Giai đoạn 2017-2019

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhân tố Mỹ trong cuộc xung đột Israel-Palestine giai đoạn 2009-nay (Trang 45 - 58)

2.2.1. Tình hình xung đột Israel-Palestine và các nỗ lực quốc tế

Mặc dù Israel và Palestine có thời điểm thể hiện thiện chí nối lại đàm phán, nhưng mâu thuẫn Israel-Palestine từ năm 2017-2019 thường xuyên bùng phát căng thẳng, với nhiều cuộc đụng độ bạo lực gây thương vong lớn. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các quyết định của Mỹ mang tính thiên vị rõ ràng cho Israel, cũng như chính sách bao vây, gây sức ép của chính phủ Israel đối với Palestine.

Cuối năm 2017, đàm phán hòa bình Israel-Palestine nói riêng và tiến trình hòa bình Trung Đông nói chung vấp phải một rào cản lớn, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một bài diễn văn tại Nhà Trắng ngày 6 tháng 12 đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và dự kiến chuyển Đại sứ quán tới thành phố này [70]. Quyết định của Tổng thống Mỹ đã dẫn tới phản ứng

mạnh mẽ từ phía Palestine và nhiều đồng minh phương Tây của Mỹ. Ngày 8 tháng 12, HĐBA LHQ đã họp khẩn cấp về vấn đề này. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng lên tiếng bác bỏ vai trò trung gian hòa giải của Mỹ đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. Việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel cũng khiến làn sóng đụng độ bạo lực giữa Israel và Palestine dâng cao trong suốt năm 2018 và thời gian tiếp theo.

Về phía Israel, Quốc hội nước này đầu tháng 2 năm 2017 đã thông qua một đạo luật mới, trong đó hợp pháp hóa hàng chục khu định cư Do Thái xây dựng trên phần đất của người Palestine ở Bờ Tây, làm dấy lên làn sóng phản đối từ phía chính quyền Palestine và cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, một trong những thời điểm leo thang bạo lực giữa người Palestine và lực lượng an ninh Israel vào tháng 7-8 năm 2017 liên quan đến việc Israel siết chặt các quy định an ninh đối với khu vực Núi Đền (Al-Aqsa/Temple Mount) [43].

Ngày 19 tháng 7 năm 2018, Quốc hội Israel thông qua Luật Quốc gia Dân tộc Do Thái, trong đó tuyên bố Israel là quốc gia của người Do Thái và chỉ người Do Thái mới có thể quyết định vận mệnh của Israel; toàn bộ Jerusalem là thủ đô của Israel; tiếng Hebrew là ngôn ngữ quốc gia, tiếng Ả- rập được xét ở trạng thái đặc biệt; các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây được hợp pháp hóa [46]. Đạo luật này càng khiến tình hình trở nên căng thẳng.

Bên cạnh đó, trước việc Hamas và Fatah ký thỏa thuận hòa giải sơ bộ ngày 12 tháng 10 tại Cairo do Ai Cập làm trung gian, Nội các Israel đã quyết định ngừng đàm phán với Palestine, đồng thời đe doạ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với chính quyền Palestine và nhấn mạnh quan điểm Palestine phải giải tán lực lượng vũ trang của Hamas, cắt đứt quan hệ với Iran và thừa nhận sự tồn tại của Nhà nước Israel trước khi tiến hành đàm phán.

Những vấn đề trên đã khiến quan hệ giữa Israel và Palestine trong giai đoạn này thường xuyên căng thẳng, với hàng loạt cuộc đụng độ khiến hàng nghìn người thương vong. Ví dụ, từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 19 tháng 11

năm 2018, lực lượng an ninh Israel đã giết chết 189 người biểu tình Palestine và làm bị thương hơn 5.800 người khác. Trong khi đó, các nhóm vũ trang Palestine liên tục tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa, súng cối vào lãnh thổ Israel (đỉnh điểm là 1.138 quả tên lửa và đạn cối đã được bắn từ Dải Gaza vào Israel vào ngày 13 tháng 11 năm 2018) [44].

Ngoài ra, phong trào biểu tình "Tuần hành Ngày Trở về" của người dân Palestine diễn ra thường xuyên vào thứ Sáu hàng tuần, cũng như các cuộc biểu tình bất thường. Những người biểu tình Palestine đã ném đá và bom xăng, thả diều mang vật liệu gây cháy, gây thiệt hại đáng kể cho các cộng đồng dân cư Israel gần biên giới Israel-Gaza.

