Giải pháp chung:

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hoạt động từ thiện xã hội của một số tôn giáo ở tỉnh Kiên Giang hiện nay (qua nghiên cứu Phật giáo và Công giáo) (Trang 87 - 91)

* Giải pháp về chính sách, cơ chế quản lý, giám sát:

Hoàn thiện cơ chế, điều kiện thuận lợi để tôn giáo triển khai HĐTTXH, trên cơ sở quan điểm, chủ trương của Đảng khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo tham gia HĐTTXH, các nhà làm chính sách tạo ra một khung pháp lý hỗ trợ cho lĩnh vực từ thiện vốn rất sôi động. Chú ý đến các biến cố pháp lý ảnh hưởng đến hoạt động từ thiện và lao động tình nguyện như: thủ tục thành lập và hoạt động, báo cáo về các nghĩa vụ, hình thức quản lý, nguy cơ của trách nhiệm pháp lý liên quan đối với các tổ chức từ thiện.

Trước hết Đảng và Nhà nước cần tiến hành rà soát để loại bỏ điều chỉnh các văn bản pháp quy đối với tôn giáo nói chung và HĐTTXH của Phật giáo và Công giáo nói riêng đã lạc hậu, trùng lắp. Cần nghiên cứu và tổng kết thực tiễn triển khai hệ thống chính sách, pháp luật đó ở các địa phương, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm để hệ thống chính sách đối với tôn giáo và HĐTTXH của Phật giáo và Công giáo hoàn chỉnh và phù hợp với thực tiễn, có khả năng đi vào cuộc sống cao hơn. Sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo trong đó có nội dung liên quan đến HĐTTXH của tôn giáo, để phù hợp với luật pháp quốc tế và là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quản lý Nhà nước đối với HĐTTXH của Phật giáo và Công giáo. Đặc biệt, các nhà hoạch định chính sách nên lưu ý đến vấn đề bức xúc đang đặt ra tại các tỉnh, thành phố phía Nam để có chính sách, quy định cụ thể về việc cho phép các tổ chức tôn giáo được tham gia vào lĩnh vực xã hội hóa giáo dục, y tế và từ thiện nhân đạo đến mức nào là phù hợp.

Nhà nước, tiếp tục nghiên cứu để có sự đổi mới hơn nữa các chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với các hoạt động TTXH của các tôn giáo đặc biệt là chủ trưong xã hội hóa giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội. Theo đó, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo, cần cho phép các tổ chức, cá nhân tôn giáo thành lập bệnh viện, trạm xá, trường học,... Nhà nước thể chế hóa các chủ trương, chính sách về vấn đề TTXH của các tôn giáo thành những văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo được hoạt động thuận lợi trong lĩnh vực TTXH thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các cơ sở TTXH của giáo hội nhân các ngày lễ lớn như Phật đản, Noel, Vu lan và Tết cổ truyền dân tộc...

Các ban, ngành trung ương tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản chuyên sâu về HĐTTXH để có sự định hướng rõ ràng tạo sự chuyển biến

trong công tác TTXH của các tôn giáo nói chung, của Phật giáo và Công giáo nói riêng, có những hướng dẫn cụ thể, kịp thời nhằm tạo môi trường thuận lợi đảm bảo đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa trong giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, TTXH của tôn giáo nói chung và của Phật giáo, Công giáo nói riêng.

Chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ta đối với tôn giáo ngày càng thể hiện sự cởi mở trong đó có lĩnh vực HĐTTXH của tôn giáo. Hiện nay, đất nước còn nhiều khó khăn về kinh tế, cơ sở y tế, giáo dục chưa đủ đáp ứng nhu cầu xã hội, đạo đức xã hội đang có nhiều vấn đề cần quan tâm thì xã hội hóa y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội do các tôn giáo thực hiện có ý nghĩa rất lớn không chỉ giải quyết khó khăn về vật chất mà cải thiện cả đạo đức xã hội.

