Nguyễn thị gia tàng

Một phần của tài liệu Di sản văn học của dòng văn Trường Lưu (Hà Tĩnh) từ góc nhìn văn hóa. (Trang 117 - 120)

6. Cấu trúc của luận án

3.5. Nguyễn thị gia tàng

3.5.1. Tình hình văn bản Nguyễn thị gia tàng

Cũng như Mộc bản Trường Lưu (Mộc bản Trường học Phúc Giang), nói đến dòng văn Trường Lưu không thể bỏ qua Nguyễn thị gia tàng, bởi đây là một tác phẩm khá độc đáo, tập hợp tác phẩm của nhiều loại hình sáng tác của các tác giả dòng văn Trường Lưu, chứa đựng nhiều giá trị văn học, văn hóa của dòng văn, dòng họ này.

Trong quá trình thực hiện luận án, tại thư viện Viện Sử học, chúng tôi đã phát hiện thêm bản sách Nguyễn thị gia tàng (gọi là bản C). Vậy là, Nguyễn thị gia tàng có 3 bản (bản A là sách gốc của Nguyễn Huy Vinh, bản B là bản chép lại, bản C chép tay, lưu lại ở Thư viện Viện Sử học). Hai bản A và B do dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu lưu giữ.

Năm 2019, Nguyễn Thanh Tùng, Lại Văn Hùng và Lê Hữu Nhiệm đã tổ chức phiên âm, dịch nghĩa, chú thích và in thành sách Nguyễn thị gia tàng (bản A). Nội dung sách gồm:

- 2 bài bi kí đề danh Tiến sĩ Khoa Mậu Thìn 1748 (khoa thi Nguyễn Huy Oánh đỗ Đình nguyên Thám hoa) và Khoa Nhâm Thìn 1772 (khoa thi Nguyễn Huy Quýnh đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân).

- 6 bài trướng mừng: 1, Trướng mừng Nguyễn Công Ban tiến triều do Nguyễn Công Phác thay Văn hội huyện La Sơn soạn; 2, Trướng của các học trò mừng Nguyễn Huy Oánh được khởi phục; 3, Trướng của gia đình mừng thọ Nguyễn Huy Oánh 70 tuổi do Nguyễn Huy Quýnh soạn; 4, Trướng của nhà thông gia Nguyễn Nghiễm mừng thọ thân mẫu Nguyễn Huy Oánh là bà Phan Thị Trừu 80 tuổi; 5, Trướng của gia đình mừng thọ song thân (Nguyễn Huy Oánh và Nguyễn Thị Khoát) do Nguyễn Huy Tự soạn; 6, Trướng mừng Nguyễn Huy Quýnh thi đỗ Tiến sĩ do Phạm Nguyễn Du soạn.

- 2 bài trần thuật: 1, Trần thuật về việc gia môn vinh thịnh mừng Nguyễn Huy Oánh đỗ Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa) do Đặng Trần Côn soạn; 2, Trần thuật về việc các quan triều đường chúc mừng Nguyễn Huy Oánh về trí sĩ (trong phần này có chép 2 bài thơ của Nguyễn Huy Oánh và 76 bài thơ họa của các quan trong triều).

- 2 bài hành trạng: 1, Hành trạng Nguyễn Huy Oánh do Nguyễn Huy Vinh soạn; 2, Hành trạng Nguyễn Huy Quýnh do Nguyễn Huy Hào soạn.

- 2 gia truyện: 1, Gia truyện về tiên quân Đốc đồng (Nguyễn Huy Tự) và Gia truyện Liệt phu nhân (Nguyễn Thị Bành) do Nguyễn Huy Vinh soạn.

- 2 bài thơ đặc tứ của chúa Trịnh (1 bài Hán văn và 1 bài Quốc âm).

- 1 bài thơ hội tiễn và 12 bài tặng riêng của các quan đồng triều tặng Nguyễn Công Ban về trí sĩ; 1 bài của cụ Công Ban họa lại đáp tạ; 1 lời đề tặng của quan Tổng đốc Lưỡng Giang (Trung Quốc) trong dịp Nguyễn Huy Oánh đi sứ;

- 8 câu đối viết trên thái kì (cờ thêu) khi Nguyễn Huy Oánh về trí sĩ; 1 bài thơ Nôm của người con dâu là Nguyễn Thị Đài mừng thọ bà Thám (Nguyễn Thị Khoát); 1 bài thơ và 1 bài phú của Nguyễn Huy Vinh.

Qua thống kê trên có thể thấy, đây thực sự là một nguồn văn liệu phong phú được sáng tác bằng nhiều hình thức, tích trữ qua nhiều thời gian, thế hệ.

Mỗi loại hình sáng tác đều hàm chứa những giá trị nhận thức, phản ánh (về văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán, hiện thực xã hội)... Nguyễn thị gia tàng có thể được xem như một bảo tàng thành văn thu nhỏ của dòng văn Trường Lưu.

