Những khó khăn, vướng mắc khi xử lý tài sản thế chấp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo đảm thực hiện hợp đồng tín dụng ngân hàng bằng thế chấp tài sản theo pháp luật việt nam hiện hành (Trang 73 - 78)

2.2. Đánh giá những hạn chế, khó khăn khi áp dụng pháp luật về

2.2.4. Những khó khăn, vướng mắc khi xử lý tài sản thế chấp

Thứ nhất, đối với trường hợp các TCTD lựa chọn phương thức thu giữ

tài sản để xử lý tài sản thế chấp, trước khi tiến hành thu giữ tài sản, Bên nhận bảo đảm có trách nhiệm thông báo cho Bên bảo đảm, Bên đang giữ tài sản bảo đảm và chính quyền địa phương và phải công khai thông tin về việc thu giữ tài sản bảo đảm. Tuy nhiên quá trình thu giữ tài sản bảo đảm còn gặp

nhiều khó khăn do Bên bảo đảm, Bên nắm giữ tài sản bảo đảm thường chống đối bằng nhiều cách, ví dụ như khóa trái cửa, thuê người đến trông nhà nên các buổi thu giữ này thường trở nên căng thẳng và xảy ra xô xát, Ngân hàng có khi phải cưỡng chế người dân để thực hiện quyền của mình. Về phía chính quyền địa phương, công an địa phương, tuy Nghị quyết 42 đã quy định các cơ quan này có trách nhiệm phối hợp với các TCTD và phải cử người giữ gìn an ninh trật tự trong buổi thu giữ tài sản, phải ký Biên bản thu giữ, nhưng Nghị quyết 42 lại không quy định chế tài xử lý các cơ quan hữu quan ở địa phương khi họ không thực hiện theo đúng trách nhiệm của mình, trong khi các cơ quan này thường có xu hướng muốn giữ yên ổn trên địa bàn và nể nang cư dân trên địa bàn. Điều đó dẫn đến việc các cơ quan địa phương có thể viện cớ đi họp, thiếu người, … và từ chối hỗ trợ các TCTD trong việc thu giữ tài sản. Hơn nữa, khi việc thu giữ tài sản xảy ra căng thẳng thì chính quyền địa phương có thể sẽ không ký Biên bản thu giữ với lý do tài sản đang tranh chấp và sẽ yêu cầu Ngân hàng hoãn buổi thu giữ lại. Ngoài ra, Bên bảo đảm, Bên đang nắm giữ tài sản còn có thể gây khó khăn cho Ngân hàng bằng cách tạo tranh chấp đối với tài sản và khởi kiện ra Tòa án. Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc Ngân hàng VIB trong một bài phỏng vấn cung phải thừa nhận

Mặc dù hầu hết các phường/xã hỗ trợ, phối hợp với ngân hàng trong việc thu giữ tài sản, nhưng vẫn có một số địa phương chưa hiểu rõ trách nhiệm phối hợp với tổ chức tín dụng, do đó không hỗ trợ, thậm chí ngăn cản việc thu giữ tài sản cho dù Ngân hàng đã thực hiện đầy đủ thủ tục thu giữ theo quy định pháp luật [51].

Thứ hai, khi các TCTD lựa chọn con đường khởi kiện ra Tòa án thì theo

pháp luật tố tụng dân sự, khi giải quyết vụ án, Tòa án phải tống đạt đầy đủ các văn bản tố tụng (Thông báo thụ lý vụ án, Thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, Quyết định đưa vụ án ra xét

xử, …) cho đầy đủ các đương sự (Nguyên đơn, Bị đơn, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) trong vụ án [39]. Vì vậy, khi các đương sự chống đối thì Tòa án sẽ phải tiến hành xác minh, tống đạt, niêm yết rất nhiều lần, mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết vụ án có thể phát sinh thêm Người tham gia tố tụng, ví dụ như Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khiến vụ án càng trở nên phức tạp. Cuối cùng, sau khi có được Bản án hoặc Quyết định của Tòa án, các TCTD chưa thể đòi được nợ hoặc được phát mại tài sản bảo đảm ngay mà còn phải tiếp tục theo đuổi bước tiếp theo tại Cơ quan Thi hành án. Trên thực tế, công tác Thi hành án dân sự luôn diễn ra rất chậm chạp, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm của các Ngân hàng. Ví dụ như tại tỉnh Gia Lai, ông Đào Trọng Giáp, Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Gia Lai cũng phải thừa nhận rằng:

Năm 2018, số vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng phải giải quyết là 422 việc, tương ứng với số tiền là 500.657.707 ngàn đồng (chiếm 3% về việc và 45% về tiền so với tổng số việc và tiền phải giải quyết). Kết quả: trong đó đã giải quyết được 61 việc thu được số tiền là 75.753.319 ngàn đồng, đạt tỷ lệ 14,45% về việc và 15,13% về tiền. Như vậy, kết quả thi hành án xong về án tín dụng, ngân hàng năm 2018 đạt được là rất thấp [49].

