Quốc dân độc bản 國民讀本 là Hán văn giáo dục quốc dân

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu Hán văn Đông Kinh nghĩa thục (Trang 67 - 79)

6. Bố cục Luận văn

2.3. Quốc dân độc bản 國民讀本 là Hán văn giáo dục quốc dân

Quốc dân độc bản 國民讀本 là tài liệu cơ bản của Đông Kinh nghĩa thục, đồng thời cũng là cuốn sách vỡ lòng cho dành cho người trong nước đọc, học. Theo cách diễn giải của người soạn sách và tinh thần chung

của Đông Kinh nghĩa thục thì nền giáo dục họ hướng tới là nền giáo dục mang tính quốc dân. Đó là nền giáo dục theo phương pháp mới, giống như ở phương Tây, gồm có giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên môn theo các cấp tiểu học, trung học và đại học. Mục đích của việc học là “có ích cho mình và cho xã hội” với tinh thần “thực học, thực dụng, thực nghiệp”, hướng đến ba điều vệ sinh, trị sinh và học làm người, học làm quốc dân. Chương trình học là học các môn đi từ thấp đến cao, từ cơ bản đến chuyên sâu, truyền giảng kiến thức tùy thuộc vào độ quan trọng của môn học, ngành học mà gia giảm nặng nhẹ, bởi mục đích cốt yếu nhất vẫn là: trang bị cho quốc dân một phông nền kiến thức khá đầy đủ vừa phổ thông vừa chuyên nghiệp. Kiến thức phổ thông bao gồm các tri thức về tự nhiên và các tri thức về xã hội - là những tri thức phổ cập nhất để trang bị cho quốc dân Việt Nam trong thời đại mới có trình độ văn hóa phổ thông như nhau, mang tính nền tảng thiết yếu mà tất cả quốc dân cần có để vào đời. Khối kiến thức chuyên nghiệp nhằm đào tạo những chuyên môn nghề nghiệp nhất định theo sự lựa chọn của bản thân và nhu cầu của xã hội, nhu cầu của cuộc sống. Đường lối giáo dục này hoàn toàn mới mẻ chưa từng có ở nước ta từ trước tới nay, bởi nó mang tính nhân dân, dân tộc, khai hóa dân trí, mở mang dân khí, có định hướng, mục tiêu giáo dục rất rõ ràng “làm cho cả nước không người nào là không được giáo dục”. Ngay cả thuật ngữ quốc dân cũng được các nhà Đông Kinh nghĩa thục diễn giải rất cụ thể như sau:

Nguyên văn: 國民非人民之謂也, 有人民則有國家. 國家治 人民, 人民受治於國家, 國自國民自民也. 國民則異, 是國民者 與國家有團結不解之情. 視國家之休戚榮辱如我身之休戚榮辱, 必出我之資財助國家振興社會, 竭我之筋力, 佐國家之保守疆 土, 去我自私自利之心, 奉公之法律. 如是而後不愧為國民矣. 故人民者國民公共之稱, 國民者國人特别之稱也”.

Nghĩa là: “Gọi là nhân dân chưa phải là quốc dân. Có nhân dân thời mới có nhà nước. Nhà nước quản trị nhân dân, còn nhân dân lại chịu sự quản lý của nhà nước. Nước là nước, dân là dân. Còn quốc dân thì khác thế. Quốc dân và Nhà nước có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách dời nhau. Đem sự vui buồn vinh nhục của Nhà nước như là sự vui buồn vinh nhục của thân ta thì ắt là sẽ bỏ hẳn tiền của của ta ra giúp cho Nhà nước chấn hưng xã hội. Đưa hết sức của mình ra giúp cho Nhà nước bảo vệ lãnh thổ, bỏ lòng tự tư, tự lợi để tuân theo pháp luật công minh chính trực như thế thì sau mới không thẹn với chức năng của một người quốc dân. Cho nên nhân dân là gọi chung người của nước, còn quốc dân là loại người đặc biệt của nước”. [Viện Viễn Đông bác cổ - Cục lưu trữ Việt Nam, tr. 56].

