc, quan lại, Quốc Tử Giám còn rộng cửa đối với cả con cháu các nhà thường dân, có đủ tư chất thông minh và hiếu học. Những người được nhập học Quốc Tử Giám chia làm hai loại: một loại gọi là giám sinh gồm có con các quan viên và đã thi đỗ bốn trường kỳ thi Hương, một loại gọi là học sinh gồm quân và dân cũng đã thi đỗ bốn trường kỳ thi Hương.

Các nguồn tài liệu không cho biết rõ việc xây dựng các trường công ở địa phương trong các giai đoạn Lý – Trần – Hồ, nhưng chắc chắn rằng đến giai đoạn Hậu Lê, cùng với nhu cầu về đội ngũ quan lại ngày càng gia tăng thì hệ thống trường công đặt ở các Đạo, Phủ, Huyện đã hình thành và phát huy tác dụng.

2.1.2.2 Hệ thống trường tư

Ngoài hệ thống trường công do NN trực tiếp tổ chức và đào tạo, nhà Hậu Lê cũng xuất hiện nhiều trường tư. Trong lịch sử nước ta trường tư xuất hiện sớm hơn trường công, ban đầu nó tồn dưới dạng nhà chùa. Sau đó, những ngôi trường tư đúng nghĩa chỉ thực sự xuất hiện từ thời nhà Trần. Đó là các trường học của Chiêu Văn vương Trần Ích Tắc, của nhà Nho Chu Văn An…Đến thời Hậu Lê, đặc biệt từ thời Lê Thánh Tông thì trường tư đã khá phổ biến vì lúc này nhu cầu học tập gia tăng nên việc mở trường tư được khuyến khích và không còn phụ thuộc vào những quy định khắt khe của NN nữa. Bất cứ nhà Nho nào cũng có quyền mở trường học, lớp học. Những trường học này được gọi là Hương học (trường làng) vì nó nằm rải rác ở các làng mạc trong cả nước, nhằm giúp con em ở những nơi xa xôi, hẻo lánh và con nhà nghèo không có điều kiện lên Phủ huyện hoặc lên kinh đô học tập. Thầy giáo đứng giảng ở các Hương học được gọi chung là “thầy đồ”.

Nhìn chung giữa hai hệ thống trường công và trường tư không có gì khác nhau, ngoài việc các thầy giáo trường tư sống bằng tiền đóng góp của học trò, còn các thầy giáo ở trường công thì sống bằng lương bổng của triều đình. Chương trình học, cách thức học như nhau. Gọi là Hương học nhưng học sinh cũng được học hành và dạy dỗ đầy đủ các chương trình từ thấp lên cao để có đủ trình độ và điều kiện đi thi. Đến ngày đi thi không có sự phân biệt trường công hay trường tư, tất cả đều phải thi chung ở một địa điểm, làm chung một đề thi. Thực tế lịch sử chứng minh qua nhiều triều đại có nhiều người đỗ đạt khoa cử chỉ học ở trường làng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan chế thời hậu lê những nội dung cơ bản và giá trị kế thừa trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền việt nam hiện nay (Trang 39 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)