Sự vận động về văn thể của Hán văn Việt Nam đầu thế kỷ XX

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu Hán văn Đông Kinh nghĩa thục (Trang 30 - 32)

6. Bố cục Luận văn

1.3. Sự vận động về văn thể của Hán văn Việt Nam đầu thế kỷ XX

Nói về chức năng chung của ngôn ngữ người ta thường nhắc đến hai chức năng cơ bản sau: Ngôn ngữ là hình thức của tư duy, là phương tiện để biểu tải suy nghĩ của con người về thực tại, về chính bản thân mình và về phương tiện mà con người đang sử dụng. Mặt khác, ngôn ngữ còn là phương tiện giao tiếp vạn năng của xã hội con người. Ở chức năng thứ hai này, tuỳ theo quan niệm của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ thì nó lại được hình dung một cách cụ thể hoặc khái quát khác nhau.Trong ngôn ngữ học, khái niệm chức năng còn được hiểu là chức năng trong cấu trúc của chính ngôn ngữ. Chẳng hạn như: chức năng khu biệt của âm vị, chức năng định danh của từ và ngữ, chức năng thể hiện một đơn vị lời nói trọn vẹn của câu và phát ngôn...Hán văn Việt Nam nói chung và Hán văn Đông Kinh nghĩa thục đều thuộc phạm trù ngôn ngữ viết, do đó cấu trúc, chức năng và phong cách của nó đổi mới ra sao sẽ thể hiện ở việc nó phản ánh cái gì, phản ánh ra sao, như thế nào và dùng cách thức nào để phản ánh.

Hán văn Việt Nam là thuật ngữ dùng để chỉ tất cả những văn bản bằng văn ngôn chữ Hán do người Việt Nam viết ra. “Trong tiến trình phát triển của tiếng Việt, có một đặc điểm nổi bật đó là sự tồn tại của chữ Hán trong hệ thống văn tự của Việt Nam cho đến tận giai đoạn tiếng Việt cận đại. Nhưng điều đáng chú ý là Hán văn Việt Nam chỉ có ở dạng Văn ngôn, không có ở dạng Bạch thoại như Trung Quốc”. [Nguyễn Tài Cẩn, 1979, tr, 39]. Sở dĩ tiến trình diễn tiến của Hán văn Việt Nam không hoàn toàn diễn ra như Hán văn Trung Quốc là vì: “Ngôn ngữ văn tự Hán được du nhập và truyền bá vào Việt Nam từ đầu công nguyên đến cuối thế kỷ IX là Văn ngôn. Những giai đoạn tiếp theo, từ đời Đường, Tống, Hán văn ở Trung Quốc đã sản sinh thêm một khái niệm mới - Bạch thoại và các triều đại tiếp sau: Nguyên, Minh, Thanh ở Trung Quốc, tiếng Hán vẫn tiếp tục diễn tiến, nhưng những diễn tiến đó không còn có tác động trực tiếp và có vai trò

quyết định đến Hán văn Việt Nam nữa. Hán văn cổ ở Việt Nam hầu như đứng bên lề những sự đổi thay diễn tiến trong ngôn ngữ Hán qua các thời đại”. [Nguyễn Tài Cẩn, 1979, tr. 39].

Dựa vào tiến trình của Hán văn Việt Nam 10 thế kỷ của thời kỳ phong kiến tự chủ, có thể phân thành các giai đoạn nhỏ như sau: Hán văn Lý - Trần, Hán văn thời Lê, Hán văn Tây Sơn - Nguyễn... Hán văn thời Nguyễn là giai đoạn Hán văn Việt Nam được dùng trong bối cảnh tái lập nhà nước phong kiến và khôi phục tư tưởng Nho giáo chính thống. Nhiều ông vua nhà Nguyễn như vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức tôn sùng Nho đến mức "sùng chính đạo, tuân kinh sử, pháp điển mô".