Nhân dân là con người “chịu sự quản lý của nhà nước” nhưng chưa có quan hệ với nước. “Quốc dân là loại người đặc biệt của nước”, gắn bó mật thiết với nước, “coi buồn vui vinh nhục của nhà nước và buồn vui vinh nhục của chính cá nhân mình”, sẵn sàng bỏ tiền của và tính mạng bảo vệ nhà nước, giúp cho nhà nước chấn hưng xã hội, bỏ lòng tự tư tuân theo pháp luật. Quốc dân theo nghĩa này thì không khác biệt gì với công dân có quyền nghị bàn chính trị như của các nước phương Tây. Mặc dù nước ta chưa có quyền dân chủ, chủ quyền đất nước cũng mất vào tay giặc cũng như chưa có cơ sở để thực hiện quyền nghĩa vụ của công dân nhưng nếu “con người giữ được pháp luật của nhà nước, yêu mến đồng loại của nước mình, xem việc nước như việc nhà” thì có thể gọi là người quốc dân. Quốc dân theo quan điểm của các nhà Đông Kinh nghĩa thục trong Quốc dân độc

bản 國民讀本 là những người có trách nhiệm, có tinh thần yêu nước thương nòi, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và đất nước.

Quốc dân độc bản 國民讀本 tuy là một cuốn sách nhỏ nhưng đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trên. Ra đời với tư cách là một cuốn sách chung để phục vụ cho toàn thể quốc dân nâng cao dân trí,

bản 國民讀本 đã nói đến những vấn đề mới mẻ, phản ánh những xu hướng kinh tế - văn hóa xã hội, chính trị và các trào lưu tư tưởng, những con đường mới mẻ của các quốc gia dân tộc đang thử nghiệm trên thế giới, thể hiện xu thế đang lên của thời đại, khác hẳn với các nội dung thường thấy trong các kinh truyện Nho học. Và đóng góp nổi bật đầu tiên cần phải kể đến của cuốn sách dành cho toàn thể quốc dân cả nước đọc chung này chính là hệ thống các từ ngữ, thuật ngữ chính trị xã hội và khoa học được dùng để chuyển tải những nội dung mới mẻ như đã nói ở trên.

Sách Quốc dân độc bản 國民讀本 còn thể hiện chức năng là Hán

văn giáo dục quốc dân thông qua việc nêu lên những trang sử hào hùng của lịch sử cha ông dựng nước cũng như nguyên nhân làm cho nước yếu hèn.

Nguyên văn: “我國古辰李之伐宋, 陳之破元, 黎之平吳競爭 最烈, 國勢最彊. 其後專尚虛文, 詩賥, 清談釋道, 玄虛之學術, 相計而起. 故其民氣日, 國威日削, 是文弱之結果也 ... 我國猶 復耽玩詞章, 恥言步事, 執兵器而面羞, 聞炮聲而胆怯, 文弱愈 甚而望競爭進取不亦難乎? 夫習於模山範水, 弄月吟風, 則相 才步 略不足以奪其高人逸士之雅. 尚習於應對趨蹌風流蘊藉, 則長槍大戟不足以變其綏帶輕裘之故態. 文弱之弊至此極矣 ”.

Nghĩa là: “Nước ta xưa kia đời Lý đánh Tống, đời Trần phá Nguyên, đời Lê dẹp giặc Ngô, cạnh tranh đến cùng, thế nước hùng cường. Về sau dân ta chỉ chuộng hư văn thi phú, thanh đàm về đạo Phật, đạo Lão huyền hoặc, nên hai đạo ấy thi nhau hứng khởi, cho nên dân khí ngày càng suy, quốc uy ngày càng giảm. Đó là hậu quả của việc ưa nho nhã mảnh mai…Còn nước ta thì vẫn say đắm từ chương, không muốn bàn việc võ, cầm súng thì xấu hổ, nghe tiếng đại bác thì hết hồn. Nho nhã mảnh mai như thế thì khó mà mong tiến thủ, cạnh tranh. Ngắm núi nhìn sông, ngâm trăng vịnh gió thì tướng tài võ lược khó hơn được cao nhân dật sĩ; ham chuyện

ứng đối, đắm đuối vào chuyện phong lưu uẩn áo thì giáo dài gươm sắc không đủ thay đổi được cái thú mặc áo cầu, thắt đai tơ ”. [Viện Viễn Đông Bác cổ - Cục lưu trữ Việt Nam, tr. 64].

