7. Bố cục Luận văn
4.1. Vai trò của nghề gia công kim khí đối với kinh tế văn hóa xã hội làng
4.1.3. Đối với đời sống văn hóa
4.1.3.1 Đối với truyền thống văn hóa
Có thể nói, nghề gia công kim khí ở Vĩnh Lộc tồn tại và phát triển song song cùng với sự tồn tại và phát triển của người dân Vĩnh Lộc. Nghề gia công kim khí ở đây đã hội nhập và nhanh chóng thích ứng với chủ trương Đổi mới, đứng vững được trong thời buổi kinh tế thị trường chính là bởi nó được hình thành và phát triển trên nền tảng là truyền thống văn hóa làng Vĩnh Lộc. Song, nhìn rộng xa hơn nữa, chính nghề gia công kim khí truyền thống ở Vĩnh Lộc đã góp phần làm tự hào thêm truyền thống văn hóa, văn hiến của cha ông thủa trước, thúc đẩy và xây dựng nền văn hóa mới ở làng xã Việt Nam trong thời đại ngày nay.
Nghề gia công kim khí gắn với truyền thống làng nghề Vĩnh Lộc
Ngoài ngày hội long trọng rước thành hoàng làng là 3 anh em họ Vũ vừa là thầy giáo vừa là thầy thuốc của dân làng xưa, nhân dân còn tổ chức lễ giỗ tổ nghề rèn rất trang nghiêm. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, hàng năm cứ đến ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch và ngày 10 tháng Giêng âm lịch, Vĩnh Lộc lại tổ chức giỗ tổ làng nghề là Thánh Sư tại nhà thờ Phường Bừa, thôn 1 để tưởng nhớ công ơn tổ tiên đã đem nghề về cho làng. Ban Quản lý Di tích luôn là cơ quan đảm trách hoạt động này. Lễ hội diễn ra trong một ngày. Trong lễ hội, những người thợ gia công kim khí nghỉ làm từ Tết Nguyên đán đến mùng 6 để chuẩn bị; ngày mùng 7 chính lễ, sau lễ tế là diễn ra các hoạt động như tổ chức liên hoan, tổ chức các trò chơi: đấu vật, đánh cờ tướng, hội thi đóng cày bừa… Ban đêm đều tổ chức các phường ca xướng và cùng nhau nhìn lại hoạt động sản xuất trong năm qua, những mặt làm được và chưa làm được, cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm nghề
nghiệp và hướng phát triển của làng nghề trong năm tới. Ngoài ra, làng Vĩnh luôn ghi nhớ công lao dạy dân cải tiến nghề làm cày, bừa của cụ Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan, nên trong lễ và bài văn tế bao giờ cũng có sự phối hưởng thờ tự.
Nghề rèn gắn với tinh thần tự hào dân tộc của người dân Vĩnh Lộc
Nói đến nghề gia công kim khí sản xuất cày, bừa ở Hà Tây (cũ) là người ta nghĩ đến nghề gia công kim khí truyền thống của người dân Vĩnh Lộc, Phùng Xá. Ngược lại, khi nói tới người Vĩnh Lộc là người ta nghĩ ngay tới các nghề thủ công mà nổi tiếng nhất là nghề gia công kim khí sản xuất cày, bừa truyền thống. Kinh nghiệm cổ truyền và tri thức văn hóa, khoa học kỹ thuật ngày một tiến bộ đã giúp cho nghề gia công kim khí Vĩnh Lộc đứng vững với thời gian. Nghề gia công kim khí cổ truyền của Vĩnh Lộc đã góp phần vinh danh văn hóa làng nghề và lòng tự hào dân tộc. Đến Vĩnh Lộc được tiếp chuyện các cụ cao tuổi và những người trung tuổi, ai ai cũng nhiệt tình kể về nghề truyền thống làm cày, bừa gia công kim khí sản xuất các sản phẩm nông cụ phục vụ đời sống nhân dân và góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Mặc dù, có một số nghề truyền thống ngày nay không còn phát triển hoặc giảm sút năng lực sản xuất, nhưng nhìn chung, yếu tố truyền thống vẫn quyết định sự tồn tại và phát triển của TTCN Vĩnh Lộc, các nghề sản xuất kinh doanh kim khí mới ra đời và phát triển phải dựa trên cơ sở của nghề truyền thống làm cày, bừa trước kia.
