CHƯƠNG 3 : GIÁ TRỊ CỦA VĂN BẢN TỤC LỆ PHỦ YÊN LÃNG
3.2. Cung cấp thông tin về khuyến học
Thông tin về khuyến học phản ánh đậm nét trong văn bản tục lệ phủ Yên Lãng. Kết quả khảo sát cho biết thông tin về khuyến học của các địa phương trong phủ tập trung vào những khía cạnh sau đây:
61
Đặt học điền là hình thức khá phổ biến ở nông thôn nước ta trước đây dùng để thu hoa lợi từ nguồn ruộng nhằm trang trải giấy bút cho việc học tập của học sinh cũng như làm nguồn lương thực nuôi dưỡng thầy giáo trong làng. Số ruộng này đặt ra dưới các hình thức khác nhau, tùy theo điều kiện của mỗi làng xã.
Tại phủ Yên Lãng, tư liệu ghi nhận hình thức làng xã trích ruộng công để đặt học điền là phổ biến. Chẳng hạn như Mục “Trí khuyến học điền” (Đặt ruộng khuyến khích việc học) của xã Mạnh Trữ là 6 sào [54].
Tương tự có xã Bồng Mạc vào năm Thành Thái thứ 14 (1902) bàn bạc đặt học điền dùng chấn tác văn phong mà thực chất là để khuyến khích người đi học trong làng, do nơi đây có nhiều học trò còn nghèo khó. Xã này đặt ra 1 mẫu 5 sào tại xứ Đầm Số, quy định người nào nhận số ruộng đó để canh tác phải biện lễ 1 mâm xôi, 1 con gà trị giá tiền 1 quan 2 mạch; 1 bình rượu, 50 miếng trầu cau” [38].
Song cũng như một số địa phương khác, học điền là do cá nhân nào đó tại địa phương cung tiến. Điều này thể hiện ở xã Tiền Châu: Nguyên do trong xã có ông họ Trương sinh thời công đức cho dân làng 8 mẫu 4 sào dùng vào hai việc là tế điền và học điền, trong đó học điền là 5 sào 3 thước. [66].
Qua tư liệu ghi trong tục lệ nêu trên cho thấy người dân phủ quan tâm đền việc học của con em trong làng, nhất là đối với người còn gặp khó khăn trong học đường, thông qua hai hình thức đặt ruộng công và tư, khiến người đi học tại đây có thể yên tâm trong việc theo đuổi nghiệp học.
+ Không bắt người đi học phải làm công việc nặng nhọc
Để người đi học không bị phân tâm vào các sự vụ nơi làng xã, nhiều địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho họ bằng cách miễn giảm lao dịch. Thôn Hậu xã Thanh Tước chỉ cần “Hễ người nào theo nghiệp học, toàn dân sẽ miễn trừ phu dịch để đôn đốc nghiệp tốt” [63].
Tương tự như vậy, tục lệ của xã Đông Cao, lập năm Tự Đức thứ 14 (1861), quy định tại mục “Sùng Văn học崇文學” (Sùng chuộng văn học): “Sĩ nhân trong xã quả là người có học lực, hiểu biết về trường quy thì thuế dung, thuế điệu cùng các khoản binh dao, phu dịch đều cho miễn trừ” [45].
Nhưng cũng có xã quy định giảm sưu sai tạp dịch cho người đi học ở mức cao hơn, chỉ áp dụng cho người nào đã trúng khảo hạch, như tại Điều 5 của xã Bạch Trữ: “Sĩ nhân người nào trúng khóa khảo hạch, toàn dân cho miễn lao dịch, khiến họ yên tâm với nghiệp học để chấn tác văn phong” [37].
Cách quy định của xã Bạch Trữ cũng là để chú ý đến người thực học, trên cơ sở đó tạo sự khuyến khích giữa những người đi học trong làng, khiến họ có thể thành đạt trên con đường công danh khoa cử.
