Quy trình rèn một số sản phẩm nông cụ, dân dụng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghề gia công kim khí làng vĩnh lộc (phùng xá thạch thất hà nội) lịch sử và biến đổi (Trang 59 - 63)

7. Bố cục Luận văn

3.3. Quy trình sản xuất một số sản phẩm kim khí ở Vĩnh Lộc

3.3.2. Quy trình rèn một số sản phẩm nông cụ, dân dụng

a) Chuẩn bị nguyên liệu

Việc chọn và chuẩn bị nguyên liệu sản xuất giữ vai trò quan trọng góp phần quyết định đến sự thành công của sản phẩm, nguyên liệu có tốt thì sản phẩm mới tốt và ngược lại.

Nguyên liệu là sắt, thép phế liệu nhưng đều được sàng lọc rất kỹ. Khi còn HTX, nguyên liệu rèn đều do các cơ quan đặt hàng cung cấp như sắt lục lăng, thép CT 45 của Liên Xô và thép hợp kim dùng chủ yếu để rèn nông cụ. HTX nhận gia công các sản phẩm theo đơn đặt hàng và giao cho xưởng sản xuất nông cụ Vĩnh Lộc đảm nhiệm. Sang thời kỳ Đổi mới, mở cửa với cơ chế thị trường, nguyên liệu làm rèn đều do các hộ gia đình tự lo liệu bằng cách thu mua sắt vụn về để nấu hoặc để chọn lọc và sử dụng lại.

Ngày nay, nguồn sắt thép phong phú nên việc chuẩn bị nguyên liệu để rèn được các gia đình chủ động, không bị phụ thuộc như trước. Trong giai đoạn từ 1986 đến năm 2000, trong làng có khoảng 9 hộ đứng ra kinh doanh sắt vụn (như gia đình ông Đăng Cao Lực ở thôn 3, gia đình ông Chu Văn Năng ở thôn 1, gia đình ông Nguyễn Nghiêm ở thôn 2…). Nhưng hiện nay (từ năm 2000 đến nay), do sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nghề rèn, gia công kim khí sản xuất nông cụ theo phương pháp thủ công không còn phát triển như trước, mà được thay thế bằng máy móc, áp dụng công nghệ - kỹ thuật sản xuất cao. Do đó, hiện trong làng chỉ còn 4 hộ kinh doanh sắt vụn chuyên thu gom sắt, thép phế liệu cung cấp cho 4 lò nấu sắt vụn tạo thành phôi cho các hộ, các doanh nghiệp nấu phế liệu trong cụm điểm công nghiệp của địa phương. Trong đó, giai đoạn nghề gia công kim khí sản xuất các sản phẩm nông cụ phát triển mạnh trong thập niên 90 của thế kỷ XX chủ yếu là thép đã cán kéo nhập từ Quốc Oai (Hà Tây), Hải Phòng, Vĩnh Phúc… Tùy từng loại sản phẩm định rèn mà các xưởng đặt mua loại nguyên liệu theo kích cỡ cho phù hợp để không tốn công lao động. Cũng có hộ rèn nhiều thì họ mua lại sắt thép vụn để tận dụng. Nhưng chủ yếu việc chuẩn bị nguyên liệu là theo hình thức thứ nhất.

Thép tấm đã qua cán (như xích xe tăng, ray tàu hỏa phế phẩm…) là loại thép CT 45 trở lên mà người trong nghề rèn vẫn gọi là sắt già. Đây là loại sắt tốt nhất để rèn dao, kéo dân dụng. Còn sắt từ CT 45 đến CT 3 được gọi là sắt non thì để rèn hàng đặc chủng như dao cắt da, dao cắt lốp… Còn sắt I, K, C là loại thép chuyên rèn các mặt hàng cao cấp như xà beng, búa chim, búa thợ rèn…

Như vậy, có thể thấy, nguồn nguyên liệu sắt để rèn là rất phong phú. Song, để cho ra những sản phẩm rèn thành phẩm tốt nhất, hạn chế tối đa mức độ hoen gỉ và chống bị ôxi hóa, người thợ kim khí Vĩnh Lộc thường cân nhắc kỹ khi chọn nguyên liệu làm sao cho càng ít tạp chất, bề mặt càng nhẵn thì khả năng chống gỉ càng tốt và thích hợp cho rèn thủ công.

