6. Bố cục của Luận văn
3.2. Một số giải pháp trong tranh chấp đa phƣơng cho Philippin
3.2.2. Tạo dựng lòng tin từ các nước ASEAN
Những tranh chấp lâu năm về các yêu sách quyền tài phán trên Biển Đông đe dọa sự ổn định và thịnh vượng lâu dài của các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực đa phương trong những thập kỷ gần đây cùng với các thể chế pháp lý quốc tế như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, nhưng căng thẳng giữa các quốc gia có liên quan đến tranh chấp vẫn ngày càng gia tăng. Các quốc gia yêu sách chưa đi đến được một giải pháp cho những tranh chấp này do tính phức tạp của các yếu tố chính trị, lịch sử, pháp lý, kinh tế có liên quan mật thiết đến các nguồn tài nguyên trong khu vực tranh chấp. Những mối quan ngại về quyền tiếp cận tài nguyên, cùng với việc các quốc gia yêu sách đã không thực thi được các biện pháp xây dựng lòng tin để xoa dịu căng thẳng đã cho thấy rằng một giải pháp chính trị khó có thể đạt được trong thời gian ngắn. Ngay cả khi không có một thỏa thuận dài hạn, thì các quốc gia yêu sách vẫn cần có những hành động phối hợp tạm thời để xoa dịu căng thẳng, tăng cường hợp tác và lòng tin, cũng như duy trì cương vị quản lý đối với môi trường và tài nguyên biển.
Việc hình thành các đường dây nóng giữa các cơ quan quốc phòng của các quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông sẽ cho phép các nước trao đổi thông tin một cách nhanh chóng trong tình huống khủng hoảng và ngăn ngừa xung đột vũ trang. Vào năm 2010, Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí thành lập một đường dây nóng. Một cơ chế như vậy không nên chỉ dừng lại ở chỗ là biểu tượng cho sự thiện chí, mà phải được thực thi một cách hiệu quả và được thử nghiệm một cách thường xuyên. Mỹ và Trung Quốc cũng có một đường dây nóng cho các tình huống khẩn cấp, nhưng khi xảy ra vụ tàu quân sự Mỹ USS Inpeccable va phải một lưỡi câu sắt của một tàu đánh cá Trung Quốc vào tháng 3-2009 ở gần đảo Hải Nam thì Trung Quốc đã không trả lời khi Mỹ cố gắng gọi.
Các cuộc tập trận quân sự cũng gây ra nhiều bất đồng ở Biển Đông. Trong những năm gần đây Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tăng cường phạm vi, mức độ tinh vi và cường độ tập trận hải quân ở Biển Đông. Khoản 5 của Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông khuyến khích các bên thông báo trước cho nhau về các cuộc tập trận trong khu vực. Tuy vậy, còn quá ít dấu hiệu cho thấy rằng việc này đã được thực hiện một cách thường xuyên và có hệ thống. Việc thông báo trước về cuộc
tập trận quân sự bao gồm thời gian, tọa độ địa lý và mục tiêu sẽ giúp tăng cường tính minh bạch và đóng góp vào việc giảm thiểu căng thẳng không đáng có.
Khoản 6 của Tuyên bố ứng xử kêu gọi các bên thực hiện hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và tham gia vào các hoạt động nhằm phòng chống các nguy cơ xuyên quốc gia như buôn lậu và cướp biển. Cả hai hoạt động này đều đòi hỏi các quốc gia ASEAN và Trung Quốc phải tăng cường huấn luyện và tập luyện chung cho các lực lượng vũ trang của mình. Các buổi tập huấn như thế giữa hải quân của các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc cho đến nay vẫn chỉ là “tập luyện trên giấy tờ”. Hợp tác chống cướp biển cũng là một hoạt động hứa hẹn sự hợp tác chung giữa các bên, do đây là một vấn đề có tác động lớn đối với dòng lưu chuyển thương mại tự do ở Biển Đông – nơi mà các vụ cướp biển đang ngày càng gia tăng. Hiệp định Hợp tác khu vực về Phòng chống cướp biển và cướp vũ trang tàu thuyền ở Châu Á (ReCAAP) có một trung tâm chia sẽ thông tin ở Xingapo, có thể được dùng làm phương tiện để tăng cường hợp tác quốc phòng chống khủng bố giữa ASEAN và Trung Quốc ở các khu vực tranh chấp.
