Cung cấp thông tin về bài trừ tệ nạn nơi làng xã

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu văn bản tục lệ phủ yên lãng (thuộc huyện mê linh, thành phố hà nội) (Trang 70 - 75)

CHƯƠNG 3 : GIÁ TRỊ CỦA VĂN BẢN TỤC LỆ PHỦ YÊN LÃNG

3.3. Cung cấp thông tin về bài trừ tệ nạn nơi làng xã

Trong cuộc sống hàng ngày ở nông thôn, đặc biệt trong lúc nông nhàn, theo quan niệm dân gian “nhàn cư vi bất thiện”, thường xảy ra các tệ nạn nơi làng xã, trong đó có các địa phương ở phủ Yên Lãng. Tệ nạn làng xã của phủ Yên Lãng không chỉ có trộm cắp cây cối, hoa màu, lợn gà cùng các vật dụng của người dân thể hiện qua việc “Thưởng phạt”, trình bày tại Mục 2.2.4 thuộc chương 2, mà còn biểu hiện ở một số hành vi khác như uống rượu, đánh bạc, hút thuốc phiện, tà dâm...

67

Vào đầu xuân cho đến tháng 3, trong khi tổ chức các sự kiện như rước Thần sắc, tế lễ Thành hoàng, nhập trạch, cầu phúc, tổ chức bầu Lý trưởng, bầu Hậu thần, Hậu phật... mỗi làng thường tổ chức ăn uống. Trong những dịp này rượu là thứ không thể thiếu. Tuy nhiên, khi quá chén sẽ gây ra hậu quả khôn lường, dẫn đến cãi vã, chì chiết, lăng mạ lẫn nhau, làm náo loạn nơi làng xã. Tục lệ của xã Nội Động thừa nhận thực trạng như vậy và cho biết rõ hơn xã này “trước đây hễ có việc gì, bất kể là việc công hay việc tư đều bị loạn bởi uống rượu quá đà, dẫn đến ẩu đả rồi kiện tụng lẫn nhau”. Do vậy, Điều 35 của xã quy định: “Từ nay thống nhất trong xã hễ có việc gì từ công lẫn tư mà tổ chức ăn uống đều cho dùng mỗi mâm một nậm rượu mà thôi, nhằm làm nghiêm phong tục” [56].

Cấm say rượu còn thấy trong tục lệ của xã Thái Lai, tại Mục “Cấm ước chư điều lệ” ghi: “Hễ trong thôn có người nào hoặc nhân lúc tế tự, hoặc nhân việc gì vui, cùng ăn uống với các viên chức bản xã mà say rượu, tự động cãi nhau, lăng mạ người khác thì phải phạt nặng” [62].

+ Cấm đánh bạc

Đánh bạc là hình thức sát phạt nhau bằng tiền dẫn đến khuynh gia bại sản. Nhận thức điều này, tục lệ của các thôn xã trong phủ coi đây là điều cấm kỵ và có hình thức phạt nặng nếu ai vi phạm. Cụ thể như sau:

Xã Thái Lai ghi tại Mục “Cấm ước chư điều lệ”viết: “Trong xã nghiêm cấm việc đánh bạc, bởi liên quan đến cấm kỵ của quốc gia. Khi mùa xuân đến, cho du xuân từ ngày nguyên đán [mồng 1 Tết] đến ngày khai hạ [mồng 6 tháng giêng] thì dừng. Nếu người nào dùng nhà mình làm nơi đánh bạc ăn tiền, cầu tư lợi, bắt được đích trạng, bản xã chiểu theo thứ vị phạt nặng tiền không tha” [62].

Hai khoản “rượu” và “đánh bạc” còn được thôn Cổ Nhuế gộp chung thành một Mục thuộc diện cấm mà nếu ai vi phạm sẽ bị phạt bằng hiện vật có giá trị nhằm răn đe người khác. Điều 19 của thôn ghi: “Hễ là rượu và đánh bạc là giới cấm, người nào cố tình vi phạm thì bị phạt bằng lợn. Ngôi thứ của người đó cùng với ngôi thứ của người bất hiếu, bất mục là như nhau” [42].

+ Cấm sử dụng thuốc phiện

Cẩm sử dụng thuốc phiện là điều thường gặp trong tục lệ của phủ Yên Lãng. Điều khoản về vấn đề này thường gộp chung với việc cấm nấu rượu lậu và đánh bạc. Chẳng hạn như Điều 25 của xã Hoàng Xá: “Người nào dùng thuốc phiện, nấu rượu lậu, đánh bạc thì giáp trưởng trong các giáp cho đến các tộc trưởng phải kiểm soát tộc nào trong giáp nào có người vi phạm vào các việc đó thì tổng lý bắt lấy giải trình lỗi lầm của người đó, phạt tội ra sao do người đó phải chịu. Nếu người đó do nghèo thì do tộc đó phải chịu” [50].

Khoản 24 của xã Vạn Phúc cũng gộp 3 việc cấm nêu trên, ghi như sau: “Phàm rượu lậu, đánh bạc và thuốc phiện đều phải cấm, do các giáp trưởng và thủ phiên [tuần phiên] kiểm soát. Như người nào ở giáp nào phạm vào các điều đó thì giáp trưởng và thủ phiên phải tường trình với kỳ mục để bắt giải nộp trình quan trên xét xử” [69].