Ngoài ra, đó còn là nguyên nhân của việc dân ta nhận thức không rõ ràng, sâu sắc về chủ quyền đất nước cũng như tư tưởng quốc gia cộng đồng: “我國之民素無國家思想, 本國之主權盡失而國民之酣睡如故. 我國素稱文献之邦而愛國之心果安在也. 言之可為於邑”. –

“Dân ta vốn không có tư tưởng quốc gia, chủ quyền nước ta mất hết mà dân ta vẫn cứ ngủ say hay sao? Nước ta là nước văn hiến mà lòng yêu nước ở ta để ở đâu? Có thể nói là chỉ quẩn quanh bên làng xóm mà thôi! ”. [Viện Viễn Đông Bác cổ - Cục lưu trữ Việt Nam, tr. 58].

Thông qua việc so sánh mục đích của hai nền giáo dục, sách Quốc dân độc bản 國民讀本 đã nêu ra thực trạng của nền giáo dục cũ ở nước ta với những hậu quả nặng nề nó đang gây ra cho xã hội như sau:

Nguyên văn: 立學之意已與西國異. 西國學校以教育為主義, 無人不當教育, 故無人不當入學. 所謂普通學者, 即士农工商, 人人必需之學也. 進而上之 , 則有專門之學, 分途肆習不拘一 格 . 故其國中無人不學不精 ... 我國學校以科舉為主義, 故無志 於公卿大夫者, 雖不識一丁而亦可. 有志於公卿大夫者必取空 而不實, 缺而不完之書籍 ”.

Dịch nghĩa: “Mục đích lập trường học của nước ta khác với các nước phương Tây. Trường học phương Tây lấy giáo dục làm chủ nghĩa, không ai không được giáo dục, cho nên ai cũng phải đến trường. Giáo dục phổ thông là dạy những kiến thức phổ thông mà ai cũng cần phải biết. Nên chia ra làm nhiều ngành chuyên môn, không bó hẹp theo một phương thức nào. Ở nước họ không ai là không học, mà đã học thì không ai không tinh thông… Trường học nước ta lấy khoa cử làm mục đích, cho nên không phải ai cũng

có chí làm công khanh đại phu, nhưng mặc dù dốt đặc thì chí vẫn ở chỗ công khanh đại phu…”. [Viện Viễn Đông bác cổ - Cục lưu trữ Việt Nam, tr. 73].

Tác giả đã khẳng định một nền học vấn lấy mục đích như vậy để đào tạo thì hậu quả của nó là không thể tránh khỏi: “百學之所以並荒, 人心 日即於苟且非科舉之毒不至此 ” - “Không có nọc độc của khoa cử

làm sao đến nỗi hàng trăm thứ học bị bỏ phế, nhân tâm suy yếu như vậy”.. [Viện Viễn Đông bác cổ - Cục lưu trữ Việt Nam, tr. 73]. Đồng thời tác giả cũng đưa ra lời khuyên cho thanh thiếu niên: “吾故深惡而痛疾之, 不 願我少年之再受其毒也. 舉科之與學校無並立之理, 科舉旦夕 廢矣. 凡我少年宜專力於有用之學, 勿以科舉亂其志” - “Chúng

ta phải căm ghét, đau đớn vì tình trạng đó, không để thiếu niên chúng ta lấy nhiễm cái nọc độc ấy nữa…Thiếu niên chúng ta phải ra sức học cái hữu dụng, chớ để cái học khoa cử phá hỏng chí hướng của mình” . [Lương Trúc Đàm, tr. 71].

Nền khoa cử ở nước ta đã tạo ra một đội ngũ nhân tài đông đảo, chấn hưng học phong nước nhà, đóng góp những phần không nhỏ vào việc tạo ra những kiệt tác cho nền văn hóa văn hiến Việt Nam, nhưng chính chính quyền phong kiến với những cái đầu hủ nho và các quy tắc luật lệ khắt khe đã từng bước biến khoa cử thành nhà tù giam hãm nhân tài, thui chột mọi khả năng tư duy sáng tạo, trở thành công cụ để nhào lặn những công khanh đại phu chỉ biết học thuộc lòng sách vở thánh hiền. Quốc dân độc bản國 民讀本 nêu lên tính chất và hậu quả tai hại của nền khoa cử nước nhà để cảnh tỉnh quốc dân, cảnh tỉnh thanh thiếu niên, cần học gì và học như thế nào trước thế cuộc mới. Từ đó, các nhà Đông Kinh nghĩa thục mạnh dạn đề cao thực học và cho rằng không thi hành khoa cử cũng chẳng có hại:

Nguyên văn: “然即使捨實學以從事科舉, 試問應試而獲雋 者幾人. 獲雋而得美官者幾人. 得美官善終者基人? 其術其拙 其道甚危. 不如用普及教育學足以資實用也. 如謂捨科舉別無 生之路, 吾未見應試落第者之遂作餓殍”.