Tuy nhiên, về Vĩnh Lộc hôm nay còn thấy rất ít gia đình làm nghề rèn các sản phẩm thủ công, phương pháp gia công các mặt hàng kim khí cũng không còn nhiều. Thay thế vào đó là khu công nghiệp đồ sộ với nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh với nhiều sản phẩm kim khí mới đa dạng về mẫu mã, chủng loại, mang tính công nghệ cao hơn trước.

b) Tạo phôi

Nguyên liệu mua về được người thợ chọn và phân chia thành các loại tương ứng với các kiểu sản phẩm rèn khác nhau. Công việc đầu tiên là xác định trọng lượng và kích thước phôi ban đầu vì trọng lượng thật của sản phẩm và lượng sắt hao hụt trong quá rèn, sau đó mới pha sắt để tạo phôi thô. Trong quá trình tạo phôi, thường bị hao hụt kim loại nên để hạn chế hao hụt và đảm bảo chất lượng vật rèn, người thợ thủ công phải tính toán cụ thể cho từng sản phẩm. Lượng sắt thép hao hụt nhiều hay ít tùy thuộc vào chất lượng thép và thời gian rèn. Tùy loại sản phẩm mà người thợ định hình độ dài, rộng và trọng lượng của sắt rồi dùng kéo dẻo để tạo phôi, cắt lựa tạo dáng sản phẩm.

Tóm lại, công việc tạo phôi thô thường phải được làm trước khi rèn khoảng một tuần. Đến khi định rèn sản phẩm nào thì người thợ sắp lại phôi thô loại ấy từ hôm trước, đồng thời chỉnh sửa lại những phôi chưa đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, từ khoảng năm 2000 đến nay, đặc biệt từ khi thành lập Cụm Công nghiệp Làng nghề Kim cơ khí Vĩnh Lộc - Phùng Xá, quá trình sản xuất các sản kim khí đã chuyển đổi từ sản xuất các sản phẩm thô sơ, cổ truyền, mang đậm sắc thái văn hóa tinh thần, sang các sản phẩm tinh xảo, hiện đại hơn, thậm chí còn sản xuất các sản phẩm hoàn toàn mới như sản xuất các sản phẩm sắt, thép, tôn lợp phục vụ nhu cầu xây dựng là chính. Quy trình sản xuất trong cụm công nghiệp làng nghề Vĩnh Lộc đều đã được cơ khí hóa bằng máy móc phức tạp. Quá trình thu gom sắt thép, phế liệu rồi nấu sản xuất ra phôi thép tiếp đó cung cấp cho các lò cán thép xây dựng để tạo ra các loại thép thành phẩm theo nhu cầu thị trường. Quy trình khép kín này diễn ra trong cụm công nghiệp làng nghề, nó vừa thể hiện tính chất tập trung sản xuất, vừa nói lên tính chuyên môn hóa và có sự phân công sản xuất giữa các hộ, các doanh nghiệp, tạo nên thế liên hoàn, tương hỗ nhau cùng phát triển. Điều này đã tạo cơ hội cho mọi người dân làng Vĩnh đều có thể tham gia vào phát triển sản xuất CN - TTCN.

c) Rèn dao mỏng, sắc ngọt trải qua các bước sau:

- Giai đoạn tạo phôi

Trước hết là khâu chuẩn bị phôi. Phôi của dao thái phở cần chọn sắt CT 3 là loại sắt non, vì là dao chuyên để thái bánh phở không cần lực mạnh nên không cần đến sắt già. Sau đó chặt sắt tạo phôi dao, dài 14cm, rộng 5,5 cm và dày 0,8 cm.

Thứ hai là pha thép bổ có chiều dài bằng phôi dao là 14 cm và rộng 1,5 cm để kẹp vào phôi dao đã được nung đỏ. Mục đích của việc kẹp thép để tăng độ sắc, bền cho những loại dao đặc chủng.

Thứ ba là nung đỏ phôi dao và thép bổ. Khi đưa phôi dao vào nung phải xếp có hàng có lối từ dưới lên trên. Khi thấy phôi dưới cùng đỏ rực thì đưa ra khỏi lò.

Thứ tư là bổ phần lưỡi dao để kẹp thép: thợ cả tay cầm kìm rồi lựa chọn thời điểm thích hợp đưa phôi ra để trên mặt đe rèn nóng, một tay cầm chạm nóng đặt vuông góc với mặt phôi cần bổ rồi 2 thợ phụ quai búa bổ đôi phần lưỡi dao rồi đưa 2 miếng thép mỏng kẹp vào giữa. Trước khi bổ thép thì chạm được nhúng vào bát nước muối để cạnh đó làm róc chạm, chạm không bị dính vào phôi và sau mỗi lần bổ, chạm lại được đặt vào chậu nước làm nguội để tiếp tục cho lần bổ sau.

