Khi xem xét giá trị khối tài liệu lưu trữ chữ viết của chính quyền Việt Nam Cộng hòa về đường Trường Sơn trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản: chính trị, lịch sử và tổng hợp được thực hiện thông qua việc áp dụng các phương pháp xác định giá trị tài liệu: hệ thống, thông tin, phân tích chức năng và sử liệu học. Các tiêu chí áp dụng để xác định giá trị của khối tài liệu chữ viết về
đường Trường Sơn bao gồm: giá trị thông tin phản ánh trong nội dung của tài liệu; bút tích hiện có trên tài liệu; tác giả và thẩm quyền ban hành; nguồn gốc xuất xứ, thể thức và thể loại văn bản của khối tài liệu; hoàn cảnh và địa danh lịch sử có liên quan; tính hợp pháp và giá trị pháp lý của các tài liệu, … Trên những cơ sở đó, có thể xem xét giá trị thông tin và độ tin cậy của khối tài liệu này một cách cụ thể như sau:
1.3.1- Giá trị thông tin trong nội dung của khối tài liệu về đường Trường Sơn. Trường Sơn.
1.3.1.1. Giá trị sử liệu
Toàn bộ khối tài liệu chữ viết của chính quyền Sài Gòn có nội dung về
đường Trường Sơn có giá trị cao về mặt sử liệu, có ý nghĩa nhiều mặt trong việc nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, về giao thông vận tải nói chung và đường Trường Sơn nói riêng, góp phần bổ sung những chi tiết, sự kiện lịch sử
nhân dân Việt Nam được hoàn chỉnh hơn. Điều này được biểu hiện cụ thể qua những vấn đề:
Khối tài liệu phản ánh một cách tổng thể, chi tiết, chính xác toàn bộ hoạt động của bộ máy chiến tranh do chính
quyền Việt Nam Cộng hòa vận hành để chống phá Cách mạng miền Nam, đặc biệt là đường Trường Sơn trong suốt hơn 20 năm (1954 – 1975). Những tài liệu về đường Trường Sơn đều do các cấp chính quyền, quân đội, tình báo của Việt Nam Cộng hòa từ địa phương đến trung ương ban hành nhằm phát hiện, nghiên cứu, lập và tổ chức các kế hoạch chống phá (hình 1), báo cáo kết quả đánh phá đường Trường Sơn. Nội
dung của những hoạt động quân sự, tình báo mà Việt Nam Cộng hòa tiến hành với đường Trường Sơn có thể thống kê chi tiết những hồ sơ có nội dung liên quan như sau:
- 09 hồ sơ có nội dung về việc phát hiện, đánh giá vị trí và vai trò của
đường Trường Sơn trong cuộc chiến giữa Việt Nam Cộng hòa và Mỹ với Cách mạng miền Nam và Việt Nam. Những hồ sơ này tập hợp các văn bản của các cấp chính quyền (từ trung ương đến địa
phương), quân đội, tình báo để phát hiện từ rất sớm dấu hiệu về sự xuất hiện của một con đường liên lạc Bắc – Nam. Trong Công văn số 4070 VP/CTM, ngày 24/7/1956, của Văn phòng Tòa đại biểu Chính phủ tại Nam Việt “Về việc Việt cộng làm con đường xuyên sơn từ vĩ tuyến 17 đến mật khu Thò Lò (Phú
Hình 1
Yên)”, gửi Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa (hình 2) [57, tờ số 3]. Đây là văn bản đầu tiên trong khối tài liệu lưu trữ chữ viết của Việt Nam Cộng hòa về đường Trường Sơn. Sự phát hiện này (24/7/1956) đã có trước khi con đường được chính thức thành lập (19/5/1959). Thời điểm này hoàn toàn trùng khớp với những hoạt động của các tổ chức của Cách mạng miền Nam ở Liên Khu
V thời kỳ sau 1954: Đường dây do Khu ủy Khu V phối hợp với Ủy ban Thống nhất Trung ương (Hà Nội) phụ trách mang mật danh “Quận 9”. Tiếp đó là các hoạt động soi đường mang tính tự phát của các tổ chức Đảng từ Nam Bộ đến Tây Nguyên để thông với hành lang của Khu ủy Khu V.
- 11 hồ sơ có nội dung nghiên cứu về tổ chức, phương thức hoạt động của đường Trường Sơn (hình 1, 1b). Những hồ sơ này là những thông tin tình báo thông qua hoạt động thám báo hoặc các trang thiết bị do thám điện tử hiện đại khác của quân đội Mỹ thu thập được từ chính những hoạt động của Bộ đội Trường Sơn.
