Giễu nhại (Parody)

Một phần của tài liệu CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI (Trang 27 - 29)

CHƯƠNG 1 : GIỚI THUYẾT VỀ KHÁI NIỆM HẬU HIỆN ĐẠI

1.4. Đặc điểm sáng tác của chủ nghĩa hậu hiện đại

1.5.3. Giễu nhại (Parody)

Cuốn 150 thuật ngữ văn học có định nghĩa: “Trong văn học (và cả trong âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, dù thấy ít hơn) nhại là sự bắt chước một cách hài hước đối với một hay một nhóm tác phẩm nghệ thuật. Nhại thường được xây dựng trên sự không tương xứng rõ rệt giữa bình diện văn phong và bình diện đề tài của hình thức nghệ thuật. Ở các nền văn học châu Âu, người ta đưa ra hai kiểu nhại kinh điển: “Burlesque” – đối tượng thấp trình bày bằng văn phong cao; và “travesty” – đối tượng cao được trình bày bằng văn phong thấp. Sự cười giễu có thể được tập trung vào văn phong hoặc đề tài; cả những thủ pháp thi ca khuôn sáo lạc lõng, lẫn những hiện tượng đời sống dung tục không xứng với thi ca – đều bị giễu cợt. Có thể nhại thi pháp một tác phẩm, một tác giả, một thể loại, một nhãn quan tư tưởng.” (Lại Nguyên Ân, 2017, tr. 239, 240).

Qua định nghĩa của Lại Nguyên Ân, ta nhận thấy giễu nhại trong tiếng Hy Lạp là Parodia (nghĩa đen là “sự điệp lại”), trong thi pháp học, đây là phương thức tái tạo một phong cách khác, một lời nói khác trong tác phẩm (Lã Nguyên, 2020). Những tác phẩm được cho là mở đầu cho “văn chương giễu nhại” cơ bản (parody) được cho là xuất hiện vào khoảng những năm 1939. Truyện ngắn Pierre Menard, autor del Quijote (Pierre Menard, tác giả của Đông-ki-sốt,1939) của Jorge Luis Borges được cho là tác phẩm khởi đầu cho hình thức nghệ thuật này. Tuy nhiên đến nửa sau thế kỉ XX, thủ pháp này mới được sử dụng nổi bật trong văn chương Việt Nam từ những năm 1975. Nó không chỉ dừng lại ở việc nhại lại cốt truyện, nhại lại hình tượng nhân vật. Mà phương thức này có thể biểu hiện ở giọng điệu, văn phong. Yếu tố nhại không chỉ xuất hiện

trong việc nhại hình tượng nhân vật, nhại cốt truyện mà có thể xuất hiện trong giọng điệu, ngôn ngữ.

Có nhiều quan điểm khác nhau giữa những nhà lý luận về hai thuật ngữ Nhại (Pastiche) và Giễu nhại (Parody). Theo nhà lý luận văn học người Pháp G. Genette, cả giễu nhại (Parody) và nhại (Pastiche) đều mang yếu tố hài hước, châm biếm đối tượng được hướng đến. Tuy nhiên, giễu nhại (Parody) là hình thức tái tạo có biến đổi, còn nhại (Pastiche) chỉ đơn thuần là sự bắt chước sự vật, hiện tượng ấy. Đối với quan điểm của nhà nghiên cứu Mỹ, Fredric Jameson có quan điểm khác đi so với Genette khi cho rằng Giễu nhại (Parody) không có tính hài hước trong đó. Ông đồng nhất hai khái niệm “Giễu nhại” và “Nhại” với nhau thành Pastiche (Lam, 2011, tr. 8). Tuy nhiên, theo chúng tôi, “Nhại” (Pastiche) là một dạng giễu nhại (Parody) đặc biệt, nó chính là một sự “tự giễu nhại”. Dù nhìn ở góc độ nào đi chăng nữa, “Giễu” và “Nhại” luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, “Giễu” thường đi với “Nhại” tạo ra thuật ngữ kép “Giễu nhại”. Có thể đôi lúc tiếng cười của thủ pháp giễu nhại (parody) mang lại không nhiều, song vẫn không thể phủ nhận yếu tố hài hước (playful) mà hình thức này mang lại (Võ Thị Mỹ Lam, 2011, tr. 8, 9).

Văn học Việt Nam từ 1975 có nhiều tác giả vận dụng thủ pháp giễu nhại (parody) trong các tác phẩm của mình. Chẳng hạn, trong các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, ông chọn cách giễu nhại những nhân vật có thật trong lịch sử. Với cách xây dựng như vậy, ông đưa các nhân vật lịch sử về gần với cuộc sống. Nguyễn Huy Thiệp sử dụng tư duy tiểu thuyết để xây dựng nhân vật, do đó họ không còn là những tượng đài linh thiêng mà thay vào đó là sự gần gũi với con người hiện tại. Cách mà Nguyễn Huy Thiệp sáng tạo nghệ thuật như kể trên là một hình thức nhại lại văn xuôi trung đại (truyện lịch sử)

Chẳng hạn trong tác phẩm “Kiếm Sắc”, Nguyễn Huy Thiệp xây dựng nhân vật Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh), kẻ được người đời mặc định là tàn độc, cõng rắn cắn gà nhà,… Song với thủ pháp nhại lại lịch sử (parody), ông đã tạo nên một Nguyễn Ánh bằng xương bằng thịt với những phẩm chất tốt xấu của con người. “[…] lấy chữ ‘hiệp’ chữ ‘lễ’ làm trọng, không coi ‘nhân’, ‘nghĩa’, ‘trí’, ‘tín’ ra gì”. Nguyễn Huy Thiệp miêu tả nhân vật với thái độ trung lâp, bởi tính chất của tư duy tiểu thuyết, ông nhìn nhận

những đối tượng giễu nhại như một đối tượng đa diện, không ai thiện hoàn toàn, không ai ác hoàn toàn. Nhà văn gọi tên những nhân vật lịch sử bằng một từ cộc lốc “Ánh”, “Lân” như thể ông đáng đứng ở một vị thế cao hơn những nhân vật đang được giễu cợt ấy. Tuy Nguyễn Ánh có tàn bạo, có trả thù triều Tây Sơn một cách dã man, nhưng ông vẫn có những đức tính, phẩm chất cao đẹp của con người. Thủ pháp mà Nguyễn Huy Thiệp áp dụng là giễu nhại (parody), tuy nhiên trong trường hợp này, tiếng cười có phần gượng gạo khi nó khiến người đọc hoài nghi về những mặc định trước giờ về những nhân vật ấy. Ở đây không thể khẳng định tác giả báng bổ lịch sử, báng bổ những nhân vật thời đại, ông chỉ tái tạo lại quá khứ, tái tạo lại những con người thời bấy giờ để thể hiện niềm băn khoăn, trăn trở về những bảng giá trị cũ.

Một phần của tài liệu CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(85 trang)
w