8. Bố cục luận văn
1.3. Vấn đề gian lận thi cử Trung học phổ thông
1.3.1. Thực trạng về việc gian lận thi cử Trung học phổ thông
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2017 - 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã
đưa ra đánh giá: Hiện nay giáo dục đang có 5 vấn đề: tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích, phương pháp dạy học, đời sống giáo viên, sách giáo dục và thiết bị giáo dục; kéo theo đó là 4 lãng phí hệ lụy: Sức lực và thời gian học sinh, sức lực và tiền bạc của phụ huynh, công lao thầy cô và lãng phí chung cho xã hội. Cũng từ đó kéo theo 3 suy thoái: suy thoái đạo đức trong học sinh, suy thoái đạo đức liên quan đến thầy cô giáo và làm suy thoái xã hội.
Năm học 2017 - 2018 là năm có rất nhiều hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục bị phanh phui. Những hiện tượng này đã tồn tại dai dẳng và ngày càng tinh vi phức tạp nhưng trước kia chưa được phát hiện, hoặc phát hiện ra một vài vụ nhỏ, lẻ nhưng các hình thức xử lý cũng chưa nghiêm minh và chưa đủ sức răn đe.
Đặc biệt là sự việc gian lận xảy ra trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, nổi bật là các hội đồng thi Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… đã tạo cơn “địa chấn” cho nền giáo dục và dư luận.
Tâm điểm dư luận xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 ở các tỉnh đó là: Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La. Cụ thể, tại Hà Giang có 330 bài thi của 114 thí sinh được sửa từ 1-8 điểm gây chấn động dư luận. Tại đây, khâu quét bài thi, in đĩa CD vẫn được thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, ông Vũ Trọng Lương, Phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang đã can thiệp, sửa chữa bài thi trong khâu xử lý lỗi và chấm thi. Sau khi đã sửa xong ở khâu này, ông Lương quay lại sửa bài thi gốc của thí sinh nhưng chưa kịp quét lại bài thi sau khi sửa.
Gian lận thi THPT quốc gia 2018 ở Sơn La, Hòa Bình tiếp tục là một “cơn địa chấn” trong ngành giáo dục khi quy trình gian lận tinh vi hơn so với tại Hà Giang khi hàng trăm bài thi bị chỉnh sửa trực tiếp, không đúng với bài thi gốc. Tại Hội đồng thi tỉnh Sơn La, việc can thiệp bài thi của thí sinh được thực hiện ngay từ đầu. Theo đó, bài thi đã được sửa chữa trước khi quét ảnh gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tại hội đồng thi tỉnh Hòa Bình có 140/210 bài thi của 56 thí sinh tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án, các đáp án trên bài thi trắc nghiệm không phải do cùng một người tô ra. Cụ thể, vào buổi tối các ngày từ 30/6/2018 đến 3/7/2018, Mạnh Tuấn và Khắc Tuấn sử dụng chìa khóa do Vinh đưa, bóc niêm phong, mở khóa đột nhập vào phòng 504 để trực tiếp thực hiện việc chỉnh sửa đáp án trên phiếu trả lời trắc nghiệm (bài thi) của các thí sinh theo danh sách đã tập hợp sẵn. Sau khi sửa, các đối tượng cho bài thi vào túi đựng bài, dùng ghim hoặc phết một lớp hồ dán lên tờ niêm phong bài thi để không bị phát hiện. Một số trường hợp thí sinh có bài thi đã “scan” lên vi tính chưa kịp sửa, Mạnh Tuấn mở máy vi tính rồi tiến hành scan lại toàn bộ tập bài thi và copy đè lên tập bài thi đã scan trước đó.
Chưa bao giờ, ngành Giáo dục có nhiều cán bộ là quản lý giáo dục cấp sở, phòng hoặc hiệu trưởng, hiệu phó các trường phổ thông bỗng vướng vào vòng lao lý đến như vậy.
Cụ thể, số cán bộ giáo dục, nhà giáo đã bị xử lý kỷ luật, bắt giam trong các vụ gian lận này là 11 người, trong đó Hà Giang 2 người; Sơn La 6 người; Hòa Bình 3 người. Số học sinh đã bị xử lý là 151, trong đó Hà Giang 114; Sơn La 29; Lạng Sơn 8.
Dư luận đặt ra nghi vấn, ngoài một số địa điểm đã được điều tra và làm rõ thì không biết còn bao nhiêu “góc tối” khác.
Bên cạnh những sai phạm từ cán bộ giáo dục, nhà giáo trong việc sửa điểm thi thì trách nhiệm của phụ huynh, những người liên hệ để được nâng điểm, sửa điểm cũng cần được đề cập. Dư luận cho rằng, việc chỉ khởi tố những người này mà chưa khởi tố những người đưa ra yêu cầu sửa điểm là chưa thỏa đáng.