Các định nghĩa tiêu biểu về sáng tạo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sáng tạo và việc nâng cao năng lực sáng tạo của sinh viên trường đại học hàng hải việt nam hiện nay (Trang 36 - 38)

Chƣơng 2 LÝ LUẬN CHUNG VỀ SÁNG TẠO

2.1. Định nghĩa khái niệm “sáng tạo”

2.1.1. Các định nghĩa tiêu biểu về sáng tạo

Định nghĩa về sáng tạo luôn là thao tác tư duy quan trọng đầu tiên để hiểu về sáng tạo và một phần bản chất của sáng tạo từ đó thấy được sự khác biệt cơ bản giữa hoạt động sáng tạo với các hoạt động khác của con người.

Có nhiều định nghĩa về sáng tạo và có thể chia chúng về các nhóm sau:

- Nhóm định nghĩa Sáng tạo như là hoạt động của con người tạo ra cái mới, có thể kể đến một số định nghĩa sau:

Theo L.X. Vưgốtxki sáng tạo là: “hoạt động tạo ra cái mới không phân biệt kết quả tạo ra nó có ý nghĩa hiện thực cụ thể hay có ý nghĩa về mặt tư duy - tình cảm” [trích theo 89, tr.25]. Như vậy, tác giả rất đề cao việc tạo ra “cái mới” trong hoạt động sáng tạo.

E.P. Torance (Mĩ) xem cái mới là kết quả của các giả thuyết xuất phát: “Sáng tạo là quá trình xác định các giả thuyết nghiên cứu chúng và tìm ra kết quả” [trích theo 89, tr.25]. Với quan niệm này, sáng tạo chỉ bó hẹp trong hoạt động nhận thức.

Tác giả Nguyễn Đức Uy dưới góc độ diễn trình sáng tạo đã cho rằng sáng tạo là: “sự đột khởi thành hành động của một sản phẩm liên hệ mới mẻ, nảy sinh từ sự độc đáo của một cá nhân, và những tư liệu biến cố, nhân sự hay những hoàn cảnh của đời người ấy” [102, tr.9]. Như vậy, theo tác giả “cái mới” xuất hiện một cách bất ngờ.

Mặc dù sự tiếp cận về đối tượng ở các góc độ khác nhau nhưng nhóm định nghĩa trên có điểm chung: đều coi sáng tạo là hoạt động tạo ra cái mới. Tuy nhiên, trên thực tế có những giải pháp mới, sản phẩm mới nhưng lại không khả thi, sản phẩm không có giá trị nên sự sáng tạo cần có cả yếu tố “mới” và “giá trị”.

- Nhóm định nghĩa sáng tạo như là hoạt động tạo ra cái mới có giá trị hay giá trị mới, gồm các định nghĩa như:

Theo Từ điển triết học, “sáng tạo là quá trình hoạt động của con người tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần mới về chất. Các loại hình sáng tạo được xác định bởi đặc trưng nghề nghiệp như khoa học kỹ thuật, tổ chức quân sự. Có thể nói

sáng tạo có mặt trong mọi lĩnh vực của thế giới vật chất và tinh thần” [trích theo 89, tr.24 - 25]. Với quan niệm trên, sản phẩm sáng tạo phải là cái mới về chất.

Tác giả Phan Dũng cho rằng: “Sáng tạo là hoạt động tạo ra bất kỳ cái gì có đồng thời tính mới và tính ích lợi” [17, tr.14]. Chủ thể sáng tạo được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là con người, mà còn cả sự sáng tạo trong giới tự nhiên.

Tác giả Lê Huy Hoàng quan niệm giá trị mới về chất được tạo ra trên cơ sở các quy luật khách quan: “Sáng tạo là quá trình hoạt động của con người, trên cơ sở nhận thức được các quy luật của thế giới khách quan, tạo nên những giá trị tinh thần và vật chất mới về chất, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của xã hội” [44, tr.39]. Thực tế cho thấy, có những sáng tạo chỉ từ kinh nghiệm chẳng hạn sáng chế, cải tiến của người thợ thủ công thời cổ đại và trung cổ.

Theo M.E. Wilson: “Sáng tạo là quá trình mà kết quả là tạo ra những kết hợp mới cần thiết từ các ý tưởng, dạng năng lượng, các đơn vị thông tin, các khách thể hay tập hợp của hai - ba các yếu tố nêu ra” [102, tr.27 - 28]. Như vậy, sản phẩm sáng tạo là kết quả kết hợp của các yếu tố khác nhau ở chủ thể và khách thể.

Tác giả Phạm Thành Nghị nêu quan niệm của mình về sáng tạo như là kết quả tổng kết một số định nghĩa về sáng tạo: “Tóm lại, sáng tạo có thể được coi là quá trình tiến tới cái mới, là năng lực tạo ra cái mới, sáng tạo được đánh giá trên cơ sở sản phẩm mới, độc đáo và có giá trị” [74, tr.28]. Với quan niệm này, sáng tạo được tiếp cận góc độ chủ thể (ở năng lực sáng tạo) và ở sản phẩm sáng tạo.

Mặc dù có sự khác biệt nhất định trong cách hiểu về sáng tạo nhưng điểm chung giữa các định nghĩa của nhóm trên là sáng tạo tạo ra cái mới có giá trị. Tuy nhiên, sáng tạo lại có mối liên hệ mật thiết với vấn đề và tư duy, cần phải đưa vấn đề và tư duy vào trong định nghĩa của sáng tạo.

- Nhóm định nghĩa Sáng tạo như là kết quả của hoạt động giải quyết vấn đề, gồm một số ít định nghĩa sau:

+ J.H. Lavsa (Tiệp Khắc cũ) cho rằng: “Sáng tạo là sự lựa chọn và sử dụng những phương tiện mới, cách giải quyết mới” [trích theo 89, tr.25]. Như vậy, sáng tạo là giải quyết vấn đề theo cách mới.

+ Trường phái Gestal thì lại cho rằng “sáng tạo là sự thấu hiểu xuất hiện khi người tư duy nắm bắt được những nét chính yếu của vấn đề và mối quan hệ của chúng với giải pháp cuối cùng. Sáng tạo được coi là hoạt động giải quyết vấn đề đặc trưng bởi tính mới mẻ, tính phi truyền thống, sự bền bỉ và khó khăn trong

hình thành vấn đề” [74, tr.27]. Đây là định nghĩa chưa mang tính khái quát, sáng tạo là quá trình tạo ra cái mới có giá trị chưa được biểu hiện rõ ràng.

Như vậy, các định nghĩa trên đều coi sáng tạo là hoạt động giải quyết vấn đề nhưng một mặt, chưa làm rõ ràng việc sáng tạo là quá trình tạo ra cái mới có giá trị, mặt khác chưa thấy được vai trò của tư duy trong việc giải quyết vấn đề vì chủ thể có thể giải quyết vấn đề không dựa vào tư duy mà chỉ dựa vào sự ngẫu nhiên, tình cờ thuần túy hoặc dựa vào sự mách bảo của người khác.

Tóm lại, có nhiều định nghĩa về sáng tạo với những cách tiếp cận đối tượng khác nhau trong lịch sử Sáng tạo học. Đây là cơ sở quan trọng để chúng tôi tiếp thu những yếu tố hợp lý đồng thời bổ sung thêm những nội dung mới nhằm xây dựng một định nghĩa về sáng tạo đúng đắn hơn, đầy đủ hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sáng tạo và việc nâng cao năng lực sáng tạo của sinh viên trường đại học hàng hải việt nam hiện nay (Trang 36 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(161 trang)