- 17 hồ sơ có nội dung liên quan đến việc lập và tổ chức kế hoạch chống phá đường Trường Sơn. Đây là hồ sơ tác chiến của các Bộ tư lệnh Không quân, kỹ thuật, tình báo đã hình thành trong việc do thám, đánh phá và phối hợp kiểm chứng kết quả đánh phá do Không quân Mỹ thực hiện.
Một trong những vấn đề có tính mấu chốt trong khối tài liệu lưu trữ chữ viết về đường Trường Sơn nói trên giúp khẳng định về giá trị thông tin và độ tin cậy của khối tài liệu là:
- Những văn bản trong khối tài liệu này đều là văn bản hành chính chính thức của hệ thống các cơ quan: chính quyền, quân đội, tình báo, bảo an,… của Việt Nam Cộng hòa, được ban hành trong quá trình hoạt động thực tế của chính các cơ quan đó. Xét về phân loại văn bản dưới góc độ của phong cách ngôn ngữ học, văn bản hành chính là một loại văn bản được hình thành trong quá trình hoạt động của một cơ quan, tổ chức, là công cụ giao tiếp hành chính thiết yếu để trao đổi thông tin, truyền đạt mệnh lệnh của hệ thống cơ quan tổ chức đó. Việc phát hiện ra đường Trường Sơn là một trong những hoạt động được thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của hệ thống cơ quan này. Vì vậy, tính hợp pháp, giá trị pháp lý và hiệu lực thi hành văn bản của hệ thống văn bản hành chính trong khối tài liệu lưu trữ chữ viết của Việt Nam Cộng hòa là cơ sở quan trọng giúp cho việc khẳng định khối tài liệu này có giá trị sử liệu cao và đủ độ tin cậy để góp phần bổ sung những chi tiết, sự kiện lịch sử còn thiếu hay chưa chính xác về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam được hoàn chỉnh hơn.
- Khối tài liệu lưu trữ chữ viết của chính quyền Việt Nam Cộng hòa có nội dung về đường Trường Sơn được hình thành để phục vụ cho hoạt động của chính hệ thống cơ quan: chính quyền. quân đội, tình báo, … của Việt Nam Cộng hòa, nhằm đảm bảo sự tồn tại của chính quyền này. Do biến động lịch sử 30/4/1975, chính quyền này đã bị cơn lốc của Cách mạng Việt Nam mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, chấm dứt sự tồn tại trên toàn lãnh thổ miền Nam. Vì vậy, toàn bộ tài liệu lưu trữ, tài liệu hành chính hiện hành và các loại tài liệu lưu trữ lịch sử từ các thời kỳ trước đó của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (Đệ Nhất và Đệ Nhị) đã trở thành tài liệu lưu trữ quốc gia Việt Nam hiện nay, do Trung tâm Lưu trữ quốc gia II của Nhà nước CHXHCN Việt Nam quản lý. Chính lý do này đã cho chúng ta một cơ hội tiếp cận và phát hiện ra những vấn đề có liên quan đến hoạt động của Việt Nam
Cộng hòa trong việc phát hiện, theo dõi và chống phá đường Trường Sơn. Đó là một lý do khách quan giúp khẳng định độ tin cậy của khối tài liệu lưu trữ chữ viết của Việt Nam Cộng hòa có nội dung về đường Trường Sơn. Đây cũng chính là cơ sở để khẳng định giá trị sử liệu của khối tài liệu này.
- Nội dung những tài liệu trong khối tài liệu lưu trữ chữ viết của Việt Nam Cộng hòa về đường Trường Sơn do hàng loạt các cơ quan tham mưu thuộc quân đội và tình báo Việt Nam Cộng hòa ban hành. Nội dung của những văn bản này cho thấy họ đã nghiên cứu một cách tổng thể, chi tiết về
đường Trường Sơn. Những công trình nghiên cứu do Phòng Nhì hay Võ phòng (thuộc Bộ Tổng Tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa, Đặc ủy trung ương Tình báo, Phủ Thủ tướng, Phủ Tổng thống) thực hiện không chỉ thống kê, mô tả về tổ chức, phương tiện, cách thức vận chuyển trên đường Trường Sơn (hình 1) mà còn tìm hiểu cả những hoạt động phục vụ đời sống tối thiểu ở chiến trường của Bộ đội Trường Sơn như công cụ nấu bếp: Bếp Hoàng Cầm nổi tiếng (hình 1b).
