2.1. Giai đoạn 2009-2016
2.1.1. Tình hình xung đột Israel-Palestine và các nỗ lực quốc tế
Cuộc xung đột Israel-Palestine trong giai đoạn 2009-2016 diễn biến phức tạp, trong đó chủ yếu là leo thang căng thẳng và đụng độ bạo lực. Nguyên nhân chính là hàng loạt động thái gây sức ép từ phía Israel cũng như phản ứng cứng rắn từ phía Palestine.
Cuộc khủng hoảng nhân quyền ở các vùng lãnh thổ Palestine do Israel chiếm đóng trở nên xấu đi, đặc biệt là tại Dải Gaza, nơi có ít nhất 773 dân thường Palestine thiệt mạng trong Chiến dịch Chì đúc. Israel cũng tiếp tục phong tỏa Dải Gaza và khu Bờ Tây, hạn chế tự do di chuyển cho người Palestine, phá hủy hàng trăm ngôi nhà, tiếp tục xây dựng khu định cư bất hợp pháp (chỉ riêng trong nửa đầu năm 2009, Israel đã hoàn thành 881 đơn vị nhà ở và bắt đầu xây dựng 666 đơn vị mới tại các khu định cư bất hợp pháp ở Bờ Tây), đồng thời từ chối hàng hóa cơ bản cho 1,5 triệu cư dân tại Gaza và ngăn chặn tái thiết sau chiến tranh [38].
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến xung đột giữa Israel và Palestine leo thang tại Gaza cũng như khu Bờ Tây là do Quốc hội Israel năm 2011 đã thông qua ba đạo luật mới, gồm: Luật trừng phạt những lời kêu gọi tẩy chay các khu định cư của Israel, theo đó cho phép các "ủy ban tuyển chọn" sàng lọc những người nộp đơn muốn chuyển đến các cộng đồng nhỏ trên cơ sở các tiêu chí "phù hợp" mơ hồ; luật ngăn chặn việc Tòa án Tối cao cấm phân biệt đối xử về nhà ở đối với công dân Israel gốc Palestine; luật trừng phạt các cộng đồng hoặc tổ chức văn hóa, học thuật hay các tổ chức khác kỷ niệm ngày thảm họa Nakba.
Về phía Palestine, phong trào Hamas, Thánh chiến Hồi giáo (Islamic Jihad) và các nhóm vũ trang Palestine khác ở Dải Gaza nhiều lần bắn tên lửa vào các thành phố và thị trấn của Israel. Đỉnh điểm trong giai đoạn cuối của Chiến dịch Chì đúc, Israel hứng chịu hơn 100 quả rocket mỗi ngày. Phong trào Hamas cũng sát hại nhiều người bị cho là cộng tác với Israel [38].
Đỉnh điểm của xung đột bạo lực là khi Israel mở Chiến dịch Trụ cột Phòng thủ (Operation Pillar of Defence) từ ngày 14 tháng 11 năm 2012, với mục tiêu được Israel tuyên bố công khai là làm suy yếu sức mạnh quân sự của Gaza và buộc phong trào Hamas ngừng bắn rocket qua biên giới. Sau hơn một tuần xung đột đẫm máu tại Dải Gaza khiến 103 thường dân Palestine và 4 thường dân Israel thiệt mạng [41].
Cuộc xung đột Israel-Palestine cũng có những thời kỳ "giảm xóc" vào các năm 2010, 2012 và 2013, nhờ hai bên có những động thái xuống thang và tiến hành đàm phán.