Nghề rèn đối với việc xây dựng đời sống văn hóa mới ở Vĩnh Lộc
Nghề rèn phát triển đã thu hút mọi lực lượng lao động ở địa phương tham gia sản xuất. Trẻ em ở đây được làm quen với lao động từ nhỏ, luôn có ý thức phụ giúp cha mẹ ngoài giờ đi học. Ngay cả những người có tuổi ở Vĩnh Lộc còn sức khỏe là còn phụ giúp con cháu làm nghề. Nhìn vào tấm gương của ông bà, cha mẹ mà thanh niên làng rèn sớm hình thành ý thức say mê lao động. Điều đó đã hạn chế được sự xâm nhập của những tệ nạn xã hội trong cuộc sống hiện đại ngày nay ở một làng quê cận kề với thủ đô như Vĩnh Lộc. Nhiều hộ rèn được công nhận là gia đình văn hóa và Vĩnh Lộc xứng đáng là làng văn hóa. Điều đó nói lên rằng, nghề gia công kim khí Vĩnh Lộc phát triển đã gắn với việc bảo lưu truyền thống văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa địa phương nói riêng.
4.1.3.2 Đối với vấn đề giáo dục
Nhìn nhận sự phát triển của nghề gia công kim khí dưới góc độ giáo dục sẽ thấy được tính chất hai mặt của làng nghề tác động đến sự phát triển của giáo dục Vĩnh Lộc hiện nay đã đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động như thế nào.
Kinh tế phát triển nên sự nghiệp giáo dục trong làng cũng có nhiều biến đổi tích cực. Công tác xã hội hóa giáo dục và xuất phát từ nhận thức của người dân làng Vĩnh muốn con cái được học hành đến nơi đến chốn để có một công việc ổn định giúp ích cho xã hội nên công tác khuyến học của UBND xã, các nhà trường và từng dòng họ, cũng đã được khơi dậy. UBND xã đã tổ chức được Giải thưởng Phùng Khắc Khoan, 2 làng Vĩnh
và Bùng, và một số dòng họ trong xã đều có quỹ khuyến học với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Hàng năm, từ các nguồn quỹ xã đã chi hàng chục triệu đồng làm phần thưởng để khuyến khích giáo viên, sinh viên và học sinh có thành tích giảng dạy và học tập tốt.
Khoảng 5 năm gần đây, đi đôi với giải quyết việc làm, thì nâng cao chất lượng lao động, đặc biệt là thanh niên cũng đã được chú trọng. Công tác khuyến học, khuyến tài từ gia đình, dòng họ, nhà trường đến xã hội đều được quan tâm. Bằng các biện pháp xã hội hóa giáo dục, nên đã động viên được nhiều thanh niên con em trong xã phấn đấu học tập. Những năm gần đây số lượng các em theo học các trường đại học ngày càng đông (5 năm gần đây có 65 em thi đỗ vào các trường đại học); ngoài ra còn hàng trăm thanh niên đã đang theo học các chương trình trung cấp, kỹ thuật và dạy nghề... Đây là nguồn lao động chất lượng, có trình độ kỹ thuật để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sản xuất TTCN - ngành nghề sau này ở địa phương. Đây cũng là một nhu cầu cấp thiết hiện nay đối với cụm công nghiệp kim cơ khí Vĩnh Lộc về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp, có những gia đình muốn tăng thu nhập từ sản xuất kinh doanh ngành nghề kim cơ khí, cộng thêm tâm lý không cần học lên chuyên nghiệp vẫn có nghề để đảm bảo cuộc sống, nên con cái họ sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông thì con trai ở nhà làm và tập quản lý việc kinh doanh, còn con gái ở nhà nội trợ. Mặt khác, trong phần đông bộ phận lớp trẻ đều có tâm lý học hành vất vả mà vẫn nghèo hơn là ở nhà làm nghề thủ công của làng quê, tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp xong lại phải lo xin việc. Trong những năm 1995 đến 2005, ở Vĩnh Lộc tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học là rất thấp so với các vùng nông thôn khác. Ngay so sánh về tinh thần hiếu học và tỷ lệ đỗ đạt vào các trường chuyên nghiệp và tham gia vào các công việc công chức Nhà nước giữa 2 làng trong xã thì làng Bùng vẫn hơn hẳn làng Vĩnh về mặt này.