Tương tự như vậy là xã Hạ Lôi, do xã này quy định nếu để xảy ra các sự việc thuộc diện cấm(cấm nấu rượu, cấm đánh bạc và cấm hút thuốc phiện), thì quy trách nhiệm về các ngõ trong làng. Cụ thể: “Rượu lậu, đánh bạc và thuốc phiện đều là thứ cấm, giao cho tuần phiên, khán thủ kiểm soát, nếu có phải báo ngay cho kỳ lý bắt lấy giải trình sự thực, tuần phiên và khán thủ sẽ được thưởng. Nếu vu oan thì tuần phiên, khán thủ bị phạt. Nếu ai che giấu sẽ

69

bị quan trừng trị. Còn tệ đó phát ở ngõ thì do tuần phiên của ngõ đó cùng với kỳ mục sở tại bị trách phạt, không được dung tha” (Điều 3) [47].

+ Cấm tà dâm

So với các tệ nạn như rượu lậu, đánh bạc và thuốc phiện, hành vi tà dâm dược xem là tội nặng, bởi nó phá hoại nhân cách con người.Điều này được tục lệ của khá nhiều làng xã trong phủ đề cập.

Trong Mục “Phạt nam nữ gian dâm lệ罰男女奸淫例” (Lệ phạt về nam nữ gian dâm) của xã Mạch Trữ ghi: “Trong làng nam cưỡng dâm mà nữ không chịu và nữ gian dâm mà có chửa, sự việc bị phát giác, mỗi tội phạt tiền 3 quan 6 mạch. Nếu nữ hoang thai mà nhẫn tâm uống thuốc phá thai, tra thấy quả thực, sai mõ thông báo cho tất cả mọi người trong làng cùng biết. Lại mang ra đường lớn đánh 50 roi, chiếu theo hương lệ phạt thêm tiền” [54].

Tục lệ xã Thái Lai, tại Mục “Cấm ước chư lệ禁約諸例” (Các điều lệ phải cấm) cho biết: “Nam nữ trong thôn mà dâm bôn, hễ bắt được tang chứng, phạt cả nam và nữ mỗi người 8 quan tiền kẽm, đánh 30 roi, lại bị phạt trầu và rượu” [62].

Đối với phụ nữ goá chồng mà mang thai bị quy vào tội “gian dâm”. Điều này cũng do xã Thái Lai quy định: “Hễ phụ nữ goá chồng mà tư thông có chửa, lập tức tra hỏi xác thực tìm ra kẻ gian dâm, phạt người đó 10 quan tiền kẽm, còn phụ nữ goá chồng bị phạt 20 quan tiền cùng trầu cau. Giao cho giữ gìn thai nhi để đến kỳ sinh nở sẽ giao cho người gian dân phụ dưỡng” [62].

Kiên quyết nhất trong việc bài trừ “tà dâm” phải kể đến xã Đông Cao, do xã này đặt riêng thành Mục “Cấm tà dâm禁邪淫 (Cấm việc tà dâm), trong đó nêu rõ: “Vạn điều ác trên thế gian, không có điều nào như điều tà dâm, nên là điều phải răn giới. Nếu dựa vào cường bạo mà xâm phạm trinh nữ để làm ô nhục danh tiết con người thì đánh 30 roi, phạt tiền 3 quan. Hoặc con gái chưa chồng mà tư tình mang thai thì chiếu theo luật nước, phạt tiền 10 quan cùng 1 con lợn để trừng trị thói ác” [45].

Có xã lại gộp chung các việc “quốc cấm” thành một mục như của xã Tiền Châu, bởi trước đây dân xã chưa lập tục lệ, đến năm 1886 lập ra tục lệ nên đưa điều khoản này vào tục lệ của làng. Điều 28 của xã viết: “Nay dân xã định ra các điều cấm: Như phạm điều gì về quốc pháp cùng với thuốc phiện lậu, rượu lậu thì cho tuần phu tuần hành kiểm soát bắt lây tang vật thưởng tiền cho tuần phu là 3 đồng để trả công lao. Còn việc khai báo giải người phạm tội hết bao nhiêu tiền do người đó hoặc thân nhân phải chịu. Còn như việc cắp trộm đồ vật nhỏ cho đến việc nam nữ gian dâm hoặc chỗ nào ngày đêm tụ tập đánh bạc, hoặc người nào chứa chấp gian phi, hoặc người nào phóng thả gà lợn ra ruộng phá hoại mùa màng thì lập hội đồng bàn bạc. Tội nặng thì phải trình quan trên, tội nhẹ thì tùy theo tình nghĩa để phạt tội”. [66]

Qua trình bày cho thấy vấn đề bài trừ tệ nạn ghi nhận trong các bản tục lệ của phủ Yên Lãng vốn rất cụ thể, xoay quanh các sự vụ diễn ra trong đời sống thường nhật của người dân như say rượu, đánh bạc, hút thuốc phiện và tà dâm. Điều này phản ánh thực trạng các làng xã trong phủ Yên Lãng trước đây có thái độ kiên quyết trong việc bài trừ các hành vi có hại đối với cộng đồng làng xã.

71

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu văn bản tục lệ phủ yên lãng (thuộc huyện mê linh, thành phố hà nội) (Trang 70 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)