Một số nguyên nhân chủ quan của các công ty

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng chính sách công nghệ thân môi trường trên cơ sở nhận diện xung đột môi trường (nghiên cứu trường hợp khu công nghiệp thượng đình) (Trang 74 - 77)

8. Cấu trúc của luận văn

2.5. Nguyên nhân của thực trạn gô nhiễm rác thải công nghệ

2.5.1. Một số nguyên nhân chủ quan của các công ty

Phát triển công nghiệp gắn liền với PTBV luôn là mục tiêu của nước ta và của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thuộc KCN Thượng Đình cho đến nay đã không đạt được mục tiêu này. Vậy có những nguyên nhân nào khiến cho việc thực hiện các giải pháp đổi mới công nghệ sang hướng thân thiện với môi trường gặp khó khăn.

2.5.1.1. Thiếu tài chính đầu tư cho công nghệ

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đa phần là công ty của nhà nước hoặc các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, do đó nguồn vốn không phong phú như các công ty được tài trợ và công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó chi phí để chuyển giao công nghệ là không nhỏ, nhất là công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường. Với trình độ KH&CN của thế giới hiện nay, vòng đời của công nghệ có thể tồn tại được trong khoảng 8 đến 10 năm theo chu kỳ sản phẩm. Và như vậy, các công ty không thể thay đổi công nghệ sản xuất thường xuyên theo vòng đời của nó. Chẳng hạn, chi phí lắp đặt một hệ thống đốt dùng than, củi với công nghệ tiên tiến và hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn thì phải tốn từ 13 - 15 tỷ đồng, nhưng tuổi thọ công nghệ chỉ khoảng 10 năm. Như vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng đầu tư một công nghệ tốn kém như thế.

2.5.1.2. Thiếu thông tin công nghệ và thị trường công nghệ

Thiếu thông tin là trở ngại lớn trong việc đổi mới công nghệ. Hầu hết các đơn vị sản xuất chưa tích cực và chủ động trong việc tìm hiểu hiểu các thông tin về công nghệ trước khi thực hiện chuyển giao, nhất là các thông tin liên quan đến tác động môi trường. Các thông tin này có thể yêu cầu bên chuyển giao cung cấp hoặc qua các trung tâm thông tin công nghệ, tạp chí, sách báo chuyên ngành. Việc thiếu thông tin sẽ làm giảm sự sáng suốt trong lựa chọn, đổi mới cũng như thực hiện các hoạt động chuyển giao. Trong môi trường cạnh tranh và hội nhập thương mại quốc tế, liệu có nên trông chờ các thông tin đến một cách tình cờ? Một số doanh nghiệp nước ta cho rằng, chính các cơ quan quản lý nhà nước và nhất là Sở Khoa học và Công nghệ của các tỉnh/thành phố phải có đơn vị chịu trách nhiệm tư vấn, giải đáp và nghiên cứu về công nghệ để hướng dẫn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các hợp đồng mua bán và sử dụng sản phẩm.

Do chưa được cung cấp đầy đủ các thông tin, những nhiên liệu được thay thế không nằm trong danh mục nguyên nhiên liệu đăng ký sử dụng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của các KCN đã được phê duyệt, cũng như trong đánh giá tác động môi trường của chính công ty đó khi đầu tư vào KCN. Qua đánh giá những tác động từ chính sách công nghệ lạc hậu mà các công ty sử dụng, chúng ta thấy được sự cần thiết phải có đầy đủ và chính xác các thông tin về công nghệ trước khi thực hiện hợp đồng mua bán và những thông tin thu thập được sẽ phục vụ cho việc sử dụng công nghệ sau này. Quyền lợi được cung cấp đầy đủ thông tin và trách nhiệm phải cung cấp đầy đủ thông tin công nghệ, thậm chí phải bồi thường thiệt hại nếu cung cấp thiếu thông tin trong các hợp đồng chuyển giao được quy định rõ ràng trong một số Luật của Việt Nam.

Theo khoản 1, Điều 311, Bộ luật Dân sự 2005: “Người chuyển giao

quyền yêu cầu phải cung cấp thông tin cần thiết, chuyển giao giấy tờ cho người thế quyền”. Tương tự, Điều 422 có nêu: “Bên bán có nghĩa vụ cung cấp cho bên mua thông tin cần thiết về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử

dụng tài sản đó; nếu bên bán không thực hiện nghĩa vụ này thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán phải thực hiện; nếu bên bán vẫn không thực hiện thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Điều này quy định chung về hướng dẫn cách sử dụng tài sản và các thông tin liên quan đến cách sử dụng, giúp bên mua khai thác tốt tài sản đã giao kết. Công nghệ là một loại hàng hóa đặc biệt vì có thể tạo ra sức cạnh tranh cho sản phẩm, nhưng bên nhận sẽ không sử dụng được nó hoặc không tạo ra sản phẩm như mong muốn nếu thiếu các thông tin cần thiết.

Cũng theo khoản 1, Điều 14, Luật Thương mại 2005: “Thương nhân

thực hiện hợp đồng thương mại có nghĩa vụ thông tin đầy đủ, trung thực cho người tiêu dùng về hàng hóa và dịch vụ mà mình kinh doanh và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đó”. Từ đó, bên mua sẽ có những thông tin cần thiết và biết rõ hơn về đối tượng chuyển giao, để họ quyết định có hay không giao kết hợp đồng. Việc thực hiện nghĩa vụ thông tin đầy đủ giúp người nhận phát huy tối đa chức năng hay giá trị của đối tượng chuyển giao một khi hợp đồng được giao kết, đồng thời hạn chế được những khiếu kiện không cần thiết vì thiếu thông tin.

2.5.1.3. Thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường chưa đầy đủ

Một nguyên nhân quan trọng khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường và XĐMT tại khu vực công nghiệp Thượng Đình kéo dài do chính các doanh nghiệp thành viên chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, biểu hiện của hành vi thiếu trách nhiệm này là việc các doanh nghiệp cố tình xả các chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Thực hiện tốt trách nhiệm BVMT là con đường tích cực và hiệu quả giúp các doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh, bảo vệ và dung hòa quyền lợi giữa các bên liên quan, điều mà ngày càng giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống giá trị của tổ chức và được nhắc đến qua một số thuật ngữ như “Văn hóa và đạo đức quản lý”, “Văn hóa doanh nghiệp” hay “Đạo đức kinh doanh”. Tuy nhiên, trách nhiệm BVMT của phần lớn các doanh nghiệp nói chung ở nước ta vẫn là một khái niệm chưa được quan tâm đúng mức.

Cho đến nay, nước ta đã có nhiều công ty thực hiện các biện pháp SXSH và đều thông qua các Dự án đầu tư hoặc tham gia Hợp phần Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, như nhà máy Giấy xuất khẩu Thái Nguyên, công ty Cổ phần Xi măng Phú Thọ, công ty Cổ phần Ắc quy Tia Sáng (Hải Phòng), công ty Tuyển than Cửa Ông (Quảng Ninh), công ty Dầu thực vật Cái Lân (Cần Thơ), KCN Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, số lượng các công ty tham gia còn khiêm tốn bởi chúng ta thiếu các cơ sở pháp lý để bắt buộc chuyển giao công nghệ môi trường và tham gia SXSH.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng chính sách công nghệ thân môi trường trên cơ sở nhận diện xung đột môi trường (nghiên cứu trường hợp khu công nghiệp thượng đình) (Trang 74 - 77)