Chƣơng 2 LÝ LUẬN CHUNG VỀ SÁNG TẠO
3.1. Khái niệm “Năng lực sáng tạo”
3.1.1. Định nghĩa khái niệm “Năng lực sáng tạo”
Trong Tâm lý học, năng lực được định nghĩa: “là tổ hợp các thuộc tính độc đáo của cá nhân, phù hợp với những yêu cầu của một hoạt động nhất định, đảm bảo cho hoạt động đó có kết quả” [101, tr.178]. Như vậy, năng lực của cá nhân gắn với những thuộc tính độc đáo của cá nhân đó đảm bảo đem lại kết quả. Năng lực là khả năng hiện có của chủ thể nhằm đáp ứng yêu cầu đối với những công việc nhất định. Để hoạt động đem lại kết quả, thì năng lực của chủ thể thường cần phải kết hợp với điều kiện khách quan nhất định giúp chủ thể đó thực hiện công việc có hiệu quả. Chẳng hạn, một người có năng lực trong việc biểu diễn nhạc cụ đàn piano, nhưng để năng lực đó được bộc lộ và đem lại kết quả thì người đó phải có đàn piano.
Tác giả Huỳnh Văn Sơn cho rằng: “năng lực sáng tạo là khả năng tạo ra những cái mới hoặc giải quyết vấn đề một cách mới mẻ của con người” [89, tr. 29]. Với định nghĩa này, năng lực sáng tạo là khả năng giải quyết vấn đề của con người theo một cách mới. Đây là hướng tiếp cận hợp lý.
Từ các ý kiến trên, chúng tôi cho rằng: Năng lực sáng tạo là năng lực của chủ thể trong việc tạo ra cái mới có giá trị dựa trên tổ hợp các thuộc tính độc đáo của cá nhân đó phù hợp với yêu cầu và điều kiện của hoạt động sáng tạo sản phẩm mới trong một lĩnh vực hoạt động nhất định.
Năng lực sáng tạo của một cá nhân một mặt hàm chứa khả năng sáng tạo của người đó, mặt khác cũng thể hiện những hoạt động sáng tạo đã diễn ra với những kết quả đạt được, năng lực đó đã biểu hiện trong hiện thực. Năng lực sáng tạo không phải là tiềm năng sáng tạo. Năng lực sáng tạo khác với hoạt động sáng tạo. Năng lực sáng tạo của chủ thể gắn với những phẩm chất của chủ thể đáp ứng yêu cầu giải quyết những vấn đề nào đó trong một lĩnh vực nhất định. Nên năng lực sáng tạo là cái đã tồn tại trong chủ thể. Còn hoạt động sáng tạo là sự biểu hiện hay vận dụng năng lực sáng tạo của chủ thể trong quá trình giải quyết vấn đề, tạo ra giá trị mới. Cụ thể: chủ thể (có năng lực sáng tạo) khi nẩy sinh vấn đề (phát sinh từ chủ thể hoặc ở bên ngoài) dẫn đến hoạt động giải quyết vấn đề của chủ thể trong sự ảnh hưởng, quy định của môi trường tự nhiên – xã hội = hoạt động sáng tạo.
“Năng lực sáng tạo… dựa trên tổ hợp thuộc tính độc đáo của cá nhân đó”, vậy tổ hợp thuộc tính độc đáo ở đây là gì? Tổ hợp thuộc tính độc đáo ở đây chính là những đặc điểm về tâm sinh lý (đặc điểm về thể lực, trí tuệ, tính cách...) của chủ thể. Nhưng không phải là toàn bộ những yếu tố tâm sinh lý mà chỉ có những yếu tố tâm sinh lý nào góp phần (hay tham gia) đáng kể trong việc hình thành nên sản phẩm sáng tạo.
Xét về cấu trúc của năng lực sáng tạo thì năng lực sáng tạo của chủ thể ở mọi loại hình sáng tạo đều có 3 thành phần cơ bản: 1/ Khả năng tư duy của chủ thể; 2/ Động cơ sáng tạo ở chủ thể; 3/ Điều kiện vật chất cho chủ thể hoạt động sáng tạo. Khả năng tư duy của chủ thể có vai trò trong việc làm nẩy sinh và giải quyết vấn đề đặt ra bao gồm các hoạt động tiếp thu, lưu giữ, tái hiện và xử lý các thông tin liên quan đến vấn đề và đưa ra ý tưởng, lời giải của vấn đề. Ở thành phần này, nâng cao năng lực sáng tạo của chủ thể trước hết chính là nâng cao năng lực của
tư duy trong việc đưa ra ý tưởng, lời giải của vấn đề nhất là những vấn đề nan giải. Nâng cao năng lực của tư duy chủ yếu trong việc nâng cao trình độ, sự hiệu quả của bộ máy của tư duy (nâng cao khả năng tưởng tượng, trừu tượng, liên tưởng…).
