Cơ sở lý thuyết của đề tài

Một phần của tài liệu Di sản văn học của dòng văn Trường Lưu (Hà Tĩnh) từ góc nhìn văn hóa. (Trang 29)

6. Cấu trúc của luận án

1.2. Cơ sở lý thuyết của đề tài

1.2.1. Khái niệm văn hóa

Văn hóa là một khái niệm rộng và phức tạp. Đã có hàng trăm định nghĩa khác nhau về văn hóa được đưa ra, tùy theo từng cách nhìn nhận, cách hiểu, bối cảnh, ngữ cảnh và mục đích của người nghiên cứu.

Ngày nay, từ "văn hóa" đã trở thành phổ biến, được sử dụng trong rất nhiều tình huống, ngữ cảnh, phương thức biểu đạt khác nhau, như: văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử, văn hóa dòng họ, văn hóa giao thông, văn hóa đường phố, văn hóa học đường, văn hóa nông thôn mới, văn hóa du lịch, văn hóa công sở, v.v…

Trên thế giới, có lẽ người đầu tiên đưa ra định nghĩa về văn hóa là Edward B. Tylor (1832 - 1917) - một trong những học giả người Anh có uy tín hàng đầu về nghiên cứu văn hóa nguyên thủy. Trong công trình Văn hóa nguyên thủy

(Huyền Giang dịch), Tylor đã đưa ra khái niệm về văn hóa như sau: "Văn hóa, hay văn minh, theo nghĩa rộng về tộc người học, nói chung gồm có tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, tập quán và một số năng lực và thói quen khác được con người chiếm lĩnh với tư cách một thành viên của xã hội" [41; 11].

Sau Tylor, càng ngày càng xuất hiện nhiều quan niệm và cách cắt nghĩa khác nhau về văn hóa. Dựa trên quan điểm chủ nghĩa xã hội khoa học, Karl Marx và Friedrich Engels cho rằng, văn hóa là kết quả của sự phát triển, tiến hóa của loài người, văn hóa được hình thành và phát triển qua các mối quan hệ tương tác giữa con người với thế giới tự nhiên - xã hội, giữa con người với con người, văn hóa chính là bức tranh phản ánh trình độ phát triển của con người và xã hội, thông qua những giá trị về vật chất và tinh thần. K. Marx và F. Engels khẳng định: "Căn cứ vào mức độ tự nhiên được con người biến thành bản chất người, tức là mức độ tự nhiên được con người khai thác, cải tạo thì có thế xem xét được trình độ văn hóa của con người" [71; 15].

Năm 1952, A. L. Kreber và K. Kalaxon (Hoa Kỳ) đã thống kê được trên 160 cách định nghĩa khác nhau về thuật ngữ văn hóa. Ngay cả Tổ chức Giáo dục,

Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) cũng đã đưa ra khá nhiều định nghĩa về văn hóa, tùy theo từng hoàn cảnh quốc tế cụ thể.

Năm 1970, Tổng Giám đốc UNESCO lúc đó là F.Mayor nêu lên một định nghĩa về văn hóa: "Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất, cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và văn hóa" [23; 14].

Đến năm 2002, khi đặt văn hóa trong hệ thống giá trị vật chất và tinh thần do lao động của con người sáng tạo ra, được cộng đồng khẳng định và tích lũy lại, tạo ra bản sắc riêng của từng tộc người, từng cộng đồng, xã hội, UNESCO đã đưa ra một cách hiểu mới về văn hóa: “Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội... Một đất nước giàu truyền thống văn hóa là một đất nước giàu có về tinh thần” [170; 20].

Ở Việt Nam, một trong những người tiên phong, đi đầu trong việc nghiên cứu văn hóa là Đào Duy Anh khi ông viết cuốn Việt Nam văn hóa sử cương vào năm 1938. Dựa theo giới thuyết của Félix Sartiaux khi cho rằng về phương diện động, văn hóa là cuộc phát triển tiến bộ không ngừng của những tác dụng xã hội về kỹ thuật, kinh tế, tư tưởng, nghệ thuật… về phương diện tĩnh thì văn hóa là trạng thái tiến bộ của những tác dụng ấy ở một thời gian nhất định, Đào Duy Anh đã chia văn hóa Việt Nam thành ba bộ phận, gồm: kinh tế sinh hoạt, xã hội chính trị sinh hoạt, tri thức sinh hoạt…, qua đó phác họa ở một chừng mực nhất định về lược sử văn hóa nước ta. Trong lời Tựa của tập sách này, Đào Duy Anh viết: "Cái bi kịch hiện thời của dân tộc ta là sự xung đột của những giá trị cổ truyền của văn hóa cũ ấy với những điều mới lạ của văn hóa Tây phương. Cuộc xung đột sẽ giải quyết thế nào, đó là một vấn đề quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc ta vậy. Nhưng muốn giải quyết thì phải nhận rõ chân tướng của bi kịch ấy, tức một mặt phải xét lại cho biết nội dung của văn hóa xưa là thế nào, một mặt phải nghiên cứu cho biết chân giá trị của văn hóa mới" [4; 9].