Nghĩa là: “Giả sử bỏ thực học, cứ theo đòi khoa cử, thử hỏi đi thi được mấy người đỗ đạt, đỗ đạt được mấy người ra làm quan, làm quan mấy người được hanh thông trọn đời? Cách đó rất vụng, đạo đó rất nguy, sao bằng giáo dục phổ cập để đem ra thực dụng? Nói rằng bỏ khoa cử thì hết đường mưu sinh! Tôi không cho là thế, tôi chưa từng thấy những người đi thi hỏng chết đói bao giờ” [Viện Viễn Đông Bác cổ - Cục lưu trữ Việt Nam, tr. 74].

Không những thế, các nhà Đông Kinh nghĩa thục còn vạch ra những định hướng tương lai cho ngành giáo dục: “Nếu như bất hạnh, không bỏ được khoa cử thì thầy giáo phải dạy cho học trò trở thành người dân hữu dụng, người trí thức phải đề ra nguyên tắc mới, biên soạn những sách mới có ích cho mọi người trong nước, người thông hiểu văn tự Đông Tây phải dịch những cuốn sách có ích để mở mang phong khí, công - nông - thương phải có chí tiến thủ để khuếch trương nghề nghiệp. Trong thực nghiệp chưa có cái nào không mang lại lợi ích cho quốc gia dân tộc cả. Còn như nói rằng lòng người lấy việc làm quan làm vinh hiển thì sẽ nhiễm mãi cái tư tưởng lạc hậu của thói cũ mà thôi. Như thế thì quốc dân làm sao mà tự lập được” [Viện Viễn Đông bác cổ - Cục lưu trữ Việt Nam, tr. 74 - 75].

Người nước ta vốn tự hào là một đất nước rừng vàng biển bạc, đất đai rộng rãi phì nhiêu, quanh năm suốt tháng trên trời dưới biển đều đầy ắp sản vật. Nhưng chính tư tưởng lạc hậu, chủ quan, nhận thức sai lầm về thực học, chuộng hư danh mà đất nước ngày càng lạc hậu, dân trí ngày càng thấp kém, thậm chí phải bán nước cho người nước ngoài. Đề cao cái học thực nghiệp thực dụng, Quốc dân độc bản 國民讀本 kêu gọi nhân dân

hãy tự cường đứng lên chấn hưng nền thực nghiệp nước nhà, đổi mới tư duy, đuổi cái ngu cái dốt, cái sai lầm bảo thủ và tính ưa sĩ diện chuộng hư danh của dân ta:

Nguyên văn: “以天產物言之則國中江河灌注而凡江津塗泥 之地, 最宜樹藝. 煤鐵等礦紛臚至不可數, 此皆增益財產之絕妙 原質也. 然而國如是其貧者吾知其故矣. 夫成物者農工也, 物不 厭其多. 其織業最無限制. 商雖不能成物而能使農工所出之財 物周流無滯. 故農工商皆富國之實業也. 實業愈發達則國愈富. 士既不切講求農工商之事而為農工商者多不學無術之流. 何謂 農, 何謂商業, 何謂地理, 何謂代數, 何謂格致化學, 不特未學 其術亦且未聞其名. 此百學之所以並荒而實業所仕不振也. 凡 我國人可不力洗此恶習耶 ”?

Dịch nghĩa: “Về tài nguyên thiên nhiên thì khắp nước đều có sông ngòi tưới tiêu, bờ bãi ven sông lắm phù sa, thích hợp cho trồng trọt. Rồi mỏ than, mỏ sắt đâu đâu cũng có, không kể hết. Nước ta như vậy mà dân vẫn nghèo vì nguyên nhân nào thì chúng ta cũng biết. Phẩm vật là do nông nghiệp, công nghiệp mà có, sản phẩm càng nhiều càng hay. Dệt vải cũng không hạn chế. Thương nghiệp tuy không làm ra sản phẩm nhưng lại làm cho sản phẩm của ngành công nghiệp, nông nghiệp làm ra được lưu thông, không bị ứ đọng. Do dó, công nông thương đều là thực nghiệp, làm giàu đất nước. Thực nghiệp càng phát triển đất nước càng giàu…Sĩ đã không biết việc nông - công - thương, mà nông - công - thương phần nhiều lại ngu dốt, không học hành, không biết nông học là gì, thương nghiệp là gì, địa lý là gì, đại số là gì, cách trí, hóa học là gì, không những không được học những môn ấy mà nghe cũng chưa hề nghe qua. Cho nên trăm môn chẳng biết môn nào, thực nghiệp mới không chấn hưng được. Há ta không bỏ được nếp xấu ấy đi sao”. [Viện Viễn Đông bác cổ - Cục lưu trữ Việt Nam, tr. 92].

