Chính sách Trung Đông và hoạt động can dự vào cuộc xung đột

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhân tố Mỹ trong cuộc xung đột Israel-Palestine giai đoạn 2009-nay (Trang 39 - 45)

2.1. Giai đoạn 2009-2016

2.1.2. Chính sách Trung Đông và hoạt động can dự vào cuộc xung đột

Israel-Palestine của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama

2.1.2.1. Những yếu tố chủ yếu tác động đến hoạch định chiến lược đối với khu vực Trung Đông của Chính quyền Obama

Sau khi lên cầm quyền tháng 1 năm 2009, Tổng thống Obama kế thừa một di sản đầy khó khăn và thách thức ở Trung Đông do chính sách cứng rắn

và đơn phương dưới thời Tổng thống George W. Bush để lại. Trước hết, cuộc chiến Iraq đã gây những hậu quả nghiêm trọng đối với Mỹ, gồm việc quân đội Mỹ bị sa lầy với những tổn thất khổng lồ về người và của, trong khi hình ảnh nước Mỹ bị sụt giảm, tác động không nhỏ trên tất cả các lĩnh vực đối với chiến lược toàn cầu của Mỹ, buộc chính quyền mới phải điều chỉnh chính sách đối với Iraq nói riêng, đối với khu vực và thế giới nói chung.

Bên cạnh đó, tiến trình hòa bình Trung Đông rơi vào tình trạng bế tắc kéo dài, khiến vị thế của Mỹ bị suy giảm. Kế hoạch nhằm thúc đẩy tiến trình này do Tổng thống Bush khởi xướng từ năm 2004 bị thất bại nặng nề do chính sách cứng rắn và sự thiên vị của Chính quyền Bush đối với Israel.

Trong khi đó, Mỹ thất bại trong việc gây sức ép nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Iran vẫn tiếp tục củng cố tiềm lực quốc phòng, đồng thời mở rộng quan hệ với các nước nhằm phá thế bao vây, cấm vận của Mỹ. Trên diễn đàn quốc tế, nhiều nước bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ tiếp tục quan hệ với Iran, đặc biệt Nga và Trung Quốc luôn ủng hộ Iran trong khuôn khổ HĐBA LHQ, dùng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn Mỹ thông qua các nghị quyết chống Iran.

Ngoài ra, biến động chính trị-xã hội tại khu vực Bắc Phi và Trung Đông từ cuối năm 2010 đã khiến nhiều nước trong khu vực lâm vào khủng hoảng chính trị, tạo cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức cho chiến lược khu vực của Chính quyền Obama. Chính quyền Mỹ gọi các cuộc chính biến ở khu vực này là phong trào "Mùa xuân Ả-rập" hay "Phong trào dân chủ" nhằm tìm cách can thiệp, hướng lái các phong trào này theo ý đồ của Mỹ. Đây là cơ hội để Mỹ sử dụng sức mạnh mềm để đẩy mạnh can dự ủng hộ các phong trào này, phục vụ mục tiêu dân chủ hóa khu vực theo tiêu chuẩn của Mỹ, lật đổ các chính quyền không thân Mỹ.

2.1.2.2. Chủ trương, chính sách

Tổng thống Obama đánh giá chiến lược Đại Trung Đông của Chính quyền Bush đã tạo ra một trục khủng hoảng kéo dài từ Địa Trung Hải đến Ấn

Độ, làm giảm vai trò ảnh hưởng của Mỹ, khiến Mỹ rơi vào tình trạng bế tắc trong giải quyết khủng hoảng tại khu vực Trung Đông, đồng thời bị sa lầy trong một cuộc chiến rất khó giành phần thắng, thậm chí là không thể. Chính vì vậy, Chính quyền Obama đã áp dụng chính sách "quyền lực thông minh", linh hoạt hơn tại Trung Đông thông qua những khái niệm mới như "đối tác mới", "ngoại giao đa phương", "cam kết bền vững".

Trong đó, Tổng thống Obama vẫn coi Trung Đông là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ, trong đó xác định các nhiệm vụ quan trọng nhất là ổn định tình hình Iraq phục vụ cho kế hoạch rút quân, thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông, giải quyết vấn đề hạt nhân Iran và chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở khu vực. Mục tiêu chính sách của Mỹ đối với khu vực cơ bản vẫn là xác lập và duy trì vị thế và sự hiện diện của Mỹ ở khu vực rốn dầu của thế giới, nhằm đảm bảo cho chiến lược an ninh năng lượng của Mỹ, đồng thời giải quyết những vấn đề đe dọa đến an ninh và vị thế siêu cường của Mỹ như chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, phổ biến vũ khí hủy diệt lớn, các quốc gia "cứng đầu", phong trào bài Mỹ... Trong bài phát biểu tại phiên họp lần thứ 68 của Đại hội đồng LHQ ngày 24 tháng 9 năm 2013, Tổng thống Barack Obama một lần nữa khẳng định Mỹ sẽ thực hiện một chiến lược "toàn diện, thông minh và mạnh mẽ hơn" với khu vực Trung Đông, với ba mục tiêu gồm: Cải thiện quan hệ với Iran; thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông, trong đó chú trọng đối thoại trực tiếp với Palestine và Israel; giải quyết vấn đề Syria [58].

Đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, Chính quyền Obama chủ trương quyết tâm giải quyết xung đột Israel-Palestine theo hướng gây sức ép, buộc Israel không mở rộng hoặc gia tăng tình trạng xây dựng các khu định cư tại các vùng đất của Palestine; viện trợ giúp phát triển khu Bờ Tây; cải tổ các lực lượng an ninh của Palestine và cải thiện quan hệ giữa Israel và các nước

Ả-rập, thúc đẩy hai bên đàm phán để hướng tới sự tồn tại hai nhà nước như quyết định phân trị của LHQ [9, tr. 246].

2.1.2.3. Hoạt động triển khai trên thực tế của Mỹ đối với cuộc xung đột Israel-Palestine

Về chính trị, ngoại giao:

Ngay sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Obama đã tuyên bố nối lại cuộc đàm phán thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông, tập hợp lãnh đạo các nước trong khu vực để thảo luận về các vấn đề có liên quan, trong đó chú trọng đến hòa giải giữa Israel-Palestine và các nước láng giềng. Mỹ kêu gọi Israel chấp nhận hướng giải pháp hai nhà nước, tiến tới thành lập Nhà nước Palestine độc lập, yêu cầu Israel ngừng xây dựng các khu định cư mới, dỡ bỏ các trạm kiểm soát xung quanh lãnh thổ Palestine.

Trong nỗ lực nhằm khẳng định vai trò là người bảo trợ cho tiến trình hòa bình Trung Đông, ngày 22 tháng 9 năm 2009, tại New York, Tổng thống Obama đã chủ trì tổ chức cuộc hội đàm ba bên giữa Thủ tướng Israel Benjamin Nentayahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Trong cuộc hội đàm, Tổng thống Obama khẳng định lại cam kết của Mỹ đối với giải pháp hai nhà nước cũng như đối với nền hòa bình công bằng, lâu dài và toàn diện tại khu vực Trung Đông. Theo Tổng thống Obama: "Đây không phải là lúc nói về việc bắt đầu đàm phán. Tất cả các bên phải quyết tâm tiến về phía trước. Mục đích của chúng ta là rõ ràng: đạt được mục tiêu cuối cùng và chấm dứt vòng xoáy xung đột đã gây ra nhiều tổn thất" [57].

Tổng thống Obama cũng đề ra một kế hoạch tổng thể nhằm kêu gọi tất cả các nước Ả-rập bình thường hóa quan hệ với Israel. Để thực hiện mục tiêu này, Mỹ đã đẩy mạnh chương trình ngoại giao nhằm lôi kéo tất cả các nước thuộc thế giới Ả-rập công nhận Nhà nước Do Thái. Đổi lại, Mỹ ủng hộ Nhà nước Palestine độc lập, hồi hương người Palestine tị nạn... Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị phá sản, khi Israel vẫn tiếp tục chiếm giữ Cao nguyên Golan và xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây.

Năm 2010, Chính quyền Obama thúc đẩy nối lại các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Israel và PA, đồng thời đề xuất cấp thêm một khoản viện trợ cho Israel để đổi lấy việc Israel kéo dài thời hạn "đóng băng" chương trình xây dựng các khu định cư. Bên cạnh đó, Mỹ cũng tiếp tục đào tạo và trang bị cho lực lượng an ninh Palestine, với chi phí lên tới 350 triệu USD, cộng thêm 150 triệu USD cho ngân sách của PA [39].

Tháng 5 năm 2011, Tổng thống Barack Obama một lần nữa có bài phát biểu quan trọng đối với thế giới Hồi giáo, trong đó tiếp tục kêu gọi thành lập hai quốc gia độc lập, ủng hộ một đòi hỏi chính đáng của người Palestine là biên giới quốc gia tương lai của Palestine phải căn cứ vào đường ranh giới năm 1967 [56]. Bên cạnh đó, Mỹ tiếp tục đào tạo và trang bị cho lực lượng an ninh Palestine và viện trợ 200 triệu USD cho ngân sách của PA. Tuy nhiên, sau khi PA đề nghị LHQ công nhận là một nhà nước độc lập, Quốc hội Mỹ đã quyết định cắt 150 triệu USD tiền viện trợ cho Palestine [40].