Động cơ sáng tạo ở chủ thể có vai trò trong việc thúc đẩy hoạt động sáng tạo của chủ thể. Hoạt động sáng tạo là hoạt động có tính rủi ro, không chắc chắn thành công nên cần phải có niềm tin nhất là mong muốn, khát vọng sáng tạo mới có thể thúc đẩy hành vi của chủ thể vượt qua những trở ngại, khó khăn nhất định hướng tới sản phẩm sáng tạo. Tăng cường động cơ sáng tạo ở chủ thể cũng là cách thức để nâng cao năng lực sáng tạo, trong đó mục tiêu cao nhất là làm sao chủ thể có niềm say mê sáng tạo.
Ở thành phần điều kiện vật chất cho hoạt động sáng tạo của chủ thể, chúng ta thấy rằng nếu không có não bộ, giác quan thì chủ thể không thể tiến hành hoạt động nhận thức và tư duy được nên não bộ, giác quan và cả cơ thể sinh học nói chung đều là điều kiện vật chất cho hoạt động sáng tạo. Chăm sóc não bộ, làm cho các giác quan nhạy cảm hơn, tăng cường sức khỏe thể chất cũng đều gián tiếp làm tăng cường năng lực nhận thức, tư duy của chủ thể và do vậy đều nâng cao năng lực sáng tạo. Bên cạnh đó, trong một số loại hình sáng tạo, khả năng điều khiển đôi tay hay điều khiển cơ thể cũng là điều kiện vật chất cho hoạt động sáng tạo, cũng thuộc về năng lực sáng tạo ở chủ thể mặc dù ở thứ yếu. Chẳng hạn, trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật (sáng tạo trong khiêu vũ) chủ thể phải điều khiển đôi tay, cơ thể nói chung trong việc tạo ra sản phẩm sáng tạo (những vũ điệu mới hấp dẫn).
Như vậy, khi thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực sáng tạo của chủ thể thì trước hết và trực tiếp cần nâng cao khả năng tư duy, tăng cường động cơ sáng tạo, tạo điều kiện vật chất thuận lợi cho hoạt động sáng tạo của chủ thể. Qua đây, có thể liên hệ với việc nâng cao năng lực sáng tạo của sinh viên nói chung và sinh viên Đại học Hàng hải Việt Nam nói riêng ở chỗ: cần phải tác động đến chương trình đào tạo, nội dung giáo trình, môi trường giáo dục, thi cử, cơ sở vật chất của nhà trường…sao cho hình thành và phát triển tư duy sáng tạo (ở sinh viên), hình thành và tăng cường động cơ sáng tạo và tạo điều kiện vật chất thuận lợi cho hoạt động sáng tạo của sinh viên
Ở mỗi loại hình sáng tạo có năng lực sáng tạo tương ứng: năng lực sáng tạo triết học (đòi hỏi chủ thể có năng lực tư duy trừu tượng, tưởng tượng, tổng hợp, khái quát cao, có sự yêu thích đối với lĩnh vực triết học, hứng thú đối với những vấn đề triết học), năng lực sáng tạo khoa học, năng lực sáng tạo toán học, năng lực sáng tạo kỹ thuật - công nghệ, năng lực sáng tạo nghệ thuật và năng lực sáng tạo trong các hoạt động thực tiễn xã hội.
Năng lực sáng tạo có thể phân chia thành năng lực sáng tạo chung và năng lực sáng tạo chuyên biệt. Năng lực sáng tạo chung là năng lực sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mà không đòi hỏi những tố chất, điều kiện nổi trội so với thông thường và là năng lực mang tính phổ biến. Thường là những vấn đề nẩy sinh trong sinh hoạt đời sống cộng đồng hàng ngày, những vấn đề không quá khó, không đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, không đòi hỏi những phẩm chất ưu trội.
Năng lực sáng tạo chuyên biệt là năng lực sáng tạo mà trong việc giải quyết các vấn đề đòi hỏi những tố chất, điều kiện nổi trội so với thông thường phù hợp ở một lĩnh vực hoạt động nhất định mang tính đặc thù và chỉ có ở một bộ phận không nhiều người trong xã hội. Những người có năng lực sáng tạo chuyên biệt ở một loại hình sáng tạo cụ thể đòi hỏi kiến thức chuyên môn hẹp trong lĩnh vực đó, và cần cả một số tố chất đặc biệt hơn thông thường.
Nâng cao năng lực sáng tạo chuyên biệt có ý nghĩa quan trọng hơn so với nâng cao năng lực sáng tạo chung. Chỉ có nâng cao năng lực sáng tạo chuyên biệt mới xuất hiện những phát minh, sáng chế lớn, thậm chí ở mức kiệt xuất. Hơn nữa, nâng cao năng lực sáng tạo chuyên biệt đồng thời sẽ nâng cao năng lực sáng tạo chung.