Thứ năm là làm cháy, tức là lại đưa phôi dao bổ thép vào lò cho đến khi phôi đỏ rực thì đưa ra đe. Thợ cả một tay cầm kẹp, một tay cầm búa bẹt cho sắt và thép liền thành một khối.

- Công đoạn rèn nóng

Công đoạn này được rèn trên búa máy ba lần. Tất nhiên là lần nào cũng phải cho phôi vừa rèn vào lò làm đỏ lại để phôi mềm tiện cho búa máy đánh phôi theo ý muốn của người thợ.

Sau lần rèn thứ hai phôi rèn có nhiều vẩy nên rèn lần 3 thì cả dùng kìm rũ vẩy ngay trên búa máy, sau đó mới bắt đầu rèn theo quy chuẩn. Sau đó rèn chuôi dao, chuôi dao thanh, thẳng là đạt tiêu chuẩn.

- Công đoạn luộc dao

Đây là khâu cuối cùng của giai đoạn rèn nóng khi làm dao bổ thép. Tùy từng sản phẩm rèn mà có cách luộc cho phù hợp. Với dao thái phở không quá mỏng mà cũng không quá dày nên đưa dao vào lò than hồng, luộc cho dao đỏ đều rồi đưa ra ủ đống để dao mềm, không bị chai cứng, tiện cho việc làm nguội ở buổi sau. Dao luộc xong có màu sáng bạc chứ không thâm như dao chưa luộc.

- Giai đoạn làm nguội

+ Rũ vẩy trên dao

+ Đàn nguội cho căng mình dao

+ Rẻo tạo dáng: có nghĩa là sau khi kết thúc công đoạn rèn trên búa máy, thợ cả dùng kéo chặt sắt để cắt bỏ những phần sắt thừa, rẻo có dáng cố định cho dao. Kể từ công đoạn này người thợ dừng công việc để làm sang buổi khác. Trong khi hai người tạo phôi bổ thép mới để làm mẻ dao sau thì hai người thợ khác đi rẻo mẻ dao đã rèn nóng từ hôm trước và tiếp tục các công đoạn khác như: Sạt vỡ để làm nhẵn

và tạo lưỡi dao, tôi để làm già lưỡi dao, giậm lưỡi dao cho thẳng, quay lưỡi dao, đóng chuôi gỗ, mài dao bằng đá nước để tạo độ sắc cho lưỡi, đánh bóng lấy màu cho dao bằng cách sạt trên đá trắng, lau khô dao rồi bôi dầu bảo quản (bôi dầu mỡ luôn sau khi đã lau khô để mép dao trắng đẹp), lồng dao vào túi nilông để bảo quản.

d) Rèn kéo cắt vải

Rèn kéo cũng bao gồm hai giai đoạn rèn với những công đoạn khác rèn dao: - Giai đoạn rèn nóng: người thợ rèn lá kéo trước rồi sau đó rèn cong và lên còng - uốn còng tạo tay cầm cho kéo.

- Giai đoạn làm nguội: đầu tiên người thợ rèn lên mo từng lá kéo một trên hòn đe vuông có lòng mo. Riêng với kéo thợ may thì phải lên mo to để lưỡi kéo có độ bám. Sau đó là các công đoạn đàn lá kéo cho thẳng rồi khoan lỗ để chốt hai lá kéo với nhau.

Cũng như rèn bất cứ sản phẩm nào, lá kéo được cho vào tôi để già lưỡi rồi làm sắc bằng máy sạt hoặc gọt giũa. Lúc này từng lá kéo đã được rèn xong, người thợ lựa chọn để sắp đôi lá kéo cho đều nhau rồi tiến hành tán ngạt kéo và giậm lá, chỉnh kéo - gõ đập hai lá kéo sao cho khi lắp hoàn chỉnh phải thật phẳng khít mà không bị dít mở, kéo cắt dễ dàng, sắc ngọt.

