Vị trí của khu vực Trung Đông trong chính sách của Mỹ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhân tố Mỹ trong cuộc xung đột Israel-Palestine giai đoạn 2009-nay (Trang 58 - 60)

3.1. Nhận xét, đánh giá về nhân tố Mỹ trong cuộc xung đột

3.1.1. Vị trí của khu vực Trung Đông trong chính sách của Mỹ

Trung Đông được mệnh danh là "trung tâm của bàn cờ thế giới", tiếp giáp ba châu lục quan trọng: châu Á, châu Âu và châu Phi. Khu vực Trung Đông là cái nôi của nhiều nền văn minh, cái nôi của các tôn giáo lớn trên thế giới, đặc biệt là Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Nơi đây từng xuất hiện những đế chế là cường quốc thế giới, với những nền văn minh, phát triển cực thịnh. Chính vì vậy, Trung Đông là khu vực trọng tâm của nhiều cuộc chinh phạt trong quá khứ và là nơi tranh giành ảnh hưởng quyết liệt giữa các cường quốc ngay từ thời Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, đặc biệt là giữa Mỹ và Liên Xô cũ trong Chiến tranh Lạnh và giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.

Do tầm quan trọng về vị trí địa chiến lược của khu vực, cũng như quyền kiếm soát nguồn dầu lửa quan trọng của thế giới, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, các đời Tổng thống Mỹ đã đặc biệt coi trọng Trung Đông, đặt khu vực này là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Năm 1944, Bộ Ngoại giao Mỹ đã coi Trung Đông là khu vực quan trọng nhất của thế giới, xác định nguồn dầu lửa là vô cùng quan trọng đối với sức mạnh chiến lược. Năm 1979, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter tuyên bố, Trung Đông là khu vực có lợi ích sống còn của Mỹ và sẵn sàng bảo vệ lợi ích của Mỹ bằng mọi giá. Trong chiến lược an ninh quốc gia của các đời Tổng thống Mỹ sau này, Trung Đông tiếp tục được coi là khu vực địa chiến lược trọng yếu của Mỹ, là một trong những ưu tiên đối ngoại của Mỹ.

Bên cạnh đó, Trung Đông đã và đang trở thành thị trường quan trọng cho hàng hóa Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại quân sự. Trong giai đoạn 1992-2000, kim ngạch thương mại song phương Mỹ-Trung Đông tăng khoảng 62%; giai đoạn 2001-2011, kim ngạch thương mại tăng 131,1%, có năm tăng tới 35%. Điểm đáng chú ý là hiện nay, Trung Đông là thị trường nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới và cũng là thị trường xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Mỹ. Theo báo cáo ngày 30 tháng 9 năm 2017 của Cơ quan Hợp tác An ninh thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DSCA) trước Quốc hội, trong giai đoạn 2008-2011, khu vực Trung Đông chi 116 tỷ USD mua sắm vũ khí trang bị (tăng hơn 2 lần so với giai đoạn 2004-2007), chiếm 56% tổng giá trị nhập khẩu của toàn thế giới (khoảng 208 tỷ USD). Ngoài ra, thị phần xuất khẩu vũ khí của Mỹ với khu vực này đã có bước nhảy vọt từ 30% giai đoạn 2004-2007 lên gần 80% giai đoạn 2008-2011, loại châu Âu và Nga ra khỏi danh sách nhà xuất khẩu chính vào khu vực này. Riêng năm 2011, Mỹ xuất khẩu vũ khí sang Trung Đông trị giá 33,4 tỷ USD, chiếm tới 50% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Mỹ (66,3 tỷ USD) [83]. Chính vì vậy, Mỹ coi khu vực Trung Đông là khu vực lợi ích sống còn của Mỹ, là ưu tiên cho chiến lược đảm bảo năng lượng và thị trường xuất khẩu vũ khí của Mỹ.

Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ và Israel luôn duy trì một mối quan hệ song phương bền chặt dựa trên một số yếu tố như: Sự ủng hộ mạnh mẽ từ nội bộ Mỹ đối với Israel và an ninh của nước này; các mục tiêu chiến lược chung tại Trung Đông; cam kết chung đối với các giá trị dân chủ; các mối liên hệ lịch sử kể từ khi Mỹ ủng hộ việc thành lập Nhà nước Israel năm 1948. Quan hệ với Israel là một yếu tố quan trọng trong chính sách tổng thể của Chính phủ Mỹ ở Trung Đông. Quốc hội Mỹ luôn coi trọng việc duy trì mối quan hệ gần gũi với Israel và dành sự ủng hộ đặc biệt, không chỉ là các khoản viện trợ lớn về tài chính và quân sự, mà còn là sự ủng hộ về chính trị, ngoại giao.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhân tố Mỹ trong cuộc xung đột Israel-Palestine giai đoạn 2009-nay (Trang 58 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)