CHƯƠNG 2 : ĐẶC ĐIỂM VĂN BẢN TỤC LỆ CỦA PHỦ YÊN LÃNG
2.2. Những vấn đề được văn bản hoá trong văn bản tục lệ phủ Yên Lãng
2.2.1. Vấn đề an ninh trật tự của làng xã
Kết quả khảo sát văn bản tục lệ của phủ Yên Lãng cho thấy vấn về an ninh trật tự nơi làng xã luôn chiếm vị trí quan trọng trong tục lệ của mỗi địa phương. Điều này thể hiện ở việc mỗi làng xã trong phủ hầu như làng xã nào cũng lập ra tuần phiên để bảo vệ xóm làng.
47
Tư liệu ghi nhận có nơi trong phủ quy định đinh phu của xã trực tại điếm canh và chia làm hai toán, Lý trưởng trực tiếp đốc thúc [42]. Theo đó, nhiệm vụ bảo vệ xóm làng được đặt ra thường xuyên và có chế độ thưởng phạt rõ ràng đối với người nào có hành vi trộm cắp của cải của dân. Xã Đa Lộc tổng Đa Lộc điển hình trong số này, bởi xã giành đến 6 điều khoản liên quan đến vấn đề trật tự trị an. Điều 2 ghi: “Trong ấp thảng hoặc gặp bất ngờ có gian đồ nổi lên thì các vị hương sắc, lý dịch, đinh nam và mọi người trên dưới phải mang đầy đủ khí giới, đánh trống liên hồi để mọi người truy nã. Nếu người nào chậm trễ hay vắng mặt, bản xã phạt không tha để biểu thị đồng lòng chống gian đồ”.
Điều 3 ghi: “Khi lâm trận, người nào bắt được mỗi tên cầm đầu phỉ đồ, bản xã sẽ thưởng 20 quan tiền, chém được mỗi tai của chúng thưởng 10 quan tiền, bắt sống được mỗi tên phỉ đồ, bản xã thưởng 10 quan tiền”.
Cũng tại đây người dân quy định khi “lâm trận” với phỉ đồ, nếu người nào bị thương, nhẹ thì được cấp thuốc chữa trị với trị giá tiền 3 quan, nặng thì được cấp tiền 5 quan. Nếu chẳng may bị phỉ đồ giết chết, bản xã cấp tiền tuất 50 quan, cho một suất nhiêu nam được hưởng ngôi vị với các vị chức sắc trong xã”.
Điều 7 của xã Thịnh Kỷ lập năm Gia Long thứ 13 (1814) quy định như sau: “Tường lũy bốn phía xung quanh của xã có các hạng cây cối, hoa màu cùng măng trẻ, củi giả, vốn là tài vật công tư của 4 ngõ, hoặc là của cải trong xã, hoặc là rau cỏ, hoa quả của người dân. Người nào rắp tâm ăn trộm, bản xã tra xét thức trạng, bắt phạt 3 mạch tiền cổ. Nếu người nào trông thấy người ăn trộm mà che giấu, không tố giác thì người đó với người ăn trộm can
tội như nhau. Nếu người nào ngang ngạnh, chi phí [cho vụ kiện tụng] hết bao nhiêu toàn xã cùng chịu” [65].
Xã Hạ Lôi cũng xử lý vấn về an ninh trật tự tương tự như xã Thịnh Kỷ, nhưng thiên về giáo dục để người phạm tội có cơ hội sữa chữa lỗi lầm. Tại Mục 5 thuộc Hình khoa, khoản 17 của xã quy định: “Trong xã hễ người
nào ăn trộm các hạng khoai đậu, rau dưa, cho tuần phiên bắt lấy giải về công đình tường trình với kỳ lý phân xử, tuy theo nặng nhẹ mà định tội. Nhẹ thì trách phạt cho quét dọn ngõ xóm từ một đến ba ngày rồi phóng thích, ghi vào sổ để lưu trữ. Hễ một lần phạm tội thì cho hối cải, miễn giảm, đợi về sau sẽ nghị bàn, nhưng nếu liên tục phạm tối đa ba làn thì định vào tội người bất hảo, con cái của họ về sau sẽ không dược dự vào hương ẩm”. [47].
Hoặc có xã quy định giải quyết vấn đề trật tự an ninh trên địa bàn, là người thôn nào nếu phạm tội ăn trộm thì trả về thôn đó xử lý, như của xã Yên Nội, ghi tại Điều 6: “Hai thôn hoặc có người nào ở thôn nào ăn trộm, bắt được phải nộp về thôn đó phạt tiền 3 quan, đánh 15 gậy. Nếu là hào trưởng phạm tội ăn trộm thì không được dự vào tế lễ ẩm thực của hai thôn trong xã [75].