Vấn đề đời sống tinh thần cộng đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu văn bản tục lệ phủ yên lãng (thuộc huyện mê linh, thành phố hà nội) (Trang 52 - 54)

CHƯƠNG 2 : ĐẶC ĐIỂM VĂN BẢN TỤC LỆ CỦA PHỦ YÊN LÃNG

2.2. Những vấn đề được văn bản hoá trong văn bản tục lệ phủ Yên Lãng

2.2.2. Vấn đề đời sống tinh thần cộng đồng

Đó là các điều ước về tín ngưỡng tôn giáo thể hiện ở việc thờ thần, kính Phật, tôn trọng tiên hiền.

Đối với thờ thần, trong tín ngưỡng dân gian thần là người che chở, bảo hộ cho dân làng, do vậy vào đầu xuân mỗi làng xã ở phủ Yên Lãng đều tổ chức tế lễ một cách trang trọng. Riêng việc tế lễ thờ thần luôn được chú trọng, coi đây là phần quan trọng nhất của các tiệc trong năm ở từng địa phương.

49

Khi tế thần, đặc biệt là tế thành hoàng, các điều lệ của nhiều địa phương có khoản chung là chủ tế phải là người song toàn, con cái phương trưởng và do dân bầu ra. Cũng có khi chủ tế phải là Hội trưởng Hội Tư văn. Còn lễ vật, như Điều 1 của xã Trung Hậu ghi nhận: “Vào ngày mồng 8 tháng giêng hàng năm là sinh nhật của công chúa, toàn dân sắm sửa biện lễ vật gồm 1 con gà, xôi, tổ chức trong 1 ngày. Đến ngày 15 tháng 8 là sinh nhật của Đại vương, toàn dân sắm sửa 6 con lợn, làm lễ trong 3 ngày. Lễ vật đó chia đều thu tiền trong xã” [68].

Việc thờ Phật, do mỗi làng xã ở phủ Yên Lãng, theo điều tra điền dã, mỗi làng có một ngôi chùa, do vậy nghi thức thờ Phật nhìn chung giống nhau, đều lấy mồng 1 và ngày rằm để dâng hương hoa phẩm quả, tỏ làng kính thành với Phật giáo. Tục lệ của thôn Cổ Nhuế xã Đa Lộc là ví dụ, khi người dân sở tại ghi định tại Điều 30: “Các tuần oản quả phụng Phật ở chùa của thôn do Hội chủ, Lý trưởng và câu đương chiếu nhận” [41].

Với người có nhu cầu bầu Hậu Phật, tục lệ của làng xã trong phủ sẽ đáp ứng để họ khi qua đời sẽ có nơi thờ tự: “Hễ đặt bầu Hậu Phật khắc vào bia công, người đó xuất tiền là 12 quan, ruộng tốt là 1 sào, khi sống và lúc qua đời người đó sẽ hưởng nghi thức ghi trong bia” [42].

Khi cuộc sống tinh thần có chiều hướng gia tăng, nhu cầu bầu Hậu phật ngày càng phát triển thì tục bầu Hậu phật cũng cần sửa đổi. Đó là nội dung của tục lệ xã Đông Cao, ghi tại khoản thứ 5: “Tục trước đây trong thôn, các vị kỳ hào, huynh thứ, người nào có vợ thuần thục, bầu làm Hậu Phật, trích lệ nộp tiền là 45 quan [...]. Nay định người nào bầu làm Hậu phật, toàn dân chỉ thu tiền là 21 đồng. Còn khi biếu phần lúc sống và phúng viếng khi người đó qua đời sẽ chiếu theo lệ cũ để biện lễ” [45].

Tục lệ thôn Cổ Nhuế xã Đa Lộc còn quy định “Ngày 13 tháng 12 là tế công và tế riêng cho Hậu phật, lễ vật do Lý trưởng và giáp trưởng của 8 giáp lo biện, cốt phải tinh khiết. Phàm có mổ bò, lợn thì thịt gáy của con vật tế đem biếu các viên hành lễ” [41].

Trong đời sống tinh thần ở làng xã, không chỉ có đình làm nơi thờ thần, chùa là nơi thờ Phật mà còn có văn từ, văn chỉ là nơi thờ tiên hiền của Nho giáo. Mô hình đó là phổ biến của làng xã nước ta ở đầu thế kỷ XX. Tục lệ của các làng xã trong phủ Yên Lãng phản ánh rõ điều này. Tuy nhiên, muốn tham dự Hội Tư văn để tế lễ tại văn chỉ phải theo lệ do dân xã quy định. Điều 3 tục lệ của thôn Trung châu Trung Hà quy định: “Vào ngày 18 tháng 2 hàng năm tế tại văn chỉ, người nào xin ra nhập Hội chỉnh biện một mâm gà, xôi, 10 quả cau,1 bình rượu để làm lễ tế. Tế xong cứ người nào có mặt trong buổi tế chia đều cùng hưởng” [67].

Việc tế Lễ tiên hiền vào dịp tiết xuân thu hàng năm phản ánh qua nhiều tục lệ trong phủ, thể hiện sự tôn trọng đạo lý thánh hiền có công tác thành nhân tài cho làng xã.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu văn bản tục lệ phủ yên lãng (thuộc huyện mê linh, thành phố hà nội) (Trang 52 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)