6. Cấu trúc của luận án
2.1. hình Sự thành dòng văn Trường Lưu
2.1.2. Bối cảnh hình thành dòng văn Trường Lưu
2.1.2.1. Bối cảnh lịch sử, xã hội
Cũng như bất kỳ lưu phái, dòng văn, nhóm văn nào khác, dòng văn Trường Lưu cũng không tách rời khỏi bối cảnh lịch sử xã hội mà nó hình thành, tồn tại và phát triển. Nhìn lại lịch sử có thể thấy, vùng đất Hà Tĩnh từ xưa đến nay luôn đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử dân tộc. Thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang, Hà Tĩnh thuộc bộ Cửu Đức. Thời đó Hà Tĩnh gồm các kẻ ở đồng bằng, động, sách, nguồn ở miền núi, vạn ở miền biển và ven sông. Đó là những vùng quê được hình thành tự nhiên, không phải là đơn vị hành chính, đây cũng là một trong những thực trạng của xã hội bộ tộc trước khi người phương Bắc xâm chiếm.
Nghìn năm Bắc thuộc và các triều đại sau đó, các tổ chức địa giới hành chính cùng tên gọi luôn thay đổi. Năm 598, nhà Tùy chinh phục nước Vạn Xuân và đổi tên nhiều châu, quận, lúc đó vùng Nghệ Tĩnh có tên là Hoan Châu. Đến năm 1036, nhà Lý đổi Hoan Châu thành châu Nghệ An.
Năm 1831, dưới triều nhà Nguyễn, vua Minh Mạng tách châu Nghệ An thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tỉnh Hà Tĩnh gồm 2 phủ, 6 huyện. Phủ Đức Thọ có các huyện La Sơn (nay là Đức Thọ), Thiên Lộc (nay là Can Lộc), Hương Sơn, Nghi Xuân; phủ Hà Hoa gồm huyện Thạch Hà và Kỳ Hoa (nay thành 2 huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh). Năm 1852, vua Tự Đức bỏ tỉnh Hà Tĩnh, thành lập đạo Hà Tĩnh gồm các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Năm 1874, vua Tự Đức bỏ đạo Hà Tĩnh lập lại tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1976, Nghệ An và Hà Tĩnh nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Tháng 9 năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh tách ra thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Mảnh đất Hoan Châu, Hoan Diễn đã chứng kiến những cuộc phản kháng quật cường, đứng lên chống lại các thế lực đô hộ phương Bắc của nhân dân ta mà tiêu biểu là khởi nghĩa Mai Thúc Loan, chống ách đô hộ nhà Đường trong những năm đầu của thế kỷ thứ VIII. Mai Thúc Loan quê gốc ở huyện Thiên Lộc, nay là xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, về sau theo mẹ đến ở tại huyện Nam Đàn (Nghệ An), làm nghề đốn củi kiếm sống. Năm 722, Mai Thúc Loan đã tập hợp
dân phu bản địa, liên kết với nhân dân, quân lính các vương quốc Chămpa, Chân Lạp, Kim Lân cùng với các châu quanh vùng nổi lên chiếm lấy châu quận, tự xưng là Hắc Đế, xây thành đắp lũy và lấy vùng Sa Nam (Nam Đàn - Nghệ An) hiểm yếu để chống giặc. Cuộc khởi nghĩa này tuy chỉ tồn tại khoảng gần 30 năm ngắn ngủi nhưng cũng kịp để lại nhiều dấu ấn trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Hiện nay, tại xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, vẫn còn dấu tích là hai cây đa cổ hàng ngàn năm tuổi, có đền thờ vua Mai trầm mặc cùng thời gian.