Trong binh pháp Tôn Tử, một quy tắc vàng, có tính bất di bất dịch như quy luật tất yếu dành cho các bên tham chiến: biết mình, biết ta, trăm trận trăm thắng. Vậy, với hiểu biết qua các công trình nghiên cứu công phu của những cơ quan tham mưu nói trên và quy tắc muôn thuở của binh pháp đã giúp ích gì mà chính quyền Việt Nam Cộng hòa cáo chung vào ngày 30/4/1975 lịch sử, trong đó có sự đóng góp quan trọng của con đường huyền thoại vươn qua dãy Trường Sơn.
1.3.1.2. Giá trị về chính trị
Khối tài liệu của chính quyền Việt Nam Cộng hoà về đường Trường Sơn có giá trị về chính trị hết sức to lớn, dưới đây chúng tôi chỉ xin điểm qua ở một số vấn đề cụ thể:
Trong việc gọi tên đường Trường Sơn, khi tiếp cận nội dung của những văn bản trong khối tài liệu chữ viết của Việt Nam Cộng hòa về đường Trường Sơn, một vấn đề rất thú vị, có giá trị thông tin cao, góp phần khẳng định giá trị sử liệu của khối tài liệu của Việt Nam Cộng hòa về đường Trường Sơn, đó là chính các cơ quan của chính quyền Việt Nam Cộng hòa là tác giả đầu tiên gọi tên tuyến đường Trường Sơn là đường Hồ Chí Minh hay đường mòn Hồ Chí Minh một cách chính thức và được thể hiện trong các văn bản. Việc chính quyền Việt Nam Cộng hoà gọi tên đường Trường Sơn là đường mòn Hồ Chí Minh càng cho thấy vai trò, uy tín và ảnh hưởng to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam (theo cách gọi của nhân dân Việt Nam) và Chiến tranh Việt Nam (theo cách gọi của một số nước trên thế giới), với con đường chiến lược đường Trường Sơn. Ảnh hưởng to lớn ấy không chỉ với nhân dân Việt Nam, những con cháu của Người, mà với cả những kẻ bên đang đối đầu quyết liệt một mất một còn với Cách mạng Việt Nam. Tên gọi “Đường mòn Hồ Chí Minh” sau chiến tranh vẫn được thế giới sử dụng để gọi tên Đường Trường Sơn trong sự cảm phục, trong sự tôn vinh, như một biểu tượng của ý chí, sự dũng cảm, kiên cường của quân và dân Việt Nam quyết đi đến ngày
chiến thắng, giành độc lập, tự do, thống nhất, hoà bình “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn”. Điều này được thể hiện:
Nếu truy cập mạng Internet, ngoài những tên gọi thông thường: Đường Trường Sơn, Binh đoàn 559, Đoàn Quang Trung, … còn có một tên gọi khá phổ biến là Đường mòn Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh
trail). Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Phương, tên Đường mòn Hồ Chí Minh do người Mỹ đặt: Trong báo cáo gửi Tổng thống Kennedy năm 1961,
tướng Taylor đã gọi tuyến giao liên vận tải này của ta là “Ho Chi Minh trail”. Tuy nhiên cái tên Đường mòn Hồ Chí Minh thực sự được cả thế giới biết đến trước hết phải nhờ tới cuốn sách nổi tiếng của nhà báo người Bỉ viết tiếng Pháp Jean Pierre Van Geirt với nhan đề La piste Ho Chi Minh (Đường mòn Hồ Chí Minh), do Editions Speciale Paris xuất bản cuối năm 1971 (hình 3).
Còn theo từ điển bách khoa mở Wikipedia “Đường Trường Sơn hay đường mòn Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược chạy từ lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tới lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa, đi qua miền Trung Việt Nam, hạ Lào, và Campuchia. Hệ thống này cung cấp binh lực, lương thực và vũ khí, khí tài để chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam trong 16 năm (1959–1975) của thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Binh đoàn Trường Sơn (đoàn 559) Quân đội Nhân dân Việt Nam là đơn vị triển khai các đơn vị công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không để đảm bảo hoạt động của hệ thống đường này.
