Philippin hợp pháp hóa những tuyên bố chủ quyền của cá nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) philippin trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đông luận văn ths châu á học 60 31 50 (Trang 42 - 45)

6. Bố cục của Luận văn

2.2.2. Philippin hợp pháp hóa những tuyên bố chủ quyền của cá nhân

Sau những nỗ lực của Cloma năm 1956 nhằm thuyết phục chính phủ Philippin công nhận Kalayaan bị dập tắt thì mãi đến năm 1971, chính phủ Philippin mới bắt đầu lên tiếng và khẳng định chủ quyền đối với nhóm đảo Kalayaan.

Ngày 10-7-1971, Tổng thống Ferdinand Marcos đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh quốc gia Philippin để giải quyết tình hình quần đảo Trường Sa [49, tr. 382-383]. Tuyên bố ra đời với ba lý do: thứ nhất, do sự gần kề của đảo Ba Bình, sự hiện diện của các đạo quân Đài Loan ở các đảo này đe dọa lợi ích quốc gia của Philippin; thứ hai, chính phủ Philippin tái khẳng định rằng quần đảo Trường Sa đã được thừa nhận là thuộc sự ủy trị thực tế của phe Đồng Minh; thứ ba, khẳng định 53 đảo thuộc Kalayaan do công dân Philippin là Tomas Cloma phát hiện và chúng được coi là vô chủ [56, tr. 42-62]. Kết quả là một tuyên bố chủ quyền chính thức của Philippin đã được công bố đối với “nhóm 53 đảo, không kể đảo Trường Sa đã được nhà thám hiểm người Philippin Tomas Cloma phát hiện ra và chiếm giữ từ năm 1947 đến 1959”. Việc tuyên bố cũng như hành động này của Philippin đã kéo theo hàng loạt những phản đối của các nước trong khu vực, tạo nên tính chất nghiêm trọng mà bấy lâu nay chỉ dừng lại ở Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, không giống như phản ứng năm 1956 -1957, Manila cương quyết tuyên bố chủ quyền của mình đối với vùng đảo này. Manila đã tận dụng nhiều dịp khác nhau để nhắc lại tuyên bố này. Tháng 3- 1972, Bộ trưởng Ngoại giao Philippin Jose. D. Ingles đã dùng cuộc họp Ủy ban về

4

Điều 1 của Đạo luật xác định 64 đường cơ sở lãnh hải của Philippin, chiếu theo tọa độ địa lý, góc phương vị và độ dài của các đường cơ sở này thì quần đảo Trường Sa không nằm trong lãnh hải của Philippin.

thềm lục địa của Liên Hợp quốc để nhắc lại tranh luận của Philippin và lên án tuyên bố của CHND Trung Hoa đối với quần đảo này. Ông nói như sau: “Chúng tôi không thể cho qua các tuyên bố của CHND Trung Hoa đối với các vùng lãnh thổ này, đặc biệt là đảo Vĩnh Viễn, và đảo này là một phần của Kalayaan. Kalayaan là một nhóm gồm 53 đảo, không kể Trường Sa. Nhóm đảo này lúc đó đã và đang nằm dưới sự chiếm giữ và quản lý hiện hữu của chính phủ Philippin. Việc chiếm đóng đó được coi là đang để ngỏ và không thuận cho tất cả các yêu sách”.

Không mấy khó khăn để thấy được sự thay đổi cách ứng xử của Manila trong vấn đề chủ quyền quần đảo Trường Sa. Vào thời gian này, đầu tiên là yếu tố hoàn cảnh lịch sử, Việt Nam Cộng hòa đang suy yếu, quân đội Mỹ chuẩn bị rút khỏi Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc sa sút nhiều trong thập kỉ hậu chiến tranh thế giới thứ hai.

Thêm vào đó, những năm đầu của thập niên 70, cuộc khủng hoảng năng lượng bắt đầu lan mạnh từ Âu sang Á, giá dầu thế giới tăng bởi nguồn cung cấp từ Ai Cập và Syria giảm, thúc đẩy các cuộc tìm kiếm nguồn dầu mới. Bắt đầu từ giữa thập niên 1960, Philippin đã có nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu địa chất ở phía Tây Palawan. Sự mở rộng thăm dò dầu khí năm 1970 đã dẫn đến kết quả là Philippin phát hiện có dầu khí ở phía Tây Palawan. Trong số 96 cuộc thăm dò thì có 126 giếng khoan ở Tây Bắc Palawan [89]. Tham vọng về một nguồn dầu mỏ tại khu vực quần đảo có lẽ phần nào thúc đẩy quá trình đòi hỏi chủ quyền của Philippin trong giai đoạn này. Giờ đây, không đơn thuần chỉ là vì an ninh quốc gia, đe dọa đến chủ quyền của dân tộc nữa mà nó đã bao hàm cả yếu tố kinh tế. Nhờ vào điều kiện lịch sử thế giới cũng như hoàn cảnh xã hội đang diễn biến phức tạp ở các quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc mà Philippin lúc này mạnh tay hơn với những yêu sách của mình. Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam, ngày 11-6-1978, Tổng thống Ferdinand Marcos đã ký “Sắc lệnh số 1596”, khẳng định Kalayaan thuộc chủ quyền Philippin, Kalayaan có vai trò sống còn đối với an ninh và kinh tế của Philippin. Cùng với đó là “Sắc lệnh 1599” thành lập vùng đặc quyền kinh tế, các quyền chủ quyền, đặc quyền và quyền thực thi được luật pháp quốc tế thừa nhận [phụ lục 4].