Cuối thế kỷ XIV, nhà Minh, dưới triều Thành Tổ (1402 - 1424) đã mượn cớ giúp nhà Trần lúc này đang suy yếu, đưa quân sang xâm lược nước ta, đổi An Nam thành quận Giao Chỉ, đặt 15 phủ để dễ bề cai trị. Tại vùng đất Chi La Yên Hồ ngày nay vẫn còn lưu lại khá nhiều chứng tích lịch sử của khởi nghĩa nhà hậu Trần như lũy đất, hào thành, các địa danh như Cồn Án, Bến Xưởng, Cồn Kho, di tích Đền Nghĩa Vương Nguyễn Biểu…
Đầu thế kỷ XV, sau khi dựng cờ khởi nghĩa tại Lũng Nhai và có hơn 6 năm hoạt động trên địa bàn Thanh Hóa, trải qua 15 trận đánh lớn nhỏ, nghĩa quân Lam Sơn đã trưởng thành về mọi mặt, cuối năm 1424, nghe theo kế sách của tướng Nguyễn Chích, Lê Lợi đã kéo đại quân vào Nghệ An, dựa vào địa thế hiểm trở của núi sông nơi đây để chống giặc, chọn vùng đất Đỗ Gia, Hương Sơn làm căn cứ đóng quân, cho xây thành Lục Niên để đặt làm chỉ huy sở cuộc “Kháng chiến sáu năm” trên đất An - Tĩnh. Các vị tướng tài ba người Hà Tĩnh như Nguyễn Xí, Nguyễn Biên, Nguyễn Tuấn Thiện, Nguyễn Lỗi, Đinh Lễ… đã góp công lớn trong việc giúp Lê Lợi giành thắng lợi toàn cục, lập nên vương triều nhà Lê sơ năm 1428 hào hùng trong lịch sử dân tộc. Dấu tích thành Lục Niên hiện còn khá nhiều trên vùng đất Hương Sơn. Tại thành Lục Niên, sau này La Sơn Nguyễn Thiếp cũng đã đến ẩn cư, mở lớp dạy học, vì thế nên có tên là trường Lục Niên.
Đến đầu thế kỷ XVI, nước Đại Việt lâm vào khủng hoảng, vương triều Lê sơ ngày càng suy yếu, các vua kế vị nhau vừa bất tài, vừa thiếu đức, chỉ lo ăn chơi sa đọa, tranh giành chém, giết lẫn nhau, không chăm lo sản xuất, đời sống người dân ngày càng cùng cực, khởi nghĩa, nổi dậy nổ ra liên tục ở khắp mọi nơi. Trong hoàn cảnh đó, tháng 6 năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung phế bỏ nhà Lê lập ra nhà Mạc. Nhà Mạc ra đời vấp phải sự chống đối của một số thế lực, một bộ
phận cựu thần nhà Lê mượn ngọn cờ “phù Lê diệt Mạc”, làm nảy sinh cục diện Nam - Bắc triều kéo dài hơn 60 năm trong lịch sử dân tộc. Sách Lịch sử Việt Nam cho biết: “Trong khoảng 12 năm, từ năm 1570 đến năm 1581, triều Mạc tổ chức nhiều đợt tấn công vào Thanh Hóa, Nghệ An đến Thuận Hóa. Miền hạ lưu sông Mã, sông Cả và ven biển từ Thanh Hoa trở vào bị tàn phá nghiêm trọng” [204; 519]. Trước đó, sau khi cho người mật hỏi và nhận được lời khuyên từ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (Một dải núi ngang có thể dung thân muôn đời được), vào tháng Mười năm Mậu Ngọ (11- 1558), Nguyễn Hoàng lãnh “cờ tiết làm trấn thủ” từ vua Lê, đem theo nhiều anh em, bà con quê ở Tống Sơn (Thanh Hoá), cùng một số quan lại cũ của cha Nguyễn Kim và một số nghĩa dũng người Thanh, Nghệ hành quân vào trấn thủ xứ Thuận Hóa, bắt tay gây dựng nên một cơ đồ riêng cho gia tộc mình.
