3.1. Nhận xét, đánh giá về nhân tố Mỹ trong cuộc xung đột
3.1.2. Đánh giá về nhân tố Mỹ trong giải quyết cuộc xung đột
Palestine giai đoạn 2009-2019
3.1.2.1. Dưới thời Tổng thống Barak Obama
Giống như nhiều đời tổng thống Mỹ trước đó, Tổng thống Barack Obama theo đuổi một nền hòa bình lâu dài cho Trung Đông. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Chính quyền Mỹ trong giai đoạn này tương đối "ôn hòa" và "mềm mỏng" hơn. Chính quyền Obama mong muốn giải quyết xung đột Israel-Palestine theo hướng gây sức ép, buộc Israel không mở rộng các khu định cư tại các vùng đất của Palestine; viện trợ giúp phát triển khu Bờ Tây; cải tổ các lực lượng an ninh của Palestine; cải thiện quan hệ giữa Israel và các nước Ả-rập, thúc đẩy hai bên đàm phán để hướng tới sự tồn tại hai nhà nước.
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, quan hệ giữa Mỹ và đồng minh thân cận Israel đã rơi vào tình trạng "tụt dốc không phanh". Nguyên nhân một phần là do mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo hầu ngày càng xấu thêm, đặc biệt là sau việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhận lời mời từ lãnh đạo Đảng Cộng hòa để có bài phát biểu với trọng tâm về vấn đề hạt nhân Iran trước phiên họp chung của lưỡng viện Quốc hội Mỹ, bất chấp sự phản đối của chính quyền Tổng thống Obama. Tuy nhiên, sự rạn nứt trong quan hệ song phương không nằm ở việc ông Netanyahu được mời phát biểu tại Quốc hội Mỹ mà là sự khác biệt về quan điểm liên quan đến chương trình hạt nhân Iran. Trong khi Mỹ đang cố gắng để đạt được một thỏa thuận với Iran thì Israel lại cực lực phản đối điều này vì cho rằng bất cứ thỏa thuận nào cùng đều đe dọa đến an ninh của Israel.
Một nguyên nhân khác là trước cách hành xử của Israel trong vấn đề Palestine, Tổng thống Obama đã cảnh báo rằng nếu không có tiến bộ trong việc hướng đến hòa bình, Mỹ có thể thay đổi phương pháp bảo vệ Israel tại các diễn đàn quốc tế xung quanh vấn đề Palestine. Trên thực tế, Chính quyền Obama đã không ngăn cản Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết 67/19
công nhận Palestine là một thực thể quan sát viên phi nhà nước tại LHQ, cũng như việc HĐBA LHQ thông qua Nghị quyết số 2334 yêu cầu Israel ngừng các hoạt động xây dựng khu định cư vi phạm luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, các quan chức Mỹ cũng nhiều lần chỉ trích hoạt động xây dựng các khu định cư của Israel (Phó Tổng thống Mỹ Biden ngày 19 tháng 4 năm 2016 chỉ trích ông Netanyahu đang lái Israel theo một hướng đi sai lầm khi tiếp tục cố tình mở rộng các khu định cư cho người Do Thái và lấn chiếm đất đai của Palestine bất chấp lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế).
Những điều này cho thấy sự rạn nứt không nhỏ trong quan hệ Mỹ- Israel, ảnh hưởng tới vai trò của Mỹ đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. Sau thỏa thuận hạt nhân (có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) được ký giữa Iran và nhóm P5+1 vào năm 2015, sự rạn nứt này không đơn thuần mang tính chất quan hệ cá nhân giữa các lãnh đạo hai nước, mà nó xuất phát từ những thay đổi cơ bản trong lợi ích quốc gia của Mỹ và Israel. Những thay đổi địa chính trị trong khu vực đã làm thay đổi cán cân sức mạnh ngày càng nghiêng về phía Israel và mối đe dọa chiến lược đối với Israel đã giảm đi. Trong khi đó, những lợi ích của Mỹ ở khu vực cũng thay đổi và Mỹ đã bắt đầu chiến lược rút dần sự hiện diện khỏi Trung Đông để xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương. Chính vì sự "xoay trục" này, Chính quyền Obama cũng không quá "mặn mà" với việc giải quyết dứt điểm cuộc xung đột Israel-Palestine. Kết quả là cho dù Chính quyền Obama tập trung toàn lực ngoại giao trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai nhằm đạt giải pháp hai nhà nước nhưng không thành công. Chính sách "từ bỏ Trung Đông" của Tổng thống Obama đã khiến vấn đề Palestine hầu như chìm nghỉm trước những hỗn loạn khác trên khắp khu vực.
3.1.2.2. Dưới thời Tổng thống Donald Trump
Về mục tiêu chiến lược, Trung Đông chưa bao giờ giảm đi vai trò của mình trong tổng thể chính sách đối ngoại dài hạn của Mỹ. Chính quyền Tổng
thống Donald Trump coi trọng các giá trị lợi ích về kinh tế đối với khu vực này, nhất là trong các thương vụ mua bán dầu mỏ và vũ khí với các đồng minh, đối tác khu vực. Từ đầu năm 2017, Mỹ chủ trương trở lại can dự vào khu vực Trung Đông nhưng không quá sâu, với cách thức giải quyết các điểm nóng tập trung vào việc hợp tác, chia sẻ trách nhiệm với đồng minh.