3.5.2. Nội dung và giá trị văn hóa - văn học của Nguyễn thị gia tàng

Cùng với những giá trị to lớn về mặt sử liệu, Nguyễn thị gia tàng còn là một di sản văn học đáng quý. Ngoài 96 bài thơ Đường luật (15 bài tiễn mừng đi sứ, 80 bài tiễn mừng trí sĩ (2 bài về Nguyễn Công Ban, 78 bài về Nguyễn Huy Oánh), 1 bài mừng thọ. Các trướng mừng như những tác phẩm nghệ thuật nhỏ nhắn, xinh xắn với nghệ thuật đối, nghệ thuật dụng điển tinh tế.

Nguyễn thị gia tàng là một tập sách chữ Hán ghi chép, tổng hợp tư liệu về những nhân vật quan trọng trong dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu. Theo đánh giá của Lê Hữu Nhiệm thì “đây là một tập hợp các tài liệu văn bản của một gia đình lớn trong họ, khởi đầu từ bức trướng mừng cụ Thái Sơn nam và dừng lại ở các gia truyện của Nguyễn Huy Tự và phu nhân. Trong số tư liệu đó, phần liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Huy Oánh chiếm một tỷ trọng lớn. Các văn bản trên gồm đủ các thể loại trướng, câu đối, thơ, đề từ được sử dụng trong các dịp chúc mừng thi đỗ, tiến triều, đi sứ, về trí sĩ, chúc thọ người thân trong gia đình và cuối cùng là các bài văn xuôi, trần thuật hành trạng của các nhân vật liên hệ. Những nội dung và ý nghĩa các tài liệu ấy rất phong phú, chẳng những cần cho con cháu dòng họ muốn nhìn lại quá khứ để hiểu biết truyền thống tốt đẹp của tổ tiên mà còn có thể giúp cho những ai muốn nghiên cứu tìm hiểu lịch sử nhân văn, văn hóa của một vùng quê đã từng nổi tiếng là văn vật nhất nhì trên dải đất Hồng Lam” [193; 10].

Lại Văn Hùng khẳng định: “Giá trị của Nguyễn thị gia tàng là ở chỗ, nó văn bản hóa được những chứng tích văn hóa vật chất để lưu giữ và truyền lại cho đời sau. Thực tế, khi mà giờ đây hàng chục những bức trướng lụa, câu đối, đại tự gỗ, các bằng sắc đang mủn mục, mất mát và bị hủy hoại nghiêm trọng thì việc chúng được sưu tập, lưu giữ lại với một ý thức văn hóa cao đã phần nào cứu vãn được tình trạng đó. Một phần giá trị nữa của Nguyễn thị gia tàng là lưu giữ được gần 100 tác phẩm thơ của các danh sĩ đương thời mừng tặng, họa đáp với Nguyễn Huy Oánh khi ông được cử đi sứ và về trí sĩ. Đây có thể coi là một thi tập và nếu Nguyễn Huy Vinh không kịp ghi lại, thì bây giờ những người hậu thế

làm sao mà biết được sự có mặt của thi tập ấy, mà nếu biết thì cũng chắc khó tìm thấy ở đâu. Cũng vậy, nếu Nguyễn Huy Vinh không bỏ công biên chép lại hành trạng của những tác gia nhân vật kể trên, thì người nghiên cứu về sau khi nghiên cứu về những tác gia, nhân vật ấy biết lấy gì để nói!” [193; 11].

Đồng quan điểm với hai nhận xét trên, theo chúng tôi, Nguyễn thị gia tàng ngoài những giá trị rất lớn về mặt thông tin, sử liệu, thì đây còn là một tập sách chứa đựng nhiều giá trị văn chương rất đáng ghi nhận, nghiên cứu. Việc sử dụng nhuần nhuyễn thể văn biền ngẫu, vận dụng điển tích, điển cố, tầm chương trích cú... trong các văn bản đạt đến trình độ nghệ thuật khá cao, đem lại nhiều hứng thú cho người đọc sau này.

Qua Nguyễn thị gia tàng, có thể thấy ý thức, truyền thống lưu giữ, trao truyền di sản văn hóa của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu là rất cao, rất đáng trân trọng. Trong khoảng vài chục năm gần đây, Nguyễn Huy Mỹ - hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu là người đã bỏ nhiều công sức, tích cực sưu tầm, biên dịch, biên soạn, in ấn, xuất bản lại các tác phẩm của dòng văn Trường Lưu. Nhờ những nỗ lực này mà rất nhiều tác phẩm của dòng văn Trường Lưu được giới nghiên cứu trong và ngoài nước biết đến. Đây cũng biểu hiện của sự nối tiếp truyền thống tốt đẹp của dòng họ, dòng văn Nguyễn Huy Trường Lưu từ xưa đến nay.

Một phần của tài liệu Di sản văn học của dòng văn Trường Lưu (Hà Tĩnh) từ góc nhìn văn hóa. (Trang 117 - 120)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(180 trang)
w