Thứ ba, khó khăn khi định giá tài sản bảo đảm. Khoản 2, Điều 306 đặt

ra yêu cầu “việc định giá tài sản bảo đảm phải bảo đảm khách quan, phù hợp với giá thị trường”. Đây là một yêu cầu phù hợp nhằm tránh việc tài sản bảo đảm được định giá dưới mức giá thị trường (nhất là trong trường hợp bên nhận bảo đảm tự bán tài sản bảo đảm để xử lý); và vì thế, ảnh hưởng đến quyền lợi của bên bảo đảm. Tuy nhiên, nếu đọc Điều 306 thì vẫn chưa rõ liệu yêu cầu này có áp dụng cho trường hợp bên nhận bảo đảm và bên bảo đảm thỏa thuận về giá tài sản bảo đảm hay không, nhất là khi mức giá thỏa thuận

rõ ràng thấp hơn mức giá thị trường của tài sản bảo đảm? Hơn nữa, do khoản 3, Điều 306 chỉ nêu chế tài bồi thường thiệt hại áp dụng cho hành vi vi phạm của tổ chức định giá trong quá trình định giá tài sản nên liệu có thể hiểu tinh thần của Bộ luật dân sự 2015 là yêu cầu định giá phù hợp với giá thị trường chỉ áp dụng cho việc định giá thông qua tổ chức định giá hay không?

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

1. Pháp luật về thế chấp tài sản bảo đảm thực hiện Hợp đồng tín dụng ngân hàng đã tạo lập được cơ sở pháp lý cần thiết để thực hiện quan hệ thế chấp tài sản giữa tổ chức, cá nhân với ngân hàng trong quan hệ vay vốn. Ngoài chức năng tạo lập quy tắc xử sự cho các bên tham gia quan hệ thế chấp, pháp luật về thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng còn đóng vai trò là công cụ của Nhà nước để đảm bảo an toàn cho các hoạt động ngân hàng trong nền kinh tế.

2. Hệ thống các văn bản pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm tiền vay về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu về xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD, tạo được hành lang pháp lý cho các bên liên quan thực hiện các quyền hợp pháp của mình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chồng chéo bất cập, không đồng bộ giữa Bộ luật, văn bản Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, giữa văn bản ban hành thời điểm trước và các văn bản ban hành thời điểm sau.

3. Nội dung của các quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm chưa tạo được sư chủ động cho các TCTD và phụ thuộc quá nhiều vào các bên nắm giữ tài sản, chưa có sự hỗ trợ đúng mức từ các cơ quan Nhà nước trong các trường hợp cần thiết. Do đó, các quy định không có khả năng áp dụng trên thực tế.

4. Pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm tiền vay cần được tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, hiệu quả cho bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm thực hiện các cam kết, thỏa thuận trong việc xử lý tài sản bảo đảm.

5. Việc làm rõ thực trạng pháp luật về thế chấp tài sản bảo đảm Hợp đồng tín dụng không thể tách rời việc nghiên cứu làm rõ nguyên nhân làm giảm hiệu quả của vấn đề này. Chỉ trên cơ sở làm rõ nội dung bất cập của các quy định của pháp luật với yêu cầu thực tiễn và có kết luận chính xác về các nguyên nhân hạn chế hiệu quả mới có thể xây dựng đề án hoàn thiện pháp luật về thế chấp tài sản bảo đảm Hợp đồng tín dụng ở nước ta.

Chương 3

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ BẢO ĐẢM THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG BẰNG THẾ CHẤP TÀI SẢN

Ở VIỆT NAM

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo đảm thực hiện hợp đồng tín dụng ngân hàng bằng thế chấp tài sản theo pháp luật việt nam hiện hành (Trang 73 - 78)