Xuất phát từ quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Netanyahu, cũng như lợi ích chiến lược chung của Mỹ và Israel, quan hệ giữa hai đồng minh này đã được cải thiện mạnh mẽ so với thời Tổng thống Barack Obama. Bên cạnh đó, Chính quyền Mỹ đã và đang có những động thái giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine theo hướng thiên vị rõ rệt đối với Israel. Sự thiên vị này một phần là do yếu tố cộng đồng Do Thái tại Mỹ, thông qua Ủy ban Công vụ Israel Mỹ (AIPAC). Đây là một nhóm vận động hành lang được thành lập ngày 3 tháng 1 năm 1963, nhằm vận động cho các chính sách ủng hộ Israel tại Quốc hội và Chính phủ Mỹ [65, tr. 76-77].
Quyết định của Tổng thống Trump công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan đã tạo tiền lệ nguy hiểm cho các nước khác công nhận chủ quyền đối với phần lãnh thổ mà những nước này chiếm được từ nước khác bằng vũ lực. Quyết định này cũng tạo cơ hội cho Israel sáp nhập toàn bộ khu Bờ Tây vào lãnh thổ của mình, đồng thời phá vỡ hy vọng của người dân Palestine về một Nhà nước Palestine độc lập. Trước đó, trong bài phát biểu vận động tranh cử ngày 6 tháng 4 năm 2019, Thủ tướng Netanyahu khẳng định nếu tái đắc cử, ông sẽ áp đặt chủ quyền lãnh thổ của Israel lên các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. Quyết định liên quan đến Cao nguyên Golan của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng giúp củng cố nhận định rằng Chính quyền Trump đang xác định lại các nội hàm trong chính sách của Mỹ về cuộc xung đột Israel-Palestine theo hướng có lợi cho Israel.
Đến nay, Chính quyền Mỹ đã công bố giải pháp kinh tế đối với kế hoạch hòa bình Trung Đông. Đây là một bước đi tương đối hợp lý của Tổng thống Trump, bởi kinh tế là yếu tố ít "gai góc" hơn khi tiếp cận vấn đề này,
nhất là khi đặt cạnh giải pháp chính trị. Việc công bố một giải pháp về kinh tế là một phép thử đối với phản ứng của các bên, cũng như những sức ép có thể có từ ngay trong nội bộ chính quyền Mỹ.
Tuy nhiên, một giải pháp về kinh tế chưa thể đem lại những thay đổi tích cực về chính trị đối với kế hoạch hòa bình của Mỹ. Thực tế cũng đang chứng minh rằng Mỹ khó có thể thực hiện thành công gói kinh tế trong kế hoạch này, bởi ngay cả những bên liên quan trực tiếp, nhất là Palestine đều từ chối tham gia. Ngay trước khi hội nghị tại Bahrain diễn ra, Tổng thống Palestine Mahmous Abbas đã nhấn mạnh rằng sẽ không tham dự, đồng thời phản đối kế hoạch hòa bình của Mỹ, khi cho rằng kế hoạch này là để dành riêng cho Israel - đồng minh thân cận lâu năm của Mỹ. Quan trọng hơn là Palestine cho rằng kế hoạch trên không giải quyết được những vấn đề chính trị cốt lõi trong cuộc xung đột Israel-Palestine, như yêu cầu chấm dứt sự chiếm đóng của Israel và Palestine được bảo đảm với tư cách một dân tộc tự do và có chủ quyền. Thậm chí một giải pháp hai nhà nước cũng bị Mỹ "phớt lờ" trong kế hoạch này.
Do đó, để tạo được lòng tin lớn hơn từ những bên liên quan trong kế hoạch này, nhất là đối với Palestine, Mỹ cần nhiều hơn sự hỗ trợ của các nước đồng minh quốc tế và khu vực. Tương tự các kế hoạch mang tính đa phương khác mà chính quyền Trump thúc đẩy gần đây, chẳng hạn như kế hoạch kêu gọi các nước NATO tăng chi tiêu quốc phòng, Mỹ sẽ cần đến sự san sẻ gánh nặng nhiều hơn từ các đồng minh Ả-rập trong khu vực Trung Đông.
Nhìn chung, cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump đối với tiến trình hòa bình Trung Đông có vẻ mang tính thực dụng, đúng với bản chất một thương gia hơn so với người tiền nhiệm Barack Obama. Để khẳng định vai trò của mình trong giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, Tổng thống Trump có xu hướng vừa thuyết phục Israel kiềm chế hoạt động xây dựng các khu định cư, vừa gây sức ép để Palestine kiềm chế bạo lực và chấp nhận kế hoạch
do Mỹ khởi xướng. Bên cạnh đó, Mỹ cũng nỗ lực lôi kéo các quốc gia Ả-rập chủ chốt như Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia, UAE và các đồng minh khác của Mỹ tham gia vào một tiến trình hòa bình khu vực.