3.2. Triển vọng tình hình trong thời gian tới
3.2.1. Quan điểm hiện nay của các bên liên quan
3.2.1.1. Israel và Palestine
Quan điểm của Israel: Chính phủ Israel qua các thời kỳ đều thể hiện sẵn sàng tham gia đàm phán với Palestine để tìm kiếm một giải pháp hòa bình, khẳng định việc hòa giải đòi hỏi phải có sự nhượng bộ từ cả hai phía. Israel cũng đưa ra năm nguyên tắc cho hòa bình, trong đó ba nguyên tắc đầu tiên liên quan đến việc công nhận tính hợp pháp của Israel, hai nguyên tắc khác liên quan đến mối quan tâm an ninh. Cụ thể: (1) Người Palestine phải công nhận Israel là quốc gia của người Do Thái. Việc từ chối công nhận Israel là một quốc gia Do Thái nằm ở cốt lõi của cuộc xung đột; (2) Vấn đề tị nạn của người Palestine nên được giải quyết trong bối cảnh Nhà nước-Dân tộc Palestine. Israel không để vấn đề này làm suy yếu bản sắc cơ bản của Israel là quốc gia Do Thái duy nhất trên thế giới; (3) Hiệp định hòa bình phải kết thúc cuộc xung đột hoàn toàn, vĩnh viễn, chứ không phải là một giai đoạn tạm thời, trong đó người Palestine có thể sử dụng nhà nước của họ tiếp tục xung đột với Israel; (4) Nhà nước Palestine trong tương lai phải là một quốc gia không đe dọa Nhà nước Israel hay có nguy cơ bị những kẻ khủng bố hay lực lượng ủy nhiệm của Iran lợi dụng tấn công vào Israel. Cách duy nhất để đạt được mục tiêu này và ngăn ngừa xung đột hơn nữa là phi quân sự hóa Nhà nước Palestine tương lai; (5) Hiệp ước hòa bình phải được cộng đồng quốc tế, do Mỹ dẫn đầu và bảo đảm [47].
Quan điểm của Palestine: Sự chia rẽ cả về chính trị và địa lý trong nội bộ Palestine dẫn tới sự khác biệt trong quan điểm về việc giải quyết cuộc xung đột với Israel. Trong đó, PLO (hiện kiểm soát khu Bờ Tây) chọn giải
pháp hai nhà nước Palestine và Israel tồn tại bên cạnh nhau, với điều kiện Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine và bảo đảm quyền trở về của người Palestine [24, tr. 394]. Quan điểm này cũng được Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas một lần nữa khẳng định trong bài phát biểu trước HĐBA LHQ ngày 20 tháng 2 năm 2018, trong đó nhấn mạnh các nguyên tắc gồm: (1) Nhà nước Palestine, với Đông Jerusalem là thủ đô của mình, tồn tại bên cạnh Nhà nước Israel trên cơ sở biên giới ngày 4 tháng 6 năm 1967, từ chối các giải pháp một phần hay một Nhà nước với biên giới tạm thời; (2) chấp nhận hoán đổi đất tối thiểu, tương đương về giá trị và tỷ lệ, theo thỏa thuận giữa hai bên; (3) Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine và là một thành phố mở cho các tín đồ của ba tôn giáo… [17]
Trong khi đó, Phong trào Kháng chiến Hồi giáo Hamas từ khi thành lập năm 1987 đã có quan điểm cứng rắn hơn, khước từ mọi giải pháp hòa bình, không công nhận Nhà nước Israel. Hamas khẳng định tất cả các loại biện pháp đều được thực hiện để chấm dứt những áp bức và bất công do Israel gây ra, kể cả kháng chiến vũ trang [36]. Tuy nhiên, từ sau phong trào phản kháng bạo lực Intifada, Hamas (hiện nắm quyền kiểm soát Dải Gaza) bắt đầu có cách tiếp cận linh hoạt hơn, tham gia cuộc bầu cử lập pháp năm 2006 của Palestine và sau đó tham gia vào Chính quyền Palestine. Mặc dù không từ bỏ con đường đấu tranh bạo lực, nhưng các nhà lãnh đạo cấp cao của Hamas đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ giải pháp hai nhà nước trên cơ sở biên giới trước năm 1967. Quan điểm này cũng được thể hiện trong "Tài liệu về Nguyên tắc và Chính sách chung" được Hamas công bố tháng 5 năm 2017 [35].
3.2.1.2. Nhóm các nước ủng hộ Israel
Mỹ và các đồng minh phương Tây như Canada, Anh, Pháp, Đức, Australia giữ quan điểm ủng hộ Israel trong cuộc xung đột với Palestine, trong đó có cả hành động tấn công trả đũa của Israel nhằm vào các mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza. Trong đó, chính sách của Mỹ về cuộc xung đột giữa
Israel và Palestine ban đầu tập trung chủ yếu vào các cuộc đàm phán về tình trạng cuối cùng giữa PLO và Israel mà không quan tâm nhiều tới Dải Gaza. Khi Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Palestine năm 2006, Mỹ đã theo đuổi chính sách cố gắng cô lập nhằm đánh bật nhóm này ra khỏi Gaza. Thất bại trong vấn đề này đã buộc Mỹ phải chuyển sang một cách tiếp cận thụ động hơn, coi Dải Gaza là một vấn đề phụ sẽ tự giải quyết một khi đạt được hòa bình. Từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền, về cơ bản Mỹ không thay đổi mục tiêu chiến lược đối với cuộc xung đột, nhưng có cách tiếp cận chủ động hơn. Trong đó, ông Trump cam kết giúp tạo điều kiện cho một thỏa thuận hòa bình toàn diện có thể chấp nhận được đối với cả người Israel và người Palestine. Tuy nhiên, một thay đổi mang tính bước ngoặt đáng chú ý là Tổng thống Trump cho rằng, việc giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine không phải là giải pháp một nhà nước hay hai nhà nước mà nằm ở chỗ các bên phải đạt được thống nhất chung.