Đối với xã Tiền Châu, sau khi ghi nhận thực trạng bản xã “gần đây có những người theo học chữ Hán hoặc chữ Quốc ngữ hoặc chữ Tây (chữ Pháp), do chưa được miễn trừ tạp dịch để tiện việc học, có thời mới chỉ tạm miễn trừ rồi lại dừng, khiến những người theo học ít đạt được công danh”. Vì vậy vào năm Đồng Khánh thứ nhất (1886), dân xã quy định: “Từ nay định rằng hễ là người đi học thì đều được miễn trừ lao dịch để khích lệ ý chí học tập cho sĩ tử. Hễ người nào thi trúng hạng nào có sức báo cho biết thì chức dịch sẽ không thu tiền khao vọng cũng là để khích lệ tinh thần thọc tập. Người đó chỉ phải
63
trình vọng bằng 15 quả cau trầu cốt tiện để ghi vào sổ nhằm cổ vũ hậu học. Sưu thuế của người đó nhất loạt được miễn trừ”. [66]
+ Mời thầy giáo về làng dạy học
Do việc dạy học ở nông thôn nước ta trước đây là công việc của mỗi địa phương, nhà nước không cấp lương cho thầy giáo ở cấp học này, do vậy mỗi làng xã phải tự mời thầy về dạy cho con em của họ.
Để nuôi thầy giáo trong quá trình giảng tập, các làng xã ở phủ Yên Lãng có cách làm phổ biến là đặt học điền. Tuỳ theo mỗi làng xã mà mỗi nơi có quỹ học điền khác nhau. Số học điền này đều trích từ ruộng công của làng xã. Thôn Cổ Nhuế, tại “ Lệ học điền 例學田”(Lệ về học điền) ghi: “Phàm đón thầy giáo về dạy học trò thì đặt biếu thầy giáo 2 mẫu 4 sào ruộng, giao cho học sinh chia đều canh tác làm lương nuôi thầy” [42].
Theo cách đặt học điền như vậy, tục lệ của xã Tráng Việt “cũng đặt 2 mẫu 4 sào học điền giao cho người đi học cày cấy làm lương nuôi thầy”.
Qua tư liệu ghi nhận người đi học xưa ở phủ Yên Lãng được làng xã giao ruộng cho học sinh để họ tự cày cấy làm lương nuôi thầy. Đây là điểm chung trong cách đặt học điền của người dân sở tại. Song cũng có xã như Thái Lai đặt ra quy định chỉ người nào là khoa mục mới được canh tác học điền, nếu chưa có người khoa mục thì số ruộng đó để dành vào mục đích khác. Trong Mục “Thần miếu bái yết神廟拜謁” (Bái yết tại miếu thờ Thần) của xã này ghi: “Xã đặt 5 sào học điền, hễ người nào đăng khoa mới được dự vào canh tác. Số ruộng đó nếu chưa có người đỗ khoa trường thì giao bản thôn canh tác, tùy thu hoa lợi làm phu phí cho tế thần” [62].
Điểm đáng chú ý trong phủ Yên Lãng cung cấp thông tin về lương nuôi thầy giáo ở cấp tổng, vốn là vấn đề không được đề cập trong các tài liệu chính sử, cho dù đây là tục lệ lập vào năm Duy Tân thứ 6 (1912) – Thời kỳ giáo dục Nho học có sự chuyển đổi từ giáo dục khoa cử truyền thống sang giáo dục cải lương, do chính quyền bảo hộ của Pháp chủ trì. Điều này ghi trong tục lệ của xã Hoàng Xá, tại Điều thứ 29: “Tiền lương hàng tháng của tổng sư [tức thầy giáo của tổng Thạch Đà] trong một năm là 15 đồng 6 hào, đồng ý đặt ruộng công là 3 mẫu ở xứ Phần Phi, giao cho 6 giáp trong xã đấu giá để luân phiên cày cấy, mỗi năm mỗi mẫu trị giá 5 đồng 2 hào, cộng thành 15 đồng 6 hào. Đợi đến vụ thuế, vụ hạ và vụ đông, mỗi vụ giao cho Lý trưởng một nửa nộp lên trên để chi dùng” [50].
Như vậy là lương của thầy giáo cấp tổng của phủ Yên Lãng vào đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh của nền giáo dục cải lương khoa cử được trả bằng tiền với số lượng 15 đồng 6 hào, thay cho trả bằng thóc từng tồn tại trước đó trong nền giáo dục khoa cử truyền thống.
+ Mừng thưởng cho người đỗ khoa trường
Tục lệ trong phủ Yên Lãng cũng quy định mừng thưởng cho người đỗ khoa trường, coi đây là cách để động viên, khích lệ kẻ sĩ trong phủ hăng hái tiến thân bằng con đường khoa cử.
