CHƯƠNG 2 : ĐẶC ĐIỂM VĂN BẢN TỤC LỆ CỦA PHỦ YÊN LÃNG
2.2. Những vấn đề được văn bản hoá trong văn bản tục lệ phủ Yên Lãng
2.2.4. Vấn đề thưởng phạt
Thưởng phạt là vấn đề vốn đề cập khá nhiều trong các văn bản tục lệ ở đồng Bắc Bộ. Điều này phản ánh rõ trong tục lệ của phủ Yên Lãng.
Kết quả khảo sát nhận thấy hầu như mỗi làng xã ở phủ Yên Lãng đều có quy định về mức thưởng phạt khác nhau. Tức đây là hình thức thưởng và
53
Về thưởng, chủ yếu bằng tiền mà cụ thể là bằng tiền, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực bảo vệ trật tự an ninh xóm làng. Xã Tiền Châu, tại Điều 21: “Bổ đạo thưởng cách lệ 捕盜賞格例” (Lệ quy định về thưởng cho người bắt trộm) ghi: “Trong xã có trộm cướp nổi lên chỗ nào, khi nghe hô hoán thì toàn dân đến ứng cứu. Như bắt sống một tên cướp thưởng 6 đồng, bắt được một tên trộm thưởng 3 đồng” [66].
Xã Xa Mạc, tại Điều 24 “Thưởng tuất lệ 賞卹例” (Lệ thưởng cho người mất): “Ví như tuần phiên trong xã bắt cướp trộm, bị đánh, bị thương, tùy mức độ mà được thưởng. Nếu bị nặng dân thưởng từ 10 đến 15 đồng, nếu chẳng may bị chết thì cấp 50 đồng bạc” [71].
Có nơi còn thưởng ruộng cho người lập công bắt trộm cướp. Chẳng hạn như xã Tháp Miếu, ghi tại điều 24: “Bản xã nếu thấy kẻ gian từ bên ngoài đột nhập trong xã, người nào bắt được, toàn dân khám thực trạng, biếu thưởng 1 sào ruộng công tại xứ Dộc Đê, cho canh tác mãn một đời” [64].
Về phạt, có khá nhiều hình thức phong phú, tập trung vào các đối tượng ăn cắp, ăn trộm trong dân. Xã Yên Bài ngoài việc người bắt kẻ trộm được thưởng tiền 3 quan thì đối với người ăn trộm bị phạt rất nặng: “Ruộng đất của người đó bị bán lấy làm tiền thưởng cho người bắt trộm, ngoài đó lại bị phạt tiền 500 quan” [72].
Trong các đồ lễ dâng Thần Nông – Vị thần chủ trì về nông nghiệp đòi hỏi lễ phải tươm tất, đủ số lượng và chất lượng. Do vậy có nơi quy định phạt đối với người được dân làng tin tưởng giao cho biện lễ nhưng không hoàn thành nhiệm vụ. Xã Khê ngoại là một trong số đó, ghi tại Điều 23: “Xã có lệ
tế Thần Nông, lễ vật gồm xôi, gà, lợn, rượu, trầu cau, người biện lễ thiếu thứ nào cũng như làm không tinh ngon, phạt mỗi thứ trị giá tiền 3 mạch” [51].
Xã Thường Lệ thì có lệ thưởng và phạt đối với bánh dày và rượu bởi xã có 4 tiệc lớn trong năm, quy định trong mỗi tiệc phải có bánh dày và rượu: “Bánh dày do người nào làm trúng hạng nhất được thưởng 5 hào, bánh hạng hai thưởng 3 hào. Bánh không đạt yêu cầu (bị liệt) bị phạt 1 hào. Rượu ngon hạng nhất thưởng 2 hào, rượu ngon hạng hai thưởng 1 hào” [46].
Điều khoản tục lệ về phạt ở chốn đình trung còn nghiêm khắc hơn, bởi nơi đây theo quy định của hầu hết làng xã phủ Yên Lãng phải theo ngôi thứ, tức phải theo trật tự đã được sắp đặt sẵn, ai không chấp hành, đặc biệt là lợi dụng rượu trong lúc làng xã tổ chức ăn uống để nói linh tinh, lăng mạ nhau thì bị phạt. Điều 2 của xã Bồng Mạc quy định: “Trong hương ẩm của làng ở đình, người nào uống rượu mà huyên thuyên thất lễ, dân phạt 100 miếng trầu cau, cùng tiền 1 quan 2 mạch để làm khoán ước” [38].
Ngay cả việc xô xát vợ chồng, sự việc tưởng như riêng tư của mỗi gia đình, nhưng nếu “không đóng cửa bảo nhau”, dẫn đến cãi lộn, rồi sinh chửi bới nhau, làm mất trật tự xóm làng cũng bị phạt. Điều này ghi tại Điều 20 củaxã Yên Bài: “Vợ chồng người nào trong xã đánh chửi nhau, dẫn đến hai bên xô xát, làm náo động trong dân, khiến tuần phiên trong xã phải cử hiệu lệnh liên hồi thúc giục nhau đến can ngăn thì phạt vợ chồng người đó 6 quan tiền đồng” [72].
Tóm lại, việc thưởng, phạt quy định trong tục lệ của các thôn xã trong phủ Yên Lãng là nhằm mục đích giữ yên xóm làng, ngăn chặn các tệ đoan trong địa bàn, trên cơ sở đó giữ nghiêm phong tục trong từng làng xã.
55
Tiểu kết chương 2
Tục lệ của 63 xã thôn trong phủ Yên Lãng do EFEO sao chép từ chính bản tục lệ của các xã thôn trong địa bàn của phủ vào năm Khải Định thứ 5 (1920), sau đó được chức sắc địa phương xác nhận và đóng dấu, do vậy đây là những văn bản phản ánh thực trạng tục lệ của mỗi làng xã trong phủ Yên Lãng. Mỗi văn bản tục lệ trong phủ thường được biên soạn tương đối giống nhau, tức theo một quy cách khá thống nhất, gồm 3 phần, là phần Mở đầu, phần nội dung và niên đại của năm lập tục lệ.Nội dung tục lệ của phủ Yên Lãng rất phong phú nhưng tập trung vào lĩnh vực an ninh trật tự, về đời sống tinh thần và thưởng phạt được, coi đây là những vấn đề cơ bản phản ánh trong tục lệ của phủ. Trong vấn đề an ninh trật tự, hầu hết các làng xã trong phủ đều xây dựng từ 1 đến 6 điều ước liên quan đến vấn đề này, và đây là một trong những đặc điểm của tục lệ phủ Yên Lãng. Trong đời sống tinh thần, tục lệ các làng xã đều đề cao việc thờ thần, kính phật, thờ tự các vị tiên hiền của Nho giáo, xem đó là công việc không thể thiếu trong hoạt động tinh thần tại địa phương. Đối với thưởng phạt, hầu hết các làng đều xây dựng thành điều khoản nhằm động viên bằng vật chất cho người thừa hành công việc, ngược lại nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ thì bị phạt, trên cơ sở đó nâng cao trách nhiệm của họ đối với cộng đồng làng xã.