CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ KHUYẾN NÔNG

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu văn bản tục lệ phủ yên lãng (thuộc huyện mê linh, thành phố hà nội) (Trang 60 - 64)

CHƯƠNG 3 : GIÁ TRỊ CỦA VĂN BẢN TỤC LỆ PHỦ YÊN LÃNG

3.1. CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ KHUYẾN NÔNG

Khuyến nông là vấn đề được đề cập nhiều trong các văn bản tục lệ của phủ Yên Lãng. Lý do là vì toàn địa bàn là nơi sản xuất nông nghiệp của người dân, hay nói cách khác đây là nguồn sống chính của họ.

Trong nông nghiệp “con trâu là đầu cơ nghiệp”, và để đảm bảo sức kéo cho nông nghiệp, ngoài việc giao phó cho tuần đinh ở các làng xã phải có trách nhiệm trông nom, nếu để mất phải bồi thường, thì việc chăm sóc hàng ngày cho trâu bò cũng được nhiều địa phương đặt ra. Xã Thái Lai là ví dụ, do xã có quy định bảo vệ trâu bò trong mùa nước lũ bằng cách “Trong thôn có gò đất cao, hễ đến lúc nông nhàn tháng hạ, Lý trưởng sai mõ thông báo cho toàn dân bồi đắp để đến mùa thu khi có nước to lấy làm nơi trú cho trâu bò. Người nào san phá bắt phạt tội nặng” [62].

Đối với giao thông, để thuận lợi cho việc đi lại phục vụ nông nghiệp, đường xá phải thường xuyên tu bổ cho tốt. Xã Thạch Đà quy định tại Điều 33: “Bản xã sở hữu đường đê lớn nhỏ ở các nơi, cùng tha ma, gò đống, chiếu theo tục lệ cũ, cứ chủ của hai bên ruộng mà bồi đắp cho bằng phẳng. Nếu người nào không tu sửa thì bắt phạt 3 quan tiền văn. Đến như các đường trong làng, hễ thuộc ngõ xóm nào, cứ xóm ngõ đó tu sửa cho cao rộng, y như quy

57

định trong khoán ước cũ để được bằng phẳng, rộng rãi. Hễ người nào không tuân lệnh, bắt phạt xóm ngõ đó 3 quan tiền văn” [61].

Đối với trị thủy phục vụ nông nghiệp, khoản đề điều điều đóng vai trò quan trọng, ghi tại khoản thứ 26 trong tục lệ xã Hoàng Xá: “Phàm giữa các đoạn đê điều thì do Phó lý và tuần phu trông coi, nghiêm cấm trâu bò không được giẫm đạp, chỗ nào thấy sạt lở thì trình quan bắt phu tu sửa” [50].

Tuy nhiên, nước cũng không thể thiếu trong nông nghiệp do cần dùng để cày cấy, cho nên việc dẫn thuỷ nhập điền là điều không thể thiếu trong tục lệ của nhiều xã. Điều 44 của xã Thạch Đà là ví dụ: “Các đoạn khe ngòi của bản xã, hễ là nơi lưu thông của nước để làm lợi nghề nông người nào tự ý đắp chặn hoặc xâm hại để cầu lợi, làm tổn hại đến việc nông, bản xã phạt tiền 5 quan” [61].

Vấn đề tích trữ nước phục vụ nông nghiệp cũng đặt ra trong tục lệ của phủ Yên Lãng, đơn giản chỉ là trong nông nghiệp nếu thiếu nước sẽ không biết lấy gì để cấy trồng, đặc biệt là trồng lúa, trong khi thời tiết khí hậu ở nước ta luôn thất thường. Nhiều làng xã ở phủ Yên Lãng đã sử dụng văn tế để cầu mưa đã nói lên điều đó. Trong mục “Hương trung công bạn 鄉中公畔” (Lệ về bờ ruộng công) xã Mạnh Trữ ghi rằng: “Các bờ ruộng công trong làng, người dân phải có trách nhiệm bồi đắp để tích trữ nước phòng hạn hán về vụ thu. Người nào phá huỷ thì báo lý dịch và tuần phu biết để bắt phạ tiền là 1 quan 8 mạch” [54].

Tuy nhiên, đối với nông nghiệp, không phải lúc nào cũng tích trữ nước mà tùy thời để xả nước nhằm làm lợi cho nhà nông. Xã Bạch Trữ có hẳn một khoản gọi là “Khuyến nông bạn 勸農畔” (Khuyến khích ruộng nông

nghiệp), quy định rằng: “Người quản thủthủy lợi [người trông coi thủy lợi] trong xã phải tuỳ thời giữ nước và xả nước cốt tiện lợi cho việc nông. Đến lúc lúa chín phải báo cho thu hoạch ở chỗ lúa chín, cứ mỗi sào thưởng cho 2 xu. Nếu người quản thủ làm không tốt công việc thì bắt người đó phải giải trình để giữ nghiêm phong tục” [37].

Khi gieo cấy, đảm bảo không bị mất công do trâu bò phá hoại, tục lệ của nhiều xã trong phủ đặt ra vấn đề này. Chẳng hạn tục lệ của xã Thạch Đà, ghi tại Điều 34: “Mạ và lúa của bản xã từ khi gieo cấy cho đến lúc thu hoạch cấm người nào tự ý phóng thả trâu bò xâm nhập vào bờ ruộng để giẫm đạp ăn lúa. Hễ người nào bắt được quả tang đưa về đình, lý dịch bắt phạt tội 2 quan tiền đồng, thưởng cho người bắt được trâu bò giẫm lúa 1 quan tiền để chấn chỉnh dân phong” [61].