Năm 1613, Nguyễn Hoàng mất. Trước khi qua đời, ông đã kịp dặn lại con trai: “Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời” [146; 41]. Nguyễn Phúc Nguyên lên thay cha, tiếp tục công việc xây dựng củng cố cơ sở cát cứ, từng bước cắt đứt quan hệ lệ thuộc, mà đỉnh điểm là tự đặt ra quy định về chức vụ quan lại ở phủ, huyện, không nộp thuế hàng năm cho họ Trịnh. Quan hệ giữa hai bên ngày càng căng thẳng. “Năm 1620 bắt đầu bùng nổ cuộc tấn công của quân Trịnh, mở đầu thời kỳ nội chiến kéo dài. Hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn đã chia cắt đất nước và xô đẩy nhân dân cả nước vào cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” [146; 42]. Lúc này, dãy Hoành Sơn lại “bất đắc dĩ” trở thành địa giới phân chia đất nước thành hai nửa: Đàng Ngoài và Đàng Trong. Trong suốt những năm binh đao khói lửa, mảnh đất Hà Tĩnh là nơi chứng kiến nhiều cuộc giao tranh ác liệt, dai dẳng, hao binh tốn của từ cả hai phía, điển hình nhất là cuộc chiến diễn ra từ năm 1655 đến năm 1660. Các địa danh như Hoành Sơn, Hà Trung, Kỳ La, Lạc Xuyên, Nam Giới, Hội Thống, sông La, sông Lam… đến nay vẫn còn lưu nhiều dấu tích của cuộc chiến này. Sách Việt sử tân biên của Phạm Văn Sơn thuật lại: “Tháng giêng năm Bính Thân (1656), quân Nguyễn Bắc tiến đuổi được quân Trịnh tới sông
Tam Chế thì bị một lực lượng Bắc Hà đánh lui… Tháng hai, Hữu Dật tiến đến núi Hồng Lĩnh (quân kéo từ Bắc xuống Nam qua hai huyện Nghi Xuân và Thiên Lộc) gặp quân Võ Văn Thiêm đang cho thủy quân đổ bộ. Hai bên giáp chiến… Vào tháng 5, Trịnh - Nguyễn lại khởi chiến, Trịnh Toàn mang quân đến Thạch Hà, Đào Quang Nhiêu (trấn thủ cũ của Nghệ An) và Dương Hồ đóng ở Đại Nại, Hương Bộc ở ngoài thành (thành Hà Tĩnh bây giờ) với bộ binh. Quận công Thung, Lê Sĩ Hậu, Bùi Sĩ Lương đem thủy quân đóng ở cửa Nam Giới, cửa Sót. Võ Văn Thiêm đóng ở Đơn Giai (cửa sông Vinh)… Thủy quân của Nguyễn do Dương Trí kéo đến đánh cửa Nam Giới do Quận công Thung giữ… Tại đây một trận thủy chiến đã diễn ra: Quận công Thung bị đánh rất nguy, được Trịnh Toàn cho Quận công Lý đến cứu viện… Thủy quân Trịnh vừa bị thủy quân Nguyễn tấn công mà trên bộ đại bác của Nguyễn cũng nã xuống… Tại Đại Nại, quân Bắc cùng quân Nam cũng giao tranh kịch liệt. Quân Nguyễn cũng thua và mất một số lớn binh sĩ, voi ngựa và khí giới. Tướng Nguyễn là Nguyễn Cửu Kiều bị trọng thương ở trận này rồi chết…” [143; 148-149].
Hậu quả của cuộc chiến Đàng Trong - Đàng Ngoài cộng với sự bất ổn về chính trị, sự phân chia, tranh quyền đoạt lợi giữa các thế lực nắm quyền đã làm cho cuộc sống dân tình cực khổ triền miên. Ngay trong thời kỳ được coi là thịnh đạt của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu (nửa sau thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX), vùng Nghệ An cũng liên tục phải chịu cảnh mất mùa, đói kém. Năm 1768: "Đại hạn, dân Nghệ An đói, các lộ Tây, Nam, Bắc lúa tổn hại nhiều. Chúa triệu các đại thần bàn thi hành chính sách cứu đói…" [202; 346]. Năm 1777: "Xứ Nghệ An động đất. Lúc bấy giờ Nghệ An mấy năm liền đói khát, xác người chết đói nằm liền nhau ngoài đường…" [202; 462]. Tình hình cấp bách đến nỗi Nguyễn Khản phải trình lên Chúa Trịnh bốn điều để cứu đói cho dân Nghệ An: "Một là dời dân đói đến Thanh Hoa khai khẩn ruộng hoang. Hai là mở cửa biển bắt thuyền buôn vận tải. Ba là mở đường châu Quy Hợp cho dân buốn bán với Trấn Ninh. Bốn là cho người Tàu chở gạo đến đổi chác và mở trường đúc tiền ở Vĩnh Dinh, đổi tiền cổ của dân gian" [202; 456].