Có thể thấy điều này ở nhiều làng xã trong phủ. Điều thứ 34 trong tục lệ của xã Hoàng Kim ghi: “Người nào trong thôn hễ đỗ tú tài từ ngạch văn trở lên, hễ lãnh chức từ Suất đội trong ngạch võ trở lên biếu 2 sào ruộng ở xứ Đồng Đê. Khi nào người đó mất sẽ trả ruộng cho dân” [50].
65
Mức mừng thưởng cho người đỗ khoa trường ở xã Thạch Đà còn cao hơn so với xã Hoàng Kim, quy định tại điều 27: “Người nào đỗ đại khoa [từ học vị Tiến sĩ trở lên, thời Nguyễn có thêm học vị Phó bảng], dân xã biếu 3 mẫu châu thổ; người nào đỗ trung khoa [học vị Hương cống thời Lê và Cử nhân thời Nguyễn] dân xã biếu 2 mẫu; người nào đỗ tiểu khoa [học vị sinh đồ thời Lê và tú tài thời Nguyễn] dân xã biếu 1 mẫu” [61].
Có nơi còn dùng hồ thay cho ruộng để biếu người đỗ khoa trường như ở xã Khê Ngoại, nhằm khuyến khích học sinh trong xã học tập, mau đỗ đạt thành tài, làm dạng danh cho địa phương. Điều 23 của xã đó ghi: “Người dân trong xã hễ người nào đỗ ngạch văn từ Tú tài trở lên, đỗ ngạch võ từ Suất đội trở lên, toàn dân biếu 2 chiếc hồ liền bờ, ước chừng hơn một mẫu ở xứ Ngoài Đê” [51].
Đặc biệt trong tục lệ của xã Thái Lai có ghi mức mừng thưởng rất cao cho người đỗ khoa trường của bản xã. Theo đó, tại Mục “Khánh hạ chư lệ慶 賀諸例” (Các điều lệ liên quan đến các tiệc) định rằng: “Người thi đỗ Thám hoa, dân xã mừng 40 quan tiền kẽm hoặc 1 con bò, cùng xôi, 1 bức trướng lụa hồng và trầu cau. Người nào đỗ Tiến sĩ mừng 30 quan tiền kẽm hoặc 1 con bò cùng xôi, 1 bức trướng dùng bằng lụa hồng. Người nào đỗ Phó bảng mừng 25 quan tiền kẽm hoặc 1 con lợn cùng xôi, 1 bức trướng dùng bằng lụa hồng và rượu. Người nào đỗ Cử nhân mừng 18 quan tiền kẽm hoặc 1 con lợn và xôi, 1 đôi câu đối dùng bằng lụa hồng” [62].
Không chỉ mừng thưởng bằng vật chất, tục lệ trong phủ Yên Lãng còn giành khá nhiều điều khoản đề cập đến mừng thưởng bằng tinh thần cho người đỗ khoa trường trong địa bàn của phủ.
Hình thức mừng thưởng bằng tinh thần ở đây tập trung vào việc đón rước người đỗ khoa trường qua các kỳ thi Hương và thi Hội do nhà nước tổ chức. Đơn cử như tục lệ của xã Hoàng Kim nói về tục lệ vinh quy bái tổ vào năm Tự Đức thứ 32 (1879): Dân xã giành hẳn 4 điều, từ Điều 30 đến Điều thứ 33 để ghi lại sự kiện mà theo họ đánh giá như ngày hội của làng. Cụ thể người nào đỗ đại khoa, dân làng đón tiếp tại tỉnh, cử ra 100 trung nam thừa hành phận sự (Điều 30); người nào đỗ Phó bảng, dân làng đón tiếp tại cổng trường của nơi thi, cử ra 80 trung nam thừa hành phận sự (Điều 31); người nào đỗ Cử nhân, dân làng đón tiếp tại huyện, cử ra 50 trung nam thừa hạnh phận sự (Điều 32); người nào đỗ Tú tài, dân làng đón tiếp tại đầu bản tổng, cử ra 30 trung nam thừa hành phận sự” [49].
Những điều trình bày trên cho thấy, thông tin về khuyến học của các làng xã trong phủ Yên Lãng tập trung vào khía cạnh vật chất và tinh thần cho người đỗ khoa trường với nội dung cơ bản thi đỗ càng cao, giành nhiều học vị thì được dân làng mừng thưởng càng lớn, đón tiếp long trọng, nhằm động viên khích lệ tinh thần học tập cho sĩ tử tại địa bàn của phủ.