Trong đó, tình hình xung đột Israel-Palestine có dấu hiệu giảm bớt, sau khi Israel năm 2010 tuyên bố nới lỏng hạn chế nhập khẩu hàng hóa vào Gaza. Các nhóm vũ trang Palestine tại Gaza cũng giảm bớt số lượng cũng như tần suất các cuộc tấn công bằng tên lửa vào khu vực dân cư của Israel. Đầu năm 2012, quan hệ giữa Israel và Palestine có động thái tích cực hơn khi các nhà đàm phán có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên để thảo luận về khả năng tái khởi động đàm phán hiệp định hòa bình vốn rơi vào bế tắc hơn một năm, kể từ tháng 9 năm 2010. Sau các cuộc đụng độ gậy thương vong lớn trong Chiến dịch Trụ cột Phòng thủ, dưới nỗ lực của trung gian hòa giải Ai Cập, LHQ và một số quốc gia khác, Israel và Nhóm Hamas đã chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, ngày 19 tháng 11 chấm dứt giao tranh và ngày 22 tháng 11 thỏa thuận ngừng bắn chính thức có hiệu lực.
Đến tháng 7 năm 2013, các nhà lãnh đạo Israel và Palestine đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp sau các nỗ lực trung gian hòa giải của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Kế hoạch đàm phán hòa bình thất bại do thái độ của phong trào Hamas và phản ứng của Israel.
Theo dự kiến ban đầu, đàm phán sẽ kéo dài tới đến tháng 4 năm 2014, nhưng phong trào Hamas cho rằng Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas không đủ tư cách pháp lý để đàm phán thay mặt cho người dân Palestine, cũng như việc hai bên đàm phán không thể giải quyết các bất đồng.
Sau đó, cả Israel và Hamas đều vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7 và 8, khiến ít nhất 2.100 người Palestine thiệt mạng và khoảng 11.000 người khác bị thương. Hamas và các nhóm vũ trang Palestine ở Gaza đã tiến hành gần 1.700 cuộc tấn công bằng súng cối và 4.800 cuộc tấn công bằng tên lửa vào các trung tâm dân cư của Israel, khiến hàng chục người Israel thương vong [42].
Các nỗ lực quốc tế trong giải quyết xung đột hầu như không mang lại hiệu quả rõ rệt:
Châu Âu tiếp tục lên tiếng ủng hộ thúc đẩy giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, nhưng không có hành động mạnh mẽ nào. Cụ thể là trong năm 2009, Ủy ban châu Âu (EC) ra kết luận về tiến trình hòa bình Trung Đông, trong đó kêu gọi khẩn cấp nối lại các cuộc đàm phán tiến hành trong khung thời gian đã thỏa thuận, tới một giải pháp hai nhà nước: Nhà nước Israel và một Nhà nước Palestine độc lập, dân chủ và bền vững, tồn tại cạnh nhau trong hòa bình và an ninh. Châu Âu không thừa nhận một sự thay đổi nào về biên giới trước năm 1967 bao gồm Jerusalem và các vùng khác mà các bên đã thỏa thuận. Nếu ở đó muốn có hòa bình thực sự, thì giải pháp là thông qua đàm phán để giải quyết vị thế của Jerusalem cũng như thủ đô của hai nhà nước [16, tr. 1-3]. Cũng từ năm 2009, EU ủng hộ các sáng kiến của Mỹ trong khuyến khích Israel và Palestine nối lại đàm phán song phương nhằm đạt được một giải pháp hai nhà nước.
Tháng 6 năm 2010, EU đã lên tiếng chỉ trích việc Israel phong tỏa Dải Gaza là một hành động không thể chấp nhận được và phản tác dụng về mặt chính trị. Nghị viện châu Âu (EP) nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thực hiện một sự thay đổi chính trị sâu sắc và nhiều lần nhắc lại lời kêu gọi cho phép tiến hành các hoạt động cứu trợ nhân đạo và tự do qua lại hàng hóa cũng như con người. Đồng thời, giải pháp này cũng phải lưu ý đến những lo ngại hợp pháp của Israel liên quan đến an ninh và vận chuyển vũ khí [29].
