Tình hình văn bản truyện Hoa tiên

Một phần của tài liệu Di sản văn học của dòng văn Trường Lưu (Hà Tĩnh) từ góc nhìn văn hóa. (Trang 89 - 91)

6. Cấu trúc của luận án

3.2. Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự

3.2.1. Tình hình văn bản truyện Hoa tiên

Tác phẩm Hoa tiên, theo Lại Văn Hùng, được Nguyễn Huy Tự “viết vào thời trẻ. Mặc dù cốt truyện xuất phát từ một tác phẩm ở Trung Quốc, nhưng tác giả đã sáng tác thành truyện thơ với một cảm hứng trữ tình đậm đà, thể hiện khao khát tự do yêu đương và hạnh phúc lứa đôi có phần vượt ra khỏi khuôn khổ của lễ giáo. Tác giả đã đem đến cho truyện thơ nhiều trang tả cảnh, tả tình đặc sắc. Dầu đã qua một số lần nhuận chính, sửa chữa nhưng bản Nôm Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự (do Đào Duy Anh tìm thấy ở quê hương nhà thơ vào ngày 1 tháng 2 năm 1943) vẫn nguyên giá trị không thể thay thế. Vẫn giữ nguyên cốt truyện, nhưng Hoa tiên ký đã biến đổi thể văn “kể và thuật” của ca bản Trung Quốc thành lối văn “tả và gợi”; chuyển thể loại ngâm xướng thành thể

loại truyện thơ Nôm. Bản thân việc biến chuyển cả “văn” lẫn “thể” như thế đã nói lên công sức sáng tạo rất lớn của Nguyễn Huy Tự. Hệ thống nhân vật của Hoa tiên ký cũng đạt tới mức hoàn chỉnh. Một số nhân vật được khắc họa có nội tâm sâu sắc, sinh động, có sự hồn nhiên, tươi tắn và chân thật. Về mặt ngôn ngữ,

Hoa tiên ký là một bước tiến dài so với truyện Nôm trước đó. Đây là bằng chứng về khả năng biểu cảm của tiếng Việt ở khoảng giữa thế kỷ XVIII”.

Ngay sau khi Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự ra đời, Nguyễn Thiện đã tiếp cận và nhuận chính đầu tiên, thời gian diễn ra việc này trong khoảng 10 năm cuối thế kỷ XVIII, bởi đến đầu thế kỷ XIX thì tác phẩm này đã được lưu hành rồi. Hoàng Xuân Hãn đặt câu hỏi, phần nhuận sắc nhiều hay ít, nay không thể đoán được rõ ràng?.

Tuy nhiên, chỉ cần qua số lượng câu thơ giữa hai bản, sẽ thấy Nguyễn Thiện đã nhuận chính rất nhiều. Nguyễn Thiện đã bổ sung thêm đến hơn 230 câu so với bản Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự. Nguyễn Thiện cũng đã không phân chia theo các hồi như bản gốc, ngôn ngữ thì được tinh lọc, sinh động uyển chuyển, kết cấu thành một tác phẩm hoàn chỉnh, gần với hiện đại hơn. Vì vậy, nếu nói Nguyễn Huy Tự là có công đầu trong việc khởi thảo, sáng tác nên Hoa tiên thì Nguyễn Thiện chính là người hoàn thiện, nâng tầm Hoa tiên.

Tiếp theo Nguyễn Thiện là Vũ Đãi Vấn cũng tham gia nhuận sắc Hoa tiên truyện. Trong bài tựa Hoa tiên ký viết năm 1829, Vũ Đãi Vấn ghi rõ: “Nguyễn Công ở tổng Lai Thạch huyện La Sơn đầu tiên diễn làm quốc âm và Nguyễn Thiện làng Tiên Điền theo đó mà nhuận sắc” [157; 5]. Do chưa thỏa mãn với công phu của người trước nên Vũ Đãi Vấn đã "không quản mình thiển lậu mà đem thêm bớt, thay đổi, sửa chữa, đầy năm mới xong" [157; 5]. Bản nhuận sắc này của Vũ Đãi Vấn dài 1860 câu.

Sau hai lần nhuận sắc của Nguyễn Thiện và Vũ Đãi Vấn, Hoa tiên còn được Cao Bá Quát (1808 - 1855) sửa chữa thêm ít nhiều và đề tựa vào năm 1843. Cao Bá Quát cho rằng: “Đến như cái công làm truyện, ta lại được thấy được

Hoa tiên Kim Vân Kiều... nhờ có Hoa tiên mà khiến cho sau đó Kim Vân Kiều sinh ra được vậy" [209; 137].

Sau khi Hoa tiên ra đời, Nguyễn Thiện là người chỉ thuần túy nhuận sắc mà không dành một lời bình nào. Lần lượt sau đó, Vũ Đãi Vấn, Cao Bá Quát,

Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu, Dương Quảng Hàm... trong quá trình nhuận sắc, nghiên cứu đã có những lời bình, lời giới thiệu xác đáng. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Hoa tiên là một thiên tình sử đẹp của đôi trai tài gái sắc Lương Phương Châu và Dương Dao Tiên. Cao Bá Quát đã viết trong lời tựa: “Câu chuyện bắt đầu từ khi gặp gỡ lứa đôi, tây riêng ân ái, mà đạt đến đạo cha con, nghĩa vua tôi, ý nhã thân thiết bạn bè, tình thân yêu mến anh em, lớn thì việc triều đình, quân cơ, lễ khen trung khuyên tiết, nhỏ thì nhân tình thế thái, những điều tinh vi về phong khí cỏ cây; văn thì lạ, nghĩa thì chính, nói về lý thì rạch ròi mà không vướng mắc, nói về đời thì biến hóa mà vẫn giữ thường...” [157; 10]. Đặng Thanh Lê rất có cơ sở khi viết: "... Hoa tiên chủ yếu là một ca khúc tình yêu. Hơn thế nữa, là bản dạo đầu trong hành khúc trái tim của truyện thơ Nôm thời kỳ trung đại, là hiện tượng mở đầu cho bước chuyển hướng loại hình văn học trung đại" [209; 217].

Một thời, việc nghiên cứu cũng như phổ biến Hoa tiên chưa nhiều, thậm chí có khi bị lãng quên. Hoài Thanh từng nhận thấy: “Đối với quần chúng đông đảo, Hoa tiên ít được biết. Có lẽ một phần vì lời văn không đại chúng. Nhưng chưa chắc đó đã là lý do chính” [162; 634]. Thái Kim Đỉnh thì cho rằng: “Nguyên bản Hoa Tiên ký của Nguyễn Huy Tự thì từ lâu đã không được phổ biến rộng rãi, có thể là do tác gia không cho phép vì ông coi đây là “sự sai lầm” của mình. Lúc đã cao tuổi, ông thường bảo con là Nguyễn Huy Vinh rằng: “Ta xưa từng đọc lầm, hay để lại di loạn tính tình, anh với con cháu thì chớ, thì chớ!” [158; 12]. Đây cũng là lý do để Luận án tập trung nghiên cứu sâu sắc hơn.

Một phần của tài liệu Di sản văn học của dòng văn Trường Lưu (Hà Tĩnh) từ góc nhìn văn hóa. (Trang 89 - 91)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(180 trang)
w