CHƯƠNG 1 : GIỚI THUYẾT VỀ KHÁI NIỆM HẬU HIỆN ĐẠI
2.2. Tinh thần hậu hiện đại trong “Salon của Chúa Trời”
2.2.2. Tinh thần đối thoại đa điểm nhìn
Nếu quan điểm của chủ nghĩa cấu trúc luận cho rằng văn bản là hệ thống mang tính độc lập, đứng yên và tĩnh tại thì đến kỷ nguyên hậu hiện đại với nền tảng là chủ nghĩa giải cấu trúc, văn bản được xem là một hệ thống mở, đặt trong tính đối thoại và vận động của chính nó, gắn liền với ngữ cảnh, sự chuyển biến của xã hội và đặc biệt là
sự tiếp nhận của người đọc, mà như Roland Barthes đã nói: “sự ra đời của Người đọc phải trả giá bằng cái chết của Tác giả” (Trần Đình Sử, 2011, đoạn 7). Để một văn bản được xem là một hệ thống mở, nhà văn thường xây dựng tác phẩm với tinh thần đối thoại đa điểm nhìn, câu chuyện như được dẫn dắt bởi nhiều người kể. Đó cũng chính là tinh thần phi trung tâm, bởi không một chủ thể nào nắm quyền hoàn toàn câu chuyện, mà tác phẩm thuộc chủ nghĩa hậu hiện đại sẽ kiến tạo rất nhiều trung tâm khác nhau cho tác phẩm.
Trong “Salon của Chúa Trời”, Nhật Chiêu chọn một nhân vật xưng “tôi” để kể chuyện. Nhân vật “tôi” ấy vừa đóng vai trò người dẫn chuyện trong tác phẩm, cũng vừa là người tham gia vào hệ thống nhân vật của câu chuyện. Như vậy, mặc dù trần thuật ở ngôi thứ nhất – nhân vật xưng “tôi”, nghĩa là không có sự dịch chuyển điểm nhìn giữa các người kể chuyện, nhưng ta vẫn nhận thấy tính chất đối thoại rất rõ trong truyện ngắn này. Vì chỉ với dung lượng khoảng hơn 1500 chữ, tác giả đã xây dựng một số cuộc hội thoại: nhân vật “tôi” đối thoại với một cặp đôi nam nữ, khi anh ta hỏi họ về thị trấn kỳ lạ này, và một cuộc đối thoại giữa nhà sư Sùng Sơn với các đệ tử (dù sau đó chỉ có nhà sư tự luận).
Có thể thấy, mặc dù chỉ xuất hiện hai cuộc đối thoại (trong đó giữa nhà sư – đệ tử thì yếu tố hội thoại chưa rõ ràng), nhưng nó cũng phần nào nới rộng cái tiếng nói độc nhất, nắm quyền trong một tác phẩm trước đây, để hướng đến sự đa phương, đa dạng các tiếng nói của các nhân vật khác. Đồng thời, dù chỉ đối thoại hai lần (còn lại là lời kể của tác giả hoặc “tôi” độc thoại), nhưng cách tự sự của Nhật Chiêu vẫn không mang tính kiểm soát, bá quyền hay khẳng định chắc nịch, mà thường sẽ là những do dự, lấp lửng, với những câu hỏi, chất vấn, hoài nghi để người đọc tự định lượng và suy xét. Đó chính là biểu hiện của tinh thần hậu hiện đại, bằng cách nhà văn tạo ra những chân trời gợi mở để người đọc có quyền kiến giải và sáng tạo riêng (chúng tôi sẽ trình bày ở thủ pháp khoảng trống ở phần thủ pháp sáng tác hậu hiện đại), mà trong một cuộc phỏng vấn khác với báo Pháp luật, Nhật Chiêu đã nói:
Ngày nay, vai trò của người đọc là rất quan trọng. Đặc biệt, có cả một lý thuyết về hồi đáp thẩm mỹ, nghĩa là, người đọc không đọc thụ động mà sẽ hồi đáp với tác giả. Tác giả là một chủ thể sáng tạo, người đọc cũng là một chủ thể tiếp nhận
sáng tạo. Quan hệ người đọc và tác giả là một mối quan hệ liên chủ thể. Tôi vô cùng ước ao, qua tác phẩm, tôi với người đọc là những liên chủ thể trong tâm thế bình đẳng, ngang hàng – cùng tham dự những công án. Tác giả không có gì để khuyên nhủ, dặn dò hay hướng đạo qua tác phẩm cả. (Nguyễn Vĩnh Nguyên,
2010, đoạn 4).