Trong Tâm lý học, người ta chia năng lực thành 3 mức độ khác nhau bao gồm: năng lực, tài năng và thiên tài. Tài năng được xác định là “mức độ năng lực cao hơn, biểu thị sự hoàn thành một cách sáng tạo một hoạt động nào đó” [101, tr.178], trong khi đó thiên tài là “mức độ cao nhất của năng lực, biểu thị ở mức kiệt xuất, hoàn chỉnh nhất của những vĩ nhân trong lịch sử nhân loại” [101, tr.178]. Tuy nhiên, trong cuốn sách Khơi dậy tiềm năng sáng tạo xuất bản năm 2004, nhóm tác giả Nguyễn Cảnh Toàn – Nguyễn Văn Lê – Châu An đã phân chia năng lực thành 4 cấp: 1/ Không có năng lực; 2/ Có năng lực; 3/ Có tài năng; 4/ Thiên tài. Sự phân chia này thiếu hợp lý. Chúng tôi cho rằng, năng lực có thể phân chia thành 4 cấp độ: 1/ Năng lực ở mức thấp; 2/ Năng lực ở mức trung bình
(hay “Có năng lực”); 3/ Năng lực ở mức cao (hay “Tài năng”); 3/ Năng lực ở mức kiệt xuất (hay “Thiên tài”). Ngoài ra, bên cạnh khái niệm “năng lực” còn có khái niệm “không có năng lực” theo nghĩa ở một lĩnh vực hoạt động nhất định cá nhân không thể thực hiện được nhiệm vụ, công việc nào dù là đơn giản. Nếu xét ở những người bình thường thì có lẽ ngoại diện của khái niệm “không có năng lực” bằng không. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, ở một số cá nhân bị dị tật bẩm sinh gần như hoàn toàn không có khả năng thực hiện được một số hoạt động như người bình thường.
Từ đó, năng lực sáng tạo có thể được phân chia thành các cấp độ sau: 1/ Năng lực sáng tạo ở mức thấp; 2/ Năng lực sáng tạo ở mức trung bình (hay “Có năng lực sáng tạo”); 3/ Năng lực sáng tạo ở mức cao (hay “Tài năng sáng tạo”); 4/ Năng lực sáng tạo ở mức kiệt xuất (“Thiên tài sáng tạo”).
Năng lực sáng tạo ở mức thấp là năng lực hiện có của cá nhân chỉ giải quyết được những vấn đề giản đơn (hoặc chỉ tạo ra những sản phẩm sáng tạo giản đơn) trong một lĩnh vực hoạt động nhất định mà đại đa số mọi người đều có thể thực hiện được.
Năng lực sáng tạo ở mức trung bình chỉ năng lực hiện có của cá nhân giải quyết được những vấn đề không khó (hoặc tạo ra những sản phẩm sáng tạo ở trình độ không cao) trong một lĩnh vực hoạt động nhất định mà đa số mọi người đều có thể thực hiện được.
Năng lực sáng tạo ở mức cao chỉ năng lực hiện có của cá nhân giải quyết được những vấn đề khó (hoặc tạo ra những sản phẩm sáng tạo ở trình độ cao) thuộc một lĩnh vực hoạt động nhất định mà khá ít người ở lĩnh vực đó có thể thực hiện được.
Năng lực sáng tạo ở mức kiệt xuất chỉ năng lực hiện có của cá nhân giải quyết được một số vấn đề rất khó (hoặc tạo ra một số sản phẩm sáng tạo ở trình độ rất cao) thuộc một lĩnh vực hoạt động nhất định mà hiếm ai trong lĩnh vực đó có thể thực hiện được.
Ngoài và bên cạnh khái niệm “năng lực sáng tạo” còn có khái niệm “thiếu năng lực sáng tạo” được dùng để chỉ phương diện năng lực của cá nhân trong một lĩnh vực nhất định không thể giải quyết được những vấn đề dù là đơn giản. Có thể nói trong một lĩnh vực nhất định mọi cá nhân bình thường đều có tiềm năng sáng tạo. Bởi, mỗi cá nhân bình thường đều có năng lực tư duy. Nhà nghiên cứu
Huỳnh Văn Sơn cho rằng: “ai trong chúng ta cũng có tiềm năng sáng tạo dù là ít hay nhiều” [89, tr.100]. Bên cạnh đó, theo Amabile: “mỗi người đều có những năng lực nhận thức nhất định và với những năng lực ấy có thể tạo ra những sản phẩm sáng tạo ở một mức độ nhất định” [74, tr.293]. Nghĩa là, theo các tác giả mỗi người bình thường đều có năng lực sáng tạo nhất định. Tuy vậy, ở một số trường hợp đặc biệt, những người bị mắc bệnh hoặc dị tất bẩm sinh ở một lĩnh vực hoạt động nhất định gần như là họ “không có năng lực sáng tạo”.