Có thể nói quá trình rèn, gia công 1 sản phẩm làm từ kim khí trải qua nhiều công đoạn, mỗi sản phẩm ngoài những quy trình sản xuất chung còn có những nguyên tắc sản xuất riêng mang đặc thù của từng sản phẩm song tựu chung lại về cơ bản gồm có các công đoạn chính sau:

Tạo phôi  Nung phôi  Gia công vật liệu (vật rèn)

Những năm cuối thập kỷ 1980 và trong cả thập niên 90 của thế kỷ XX, nền kinh tế nông nghiệp sau khi thực hiện chính sách Khoán 10, người nông dân nhận đất lâu dài được tự chủ sản xuất nên dẫn đến nhu cầu về sản phẩm nông cụ tăng cao. Do đó trong thời gian này, những người thợ thủ công chuyên gia công các sản phẩm kim khí đã phát huy mạnh mẽ nghề thủ công truyền thống như sản xuất cày, bừa. Bên cạnh đó, một loạt các sản phẩm nông cụ đặc chủng khác phục vụ nông - lâm nghiệp như: các loại lưỡi cuốc (cuốc cỏ, cuốc bàn, cuốc bướm, cuốc chét, cuốc chĩa, cuốc chim), lưỡi thuổng, lưỡi mai, lưỡi hái, lưỡi liềm, răng bừa, xẻng, răng máy phay công nông…, rìu chặt gỗ, dao chặt gỗ, đục phục vụ nghề mộc. Như vậy, sự chau chuốt, tỉ mỉ trong sản xuất gia công các sản phẩm kim khí cùng với sự nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường nông thôn rộng lớn trong và ngoài tỉnh, người thợ thủ công Vĩnh Lộc luôn tìm tòi, sáng tạo trong lao động sản xuất, bắt nhịp với những biến động của thị trường và những thay đổi của đất nước, đã khẳng định sức sống mạnh liệt của làng nghề cùng thời gian; nó là sự kế thừa và kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Đây là bước đi đúng đắn của làng nghề gia công kim khí Vĩnh Lộc trong những năm gần đây, khi làng nghề phát triển lên quy mô lớn, cơ khí

hóa, công nghiệp hóa với sự ra đời của cụm điểm công nghiệp cơ kim khí Vĩnh Lộc, Phùng Xá.

Tóm lại, mô tả chi tiết các bước rèn một sản phẩm như trên mới thấy hết được sự công phu và vất vả của người thợ rèn. Rèn một sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn rất công phu, tỉ mỉ để thấy được đôi bàn tay tài hoa cũng như sự vất vả của người thợ thủ công khi làm ra một sản phẩm. Trong quá trình sản xuất cũng như quá trình sử dụng, người thợ thủ công Vĩnh Lộc luôn tìm tòi, sáng tạo để làm ra những sản phẩm có chất lượng cao, vừa đảm bảo đúng quy cách vừa đảm bảo tính mỹ thuật đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Các sản phẩm rèn sản xuất ra các nông cụ và các sản phẩm dân dụng gia công từ kim khí ở Vĩnh Lộc làm ra với khối lượng tuy không nhiều như làng rèn Đa Sĩ - Hà Đông hay Vân Chàng - Nam Giang - Nam Hà nhưng sản phẩm làm ra luôn được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng bởi uy tín, chất lượng sản phẩm. Sản phẩm cày, bừa Vĩnh Lộc từ xa xưa cho đến những năm gần đây được sản xuất phần lớn theo đơn đặt hàng của các làng, các địa phương, các tỉnh lân cận hoặc theo nhu cầu của thị trường tiêu dùng. Đến những năm sau Đổi mới, đặc biệt trong thập niên 90 của thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI này, người dân làng Vĩnh luôn đi trước nắm bắt nhu cầu, tâm lý người tiêu dùng để đưa ra những sản phẩm nông cụ hết sức phong phú, đồng thời, học hỏi và đưa ngành nghề mới vào sản xuất như nấu cán thép bên cạnh sản phẩm truyền thống là cày, bừa, vừa đáp ứng thị trường vừa phát huy được ngành nghề thủ công truyền thống của quê hương - nghề gia công kim khí.

Tuy nhiên, những năm gần đây với việc quy hoạch làng nghề thành cụm điểm công nghiệp, các sản phẩm kim cơ khí tiếp tục được phát huy dưới hình thức sản xuất tập trung, có sự chuyên môn hóa, ứng dụng những kỹ thuật - công nghệ mới vào quá trình sản xuất. Tính chất thủ công trong các sản phẩm kim khí không còn phổ biến như trước kia, số lượng các bễ lò rèn hầu như không còn nữa do nhu cầu về các sản phẩm nông cụ thủ công giảm, các hộ sản xuất cày bừa cũng ngày càng ít đi, có chăng hiện nay chỉ còn vài hộ tiếp tục duy trì nghề làm cày, bừa truyền thống của cha ông. Thay thế vào đó là các sản phẩm kim cơ khí mới được sản xuất trên dây chuyền, máy móc hiện đại phục nhu cầu xây dựng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghề gia công kim khí làng vĩnh lộc (phùng xá thạch thất hà nội) lịch sử và biến đổi (Trang 59 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)