Thế kỷ XVIII, tỉnh Hà Tĩnh cũng là địa bàn chiến lược của Nguyễn Huệ khi hành quân ra Bắc “phù Lê diệt Trịnh”, đánh đuổi bè lũ phong kiến xâm lược phương Bắc, nhất thống đất nước, lập nên vương triều nhà Nguyễn Tây Sơn.
Đóng góp trong thành công chung này, có rất nhiều mưu sĩ, tướng lĩnh tài ba người Hà Tĩnh như Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Dương Văn Tào, Hồ Phi Chấn…
Điểm qua một vài đặc điểm về lịch sử - xã hội như trên để thấy, dòng văn Trường Lưu đã được hình thành, nuôi dưỡng và phát triển trong bối cảnh đất nước có nhiều biến động. Hết ngoại xâm rồi đến nội chiến triền miên, nhân dân không mấy khi được yên ổn để làm ăn, vùng đất Trường Lưu cũng như các địa phương khác, hẳn cũng phải chịu nhiều nạn binh đao khói lửa. Bối cảnh lịch sử - xã hội đất nước, đặc biệt là dưới thời Lê trung hưng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển dòng văn Nguyễn Huy Trường Lưu.
2.1.2.2. Bối cảnh văn hóa
Là một dòng họ lớn có nhiều đóng góp cho đất nước trên các phương diện văn hóa, giáo dục khoa cử, ngoại giao, quân sự..., từ lâu, dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu. Nhìn chung, hầu hết đều nhận định rằng, vùng văn hóa xứ Nghệ và không gian văn hóa Trường Lưu là môi trường trực tiếp tác động đến sự hình thành và phát triển của dòng văn Trường Lưu.
Trước hết nói về xứ Nghệ, đây "là một vùng đất do điều kiện hoàn cảnh đặc biệt mà có những sắc thái riêng. Những sắc thái này sẽ tạo nên cái độc đáo của xứ Nghệ, đồng thời cũng góp thêm phần vào cái tươi đẹp chung của giang sơn Tổ quốc [16; 13]. Một đặc điểm chung dễ nhận thấy nhất của vùng đất Nghệ Tĩnh là "núi non trùng điệp, nhiều không thể kể hết được"; Đại Nam nhất thống chí chép: "Địa thế rộng rãi, chính là thế đất xung yếu giữa Nam và Bắc. Núi cao thì có Hồng Lĩnh, Kim Nhan là trấn mạnh một phương; sông lớn có sông Lam, sông La quanh co trăm dặm, phong thổ trung hậu, núi cao sông sâu, thực là một vùng có địa thế hiểm yếu của Hữu Kỳ" [140; 166].
Là một vùng đất có núi sông trùng điệp, đan xen, có biển cả bao bọc, khí hậu khắc nghiệt... điều này vừa tạo nên nét đẹp cho vùng đất xứ Nghệ nhưng đồng thời cũng tạo cho con người nơi đây đức tính rắn rỏi, gân guốc, giỏi chịu đựng. Sách Lịch triều hiến chương loại chí viết: "Núi cao sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh tiếng hơn cả ở Nam Châu. Người thì thuần hòa mà chăm học, sản vật thì nhiều thức quý lạ. Những vị thần
ở núi, ở biển phần nhiều có tiếng linh thiêng. Được khí tốt của sông núi, nên sinh ra nhiều bậc danh hiền..." [19; 107].