Các quốc gia ASEAN và Trung Quốc cần phải xem xét nghiêm túc về thỏa thuận các vụ việc trên biển (INCSEA). Thỏa thuận như vậy sẽ lập ra một “quy tắc đi đường” trên biển và nghiêm cấm các hành vi khiêu khích, nguy hiểm. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Liên Xô đã ký kết một loạt các Hiệp định INCSEA với các nước NATO và Nhật Bản. Trong đó có Hiệp định Xô – Mỹ năm 1972 về việc phòng chống các vụ việc trên biển và ngoài biển cả, tại đó yêu cầu các tàu chiến phải tránh nhau để đề phòng trường hợp va chạm, duy trì khoảng cách an toàn với tàu được theo dõi, thực hiện ra hiệu rõ ràng khi chuyển hướng và không tấn công mô mỏng các tàu thuyền qua lại, kể cả từ trên không. Hai quốc gia ASEAN là Inđônêxia và Malaixia đã ký kết một hiệp định kiểu INCSEA vào năm 2001 và trong năm 2010 hải quân hai nước này đã thống nhất về quy tắc giao tranh để đề phòng các va chạm ở khu vực tranh chấp thuộc vùng Ambalat ở Biển Celebes gần bờ biển đảo Borneo.
Tăng cường tính minh bạch là phương pháp hữu hiệu để trăng cường lòng tin và làm giảm căng thẳng giữa các nước có yêu sách chồng lấn về chủ quyền. Các bên tranh chấp đặc biệt là Trung Quốc, Việt Nam, Malaixia và Philippin đã củng cố các căn cứ quân sự của mình trên các đảo chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa kể từ khi Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông được ký kết và vì thế đã vi phạm tinh thần và thậm chí
là nội dung của thỏa thuận này, tại đó kêu gọi các bên thực hiện kiềm chế. Sự mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự ở quần đảo Trường Sa dường như là phản ứng đối với quan niệm cho rằng các phán quyết của Tòa án công lý quốc tế vào năm 2002 và 2008 đã ủng hộ các bên yêu sách chứng minh sự quản lý hiệu quả của mình đối với vùng lãnh thổ tranh chấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh này cần chú ý rằng một khi tranh chấp phát sinh thì bất cứ hành động nào của bất kỳ bên nào nhằm củng cố cho yêu sách của mình sau thời điểm này thông qua những hành động xây dựng quyền cai quản sẽ không có tác dụng theo góc nhìn của Luật quốc tế. Tuy vậy, quan điểm cho rằng chiếm hữu có giá trị ngang luật vẫn là quan niệm chủ đạo và có vẻ như các quốc gia vẫn cố gắng củng cố cho yêu sách của mình càng nhiều càng tốt. Việc tăng cường tính minh bạch giữa các quốc gia về các căn cứ, số lượng quân và thiết bị quân sự cũng sẽ góp phần làm giảm đi sự không tin tưởng.
Philippin cùng các quốc gia khác trong khu vực tranh chấp cần thực hiện quản lý tạm thời các tranh chấp có hiệu quả là cách tốt nhất để đảm bảo quyền tự do hàng hải và lưu thông tự do của thương mại vốn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Những dàn xếp kiểu này sẽ không phương hại tới các yêu sách trên biển của các quốc gia tham gia tranh chấp.
