3.2. Triển vọng tình hình trong thời gian tới
3.2.2. Triển vọng tình hình
Tiến trình hòa bình Trung Đông nói chung và các nỗ lực giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine nói riêng đã diễn ra trong nhiều năm nhưng chưa thu được kết quả như mong đợi. Vấn đề này luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và các tình huống bất ngờ. Các rào cản cốt lõi đối với một thỏa thuận hòa bình lâu dài giữa Israel và Palestine hiện nay bao gồm: Biên giới của Israel và Nhà nước Palestine trong tương lai; các thỏa thuận an ninh nhằm bảo đảm hai nhà nước tồn tại bên cạnh nhau một cách hòa bình; chính sách xây dựng các khu định cư của Israel; quyền trở về các vùng đất tổ tiên của người Palestine; tình trạng chính trị của Jerusalem. Thực tế thời gian qua cho thấy khó có khả năng đạt được một giải pháp toàn diện cho cuộc
xung đột Israel-Palestine, ít nhất là trong tương lai gần. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, Israel có dấu hiệu muốn giữ nguyên hiện trạng và chờ đợi sự thay đổi trong chính trường Palestine, nhất là trước khả năng Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phải từ bỏ quyền lực do tuổi cao (ông Abbas sinh năm 1935, hiện đã 84 tuổi, sức khỏe yếu). Israel cho rằng hiện chưa phải thời điểm thúc đẩy tiến trình hòa bình với Palestine do không có nhân vật, đảng phái nào hiện nay tại Palestine có khả năng dẫn dắt đàm phán cũng như thực hiện thỏa thuận hòa bình với Israel. Bên cạnh đó, chính trường Israel đang có sự xáo trộn, đặc biệt là bất đồng nội bộ khiến Thủ tướng Netanyahu phải kêu gọi bầu cử Quốc hội sớm. Trong cuộc bầu cử tháng 4 năm 2019, mặc dù giành chiến thắng nhưng ông Netanyahu không thể thu hút được đủ sự ủng hộ của các đảng chính trị để thành lập chính phủ mới, dẫn tới việc Israel phải tiến hành bầu cử lần hai. Điều này cho thấy Israel khó có khả năng sớm có những quyết định hay bước đi mạnh mẽ nhằm giải quyết cuộc xung đột.
Thứ hai, sự suy giảm trong cuộc đấu tranh của Palestine khiến triển vọng hòa bình càng thêm xa vời. Sự suy giảm này xuất phát từ một số điểm sau: (1) Sự chia rẽ giữa Fatah (Phong trào Giải phóng Quốc gia Palestine, là một đảng chính trị dân tộc của Palestine và là phe phái lớn nhất trong PLO) và Hamas, nhất là khác biệt về cách thức đấu tranh với Israel, cũng như sự tranh giành vai trò lãnh đạo người dân Palestine đã làm gia tăng bất đồng trong nội bộ Palestine; (2) Tình trạng bế tắc về cuộc xung đột Israel-Palestine cũng như ít có hy vọng đạt được một giải pháp hai nhà nước làm suy giảm lý tưởng về nhà nước độc lập trong một bộ phận người dân Palestine. Giới trẻ Palestine, nhất là tại Bờ Tây, coi việc cải thiện đời sống vật chất và quyền cá nhân là vấn đề cần quan tâm hơn so với việc đấu tranh giành quyền độc lập. Theo kết quả khảo sát ngày 6 tháng 9 năm 2017 do Trung tâm Truyền thông và Liên lạc Jerusalem (JMCC) thực hiện đối với 1.000 thanh niên Palestine tại
Gaza và Bờ Tây, chỉ có 54,2% số người được hỏi ủng hộ nối lại đàm phán với Israel; (3) Vai trò của PA với tư cách là đại diện hợp pháp duy nhất cho người dân Palestine bị suy yếu thời gian qua bởi sự thất vọng của người dân trước tình trạng bế tắc của tiến trình hòa bình Trung Đông, cũng như đời sống khó khăn của người dân. Bên cạnh đó, việc Hamas nắm quyền quản lý Dải Gaza cũng góp phần làm suy giảm vai trò lãnh đạo của PA.
Thứ ba, vai trò trung gian hòa giải của Mỹ cho cuộc xung đột Israel- Palestine bị suy giảm nghiêm trọng. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đảo ngược chính sách đối ngoại truyền thống của các chính phủ tiền nhiệm khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ về thành phố này, cũng như hàng loạt hành động gia tăng sức ép đối với Palestine (cắt viện trợ cho PA, ngừng đóng góp cho UNRWA, đóng cửa văn phòng đại diện PLO tại Mỹ...) đã khiến quan hệ giữa Mỹ và Palestine xấu đi nghiêm trọng. PA cắt đứt liên hệ với Mỹ, đồng thời tuyên bố Mỹ đã đánh mất vai trò trung gian đáng tin cậy trong cuộc xung đột Israel-Palestine. "Thỏa thuận thế kỷ" của Mỹ đang có nguy cơ khiến cho tiến trình hòa bình rơi vào bế tắc hoàn toàn. Dù mới được công bố phần kinh tế nhưng kế hoạch của Mỹ đã bị Palestine lên tiếng bác bỏ. Phong trào Hamas có khả năng sẽ có phản ứng mạnh hơn trong thời gian tới, không loại trừ việc sử dụng bạo lực, khiến cho tình hình căng thẳng giữa Palestine và Israel càng gia tăng.