Tại Hội nghị Thượng đỉnh tháng 12 năm 2012 ở Brussels, EU và Nga đã kêu gọi các bên tiến hành các bước đi cụ thể và rõ nét tiến tới hòa bình theo hướng đàm phán trực tiếp và không kèm theo điều kiện tiên quyết nào, nhằm đạt được giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột. Cả EU và Nga không công nhận bất cứ sự thay đổi nào về biên giới so với trước năm 1967, bao gồm cả Jerusalem [61].
Nhìn chung, trong giai đoạn này, mặc dù có nhiều tuyên bố cứng rắn về vấn đề Trung Đông nhưng trên thực tế, vai trò và ảnh hưởng của EU chỉ hạn chế ở mức trung gian hòa giải. Cho dù cam kết ủng hộ tiến trình hòa bình Trung Đông của EU được khẳng định trong suốt thời gian qua, song EU cũng chỉ đóng vai trò như là một nhân chứng của một tiến trình chứ không phải là một yếu tố hành động cụ thể. Hầu như EU chỉ lên tiếng kêu gọi các bên tuân thủ các thỏa thuận đã ký kết, tuân thủ luật pháp quốc tế, tránh sử dụng các hoạt động bạo lực và phi nhân đạo. EU thường chỉ trích các hành động quân sự của phía Israel, cũng như hành động chống đối bạo lực mà các nhóm vũ trang Palestine gây ra cho Israel, nhưng không có hành động cụ thể gây sức ép với Israel. Các tuyên bố và kết luận của EC luôn chỉ mang tính chất hình thức mà không có bất cứ hoạt động cụ thể nào có hiệu quả.
Hành động thiết thực nhất của EU trong giai đoạn này là tăng dần các khoản viện trợ cho Palestine, chủ yếu cho ngân sách của PA và hỗ trợ hoạt động của Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA). Cụ thể, năm 2010, EU đã viện trợ 230 triệu Euro cho PA; năm 2011 là 300 triệu Euro; năm 2013 tăng vọt lên tới 580 triệu Euro.
Trong khi đó, vai trò của LHQ trong giai đoạn này tương đối mờ nhạt. Khi Lebanon giữ chức Chủ tịch luân phiên của HĐBA LHQ (tháng 9 năm 2011), Palestine đã đề nghị HĐBA LHQ bỏ phiếu thông qua Nghị quyết công nhận nhà nước Palestine độc lập. Tuy nhiên, nghị quyết này đã không được thông qua do sự phản đối của Mỹ và Israel.
Những thành công đáng chú ý nhất đối với vai trò của LHQ là ngày 29 tháng 11 năm 2012, tại phiên họp lần thứ 67, Đại hội đồng đã thông qua Nghị quyết 67/19 theo đề xuất của Palestine về việc công nhận Palestine là một thực thể quan sát viên phi nhà nước tại LHQ. Nghị quyết này cũng tái khẳng định quyết tâm của LHQ trong việc đạt được mục tiêu bảo đảm quyền không thể tách rời của người dân Palestine, đồng thời hướng tới hòa bình Trung Đông theo hướng chấm dứt sự chiếm đóng của Israel từ năm 1967 và đạt được giải pháp hai nhà nước [76]. Không lâu trước đó, LHQ đã cùng Ai Cập tích cực làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas.
Ngày 23 tháng 12 năm 2016, HĐBA LHQ đã thông qua Nghị quyết số 2334 yêu cầu ngừng các hoạt động xây dựng khu định cư vi phạm luật pháp quốc tế của Israel và yêu cầu tuân thủ theo đúng Hiệp ước Geneva IV [80].
Ngoài ra, sau Chiến dịch Chì đúc của Israel, Đại hội đồng và Hội đồng Nhân quyền LHQ đã thông qua các nghị quyết tán thành báo cáo của Phái bộ Tìm kiếm Sự thật của LHQ về Xung đột Gaza, đồng thời kêu gọi một cơ chế giám sát các bước mà Israel và Hamas thực hiện để điều tra các vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bao gồm tội ác chiến tranh.