Đụng độ bạo lực tại biên giới Israel-Gaza tiếp diễn trong cả năm 2018 cho tới khi Israel thất bại trong một chiến dịch xâm nhập và ám sát bên trong lãnh thổ Palestine ngày 11 tháng 11, dẫn tới việc Hamas trả đũa bằng hàng trăm quả tên lửa. Tình hình căng thẳng đến nay vẫn tiếp diễn, với các cuộc biểu tình hàng tuần của ngươi Palestine và đụng độ bạo lực đã khiến nhiều người thương vong.

Trong giai đoạn 2017-2019, xung đột giữa Israel và Palestine chỉ tạm lắng trong vài tháng của năm 2017. Trong đó, phía Palestine ít nhất về mặt ngoại giao đã thể hiện thiện chí muốn nối lại đàm phán với Israel. Chỉ riêng trong tháng 5 năm 2017, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã hai lần tuyên bố sẵn sàng gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để thảo luận về đàm phán hòa bình dưới sự bảo trợ của Mỹ. Bên cạnh đó, Palestine bắt đầu có những động thái tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nước khác như Nga, Ấn Độ... Trong chuyến thăm Nga ngày 11 tháng 5, Tổng thống Abbas đã kêu gọi Nga tham gia tích cực vào tiến trình hòa bình Trung Đông, đứng ra làm trung gian cho cuộc gặp ba bên Israel-Nga-Palestine [16]; trong chuyến thăm Ấn Độ ngày 14-17 tháng 5, Tổng thống Abbas cũng thảo luận vấn đề hòa bình Trung Đông với Thủ tướng Modi [55].

Căng thẳng Israel-Palestine cũng có dấu hiệu hạ nhiệt nhất định khi các nhà đàm phán của hai bên trong một phiên họp tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về Trung Đông và Bắc Phi khai mạc ngày 20 tháng 5 tại Jordan đều cho rằng giải pháp hai nhà nước là chìa khóa để giải quyết xung đột kéo dài hàng thập kỷ qua. Nhà đàm phán của Palestine Saeb Erekat cho biết: "Để tránh những sai lầm trong quá khứ, chúng tôi muốn chính phủ Israel đặt vấn đề lên bàn đàm phán và thảo luận vấn đề bản đồ đối với các khu vực biên giới của Palestine và các vấn đề khác". Trong khi đó, đại diện cho phía Israel, cựu Ngoại trưởng Tzipi Livni cũng ca ngợi giải pháp hai nhà nước: "Đối với Israel, hòa bình dựa trên giải pháp hai nhà nước là mối quan tâm của Israel." Bà Livni cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của các quốc gia Ả-rập trong việc đạt được thỏa thuận hòa bình [85].

Liên Hợp Quốc và châu Âu hầu như không có hành động hay sáng kiến mới nào nhằm thúc đẩy hòa bình Trung Đông. Trong đó, các hoạt động của LHQ tương đối hạn chế, chủ yếu là một số phát ngôn phản đối chính sách của Israel, đồng thời kêu gọi hai bên kiềm chế xung đột, tránh gây ra thảm họa nhân đạo. LHQ cũng tham gia vào các tuyên bố của Nhóm Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông, gồm các tuyên bố ngày 13 tháng 7 năm 2017, ngày 22 tháng 7 năm 2017, ngày 28 tháng 9 năm 2017 và ngày 26 tháng 9 năm 2018. Trong các tuyên bố này, Nhóm Bộ Tứ bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình leo thang tại Gaza; ủng hộ các nỗ lực của LHQ nhằm ngăn chặn nguy cơ leo thang…[53]

Đáng chú ý, ngày 13 tháng 6 năm 2018, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Nghị quyết A/RES/ES-10/20, trong đó kêu gọi bảo vệ thường dân Palestine, yêu cầu Israel chấm dứt các hành động vi phạm nhân quyền [75].

Trong khi đó, EU vẫn giữ quan điểm ủng hộ giải pháp hai nhà nước và phản đối các quyết định của Chính quyền Donald Trump (công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán về thành phố này; công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan…) vì cho rằng những quyết định này khiến triển vọng hòa bình càng thêm xa vời.