Thứ tư, các nước Ả-rập và cộng đồng quốc tế phần nào giảm sự quan tâm chú ý tới cuộc xung đột Israel-Palestine. Tình trạng bế tắc kéo dài trong tiến trình hòa bình Trung Đông cũng như sự chia rẽ trong nội bộ Palestine khiến vấn đề xung đột Israel-Palestine hiện không còn là trọng tâm ưu tiên đối với khu vực và quốc tế, so với nhiều điểm nóng khác trên thế giới. Mặt khác, xu hướng xích lại gần nhau giữa Israel và các nước Ả-rập Hồi giáo dòng Sunni theo đường lối thực dụng vì lợi ích chung, nổi bật là chống Iran, cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề này. Trong khi đó, tình hình xung
đột tại Dải Gaza đã cho thấy sự bất lực, vai trò và ảnh hưởng của các quốc gia Ả-rập ngày càng trở nên mờ nhạt, mà nguyên nhân chủ yếu là do các vấn đề khó khăn nội tại của mỗi nước. Dưới chiếc ô của Liên đoàn Ả-rập, điều duy nhất mà các nước Ả-rập làm được là đưa ra các tuyên bố hầu như không có giá trị.
Thứ năm, vai trò của các nước lớn và tổ chức quốc tế về cơ bản chỉ mang tính biểu tượng trong cuộc xung đột Israel-Palestine, cụ thể:
(1) LHQ bất lực trong việc đưa ra các giải pháp cứng rắn trong vấn đề này do sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel (nhiều lần dùng quyền phủ quyết để bác bỏ các dự thảo nghị quyết lên án Israel).
(2) Vai trò và ảnh hưởng của EU rất hạn chế do chính yếu tố nội bộ - sự cân bằng giữa các lực lượng ủng hộ Israel và ủng hộ Palestine ở châu Âu (Thụy Điển, Tây Ban Nha, Phần Lan... chỉ trích lập trường cứng rắn của Israel trong đàm phán với Palestine, yêu cầu áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Israel; Đức, Hà Lan, Anh… lại luôn thể hiện quan điểm bảo vệ Israel, sẵn sàng phủ quyết bất kỳ nỗ lực nào của EU trong việc lên án hành vi ứng xử của Israel hay áp đặt trừng phạt đối với nước này); Israel luôn cho rằng chỉ có Mỹ mới có đủ năng lực để thúc đẩy tiến trình hòa bình và đảm bảo an ninh cho Israel, trong khi EU không có đủ năng lực quân sự và sự gắn kết để thực hiện điều này; EU đã không thể hiện được vai trò chủ động hơn trong các cuộc thương lượng, thậm chí vào thời điểm Mỹ đã rút khỏi cuộc xung đột.
(3) Nga muốn trở lại xây dựng hình ảnh như một nhà trung gian công bằng, có thể chấp nhận được với tất cả các bên liên quan, nhưng gặp phải không ít thách thức. Hiện nay, Nga vẫn đang phải tập trung các nguồn lực để giải quyết vấn đề Ukraine cũng như cuộc khủng hoảng trong quan hệ với các nước phương Tây nên không thể "căng mình" ra khắp thế giới. Ngoài ra, Nga cũng không có các con bài đủ sức mạnh để gây được sức ép với Israel trong các cuộc đàm phán.
(4) Trung Quốc đang tìm cách nâng cao vai trò trong giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine do muốn lấp vào các khoảng trống quyền lực do Mỹ đang tạo ra ở khu vực, cũng như việc Trung Đông đang ngày càng trở nên quan trọng về mặt chiến lược đối với Trung Quốc, đặc biệt về mặt năng lượng. Tuy nhiên, vai trò của Trung Quốc trên thực tế đối với tiến trình hòa bình Trung Đông rất hạn chế. Trước hết, mặc dù luôn muốn khẳng định vai trò một cường quốc trong nền chính trị thế giới nhưng thực tế Bắc Kinh có rất ít các hoạt động ngoại giao ở Trung Đông mà chủ yếu tập trung vào các hoạt động kinh tế, đầu tư và thương mại ở khu vực này. Ngoài ra, quan hệ giữa Trung Quốc với các bên liên quan như Israel và Palestine chưa thật sự sâu rộng đến mức Bắc Kinh có thể có tiếng nói đáng kể đối với hai nước này. Cuối cùng, bản thân Bắc Kinh thường không sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải cho các cuộc xung đột.
Thứ sáu, Israel tiếp tục gia tăng sức ép với Palestine, với chính sách bao vây, cấm vận Dải Gaza, chi phối đời sống của người dân Palestine tại Bờ Tây và mở rộng các khu định cư Do Thái trên phần đất của người Palestine. Việc bao vây, cấm vận của Israel đối với Dải Gaza kể từ năm 2007 đến nay đã làm gia tăng tình trạng khó khăn của người dân Palestine, thậm chí khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây thêm nghiêm trọng.