Chiến lược Đại Trung Đông

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhân tố Mỹ trong cuộc xung đột Israel-Palestine giai đoạn 2009-nay (Trang 29 - 31)

1.2. Vai trò của Mỹ trong cuộc xung đột Israel-Palestine

1.2.1. Chiến lược Đại Trung Đông

Mặc dù có quan hệ trên nhiều mặt với khu vực Trung Đông, nhưng Mỹ chỉ thực sự hiện diện và gia tăng ảnh hưởng tại đây với chiến lược Đại Trung Đông, được điều chỉnh, bổ sung qua nhiều đời Tổng thống. Trước hết, năm 1957, Tổng thống Dwight David "Ike" Eisenhower đã đề xuất "Kế hoạch về Trung Đông" nhằm lấp khoảng trống chiến lược sau khi thực dân Anh và Pháp bắt đầu giảm dần ảnh hưởng tại đây trước phong trào giải phóng dân tộc bùng phát ở nhiều quốc gia trong khu vực.

Ngày 25 tháng 7 năm 1969, Tổng thống Richard Milhous Nixon đề xuất kế hoạch thứ hai của Mỹ về Trung Đông dựa trên cơ sở Học thuyết Guam (còn gọi là Học thuyết Nixon) nhằm Trung Đông hóa sự hiện diện của Mỹ. Năm 1980, Tổng thống James Earl "Jimmy" Carter đề xuất kế hoạch thứ ba của Mỹ về Trung Đông trên cơ sở Học thuyết Carter, mở đầu giai đoạn Mỹ tranh giành quyết liệt ảnh hưởng với Liên Xô ở khu vực này. Kế hoạch thứ tư của Mỹ về Trung Đông do Tổng thống Mỹ Ronald Wilson Reagan đề xuất nhằm thiết lập chuỗi các khu vực chiến lược trên khắp thế giới liên kết với nhau, trong đó Trung Đông có vị trí hết sức quan trọng.

Kế hoạch Đại Trung Đông của Mỹ được một số nhóm bảo thủ mới tại Mỹ soạn thảo vào năm 1996 dựa trên cơ sở kết quả của các cuộc "Cách mạng màu sắc" làm thay đổi chính quyền ở các nước Cộng sản Đông Âu trước đây. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, chiến lược này là một trong những nội dung của ý đồ xây dựng trật tự thế giới mới của Mỹ dựa trên

cơ sở văn kiện "Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ ở Trung Đông: phân tích sau sự kiện 11 tháng 9 năm 2001", với mục tiêu thay đổi biên giới của 24 quốc gia, từ Morocco tới Afghanistan, làm bàn đạp để Mỹ tiến tới thiết lập quyền kiểm soát đối với toàn bộ lục địa Á-Âu.

George Herbert Walker Bush là Tổng thống Mỹ đặt ưu tiên cao nhất cho việc xây dựng và triển khai Kế hoạch Đại Trung Đông, với việc coi cuộc chiến tranh Afghanistan năm 2001 và chiến tranh Iraq năm 2003 là giai đoạn đầu tiên của kế hoạch này. Lần đầu tiên kế hoạch này được trình bày dưới dạng đầy đủ là trong bài phát biểu ngày 6 tháng 11 năm 2003 của Tổng thống George W. Bush tại Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ. Theo đó, việc chiếm đóng Iraq là giai đoạn đầu tiên trong một cuộc đấu tranh lâu dài của Mỹ nhằm thiết lập dân chủ ở Trung Đông. Trong bài phát biểu này, Tổng thống George W. Bush cho rằng: "Nền dân chủ ở Iraq sẽ chiến thắng và thành qua dó sẽ chứng tỏ cho tất cả các nước từ Syria đến Iran rằng, tự do có thể là số phận của mỗi dân tộc" [21].

Tuy nhiên, Kế hoạch Đại Trung Đông chỉ được chính thức công khai tại Hội nghị G8 tổ chức tháng 6 năm 2004 tại Sea Island, Georgia, Mỹ, dưới tên gọi "Sáng kiến Đại Trung Đông của Mỹ - GMEI". Tương tự như Thỏa ước Helsinki được Mỹ và đồng minh NATO ký năm 1975 nhằm phổ biến dân chủ, bảo đảm quyền con người và thực hiện các cải cách kinh tế cơ bản ở Liên Xô cũng như các nước Đông Âu, sáng kiến mới của Mỹ là một kế hoạch nhằm đưa các nước Hồi giáo tại Trung Đông trở thành các xã hội dân chủ, thế tục và tự do thông tin [45].

Về nội dung, kế hoạch tái cấu trúc khu vực Trung Đông này được chia thành hai giai đoạn lớn: Xây dựng cái gọi là một chính quyền dân chủ ở Iraq; gây áp lực đối với Iran và Syria để buộc các nước này chấm dứt việc viện trợ cho Palestine và Lebanon. Các nhà hoạch định chiến lược Mỹ dự báo, sau khi làm suy yếu sự hỗ trợ từ phía Syria và Iran, các nhóm cực đoan như Hamas,

Hezbollah… sẽ không còn khả năng đối phó hiệu quả với Israel. Kết quả là phong trào "thánh chiến" ở Trung Đông sẽ bị chấm dứt và ban lãnh đạo Palestine sẽ buộc phải nhượng bộ Israel.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhân tố Mỹ trong cuộc xung đột Israel-Palestine giai đoạn 2009-nay (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)