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi tiếp thu những tinh hoa văn hoá của nhiều dân tộc trên thế giới, đặc biệt là ánh sáng khoa học của chủ nghĩa Marx - Lenin, đã nêu: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn

học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá...” [171; 4].

Tiếp sau Đào Duy Anh, Hồ Chí Minh, rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa hàng đầu của Việt Nam như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên, Toan Ánh, Phan Ngọc, Trần Ngọc Thêm, Trần Quốc Vượng, Trần Ngọc Vương, Chu Xuân Diên, Đặng Nghiêm Vạn, Đỗ Lai Thúy, Trần Nho Thìn,… cũng đã có những bổ sung hoặc nêu quan niệm của mình về khái niệm văn hóa.

Nhìn văn hóa Việt Nam trong mối liên hệ với văn hóa Trung Quốc, với Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo, Nguyễn Văn Huyên cho rằng: "Việc tiếp thụ ngôn ngữ văn học Trung Hoa làm ngôn ngữ văn minh là truyền các dòng tư tưởng lớn của Trung Hoa vào văn hóa Việt Nam. Tất cả các hình thức hoạt động trí tuệ của Việt Nam đều thấm nhuần những hệ thống triết học của Nho giáo, Đạo giáo và cả các lời giáo hóa của Đức Phật, du nhập từ Trung Hoa. Các học thuyết đó thành cái nền của văn hóa Việt Nam ngày nay" [67; 285].

Năm 1997, khi trả lời cho câu hỏi "văn hóa là gì", trên cơ sở một định nghĩa về văn hóa của UNESCO, Hữu Ngọc xác định: "Văn hóa là một tổng thể những hệ thống biểu trưng (kí hiệu) chi phối tư duy, cách ứng xử (người với thiên nhiên, người với người) và các mối quan hệ trong cộng đồng, khiến cộng đồng ấy có đặc thù riêng" [110; 6]. Khái niệm về văn hóa mà Hữu Ngọc đưa ra tập trung nhấn mạnh các mối quan hệ ứng xử giữa con người với cộng đồng, mỗi cộng đồng có một đặc thù văn hóa riêng, cần phải được tôn trọng như nhau.

Văn hóa là tổng thể các giá trị do con người sáng tạo ra, bao gồm cả những giá trị về vật chất và các giá trị về tinh thần. Văn học, sử học, địa lý, tâm lý học,… đều là những thành tố quan trọng tạo nên văn hóa. Phan Ngọc trong

Bản sắc văn hóa Việt Nam đã khẳng định: "Không có cái gì lại không có cái văn hóa của nó... Mỗi nền văn học đều có cái mặt văn hóa học của nó. Khi nghiên cứu bất kì bộ môn nào mà ta bỏ qua mặt văn hóa học của nó, thì thực tế đang lâm vào một tình trạng khoanh vùng khá võ đoán" [111; 16 - 17].

Khi ghi nhận vai trò của lịch sử và văn hóa, Phan Huy Lê cho rằng: "Lịch sử và văn hóa là nền tảng tồn tại và phát triển của mọi quốc gia - dân tộc. Có thể nói có lịch sử và văn hóa là có tất cả, có cơ sở để vượt qua mọi gian nguy, thử

thách, để tiếp tục hồi sinh và phát triển. Mất lịch sử và văn hóa chẳng khác gì người mù - điếc chệnh choạng bước đi trong một không gian mù mịt" [106; 12]. Phan Huy Lê nhấn mạnh: "Trên con đường phục hưng dân tộc, xây dựng lại đất nước tiến lên văn minh, hiện đại và hội nhập quốc tế ngày nay, văn hóa càng giữ vai trò quan trọng trong cố kết nhân tâm, phát huy nội lực, giữ gìn bản sắc dân tộc, thúc đẩy sự sáng tạo và bảo đảm sự phát triển bền vững. Văn hóa vừa tạo nên sự khác biệt giữa các dân tộc, vừa qua giao lưu tạo nên những giá trị mới và sự tương đồng văn hóa của nhân loại" [91; 12].