Trong rất nhiều ghi chép của các sử gia trước đây, đức tính cần cù, chịu khó, tiết kiệm, trung thành, ham học, phong tục thuần hậu... của người dân xứ Nghệ luôn được coi như một đặc điểm nổi bật. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí
chép: "Học trò chăm việc văn chương, dân chuyên cần nghề canh cửi, tục chuộng kiệm ước, hay tin quỷ thần" [57; 464]. Bùi Dương Lịch khái quát: "Người Nghệ An (bao gồm cả Hà Tĩnh hiện nay) khí chất chất phác đôn hậu, tính tình từ tốn chậm chạp không sắc sảo, cho nên làm việc gì cũng giữ cẩn thận, bền vững ít khi xao động bởi những lợi hại trước mắt. Song do đất có mạch từ xa kéo đến mỗi nơi một khác, mà tính người bẩm thụ khí đó không giống nhau. Vùng có mạch đất từ Lâm Ấp đến, núi đẹp, sông thêm mát, cho nên người ở đây phần nhiều tính hiền lành” [93; 211]…; “xứ này tuy đất xấu dân nghèo, nhưng dân đều vui vẻ công việc sẵn sàng vì nước, có lòng tôn quân thân thượng và biết lễ nghĩa liêm sỉ. Phong tục thuần hậu chưa gián đoạn bao giờ. Người Nghệ An đất xấu dân nghèo thua xa tứ trấn nhưng phong tục sở dĩ thuần hậu chính là vì thế. Do đất xấu dân nghèo nên chịu khổ nhẫn nại, cần cù kiệm ước đã quen nề nếp. Kẻ sĩ không chuộng hoa phấn, yên cảnh bần hàn. Người các trấn thường cười là hủ lậu, người dân không chịu nhìn điều nhỏ mọn, tâm ở yên, bởi sự tiết kiệm, người các trấn khinh là keo kiệt" [93; 223]. Sách Đại Nam nhất thống chí
chép kỹ hơn về đặc điểm, phong tục con người Hà Tĩnh: "Đại để, học trò thì chăm nghề học, biết trọng lễ giáo, nhà nông thì chăm cày cấy sốt sắng việc công, vì thế người Minh thường khen là thuần phác, ham học. Người buôn bán, thợ thủ công đều siêng năng với nghề của mình. Đồ dùng thì không thích xa hoa, gả cưới không kể đến tiền bạc. Việc tang tế nhất nhất theo lễ, chốn đình làng thì quý tước vị, trọng tuổi cao, nhất là đối với văn khoa lại càng trọng lắm… Xem đó đủ biết phong tục thế nào" [140; 711].
Sách Đồng Khánh dư địa chí ghi chép rất kỹ về phong tục, tập quán, nét sinh hoạt văn hóa của phủ Đức Thọ (xã Kim Song Trường thời Đồng Khánh thuộc phủ Đức Thọ): "Trong phủ hạt nhiều lúa hè, ít lúa thu. Đất đai khô cằn, trồng nhiều ngô, khoai, đậu để làm lương thực..."; "Phong tục trong phủ hạt chuộng chất phác, tiết kiệm. Kẻ sĩ chăm chỉ học hành. Dân chúng cần cù lo việc
nông trang. Ngày tết Nguyên đán cúng tổ tiên, có tổng 1 ngày, có tổng 3 ngày, thân thích bè bạn đi lại chúc mừng năm mới đều có khoản đãi cơm rượu. Tết Đoan ngọ (mồng 5 tháng năm), tết Trung nguyên (rằm tháng bảy) các nhà thường dọn cỗ bàn cúng gia tiên. Việc thờ thần ở các tổng xã thì hàng năm vào tháng giêng có lễ tế đầu xuân, tháng sáu tế kỳ phúc (cầu phúc), đều có xôi thịt kính tế" [203; 1256].
Là nơi đầu sóng ngọn gió ở phương Nam của Tổ quốc xa xưa, Hà Tĩnh từng là địa bàn chịu đựng những cuộc chiến tranh phong kiến liên miên, đồng