Chương 2 NĂNG LỰC CẠNH TRANH ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH ĐÀ LẠT
3.3. Giải pháp
3.3.4. Tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường
Hiện Đà Lạt là địa phương đầu tiên trên cả nước đã xử lý được 100% rác thải y tế. 50% nước thải sinh hoạt đã được xử lý triệt để, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với các địa phương khác. Do vậy, cần tiếp tục phát huy những mặt đã làm được cũng như cố gắng phấn đấu xử lý triệt để rác thải và nước thải cho thành phố trong những năm tới như mục tiêu thành phố đã đề ra. Để làm được điều này, nên có những có những chính sách thông thoáng, kêu gọi các tổ chức trong nước và quốc tế đầu tư vào các dự án vì môi trường, xử lý rác thải, nước thải,… Nên trích lại một phần ngân sách từ hoạt động du lịch cho các dự án cải thiện môi trường. Hiện số lượng cán bộ quản lý môi trường Việt Nam nói chung và của Đà Lạt nói riêng khá thấp, chỉ khoảng 23 cán bộ/100.000 dân, con số này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Malaysia,… Do vậy, nên tăng cường đội ngũ quản lý môi trường cho thành phố bằng nguồn ngân sách từ xã hội hóa du lịch.
So với nhiều địa phương khác, Đà Lạt được đánh giá là một trong những thành phố sạch của Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay, nhiều khu du lịch vẫn bị du khách vứt rác bừa bãi, thậm chí vứt cả ra đường mà không bị ai nhắc nhở hay xử phạt. Để duy trì cảnh quan sạch đẹp cho thành phố, nên thành lập đội cảnh sát môi trường để nhắc nhở cũng như xử phạt răn đe những tổ chức, cá nhân xả rác bừa bãi hay có những hành vi xâm hại đến môi trường. Đội ngũ này hiện diện thường xuyên ở các điểm du lịch chính của thành phố và cửa ngõ vào trung tâm. Ngoài việc giám sát các hành vi của cá
nhân, tổ chức, đội ngũ cảnh sát môi trường còn theo dõi, xử lý những phương tiện giao thông, cơ sở lưu trú, ăn uống, sản xuất… gây ảnh hưởng đến môi trường đất, nước và không khí. Nếu làm triệt để được những vấn đề này, Đà Lạt sẽ không chỉ được nhắc tới như một thành phố mát mẻ mà còn được nhiều người biết đến như là thành phố sạch đẹp nhất của Việt Nam.
Hiện nay, mặc dù đã được đầu tư mạnh, tích cực xử lý và cải tạo các vấn đề về môi trường nhưng vẫn còn 2 khu vực bị ô nặng là thác Cam Ly và hồ Xuân Hương. Vào trời nắng, khu vực hồ Xuân Hương thường bốc mùi hôi mạnh do các loài tảo xanh hiện diện dưới hồ. Thác Camly bốc mùi do phần lớn nước thải sinh hoạt của thành phố đổ về đây mà vẫn chưa được xử lý triệt để. Do vậy, cần đẩy mạnh công tác xử lý nước thải cũng như nghiên cứu kĩ vấn đề tảo xanh tại khu vực hồ Xuân Hương. Theo nhiều chuyên gia môi trường, 2 khu vực này bị ô nhiễm có thể do dự lượng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật từ các nhà vườn trồng rau, hoa ở khu vực thượng nguồn được nước mưa cuốn về. Do vậy, không thể dễ dàng xử lý ngay hay cấm người dân không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mà nên tổ chức nhiều hội thảo với các chuyên gia môi trường trong nước và quốc tế để nghiên cứu kĩ hơn vấn đề này và tìm ra hướng khắc phục hiệu quả.
Lâm Đồng cũng là địa phương đi đầu trong cả nước đã tổ chức thu phí dịch vụ môi trường trong các hóa đơn tiền nước, số tiền này đã được phân chia hiệu quả cho các hộ gia đình nằm trong khu vực rừng đầu nguồn để họ đứng ra bảo vệ rừng, giúp gián tiếp bảo vệ nguồn nước sạch cho chính người dân thành phố. Do vậy, nên đẩy mạnh hoạt động này và tiếp tục nhân rộng sang các đối tượng, phạm vi khác bằng cách làm tương tự. Cụ thể là trích 1 phần tiền vé tham quan du lịch cho quỹ môi trường, sau đó phân chia lại cho người dân quanh các điểm du lịch bằng nhiều hình thức như: đầu tư giao thông, hạ tầng, hỗ trợ học tập,… bù lại họ phải sát cánh cùng chính quyền địa
phương đứng ra bảo vệ môi trường cũng như hướng du khách tới những hoạt động thân thiện hơn với môi trường.