Không đưa ra một định nghĩa cụ thể về văn hóa nhưng dựa trên các yếu tố, tác nhân tạo ra văn hóa, Trần Quốc Vượng cho rằng, có ba tiền đề lý luận của văn hóa Việt Nam: "1, Thiên nhiên là điểm xuất phát của văn hóa Việt Nam. Văn hóa là sự thích nghi và biến đổi của thiên nhiên… 2, Văn hóa, xét ở mỗi cá nhân, cũng như ở mỗi cộng đồng, còn là do lịch sử hun đúc nên... 3, Văn hóa là thế ứng xử, năng động của một cộng đồng hay một cá nhân đứng trước thiên nhiên, xã hội to nhỏ và đứng trước chính mình. Văn hóa là lối sống, là nếp sống tập thể và cá nhân... Nghiên cứu văn hóa Việt Nam là nhiệm vụ cái hàng ngày, cái đời sống hằng ngày của người Việt Nam và cộng đồng Việt Nam..." [195; 86]. Trần Quốc Vượng cũng chỉ ra các biểu hiện phức tạp và đa dạng của văn hóa, những khó khăn khi nghiên cứu văn hóa bởi những chuẩn mực, khái niệm, biểu tượng, giá trị, tính không đồng nhất trong một nền văn hóa…

Và cũng do văn hóa có nội hàm rộng, bao gồm toàn bộ các lĩnh vực của đời sống con người và xã hội, Trần Nho Thìn trong Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa xác định: "Có thể nhìn văn hóa từ góc độ một hệ tôn giáo - đạo đức (văn hóa Hồi giáo, Phật giáo, Nho giáo); từ góc độ kỹ thuật (đồng nhất văn hóa với văn minh, từ góc nhìn này mà có khái niệm văn hóa nông nghiệp và văn hóa công nghiệp đô thị); lại có thể nhìn văn hóa từ góc độ dân tộc hoặc chủng tộc… Không có một định nghĩa nào có thể bao gồm hết các phương diện đa dạng của văn hóa" [172; 13].

Biện Minh Điền trong bài viết: “Biện chứng của các giá trị văn hóa từ di sản văn học dòng văn Nguyễn Huy Trường Lưu” đã viết: “Các phạm trù Giá trị

(value), Giá trị văn hóa (cultural value), Giá trị văn hóa của văn học (Cultural value of literature),... từ trừu tượng đến cụ thể, đều là những phạm trù lịch sử,

nghĩa là chúng sẽ có những biến thiên, thay đổi. Điều quan trọng cần nhận thấy ở đây là tính biện chứng với những nét bất biến và khả biến của các giá trị từ di sản quá khứ; có những giá trị nhất thời, có những giá trị xuyên thời đại, tiếp tục vận động và không ngừng được bổ sung, bồi đắp. Trong rất nhiều quan niệm, cách hiểu khác nhau về văn hóa, rất đáng chú ý là đề xuất của UNESCO: “Văn hóa nên được coi là một tập hợp của những đặc trưng về tinh thần, vật chất, trí tuệ và cảm xúc của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội, và nó bao gồm, ngoài văn học và nghệ thuật, cả lối sống, cách sống cùng nhau, hệ thống giá trị, truyền thống và niềm tin” (Tuyên bố chung của UNESCO về tính đa dạng văn hóa/ UNESCO Universal Declaration on Cultural Diversity, 2002) [35, 9].

Từ một số khái niệm nêu trên, có thể hiểu, văn hoá là một phạm trù rất rộng. Tùy theo từng hoàn cảnh, nội dung cụ thể, sẽ có một cách hiểu khác nhau về văn hóa, đúng như Toan Ánh trong công trình Văn hóa Việt Nam những nét đại cương đã nhắc lại lời của Lowel: "Tôi đã được ủy nhiệm nói về văn hóa, nhưng ở trên đời này không có gì phiêu diêu mông lung hơn là danh từ văn hóa. Người ta không thể phân tách văn hóa vì thành phần của nó vô cùng tận... Người ta không thể mô tả văn hóa vì nó muôn mặt. Muốn cô đọng ý nghĩa văn hóa thành lời lẽ thì cũng như tay không bắt không khí: ta sẽ thấy không khí ở khắp nơi và riêng trong tay chẳng nắm được gì" [6; 9].

Các quan niệm trên đây về văn hóa quả là vô cùng phong phú và đều rất đáng được chấp nhận vì tính đúng đắn và ý nghĩa tích cực của nó, luận án sẽ cố gắng vận dụng một cách hợp lý vào việc thực hiện đề tài.