Bên cạnh đó, Mỹ liên tục gia tăng sức ép đối với Palestine, nhằm buộc Palestine phải chấp nhận kế hoạch hòa bình do Mỹ khởi xướng. Trên thực tế, đến nay Mỹ vẫn chưa công nhận Palestine là một quốc gia độc lập, đồng thời vẫn coi Hamas là một tổ chức khủng bố.
3.2.1.3. Nhóm các nước phản đối chính sách của Israel
Hầu hết các nước trong Ả-rập ở Trung Đông như Bahrain, Iran, Jordan, Kuwait, Lebanon, Syria, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, UAE…; một số nước châu Á như Triều Tiên, Indonesia, Malaysia; một số nước ở châu Mỹ Latinh và châu Phi như Cuba, Mexico, Peru, Nicaragua, El Salvador, Chile, Bolivia, Nam Phi, Algeria... cũng phản đối chính sách của Israel đối với Palestine, lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công của Israel nhằm vào Dải Gaza, coi đó là một hành động xâm lược, thảm sát thường dân Palestine. Những nước này công khai bày ủng hộ người dân Palestine, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực với Israel.
Liên đoàn Ả-rập (AL) khẳng định xung đột giữa thế giới Ả-rập và Israel là một trong những cuộc xung đột lịch sử phức tạp và kéo dài nhất trong thế giới hiện đại, trên tất cả các khía cạnh chiến lược, chính trị và quân sự. Trong đó, quan điểm của AL đối với cuộc xung đột Israel-Palestine dựa trên "Sáng kiến Hòa bình Ả-rập", do Quốc vương Abdullah bin Abdul Aziz của Saudi Arabia khởi xướng và được Hội nghị Thượng đỉnh Ả-rập lần thứ 14 tổ chức tại Beirut ngày 27 tháng 3 năm 2002 thông qua theo Nghị quyết 221, khẳng định việc tuân thủ hòa bình là một lựa chọn chiến lược. Theo sáng kiến này, Israel phải rút khỏi các vùng lãnh thổ Ả-rập bị chiếm đóng về biên giới trước năm 1967; chấp nhận một nhà nước Palestine độc lập và có chủ quyền theo nghị quyết của LHQ. Sau khi Israel thực hiện các điều kiện trên, các nước Ả-rập sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel.
Trong số các nước Ả-rập, Ai Cập là nước có nhiều nỗ lực thực hiện vai trò trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Israel-Palestine, với lập trường ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Việc Ai Cập thành công trong nỗ lực trung gian hòa đàm giữa Israel và Hamas sau cuộc chiến tại Gaza cho thấy Cairo đã tìm lại được vai trò đối với khu vực sau một thời gian bị mờ nhạt hay thậm chí bị đánh mất do những biến động địa chính trị trong nước và khu vực.
EU trong những năm gần đây muốn có một vai trò lớn hơn trong tiến trình hòa bình Trung Đông thông qua việc xây dựng một loạt các chính sách và công cụ như thúc đẩy quan hệ đối tác châu Âu-Địa Trung Hải (EMP), đặc phái viên châu Âu (EUSR), tích cực tham gia Nhóm Bộ Tứ... EU đặt mục tiêu về một giải pháp hai nhà nước, cụ thể: Biên giới của nhà nước Palestine trong tương lai được dựa trên cơ sở biên giới trước năm 1967 với những điều chỉnh được hai bên đồng ý; việc xây dựng khu định cư trong lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bao gồm Đông Jerusalem, là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, là một trở ngại cho hòa bình và đe dọa đến giải pháp hai nhà nước; Jerusalem là thủ đô tương lai của cả Israel và Palestine; lên án tất cả các hành vi bạo lực không thể được phép cản trở tiến trình hướng tới hòa bình.
3.2.1.4. Nhóm các nước giữ quan điểm trung lập
Các nước như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… về cơ bản ủng hộ giải pháp hai nhà nước, nhưng thường không lên án hoặc lên án cả Israel và Palestine (chủ yếu là Hamas) trong các vụ đụng độ bạo lực gây thương vong. Trong đó, mặc dù là một thành viên trong Nhóm Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông nhưng Nga hầu như không có tiếng nói gì đối với các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine. Thời gian gần đây đã có sự thay đổi trong cách tiếp cận của Nga trong việc mong muốn thể hiện vai trò lớn hơn trong tiến trình này, trên nguyên tắc hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại bình đẳng [52].
Tương tự Nga, Trung Quốc cũng đang tìm cách thể hiện ảnh hưởng đối với vấn đề này, trong đó khẳng định lập trường ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tới Bắc Kinh tháng 3 năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng: "Cuộc xung đột giữa Israel và Palestine có tác động lâu dài đối với khu vực Trung Đông. Trung Quốc đánh giá cao nếu Israel tiếp tục giải quyết vấn đề Israel- Palestine trên cơ sở giải pháp hai nhà nước" [37].