Hán văn Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX cũng vận động một cách tương ứng với những vận động của đời sống xã hội, song lại theo xu hướng đi đến loại bỏ chính mình với tư cách là hệ thống ngôn ngữ văn tự viết trong 2 chức năng xã hội quan trọng nhất: là ngôn ngữ viết của hành chính (vào năm 1910 ở Bắc Kỳ) và là ngôn ngữ viết của giáo dục (vào năm 1919). Hán văn Việt Nam giai đoạn này có 2 lối viết: lối viết văn ngôn truyền thống và lối viết chịu ảnh hưởng của Tân văn thể. Lối viết văn ngôn truyền thống vừa tiếp tục lối viết của văn ngôn nói chung, vừa chịu ảnh hưởng của tư tưởng quá nệ cổ của các vua và cũng như các thiết chế tổ chức nhà nước của thời Nguyễn. Lối viết Hán văn theo Tân văn thể (đầu thế kỷ XX) chịu ảnh hưởng của các tư tưởng mới, tri thức mới - tư tưởng dân chủ tư sản mà đại diện của nó là các chí sĩ yêu nước và cách mạng. (Tân văn thể là ngôn ngữ của lối văn giác thế (Giác thế chi văn), rung động lòng người do lối viết của phong trào cải cách văn thể thời cận đại tạo ra mà Lương Khải Siêu là người chủ xướng). Điều cốt yếu nhất của lối văn giác thế là diễn đạt thông lời, đạt ý, câu văn mạch lạc, ngắn gọn, lời văn sắc bén, không rườm rà, không cầu kỳ, hóc búa. Lối văn này vừa mới ra đời đã

ấn phẩm những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tân văn thể là lối văn chương chính luận lay động lòng người. Điều này xảy ra ở Việt Nam có muộn hơn (so với Trung Quốc), nhưng sự hiện diện của bộ phận Hán văn do các chí sĩ yêu nước viết đầu thế kỷ XX (bộ phận Hán văn này ở mức độ nào đó đã được viết theo ngôn ngữ của lối viết Tân văn thể) đã làm nên một trong những đặc trưng nổi bật của Hán văn Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ. Đó là một lối viết mới, có vốn từ thể hiện sự phát triển của văn hóa đương thời, cú pháp giản lược, cách tân....Do đó, Hán văn Đông Kinh nghĩa thục những năm đầu thế kỷ XX là một trong những bộ phận Hán văn điển hình tiêu biểu cho lối văn giác thế bởi nội dung truyền tải và sức lay động tranh thủ lòng người của chính nó.

Trong thời kỳ phong kiến độc lập, tự chủ, Hán văn Việt Nam từng đảm nhận những chức năng cơ bản sau: là ngôn ngữ dùng trong các hoạt động hành chính, quan phương của nhà nước; ngôn ngữ viết sử; ngôn ngữ dùng trong các hoạt động ngoại giao, đồng thời cũng là ngôn ngữ của giáo dục, học thuật, sinh hoạt tôn giáo và sáng tác văn học. Trong những chức năng trên của Hán văn thì chức năng là ngôn ngữ của các hoạt động quản lý hành chính nhà nước và chức năng là ngôn ngữ của giáo dục là quan trọng nhất. Từ trên danh mục trên cho thấy Hán văn Đông Kinh nghĩa thục là Hán văn nhà trường, Hán văn của một tổ chức hoạt động về các lĩnh vực văn hóa - xã hội - tư tưởng, do đó chức năng mở mang văn hóa, khải mông tư tưởng trở thành một trong những đặc trưng đáng chú ý nhất. Để biểu đạt trọn vẹn những chức năng ấy, cần phải có các phong cách diễn đạt tương ứng. Do đó, chức năng giác thế, khải mông văn hóa tư tưởng, cải cách giáo dục kết hợp với phong cách nghị luận, chính luận đã tạo nên sức truyền tải vô cùng to lớn của Hán văn Đông Kinh Nghĩa thục.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu Hán văn Đông Kinh nghĩa thục (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)