8. Cấu trúc của luận văn
1.2. Tổng quan về môi trường
1.2.1. Khái niệm môi trường
Có nhiều khái niệm khác nhau về môi trường: [23, 13]
Khái niệm 1: Theo UNESCO (1967), “Môi trường sống của con người mà con người tác động, sử dụng và bị nó làm ảnh hưởng”, “là tập hợp các thành tố vật chất (tự nhiên và nhân tạo) và xã hội xung quanh mỗi con người”. Môi trường theo UNESCO gồm 2 yếu tố:
- Nhóm vật chất: bao gồm các yếu tố tự nhiên như đất, nước, không khí, sinh học, trường vật lý và yếu tố nhân tạo như đô thị, nhà cửa, công sở, máy móc,...
- Nhóm phi vật chất: bao gồm các yếu tố xã hội và nhân văn như quy chế, luật pháp, chương trình, dự án, đạo đức, văn hóa, truyền thống,... có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân và cộng đồng.
Khái niệm 2: Theo Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), “Môi trường là tổng thể những điều kiện bên ngoài tác động đến cuộc sống, sự phát triển và sự tồn tại của một sinh thể”.
Khái niệm 3: Theo Luật Bảo vệ môi trường Trung Quốc (1979), “Môi trường bao gồm không khí, nước, đất, khoáng sản, rừng, đồng cỏ, động vật hoang dã, các loại thủy sinh, các đặc điểm có ý nghĩa lịch sử, danh lam thắng cảnh, các suối nước nóng, các khu lịch sử và bảo tồn thiên nhiên cũng như các vùng có dân cư”.
Khái niệm 4: Theo Luật Bảo vệ môi trưởng Việt Nam (sửa đổi 2005),
“Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật”.
Khái niệm 5: Theo Lê Văn Khoa (1995), “Môi trường theo nghĩa rộng nhất là tổng hợp các điều kiện bên ngoài có ảnh hưởng tới một vật thể hoặc một sự kiện.”. Đối với cơ thể sống thì “Môi trường sống là tổng hợp những điều kiện bên ngoài có ảnh hưởng tới đời sống và sự phát triển của cơ thể”. [12; 5]
Như vậy, môi trường sống của con người theo nghĩa rộng là tất cả các nhân tố tự nhiên và xã hội cần thiết cho sự sinh sống, sản xuất của con người như tài nguyên thiên nhiên, không khí, đất, nước, ánh sáng, cảnh quan, quan hệ xã hội,... Với nghĩa hẹp, môi trường sống của con người chỉ bao gồm các nhân tố tự nhiên và nhân tố xã hội trực tiếp liên quan tới chất lượng cuộc sống như diện tích nhà ở, chất lượng bữa ăn hàng ngày, nước sạch, điều kiện vui chơi giải trí,... Ở nhà trường thì môi trường của học sinh gồm nhà trường, thầy cô giáo, bạn bè, nội quy, sân chơi, phòng học, phòng thí nghiệm, các tổ chức Đoàn, Đội, một số địa điểm thực tập, dã ngoại,... Tóm lại, môi trường là tất cả những gì xung quanh chúng ta, tạo điều kiện để chúng ta sống, hoạt động và phát triển.
Môi trường sống của con người thường được phân chia thành:
- Môi trường tự nhiên: bao gồm các nhân tố thiên nhiên như vật lý, hóa học, sinh học, tồn tại ngoài ý muốn của con người nhưng cũng ít nhiều chịu tác động của con người. Đó là ánh sáng, núi, sông, biển cả, động thực vật, đất và nước,... Môi trường tự nhiên cho con người không khí để thở, đất để xây dựng nhà ở, trồng cây, chăn nuôi, cung cấp cho con người các loại tài nguyên khoáng sản để phục vụ cho sản xuất và tiêu thụ.
- Môi trường xã hội: là tổng thể các mối quan hệ xã hội giữa con người với con người. Đó là luật lệ, thể chế, cam kết, quy định ở các cấp khác nhau. Môi trường xã hội định hướng hoạt động của con người theo một khuôn khổ nhất định, tạo nên sức mạnh tập thể, làm cho cuộc sống và sự phát triển của con người khác với các sinh vật khác.
Ngoài ra, người ta còn phân biệt khái niệm môi trường nhân tạo, gồm tất cả các nhân tố do con người tạo nên hoặc biến đổi theo làm thành những tiện nghi trong cuộc sống như ô tô, nhà ở, công sở, khu đô thị, khu vui chơi giải trí, công viên,...