1.2.2. Khái niệm “dòng họ” và “văn hóa dòng họ”

Dòng họ là tổ chức của những người cùng chung nguồn gốc (tổ tiên), cùng chung huyết thống, cùng chung nhiều đặc điểm được trao truyền từ thế hệ nay qua thế hệ khác. Dòng họ là tập hợp các thế hệ con cháu được sinh ra cùng một “ông tổ”, dòng họ có thể chỉ gồm ba đến năm đời, nhưng cũng có thể có hàng chục, vài chục đời. Coi dòng họ như một tập hợp các gia đình, Nguyễn Từ Chi cho rằng: “Họ, quá lắm, cũng chỉ có thể được xem là một dạng đặc biệt của gia đình mở rộng, mà tác dụng chính đối với các thành phần của nó (tức là các gia đình nhỏ hợp thành) là tạo ra một niềm cộng cảm dựa trên huyết thống” [18; 226].

Dòng họ đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Nguyễn Văn Huyên cho rằng: "Cơ sở chế độ xã hội là tộc hay họ, gồm một số gia đình, gia hay nhà, chi hay phái. Chi là một nhánh của họ. Chi có thể chia nhỏ thành chi phái, gia hay nhà gồm những người thân thuộc gần gụi sống cùng một nhà, và về nguyên lý, gồm chồng, vợ và con cái. Họ gồm tất cả những người xuất thân cùng một gốc: đồng tông, có một thủy tổ chung" [66; 562 - 563]. Vũ Ngọc Khánh phát triển thêm, cho rằng: "Dòng họ là một thực thể xã hội mang tính phổ quát, chung cho cả loài người và các thời đại" [78; 137]. Sách Từ điển Tiếng Việt nêu định nghĩa về dòng họ: “Toàn thể nói chung những người cùng huyết thống làm thành các thế hệ nối tiếp nhau” [188; 270]. Còn theo Từ điển bách khoa Việt Nam, thì dòng họ là: "Toàn bộ những người cùng huyết thống theo dòng bố hoặc dòng mẹ bắt nguồn từ một tổ tiên chung, không phân biệt theo trực hệ hay bàng hệ, nam hay nữ. Nói chung, theo luật hôn nhân nam nữ cùng dòng họ và cùng chung huyết thống thì không được kết hôn với nhau. Trong các xã hội khác nhau, có những người mang tên chung một họ nhưng không cùng huyết thống không bắt nguồn từ một tổ tiên chung. Theo từng dân tộc, mỗi dòng họ có những thiết chế, tập quán và nghi lễ riêng" [189; 851]. Sách Đại từ điển Tiếng Việt thì cho rằng, dòng họ là: "Những người cùng huyết thống trong các thế hệ kế tiếp nhau nói chung: cùng trong một dòng họ" [210; 546].

Phan Đại Doãn quan niệm: “Theo nghĩa rộng thì dòng họ, ngoài mối liên hệ ngang lại có mối liên hệ dọc đứng đến 9 đời (cửu tộc), ngoài ra còn có quan hệ nội ngoại, nhưng huyết thống bên nội là quan hệ quyết định nhất” [25; 27].

Coi dòng họ như một hiện tượng, một thiết chế đặc biệt của xã hội - một đối tượng nghiên cứu của văn hoá học, vận dụng “nguyên lý huyết thống”, vừa kế thừa nguyên lý “biểu tượng văn hoá”, nhiều nhà nghiên cứu văn hoá ở nước ta đã đưa ra nhiều định nghĩa về dòng họ. Phan Văn Các cho rằng: “Dòng họ là một hiện tượng lịch sử - xã hội đặc biệt mang tính phổ quát của nhân loại. Ý thức về dòng họ là dấu hiệu quan trọng đánh dấu bước phát triển của xã hội loài người từ mông muội đến văn minh” [116; 54]. Ngô Đức Thịnh lý giải: "Dòng họ là một thực thể xã hội mang tính phổ quát của loài người. Nó hình thành trên cơ sở quan hệ huyết thống của một quần thể người nhất định thể hiện qua ý niệm về dòng dõi từ một ông tổ chung. Do vậy, dòng họ là một thực

thể vừa mang tính sinh học vừa mang tính xã hội. Nó xuất hiện từ rất sớm

Một phần của tài liệu Di sản văn học của dòng văn Trường Lưu (Hà Tĩnh) từ góc nhìn văn hóa. (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(180 trang)
w