CHƯƠNG 1 : GIỚI THUYẾT VỀ KHÁI NIỆM HẬU HIỆN ĐẠI
1.4. Đặc điểm sáng tác của chủ nghĩa hậu hiện đại
1.5.4. Siêu hư cấu (Metafiction)
Siêu hư cấu (metafiction) là thuật ngữ dùng để chỉ “lối viết hư cấu, mà lối viết đó nhắm đến vị thế của chính nó một cách tự ý thức và có hệ thống xem như nó là một thể giả lập, để đặt ra những vấn đề về mối quan hệ giữa hư cấu và thực tại” (Patricia Waugh) (Vương Trung Hiếu, 2013). Siêu hư cấu là đặc trưng dễ nhận thấy của văn chương hậu hiện đại. Thủ pháp này luôn nhắc nhở người đọc rằng không có gì được gọi là “hiện thực khách quan”. Các tác phẩm có vận dụng siêu hư cấu liên tục bày tỏ quan điểm rằng, những gì được viết, được đề cập đến trong văn bản đơn thuần chỉ là những chuyện bịa đặt (Lê Huy Bắc, 2017, tr. 297).
Ở thủ pháp siêu hư cấu, ta sẽ thấy yếu tố nhòe mờ hư thực được thể hiện trong các tác phẩm khá rõ. Những yếu tố hư cấu được mô tả trông có vẻ xác thực, tuy nhiên những yếu tố thực lại được hư cấu hóa. Lằn ranh giữa thực và ảo rất mong manh. Hiện thực là nguồn cảm hứng để khơi gợi trong nhà văn, nhưng những câu chuyện, sự vật, hiện tượng được mô tả trong văn chương có sử dụng thủ pháp siêu hư cấu, tất cả đều được vẽ lên từ chính trải nghiệm chủ quan của tác giả (Bắc, 2017, tr. 297).
Trong “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, tác giả đã sớm sử dụng bút pháp siêu hư trong cuốn tiểu thuyết của mình. Tiểu thuyết là một tác phẩm bán tự sự. Tác phẩm dùng điểm nhìn của Kiên để kể lại câu chuyện của mình trước – trong – sau chiến
tranh. Kiên là một nhà văn và Bảo Ninh cũng vậy. Một phần cuộc đời Kiên trùng khớp với một phần cuộc đời Bảo Ninh. Cả tác giả và nhân vật có sự đồng điệu về tâm hồn, đồng dạng về những biến cố cuộc đời. Song, họ không đồng nhất với nhau. Điều này nhắc nhở người đọc rằng, Kiên không phải Bảo Ninh, những gì được viết trong tác phẩm chỉ lấy cảm hứng từ hiện thực chứ không “thực” hoàn toàn.