Khía cạnh thứ hai, tác giả bàn luận về chức năng và ý nghĩa của việc giáo dục quốc dân và giáo dục phổ thông, giáo dục phổ cập, đồng thời cho rằng chỉ có giáo dục mới có thể chạm đến đỉnh cao của văn minh. Quốc dân nước ta không tiến kịp các nước khác vì nước ta không có giáo dục phổ cập, không đề cao giáo dục phổ cập.

Nguyên văn: “論國民之文明者, 必據通國之人民言之, 非僅

舉一二人言之也. 而所已進全國於文明者, 其惟普及教育乎. 普 及教育者, 通國之中無一人受教育之謂也 . 人之生也與動物異 必待教育而後成 ”.

Dịch nghĩa: “Văn minh của quốc dân là căn cứ vào mọi người trong nước chứ không phải chỉ ở một vài người là đủ. Làm cho cả nước văn minh thì phải có giáo dục phổ cập. Giáo dục phổ cập là cả nước không một người nào là không được đi học. Con người sinh ra khác với loài vật là nhờ có sự giáo dục”. [Viện Viễn Đông bác cổ - Cục lưu trữ Việt Nam, tr. 71]. Giải thích về việc học, tác giả cũng nói rõ:

Nguyên văn: “論其公理則日學有益於我身與社會國家之學. 其目有三, 一曰學衛生即免病疾強身體之法也. 一曰學治生即 求衣食理產業之法也. 一曰學為人及為國民即檢束身心與所以 處家庭社會國家之法也. 合乎此三者則為有用之學. 離乎此三 者則為無用之學. 其細目則甚繁, 如本國外國之方言歷史地理 及天文算學全體衛生動物植物礦學地學格致化學心理論理政 治計學等學. 統名為科學 皆是各科學相需為用, 不得謂其學專 属其用 ”.

Nghĩa là: “Học là để có ích cho bản thân và quốc gia, xã hội. Có ba điều, một là học vệ sinh, tức là học phương pháp làm cho thân thể cường tráng, không bệnh tật; hai là học trị sinh tức là học phương pháp làm cho có thức ăn, đồ mặc và quản lý sản nghiệp; ba là học làm người, làm quốc dân,

tức là học cách tự kiềm chế và cách đối xử với quốc gia xã hội. Đạt được ba điều ấy là cái học hữu dụng, không đạt được ba điều ấy là cái học vô dụng. Nội dung chi tiết thì rất phức tạp, có ngôn ngữ, lịch sử, địa lý nước ta và nước ngoài, đến thiên văn, toán học, vệ sinh học, cách trí, hóa học, thực vật học, tâm lý, luân lý, chính trị, kế học (kế học là khoa học làm giàu cho đất nước). Tất cả các môn đó gọi là khoa học nói chung đều rất quan trọng và có quan hệ mật thiết với nhau”. [Viện Viễn Đông bác cổ - Cục lưu trữ Việt Nam, tr. 71].

Như vậy Quốc dân độc bản 國民讀本 nhấn mạnh ý nghĩa của nền

thực học, nhấn mạnh ý nghĩa của việc người đi học là vì những mục đích và nhu cầu thiết yếu của bản thân và xã hội chứ không vì khát vọng công danh. Để đưa ra những minh chứng cụ thể hơn cho những giới thuyết nêu ở trên, tác giả đã dẫn ra tấm gương của cường quốc Nhật Bản, để giải thích cho việc Nhật Bản cũng từ một nước nghèo nàn lạc hậu như nước ta mà có thể vươn vai sánh với các cường quốc khác là vì họ có nền giáo dục tiên tiến nhất. Bậc cao nhất trong nền giáo dục Nhật Bản là trường Đại học đế quốc, dưới nó là hệ thống các trường như: trường cao đẳng, trường trung học, trường sư phạm, trường thực nghiệm, trường cao đẳng nữ học…, trong

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu Hán văn Đông Kinh nghĩa thục (Trang 67 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)