…
Ở Việt Nam, hệ thống đường này đặt tên là Đường Trường Sơn, lấy tên của dãy Trường Sơn - dãy núi chạy dọc miền Trung Việt Nam, nơi hệ thống này đi qua. Về sau, hệ thống này có thêm tên gọi Đường mòn Hồ Chí Minh, tên gọi này (Ho Chi Minh trail) có nguồn gốc từ Mỹ” [92, tr. 1].
Xét về ngữ nghĩa của tên gọi đường mòn Hồ Chí Minh – Ho Chi Minh trail, theo nghĩa tiếng Anh, "Trail (noun): path, especially through rough country”: đường mòn, đặc biệt là đường xuyên qua nơi gồ ghề [94, tr.1360]. Theo từ điển tiếng Việt, đường mòn là “Đường do vết chân người đi lại nhiều mà thành”[35, tr.363]. Như vậy, tên gọi của đường Trường Sơn là đường mòn Hồ Chí Minh hoàn toàn đúng xét về ý nghĩa cũng như thực tế của sự hình thành, hiện hữu, hoạt động và tầm ảnh hưởng của con đường này trong cuộc
kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Tên gọi này cũng phản ánh được tình cảm và ý nghĩ của chính những người đầu tiên tham gia mở đường nên đã chọn ngày 19/5/1959 làm ngày thành lập của Binh đoàn Trường Sơn và lấy phiên hiệu Đoàn 559 cũng từ những cơ sở nói trên. Tuy nhiên, những thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của tên gọi nổi tiếng đường mòn Hồ Chí Minh ấy đã được phản ánh như trên là không chính xác, chưa đúng với thực tế lịch sử đã diễn ra tại Việt Nam vào những năm 1956 – 1963. Điều này sẽ được lý giải qua thông tin từ khối tài liệu lưu trữ chữ viết của chính quyền Việt Nam Cộng hòa về đường Trường Sơn dưới đây.
Khi tiếp cận nội dung của những văn bản trong khối tài liệu chữ viết của Việt Nam Cộng hòa về đường Trường Sơn, chúng tôi thấy có một hệ thống văn bản hình thành trong hoạt động quân sự, tình báo của chính quyền Việt Nam Cộng hoà nhằm phát hiện con đường để đánh phá, hạn chế sự tác động của nó vào cuộc chiến ở Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975. Tài liệu lưu trữ được phát hiện có nội dung về gọi tên con đường là đường mòn Hồ Chí Minh mà chúng tôi tìm được ghi ngày 07/12/1957 (hình 4) [57, tờ số 7-8].
Đây là tài liệu đầu tiên mà Việt Nam Cộng hòa gọi tên là Đường mòn Hồ Chí Minh đối với con đường huyền thoại này một cách chính thức trên văn bản. Theo chúng tôi, chính quyền Việt Nam Cộng hoà gọi tên đường là Đường mòn Hồ Chí Minh có thể bắt nguồn từ những thông tin tình báo mà phía Việt Nam Cộng hoà thu thập được từ những năm nhân dân ta đang trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Điều này được thể hiện trong nội dung văn bản đề cập trên như: “…Vì vậy nên từ năm 1947-1948, Việt-cộng đã trù liệu mở một con đường xuyên sơn để liên lạc từ Bắc qua các liên khu IV, liên khu V ở Trung-Việt vào đến trong Nam; có thể nói là song song với đường thiết lộ và quan lộ số 1.
Con đường Xuyên- sơn nầy khi hoàn thành lấy tên là đường Hồ-Chí- Minh” [57, tờ số 7]. Có thể nói, việc chính quyền Việt Nam Cộng hoà gọi tên con đường là Đường mòn Hồ Chính Minh một cách chính thức trên văn bản là sớm nhất, bởi vì tính đến nay chúng tôi chưa tìm được bất kỳ văn bản chính thức nào đề cập đến việc gọi tên tuyến đường này là Đường Hồ Chí Minh hay
Đường mòn Hồ Chí Minh. Điều này lần nữa khẳng định uy tín và ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với con đường chiến lược Trường Sơn rất to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, thậm chí đối với cả kẻ thù của Người. Đặc biệt trong khối tài liệu chữ viết của Việt Nam Cộng hoà về
đường Hồ Chí Minh có những tài liệu mà nội dung liên quan đến việc phát hiện tuyến đường Xuyên sơn từ Bắc vào Nam (tiền đề của đường Trường Sơn sau này) sớm hơn cả ngày mà những người mở
đường, vạch tuyến đã chính thức khai sinh con đường là 19/5/1959.
Theo tư liệu lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam, những dấu ấn