Tạo lập cơ chế quản lý, giám sát phù hợp để công tác TTXH của Phật giáo và Công giáo hoạt động có hiệu quả, đúng mục đích. Công tác tôn giáo nói chung trong đó có công tác quản lý HĐTTXH của Phật giáo và Công giáo là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Để HĐTTXH của hai tôn giáo này đạt hiệu quả và đi đúng mục đích, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý về tôn giáo, GHCGVN, GHPGVN và các ban, ngành đoàn thể khác trong tỉnh với các tổ chức, cá nhân tham gia HĐTTXH của Phật giáo và Công giáo.

Đổi mới phương thức quản lý hoạt động này theo hướng phân công, phân cấp cụ thể cho từng đơn vị, tránh hiện tượng chồng chéo, lấn sân, buông lỏng, khoán trắng trong quản lý. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đóng vai trò phát động và hướng HĐTTXH của cá nhân, tổ chức của Phật giáo và Công giáo vào trong phong trào từ thiện nhân đạo chung của mọi tầng lớp nhân dân. Ban Tôn giáo tỉnh có nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với hoạt động này, để vừa phát huy được mặt tích cực, đồng thời giảm thiểu mặt tiêu cực, bị lợi dụng trong HĐTTXH. GHPGVN và

GHCGVN tỉnh đóng vai trò động viên, khuyến khích, thúc đẩy phong trào từ thiện nhân đạo của giáo hội mình.

* Giải pháp về tuyên truyền, vận động:

Tăng cường công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị, nòng cốt trong vùng đồng bào có đạo nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia HĐTTXH, đồng thời nghiêm khắc xử lý những hành vi lợi dụng lợi dụng HĐTTXH vì mục đích cá nhân.

Cần khẳng định, nguyên tắc quản lý HĐTTXH của Đảng và Nhà nước ta là nhằm khuyến khích, động viên đồng bào tôn giáo đồng sức đồng lòng cùng toàn thể mọi tầng lớp nhân dân noi theo truyền thống quý báu “lá lành đùm lá rách” của dân tộc cũng như tinh thần từ bi, bác ái của Phật giáo và Công giáo trong hoạt động cứu trợ, quyên góp quỹ... giúp đỡ, ủng hộ người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Để HĐTTXH đi đúng mục đích, giữ được ý nghĩa, bản chất tốt đẹp và đạt hiệu quả, bên cạnh việc động viên các cá nhân, tổ chức Phật giáo và Công giáo nhiệt tình làm việc thiện, còn phải hết sức chú ý phòng chống các hiện tượng lợi dụng. Vì thế, trước tiên chúng ta cần chú trọng đến công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị, nòng cốt trong các vùng đồng bào theo đạo Phật giáo và Công giáo của tỉnh. Thông qua lực lượng nòng cốt này, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo sẽ được thông tin, giải thích cho nhân dân, đồng thời họ sẽ nắm rõ tình hình địa phương, phát hiện kịp thời các vụ việc tôn giáo phức tạp mới nảy sinh để giúp các đơn vị chức năng có biện pháp tháo gỡ.

Đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng phải nắm vững luật pháp, trong giải quyết công việc phải lấy cái lý làm cơ sở, tuy nhiên, hết sức tránh việc sử dụng biện pháp cưỡng chế hành chính đối với những trường hợp cá nhân, tổ chức từ thiện của Phật giáo và Công giáo vi phạm nhẹ, không gây

hậu quả nghiêm trọng. Còn những trường hợp lợi dụng HĐTTXH nhằm chống phá chế độ, gây phương hại khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần nghiêm khắc xử lý theo pháp luật.

Công tác xây dựng môi trường dân chủ cơ sở vùng đồng bào tôn giáo và vận động, tranh thủ đội ngũ chức sắc, chức việc của Phật giáo và Công giáo cần được quan tâm đúng mức để khắc phục hiện tượng một số chức sắc lạm dụng quyền. Các vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến cơ sở từ thiện của Phật giáo và Công giáo cần được theo dõi sát sao, có cách giải quyết “thấu tình đạt lý” để tránh tạo điểm nóng tôn giáo. Khuyến khích HĐTTXH của các tổ chức phi chính phủ trên tinh thần nâng cao cảnh giác, giám sát và quản lý chặt chẽ để HĐTTXH không vượt quá tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hoạt động từ thiện xã hội của một số tôn giáo ở tỉnh Kiên Giang hiện nay (qua nghiên cứu Phật giáo và Công giáo) (Trang 87 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)