Điểm đáng chú ý là ngày 8 tháng 12 năm 2017, EU đã thông qua "Chiến lược Chung Hỗ trợ cho Palestine giai đoạn 2017-2020". Chiến lược này có mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của Palestine, dựa trên 5 trụ cột chính gồm: Cải cách chính phủ, củng cố tài chính và chính sách; pháp luật, an toàn cho người dân và nhân quyền; cung cấp dịch vụ bền vững; khả năng tiếp cận nguồn nước và dịch vụ năng lượng; phát triển kinh tế bền vững [30].

Ngoài ra, EU còn tiếp tục cung cấp các khoản viện trợ lớn cho Palestine và các tổ chức liên quan, gồm: 42,5 triệu Euro cho cam kết hỗ trợ khôi phục kinh tế-xã hội cho khu vực Đông Jerusalem; 359 triệu Euro năm 2017, 283,1 triệu Euro năm 2018; từ đầu năm 2019 bổ sung 22 triệu Euro cho hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Dải Gaza và khu Bờ Tây [27].

2.2.2. Chính sách Trung Đông và hoạt động can dự vào cuộc xung đột Israel-Palestine của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump Israel-Palestine của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump

2.2.2.1. Những yếu tố chủ yếu tác động đến hoạch định chiến lược đối với khu vực Trung Đông của Chính quyền Donald Trump

Kể từ khi lên nắm quyền tháng 1 năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác định trọng tâm chiến lược toàn cầu của nước Mỹ là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, coi Nga và Trung Quốc là các đối thủ cạnh tranh chiến lược, đồng thời Mỹ cũng đang trở thành quốc gia sản xuất dầu thô lớn trên thế giới, nên những điều chỉnh trong chính sách đối với Trung Đông cũng được tính toán để phù hợp với chiến lược tổng thể mới trên tầm mức toàn cầu.

Trong khi đó, một loạt diễn biến tại Trung Đông thời gian qua đang tác động làm suy yếu sức mạnh và ảnh hưởng địa chính trị của Mỹ. Khu vực này vẫn là vùng đất của các tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới. IS và al- Qaeda phát triển mạnh trên cơ sở lợi dụng sự bất ổn và tư tưởng xuất khẩu thánh chiến bạo lực. Trong đó, Iran, quốc gia bị Mỹ coi là nhà tài trợ hàng đầu thế giới về khủng bố, đã lợi dụng tình hình bất ổn để mở rộng phạm vi

ảnh hưởng thông qua các đối tác và lực lượng ủy nhiệm. Ảnh hưởng của Iran xuyên khu vực Ả-rập từ Yemen, Iraq, Syria, Lebanon làm suy yếu vai trò của Saudi Arabia tại Trung Đông và là thách thức trực tiếp đối với Israel, hai đồng minh trụ cột của Mỹ trong khu vực.

Nhìn chung, các mối đe dọa từ các tổ chức khủng bố và mối đe dọa từ Iran đang tạo ra nhận thức rằng Israel hay cuộc xung đột Israel-Palestine không phải là tác nhân gây ra các vấn đề khu vực. Các nước Ả-rập có xu hướng dần cải thiện quan hệ với Israel nhằm ứng phó với các mối đe dọa chung [69].

Bên cạnh đó, sự hiện diện và ảnh hưởng ngày càng rõ rệt của Nga tại khu vực được coi là mối đe dọa lớn đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực. Mỹ đánh giá Nga đang bỏ qua quyền quyết định trên các lĩnh vực của các quốc gia, tìm cách phá vỡ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, thay đổi cấu trúc kinh tế và an ninh châu Âu và Trung Đông theo hướng có lợi cho nước này [81].

Ngoài ra, mặc dù Mỹ đang dần độc lập về năng lượng và trở thành đối thủ cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ tại Trung Đông, nhưng các đồng minh của Mỹ tại châu Âu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào năng lượng từ Trung Đông. Do đó, nếu đồng minh châu Âu rơi vào khủng hoảng năng lượng sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ và trật tự quốc tế do Mỹ dẫn dắt.

2.2.2.2. Chủ trương, chính sách

Đối với khu vực Trung Đông, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác định tiếp tục duy trì vị trí lãnh đạo trong khu vực, ngăn chặn bất kỳ quốc gia hay liên minh nào trỗi dậy thách thức vị thế và lợi ích chiến lược của Washington tại Trung Đông, cũng như bảo đảm sự lưu thông dầu mỏ từ vùng Vịnh đến các thị trường thế giới, thúc đẩy cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, bảo vệ an ninh cho Israel, là những trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực này.

