2.3. Đánh giá về kết quả HĐTTXH của Phật giáo và Công giáo ở tỉnh
2.3.2. Khó khăn, hạn chế:
Còn xảy ra hiện tượng lợi dụng HĐTTXH để thu lợi bất chính, khuếch trương thanh thế, truyền đạo trái pháp luật và chống phá chế độ:
HĐTTXH của Phật giáo và Công giáo ở tỉnh Kiên Giang còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị- xã hội. Kiên Giang là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp Campuchia nên trở thành địa bàn các thế lực thù địch lợi dụng để thực hiện âm mưu lật đổ chế độ của ta.
Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cũng còn tiềm ẩn một số cá nhân, lợi dụng từ thiện tiếp xúc sâu rộng với nhân dân, len lỏi vào mọi địa bàn, gây thiện cảm với quần chúng, nhất là những nhóm người khó khăn, nhằm thu hút họ gia nhập đạo trái phép; có trường hợp lợi dụng cấp phát vật chất cho người nghèo để tập trung đông người gây rối an ninh trật tự không đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Hoạt động này được phát hiện và giải quyết kịp thời, tuy nhiên việc này không những gây khó khăn cho cơ quan quản lý về tôn giáo, mà còn tác động tiêu cực đến tình hình an ninh, chính trị của địa phương. Nhiều người dân do trình độ nhận thức kém. Đồng thời, thông qua những hoạt động này họ tuyên truyền trong xã hội để định hướng một cách lệch lạc bằng cái nhìn phiến diện, lầm tưởng rằng tất cả những gì tốt đẹp trong đời sống xã hội do
Đức Phật và Đức Chúa trời đem lại, coi nhẹ thành quả cải biến xã hội hiện thực do đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội đem lại.
HĐTTXH của Phật giáo và Công giáo ở tỉnh Kiên Giang còn mang tính tự phát, từ thiện thuần túy. Cá nhân và tổ chức HĐTTXH chưa có chuyên môn, nghiệp vụ công tác xã hội nên hiệu quả trợ giúp mang tính bền vững không cao. Cùng là Phật giáo và Công giáo nhưng có những nơi làm rất nổi bật trong hoạt động từ thiện về y tế, giáo dục và cứu trợ nhân đạo. Ngược lại, có những nơi chỉ hoạt động mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Nơi nào có các vị chức sắc nhiệt tình, giỏi vận động thì HĐTTXH ở đó nổi bật và mạnh mẽ. Nơi nào có đông đồng bào theo đạo có mức sống và thu nhập cao thì ở đó có điều kiện quyên góp từ thiện nhiều hơn những nơi có đồng bào theo đạo là người lao động phổ thông.
Mặc dù, các tổ chức từ thiện của Phật giáo và Công giáo ở tỉnh Kiên Giang có chủ trương không phân biệt đồng bào có đạo hay không có đạo, nhưng trên thực tế nhóm đối tượng được thụ hưởng của HĐTTXH vẫn chủ yếu là đồng bào theo đạo. Việc chưa mở rộng ra phạm vi bên ngoài đã phần nào ảnh hưởng đến sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương và đồng báo không có đạo.
Chất lượng, hiệu quả của HĐTTXH còn hạn chế, vì con người và tổ chức HĐTTXH không có hoặc không bảo đảm về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Về mặt y tế: chất lượng các phòng khám Đông, Tây y và khám chữa bệnh lưu động miễn phí cho người nghèo, người dân tộc thiểu số chưa cao. Chỉ số ít các phòng khám và các đợt khám chữa bệnh lưu động được trang bị máy siêu âm, điện tim,... còn đa số chỉ đủ tiêu chuẩn khám chữa bệnh thông thường. Chỉ có một số ít cơ sở khám chữa bệnh ban đầu của Phật giáo và Công giáo nếu phát hiện bệnh nhân nào thuộc diện nghi ngờ có bệnh sẽ giới thiệu đến khám chuyên sâu miễn phí tại các bệnh viện trong tỉnh.
Về giáo dục, một số giáo viên ít được tập huấn, trình độ chuyên môn và kỹ năng sư phạm, cũng như đạo đức yêu nghề mến trẻ. Tại một số cơ sở mầm non, lớp học tình thương, người giảng dạy còn nhiều bất cập về bằng cấp chuyên môn. Nhiều giáo viên dạy trong các trường mầm non nhưng trình độ chỉ tương đồng trông giữ trẻ. Còn tại các lớp tình thương bậc phổ thông, nhiều giáo viên chưa qua đào tạo nghiệp vụ sư phạm hoặc đào tạo chưa đạt chuẩn vẫn được phân công đứng lớp. Ngoài ra, đối tượng thụ hưởng của hoạt động giáo dục từ thiện là những em cá biệt, có nhiều điều kiện không thuận lợi trong học tập như nhà nghèo, phải lo kiếm sống, đã quá tuổi đi học hoặc không có sự kèm cặp, dạy dỗ của cha mẹ. Các yếu tố này tác động rất lớn đến chất lượng hoạt động dạy và học trong các cơ sở giáo dục từ thiện của Phật giáo và Công giáo ở tỉnh Kiên Giang.
Căn cứ số liệu của một cuộc khảo sát do Ban Tôn giáo Chính phủ điều tra về trình độ của đội ngũ trên trong các cơ sở y tế, giáo dục của các tôn giáo trên 48 tỉnh, thành phố cho thấy đây là một vấn đề đáng quan tâm. Về đội ngũ y, bác sỹ, chỉ có 30,6% có trình độ đại học, 23,5% có trình độ trung cấp, số còn lại có trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo. Về đội ngũ giáo viên đứng lớp, chỉ có 0,2% có trình độ đại học sư phạm (1/455 giáo viên), 0,4% có trình độ cao đẳng sư phạm (2/455), 69,5% có trình độ trung cấp sư phạm (316/455), số còn lại có trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo.
HĐTTXH của Phật giáo và Công giáo ở tỉnh Kiên Giang có lúc, có nơi chưa tuân thủ đúng quy định của Nhà nước.
Trong HĐTTXH của Phật giáo và Công giáo ở tỉnh Kiên Giang còn có lúc, có nơi không báo cáo chính quyền địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước. Nhiều hoạt động khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế từ thiện, chương trình dạy và học trong các lớp tình thương, dạy nghề... chưa được quản lý chặt chẽ.
Các tổ chức của Phật giáo và Công giáo được nhận trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ thông qua tài trợ dự án chưa thực hiện nghiêm túc việc báo
cáo tài chính các nguồn viện trợ nhận từ nước ngoài, lách luật để tránh phức tạp trong thanh tra, kiểm tra.
Nhiều cơ sở từ thiện chưa tuân thủ quy định cấp phép của Nhà nước. Những người quản lý cơ sở đó không thực hiện quy trình xin cấp phép hoặc mới trình chưa được cấp phép đã tự thành lập và đưa vào hoạt động.
Nhìn chung, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang HĐTTXH của GHPGVN và Công giáo ở tỉnh Kiên Giang diễn ra bình thường, đại bộ phận chức sắc, tín đồ tôn giáo nghiêm chỉnh tuân thủ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Các điểm nóng tôn giáo ít xảy ra, hầu như không có điểm nóng về tôn giáo. Tuy nhiên, những vụ khiếu kiện, khiếu nại của tổ chức tôn giáo liên quan tổ chức TTXH vẫn còn xảy ra, giải quyết chưa dứt điểm, tạo tâm lý bức xúc cho đồng bào theo đạo.