Các hoạt động can dự của Mỹ trên thực tế

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhân tố Mỹ trong cuộc xung đột Israel-Palestine giai đoạn 2009-nay (Trang 32 - 35)

1.2. Vai trò của Mỹ trong cuộc xung đột Israel-Palestine

1.2.4. Các hoạt động can dự của Mỹ trên thực tế

Đối với cuộc xung đột Israel-Palestine, bên cạnh những nỗ lực trực tiếp kết nối cho Israel và Palestine như thông qua hội nghị Trại David năm 2000,

Mỹ đã triển khai can dự trên hai khía cạnh chính: Đưa ra các sáng kiến trong khuôn khổ Nhóm Bộ Tứ (Mỹ, EU, Nga và LHQ); viện trợ và ủng hộ mạnh mẽ cho Israel trên các mặt, nhất là về quân sự và ngoại giao.

Thứ nhất, năm 2002, Mỹ đã phối hợp với các bên trong Nhóm Bộ Tứ soạn thảo các nguyên tắc cho một lộ trình hòa bình - một thời gian biểu cho từng giai đoạn dẫn tới việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập tồn tại song song với nhà nước Israel. Theo kế hoạch này, PA đã kiềm chế hoạt động tấn công Israel của các nhóm vũ trang và bắt đầu triển khai thiết lập trật tự do Mỹ hậu thuẫn ở Bờ Tây. Tuy nhiên, phong trào Hamas tại Dải Gaza đã bác bỏ lời kêu gọi công nhận Israel, đồng thời không từ bỏ bạo lực.

Thứ hai, Mỹ thường xuyên viện trợ để Israel củng cố sức mạnh cả về kinh tế và quân sự, đồng thời ủng hộ Israel trên các diễn đàn quốc tế, nhất là tại LHQ. Cụ thể là từ năm 1985, mỗi năm Mỹ viện trợ cho Israel gần 3 tỷ USD. Điều này khiến Israel trở thành quốc gia nhận viện trợ hàng năm lớn nhất của Mỹ trong giai đoạn 1976-2004, đồng thời là nước nhận tổng viện trợ lớn nhất (lên tới 121 tỷ USD) kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Gần 75% số tiền viện trợ này được dùng để mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Trong đó, đa phần trong khoản viện trợ này được triển khai dưới hình thức hỗ trợ quân sự. [65, tr. 32] Bên cạnh đó, Mỹ còn thường xuyên công khai ủng hộ Israel, nổi bật là việc sử dụng quyền phủ quyết để phản đối các dự thảo nghị quyết trong vấn đề Palestine nhằm phục vụ cho lợi ích của Israel. Cụ thể là trong giai đoạn 1973-2006, Mỹ đã 41 lần sử dụng quyền này làm thất bại các dự thảo nghị quyết lên án Israel.

Tiểu kết

Cuộc xung đột giữa người Do Thái và người Ả-rập Palestine có lịch sử từ rất xa xưa, nhưng chỉ bùng phát leo thang và trở thành một vấn đề nóng thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận quốc tế vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi người Do Thái, sau một thời gian dài lưu vong, đã từ khắp nơi trên thế giới quay trở về vùng đất của tổ tiên ở khu vực Palestine theo chủ nghĩa dân tộc Do Thái hiện đại (còn gọi là chủ nghĩa phục quốc Do Thái).

Cuộc xung đột Israel-Palestine là một trong những cuộc xung đột hiếm có trên thế giới đã tạo ra nhiều bế tắc ngoại giao. Cuộc xung đột này xuất phát từ nhiều vấn đề như mâu thuẫn về tôn giáo, dân tộc, nhưng cốt yếu nhất vẫn là tranh chấp kéo dài nhiều thập kỷ về biên giới và lãnh thổ.

Nhiều nước lớn trong và ngoài khu vực Trung Đông đều có những nỗ lực nhằm tìm kiếm biện pháp giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine nói riêng, cũng như mâu thuẫn giữa Israel và thế giới Ả-rập Hồi giáo nói chung. Trong đó, châu Âu can dự từ rất sớm, trực tiếp và sâu sắc nhất là nước Anh từng nắm quyền ủy trị đối với Palestine trong giai đoạn 1922- 1948. LHQ cũng tích cực đóng vai trò trung gian giải quyết cuộc xung đột này, nhưng không mang lại hiệu quả.

Trước tầm quan trọng của khu vực Trung Đông cả về kinh tế và địa chính trị, Mỹ ngày càng gia tăng ảnh hưởng và tìm cách chi phối khu vực, phục vụ cho lợi ích của mình. Trên cơ sở Chiến lược Đại Trung Đông, sự can dự của Mỹ đối với cuộc xung đột có khác biệt về phạm vi, quy mô cũng như cách thức can dự trong từng giai đoạn lịch sử, trong đó, ngoài những nỗ lực đưa hai bên trực tiếp liên quan là Israel và Palestine vào bàn đàm phán, Mỹ chủ yếu thông qua các sáng kiến trong khuôn khổ Nhóm Bộ Tứ. Đáng chú ý là Mỹ dần có xu hướng ngả về phía Israel, với hoạt động viện trợ và ủng hộ mạnh mẽ trên các mặt.

Chương 2: MỸ VỚI CUỘC XUNG ĐỘT ISRAEL-PALESTINE TỪ NĂM 2009 - 2019

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhân tố Mỹ trong cuộc xung đột Israel-Palestine giai đoạn 2009-nay (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)