Trên thực tế, trong giai đoạn 2009-2012, Chính quyền Obama chỉ tuyên bố chung chung phản đối bạo lực, phản đối Israel xây dựng khu định cư..., nhưng không có hành động cụ thể nào đế gây sức ép với Israel chấm dứt xung đột. Ngược lại, Chính quyền Obama còn phối hợp với Israel và các đồng minh khác trên toàn thế giới để gây sức ép với Palestine và Phong trào Hamas như cắt viện trợ, không ủng hộ Palestine trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế. Cụ thể là khi Palestine đệ dơn xin công nhận Nhà nước Palestine độc lập năm 2011, Mỹ đã đóng cửa Văn phòng PLO tại Washington, cắt 450 triệu USD viện trợ cho Palestine. Ngày 29 tháng 11 năm 2012, Mỹ và Israel phản đối LHQ bỏ phiếu thông qua việc nâng cấp quy chế cho Palestine từ thực thể quan sát viên lên nhà nước quan sát viên phi thành viên LHQ. Nguyên nhân xuất phát từ việc Mỹ cho rằng, việc cấp quy chế mới cho Palestine sẽ tạo ra rào cản đối với tiến trình hòa bình Trung Đông.

Sau khi nhậm chức nhiệm kỳ 2, Tổng thống Barack Obama đã xúc tiến khôi phục tiến trình hòa bình Trung Đông, kêu gọi các bên nối lại đàm phán giải quyết các vấn đề có liên quan. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới khu vực Trung Đông và Bắc Phi năm 2013 tổ chức tại Jordan năm 2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã công bố chương trình đầu tư trị giá 4 tỷ USD nhằm chấn hưng nền kinh tế Palestine, đồng thời kêu gọi Palestine và Israel từ bỏ hiềm khích, sớm quay trở lại bàn đàm phán [86].

Trong chuyến thăm Jordan từ ngày 16 đến 17 tháng 7 năm 2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đưa ra sáng kiến mới nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông, thực hiện phương thức mới cho vòng hòa đàm mới giữa Israel và Palestine [49]. Theo sáng kiến này, đường biên giới của Nhà nước Israel sẽ nằm dọc các đường ranh giới tồn tại trước cuộc chiến Sáu ngày năm 1967, nhưng kèm theo thỏa thuận đổi đất lấy hòa bình. Palestine trong tương lai sẽ tồn tại song song với Nhà nước Do Thái. Ngoại trưởng John Kerry cũng kêu gọi Israel xem xét lại các sáng kiến hòa bình năm 2002 của AL (thỏa thuận của 22 quốc gia Ả-rập và 35 quốc gia Hồi giáo, trong đó đường biên giới của nhà nước Israel trong tương lai sẽ nằm dọc các đường ranh giới tồn tại cuộc chiến Sáu ngày năm 1967, kèm theo thỏa thuận đổi đất thuộc Cao nguyên Golan và Đông Jerusalem).

Về sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel:

Trên thực tế, mặc dù Israel có những động thái cứng rắn đối với Palestine, nhưng chính sách của Mỹ vẫn dành sự ủng hộ cao cho đồng minh. Trong giai đoạn này, mặc dù Mỹ cắt giảm mạnh mẽ các khoản viện trợ cho các nước khu vực Trung Đông do những khó khăn trong nước, song vẫn loại trừ các quốc gia đồng minh; thậm chí là viện trợ cho Israel còn tăng đều đặn trong nhiều năm (năm 2009 là 2,4 tỷ USD, năm 2011 là hơn 3 tỷ USD, năm 2016 tăng lên 3,1 tỷ USD; trong đó lĩnh vực quân sự, an ninh, chiếm phần lớn trong các khoản tiền viện trợ [84]).

Bên cạnh đó, sau khi rút quân khỏi Iraq, Mỹ tập trung củng cố hợp tác quân sự với khu vực, trong đó có Israel. Cụ thể là sau khi tuyên bố chấm dứt cuộc chiến Iraq, Mỹ đã đẩy mạnh diễn tập quân sự với các nước (khoảng 10 cuộc diễn tập đa phương quy mô lớn mỗi năm) và chuyển giao vũ khí trang bị hiện đại cho đồng minh (các nước Trung Đông chi 75,5 tỷ USD mua vũ khí của Mỹ trong giai đoạn 2008-2011, chiếm gần 70% thị phần của thị trường khu vực này; trong đó, Israel chi 6 tỷ USD). Vũ khí được chuyển giao cho các nước khu vực này chủ yếu là trang bị cho Lục quân và Không quân, gồm máy bay chiến đấu, máy bay vận tải, máy bay tiếp dầu, xe tăng, xe bọc thép, pháo phòng không, tên lửa phòng không… [67, tr. 6-14]

Năm 2015, Mỹ thành công trong việc gây áp lực để LHQ không đưa Israel vào danh sách thường niên các quốc gia chịu có những hành vi vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em trong xung đột vũ trang, mặc dù nội dung này được đề cập trong bản dự thảo do đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ, phụ trách vấn đề trẻ em và xung đột vũ trang, chuẩn bị.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhân tố Mỹ trong cuộc xung đột Israel-Palestine giai đoạn 2009-nay (Trang 39 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)