Sự kiên quyết này đã dẫn đến việc Philippin chiếm đóng những đảo, bãi đá ở Trường Sa cho đến hiện nay. Tuy nhiên, Philippin cũng thật khéo léo khi không để bùng phát những cuộc đụng độ vũ trang, cũng như tạo căng thẳng ngoại giao mạnh mẽ đối với các quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.

Rõ ràng thái độ của Philippin đối với quần đảo Trường Sa đã hoàn toàn thay đổi chỉ trong vòng 20 năm (từ 1946 đến 1971). Từ việc thờ ơ, không quan tâm quần đảo Trường Sa đến việc khẳng định chủ quyền sau đó và đưa ra những lý lẽ để thuyết phục dư luận rằng quần đảo Trường Sa là thuộc quyền sở hữu của Philippin.

Lý do yêu sách của Philippin là dựa trên lập luận về tính vô chủ cũng như vị trí địa lý của các đảo. Không nước nào giành chủ quyền với các đảo cho tới thập niên 1930, khi người Pháp và sau đó là người Nhật chiếm đảo. Khi Nhật Bản tuyên bố rút lui chủ quyền đối với các đảo trong Hiệp ước Hoà bình San Francisco, lúc đó đã không có một lời tuyên bố từ bỏ chủ quyền nào đối với các đảo xuất hiện, và cũng không có bất kỳ một bên yêu cầu chủ quyền nào đưa ra tuyên bố. Philippin dựa trên Luật pháp quốc tế về sự thụ đắc lãnh thổ, quy định việc chiếm hữu chỉ được thực hiện với các lãnh thổ vô chủ hoặc lãnh thổ đã bị từ bỏ và phải được quản lý một cách hiệu quả, liên tục, hòa bình bởi các cơ quan nhà nước. Trên thực tế, Nhật Bản đã từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa trong cả “Hòa ước với các nước Đồng minh” năm 1951 và Hòa ước song phương với Cộng hòa Trung Hoa. Quần đảo không còn được kiểm soát thực tế, vì vậy mới dẫn đến việc Philippin tuyên bố “vô chủ”. Tuy nhiên sự chiếm hữu quần đảo “vô chủ” ban đầu lại được thực hiện qua việc phát hiện của cá nhân Cloma mà không nhân danh nhà nước Philippin, hơn nữa chính phủ còn không đưa ra đòi hỏi lãnh thổ một cách rõ ràng, đồng thời cũng không có các hành động chiếm giữ và quản lý tại thời điểm 1956 mà chỉ có những tuyên bố trung lập. Vì vậy, khó có thể nói Philippin đã chiếm giữ và quản lý hiệu quả “lãnh thổ vô chủ” quần đảo Trường Sa.

Lý do thứ hai là Philippin dựa trên căn cứ địa lý rằng Kalayaan là riêng biệt khỏi các nhóm đảo khác ở Biển Đông bởi vì: “Có sự công nhận chung về thông lệ hải dương học coi một dãy các đảo có tên thuộc về đảo lớn nhất trong nhóm hay có tên dựa theo sự tập hợp chung. Ghi chú rằng quần đảo Trường Sa chỉ có diện tích 13 hectare so với diện tích 22 hectare của đảo Pagasa. Xét về mặt khoảng cách, quần đảo Trường Sa cách đảo Pagasa (Thị Tứ) 210km” [68, p. 386-404], Như vậy, theo lý lẽ của Philippin, một số khu vực thuộc Trường Sa phải thuộc Pagasa của Philippin. Lý lẽ này cũng dựa trên cơ sở những đảo này nằm kế cận và tiếp giáp với các đảo chính của Philippin và rằng khu vực này có ý nghĩa sống còn đối với an ninh và kinh tế của Philippin. Trường hợp về mặt địa lý đã từng xảy ra ở các phiên tòa xử tranh chấp. Lập luận thường được sử dụng là nếu các đảo nằm gần lãnh thổ của một quốc gia nhưng

ngoài phạm vi lãnh hải thì có thể được yêu sách chủ quyền dựa trên tính kế cận. Tuy nhiên, phán quyết của trọng tài thường trực La Haye giải quyết tranh chấp chủ quyền đảo Palmas giữa Hà Lan và Mỹ (1928) đã bác bỏ luận điểm trên, với lập luận rằng mặc dù “các quốc gia trong một số trường hợp có thể có chủ quyền với các đảo gần bờ do tính kế cận về mặt địa lý nhưng đối với các đảo gần bờ nằm ngoài phạm vi lãnh hải thì việc xác định chủ quyền với các đảo này sẽ không thể chỉ căn cứ vào tính kế cận”. Vị trí địa lý của đảo hoàn toàn không phải là cơ sở pháp lý theo pháp luật quốc tế để khẳng định chủ quyền của một quốc gia đối với hòn đảo đó, cho dù đó là quốc gia có vị trí gần nhất với hòn đảo so với các quốc gia khác tham gia tranh chấp. Điều này có nghĩa là có những quốc gia có bờ biển rất xa so với vị trí của đảo nhưng hoàn toàn có chủ quyền đối với đảo nếu như có đầy đủ các cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền của mình. Tuy nhiên, Philippin đã hợp pháp hóa tuyên bố cá nhân trước đây để thành chủ quyền của quốc gia.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) philippin trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đông luận văn ths châu á học 60 31 50 (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)