Khi cấy xong, nước cũng cần được giữ để lúa phát triển, người nào tháo nước dẫn đến lúa bị chết sẽ bị phạt, thể hiện trong mục “Cấm ước chư điều禁約諸條” (Các điều ước về các việc phải cấm) của xã Thái Lai: “Khi cấy xong người nào tự ý xuống đồng tháo nước bắt cá, dẫn đến lúa bị hại, sẽ bắt phạt 1 quan 5 mạch tiền kẽm và trầu cau” [62].

Ở khía cạnh khác, vẫn là tục lệ của xã Thạch Đà, cấm người dân vào ruộng bắt cá bắt tôm, do ruộng nơi đây gần sông hồ, lắm cá nhiều tôm nên thường xuyên xảy ra hiện tượng như vậy. Điều 36 tục lệ xã này quy định: “Đồng ruộng của xã từ khi cấy đến lúc thu hoạch cấm người dân không được lội vào ruộng để bắt cá đánh tôm. Bất cứ người nào bắt được quả tang dẫn về đình, lý dịch bắt phạt người đó 1 quan tiền, thưởng cho người bắt được phạm tội 5 mạch tiền văn” [61].

59

Tục lệ của nhiều làng xã phủ Yên Lãng, bên cạnh các điều khoản cấm người lội xuống đồng với mục đích riêng bắt cá đánh tôm, phá hoại lúa, còn giành các điều khoản cấm gia súc phá hoại mùa màng. Xã Mạch Trữ trong mục “Trư thỉ phóng huỷ lệ 豬豕放毀例” (Điều lệ cấm phóng thả lợn phá huỷ mùa màng) ghi rằng: “Lợn lớn lợn bé trong làng đều phải giữ gìn cẩn thận, người nào tự ý phóng thả để phá huỷ các vật trong vườn, ao của công và tư cũng như thả ra ngoài đường, cho tuần phiên của xã bắt lấy, cho chuộc tiền là 3 mạch” [54].

Hoặc cấm cả trâu bò và lợn phá hoại mùa màng, như trong mục “Ngưu trư phá hủy điền thượng 牛猪破毀田上” (Lệ cấm trâu bò và lợn phá huỷ đồng ruộng) của xã Mạch Trữ: “Trâu bò và lợn trong xã phá huỷ các vật trồng trên ruộng, cho tuần phiên truy bắt, nếu là trâu bò phạt tiền 5 mạch, nếu là lợn phạt 3 mạch. Lại phải bồi thường thiệt hại về vật cho chủ sở hữu ruộng” [54].

Đến khi lúa chín, tục lệ của các thôn xã lại có điều khoản quy định về giữ gìn sản phẩm mà người dân vất vả làm ra. Quy định ở đây rất cụ thể, giao cho từng giáp trong xã đảm nhận, nếu để thất thoát chỗ nào thì giáp đó phải bồi thường. Xã Đa Lộc tại Điều lệ thứ 21 quy định: “Lúa màu hoa lợi ngoài đồng, hễ gần của giáp Đông thì tuần phiên của giáp Đông Canh giữ; hễ gần của giáp Tây thì do tuần phiên của giáp Tây canh giữ. Nếu canh giữ không cẩn thận, để mất lúa màu, cứ tuần phu của giáp đó phải bồi thường và không cho thu thóc sương (tức thóc được thưởng), giữ mãi làm lệ” [41].

Vẫn vào thời điểm này, khi lúa chín, việc nghiêm cấm trâu bò phá hoại cũng được đặt ra, qua Điều 19 trong tục lệ của thôn Điệp tổng Đa Lộc: “Hễ lúa và hoa màu khi chín, người nào thả trâu bò phá hoại, bắt được quả tang phạt tiên 1 đồng bạc, lượng cho tuần phu để giữ gìn phong tục” [44].

Hoặc như tục lệ của xã Thái Lai quy định khi vào lúc lúa chín, nếu chẳng may gặp mưa to, nước ngập lụt, cần phải tháo nước để tránh thiệt hại cho lúa, nhưng người nào đắp chặn để đơm đó bắt cá, khiến nước không tiêu thông, bắt phạt người đó 1 quan 2 mạch tiền kẽm” [62].

Sau cùng, thu hoạch lúa màu xong là lúc người dân trong các xã tổ chức lễ thường tân. Lễ thường tân là lễ ăn cơm gạo mới, nhưng trước khi hưởng thành quả này thường phải làm lễ tế Thần Nông nhằm đền đáp công ơn của người dạy dân trồng lúa. Điều 17 của xã Hoàng Xá làm ví dụ: “Lúa màu khi đã chín, hoặc vào tháng 9 thì chọn ngày tốt, 4 giáp thu tiền giao cho Lềnh cai chi biện lễ phẩm, gồm 1 con lợn trị giá 3 quan tiền cổ, 1 mâm xôi thổi 10 đấu gạo, dùng đấu 2 tuổi, 1 hồ rượu, 100 miếng trầu cau mang ra đình bày trí ở bên hữu vu. Bày xong đánh một hồi 6 tiếng trống, các quan viên sắc mục tề tựu tại đình làm lễ kính tế Thần Nông. Tế xong chia đều cho bốn giáp cùng hưởng” [50].

Như vậy qua trình bày cho thấy, tục lệ về khuyến nông ở phủ Yên Lãng đề cập nhiều mặt trong hoạt động nông nghiệp tại địa bàn, chứng tỏ đây là vùng đất có truyền thống làm nông nghiệp ở nước ta trước đây.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu văn bản tục lệ phủ yên lãng (thuộc huyện mê linh, thành phố hà nội) (Trang 60 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)