Mỹ xác định các ưu tiên như sau: Về chính trị, tăng cường quan hệ đối tác và hình thành các mối quan hệ mới, nhằm giúp tăng cường an ninh thông qua ổn định; khuyến khích cải cách và hỗ trợ chống tư tưởng bạo lực; về kinh tế, hỗ trợ các nỗ lực cải cách nhằm tiếp tục giải quyết các bất bình đẳng cốt lõi đang bị các phần tử khủng bố lợi dụng, khuyến khích các quốc gia trong khu vực tiếp tục hiện đại hóa nền kinh tế; về quốc phòng và an ninh, duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực để bảo vệ Mỹ và đồng minh trước các cuộc tấn công khủng bố và giữ cân bằng quyền lực trong khu vực. Trong đó, Mỹ mong muốn xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực dựa trên trục đồng minh gồm Saudi Arabia - Israel - Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), vốn cũng là các quốc gia thù địch với Iran. Một liên minh bao gồm các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Ai Cập, Jordan và Mỹ được kỳ vọng sẽ giúp Washington giảm hiện diện quân sự trực tiếp, nhưng vẫn duy trì được vị thế chủ đạo và ngăn chặn được các đối thủ như Nga hay Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại đây.

Đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, Mỹ cam kết giúp tạo điều kiện cho một thỏa thuận hòa bình toàn diện có thể chấp nhận được đối với cả người Israel và người Palestine. Ngay từ chiến dịch bầu cử năm 2016, ông Trump đã tiết lộ về một "thỏa thuận thế kỷ" nhằm giải quyết xung đột giữa người Israel và Palestine.

2.2.2.3. Hoạt động triển khai trên thực tế của Mỹ đối với cuộc xung đột Israel-Palestine

Từ đầu nhiệm kỳ đến gần hết năm 2019, Tổng thống Donald Trump đã có những động thái thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên, những gì diễn ra trên thực tế cho thấy cách tiếp cận của Tổng thống Trump chưa giúp cải thiện tình hình.

Thứ nhất, liên tục có các hành động cụ thể ủng hộ Israel:

(1) Các phát biểu và sự ủng hộ tại LHQ:

Tổng thống Donald Trump đã có những phát biểu công khai ủng hộ Israel, cũng như cá nhân Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Chẳng hạn như tại buổi họp báo trong chuyến thăm Washington của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tháng 2 năm 2017, Tổng thống Trump khẳng định: "Chính quyền Mỹ cam kết phối hợp với Israel và các đồng minh trong khu vực để hướng tới một môi trường an ninh và ổn định hơn. Các nỗ lực này bao gồm phối hợp hướng tới một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine. Mỹ sẽ khuyến khích một thỏa thuận hòa bình và thực sự là một thỏa thuận hòa bình vĩ đại. Chúng tôi sẽ nỗ lực trong việc này một cách hết sức cố gắng. Nhưng chính các bên liên quan phải đàm phán trực tiếp về một thỏa thuận như vậy" [71].

Bài phát biểu này của Tổng thống Trump cũng cho thấy một thay đổi bất ngờ đối với cam kết của Washington nhiều thập niên qua về việc ủng hộ giải pháp hai nhà nước, một giải pháp lâu nay vẫn được coi là chìa khóa để giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Theo đó, Tổng thống Trump cho rằng, vấn đề không phải là giải pháp một nhà nước hay hai nhà nước mà nằm ở chỗ các bên phải đạt được thống nhất chung.

Tổng thống Trump cũng dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ cho hai quốc gia đồng minh tại khu vực Trung Đông là Saudi Arabia và Israel. Chuyến thăm từ ngày 22-23 tháng 5 năm 2017 này đã góp phần cải thiện đáng kể quan hệ Mỹ-Israel vốn trở nên xấu đi nghiêm trọng dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã hai lần sử dụng quyền phủ quyết tại HĐBA LHQ về vấn đề này, gồm: Ngày 18 tháng 12 năm 2017, phủ quyết dự thảo nghị quyết của Ai Cập về việc bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Jerusalem là thủ đô của Israel và kế hoạch chuyển Đại sứ quán

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhân tố Mỹ trong cuộc xung đột Israel-Palestine giai đoạn 2009-nay (Trang 45 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)