Sự khác biệt giữa năng lực và năng lực sáng tạo ở chỗ ngoại diện của khái niệm “năng lực” rộng hơn, bao trùm ngoại diên của khái niệm “năng lực sáng tạo”. Nên, có một số “phần tử” thuộc cả 2 khái niệm, nhưng lại có một số “phần tử” chỉ thuộc khái niệm “năng lực” mà không thuộc khái niệm “năng lực sáng tạo”. Đó là các trường hợp cá nhân đó đạt được kết quả công việc (năng lực) không phải là kết quả của hoạt động giải quyết vấn đề mà chỉ là cá nhân đó sử dụng trí nhớ, kinh nghiệm thuần túy, khả năng điều khiển bản thân hoặc kỹ năng đã thuần thục. Chẳng hạn, bằng trí nhớ thiên bẩm một cá nhân có thể đọc lại được một đoạn văn dù chỉ nghe được một lần, đây là biểu hiện năng lực nhưng không phải là năng lực sáng tạo. Từ đó cho thấy các cấp độ của năng lực không tương ứng với các cấp độ của năng lực sáng tạo. Một nghệ sĩ tài năng trong âm nhạc (năng lực ở mức cao) không có nghĩa nghệ sĩ đó có năng lực sáng tạo ở mức cao trong âm nhạc. Chẳng hạn, người nghệ sĩ tài năng trong việc biểu diễn xuất sắc nhiều bản nhạc khó (sử dụng đàn piano) với kỹ năng điêu nghệ nhưng không phải là với những phẩm chất sáng tạo.
3.1.2. Mức độ sáng tạo
Mức độ sáng tạo hay trình độ sáng tạo là sự biểu hiện phần nào mức độ năng lực sáng tạo của chủ thể ở một sản phẩm sáng tạo nhất định. Mức độ sáng tạo ở một sản phẩm sáng tạo không biểu hiện đầy đủ năng lực sáng tạo của chủ thể. Qua nhiều sản phẩm sáng tạo mới thực sự đánh giá đầy đủ mức độ năng lực sáng tạo của chủ thể. Tác giả Lê Huy Hoàng đã phân thành 2 mức sáng tạo sau: Thứ nhất, sáng tạo như là hoạt động cải tạo, cải tiến, đổi mới, nâng cao những cái đã có lên một trình độ cao hơn; Thứ hai, sáng tạo như là hoạt động tạo ra cái mới về chất.
Trong hoạt động sáng tạo kỹ thuật, G.S. Altshuller căn cứ vào “tính mới” của sản phẩm sáng tạo đã phân chia sáng tạo thành 5 mức: Mức 1: Sử dụng ngay ý
tưởng có sẵn; Mức 2: Lựa chọn ý tưởng tối ưu trong vài ý tưởng có sẵn; Mức 3: Cải tiến ý tưởng có sẵn; Mức 4: Đưa ra ý tưởng mới; Mức 5: Đưa ra nguyên lý hoạt động mới nhờ vậy có được loại hệ thống mới.
Tác giả Phạm Thành Nghị lại phân chia sáng tạo thành các mức: 1/Sáng tạo biểu đạt; 2/ Sáng chế; 3/ Phát minh; 4/ Sáng tạo ở mức cải biến; 5/ Sáng tạo ra lĩnh vực, ngành nghề mới.
Có thể nói trong sáng tạo để phân chia các mức sáng tạo chung thống nhất cho mọi loại hình sáng tạo là một vấn đề phức tạp bởi có nhiều loại hình sáng tạo khác nhau mà mỗi loại hình có đặc thù riêng (chẳng hạn sáng tạo trong khoa học và sáng tạo trong nghệ thuật có đặc thù rất khác biệt). Ngoài ra, ngay trong một loại hình sáng tạo, có nhiều loại vấn đề khác nhau với những quy mô và điều kiện khác nhau. Và lại tùy vào từng vấn đề cụ thể. Ví dụ, sáng tạo trong lĩnh kỹ thuật - công nghệ, nếu nói rằng việc cải tiến một máy móc nào đó ở mức sáng tạo thấp hơn so với việc sáng chế ra một sản phẩm mới là hết sức tương đối. Như cải tiến một con tàu vũ trụ quả là ở mức sáng tạo cao hơn nhiều nếu so với sáng chế ra dụng cụ lao động thủ công.
Tuy nhiên, việc phân chia mức độ sáng tạo áp dụng chung cho mọi loại hình sáng tạo, một cách tương đối, có thể bao gồm các mức từ thấp lên cao như sau: 1/