Philippin đã và đang tận dụng sự ủng hộ từ phía các nước ASEAN. Đối với các quốc gia cùng tham gia tranh chấp nên có tiếng nói chung để thống nhất những quan điểm, đoàn kết để cùng đưa ra một Thỏa thuận có tính ràng buộc về pháp lý (COC) để sau đó đưa ra tham vấn với các nước ASEAN còn lại và Trung Quốc. Sự ủng hộ đối với COC từ phía các nước ASEAN không tham gia tranh chấp trên Biển Đông là một điều hết sức cần thiết. Philippin có thể quản lý tốt hơn những căng thằng hiện tại bằng cách thực thi các biện pháp xây dựng lòng tin, bao gồm cả các biện pháp được liệt kê trong Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông. Những biện pháp này có thể bao gồm việc sử dụng các đường dây nóng, thông báo trước về việc tập trận quân sự, tìm kiếm và cứu nạn chung, hợp tác về phòng, chống các mối đe dọa xuyên quốc gia, các quy định về ứng xử đụng độ trên biển và tăng cường minh bạch về quân sự.
Trước tiên, đối với các nước ASEAN đang cùng tham gia tranh chấp chủ quyền Biển Đông (Philippin, Việt Nam, Malaixia, Brunây, Inđônêxia) điều quan trọng là phải
gây dựng lòng tin với nhau và có chung một lập trường giải quyết tranh chấp để đối phó với những yêu sách ngang ngược của Trung Quốc.
Philippin cần nêu rõ yêu sách trên biển của mình và giải quyết các tranh chấp này với các quốc gia láng giềng ASEAN có tranh chấp (Việt Nam, Malaixia, Brunây) thông qua việc phân định biên giới trên biển. Biên giới này có giá trị mang lại sự rõ ràng và chắc chắn cho các quốc gia trên biển, cũng như các thực thể sử dụng biển, từ đó góp phần giảm thiếu rủi ro xảy ra va chạm hay xung đột. Sự phân định rõ ràng biên giới trên biển cũng sẽ tạo ra một khuôn khổ quyền tài phán và một thể chế ổn định trên biển cần thiết cho việc quản lý tổng thể và bền vững môi trường biển và tài nguyên của nó. Các nước trong khu vực đã thực hiện những cuộc đàm phán song phương về ranh giới biển của họ như Việt Nam và Thái Lan năm 1997 với Hiệp định quy định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ); Hiệp định phân định biên giới biển ở Vịnh Bắc bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam năm 2000; Hiệp định ranh giới thềm lục địa giữa Inđônêxia và Việt Nam năm 2003; trao đổi thư từ giữa Brunây và Malaixia năm 2009; và Hiệp định Inđônêxia và Xingapo về việc mở rộng ranh giới vùng lãnh hải. Rõ ràng các nước dần đi đến thỏa thuận chung đối với những vùng biển bị chồng lấn. Thêm vào đó, một yếu tố then chốt cần xem xét trong việc phân định biên giới trên biển, đồng thời là nguyên nhân chủ yếu của các tranh chấp tại Biển Đông là vấn đề về quy chế đảo. Vì thế ảnh hưởng của các đảo đối với các đường phân định biên giới biển nhìn chung bị coi nhẹ. Trên thực thế, có vẻ như một vài quốc gia ven biển ở Biển Đông đặc biệt là Việt Nam và Malaixia đã hình thành quan điểm rằng những hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông không có khả năng tạo ra yêu sách về quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Điều này đã được thể hiện trong Bản tuyên bố chung về thềm lục địa của Malaixia và Việt Nam năm 2009 gửi Ủy ban biên giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc.
Nhìn từ quá khứ, có thể thấy rằng các quốc gia khu vực ASEAN trừ Philippin luôn có thái độ tích cực đối với việc phân định ranh giới biển. Chính vì thế, Philippin không nên rời xa cộng đồng ASEAN. Nếu có ai kết luận rằng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa không có khả năng có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì ranh giới biển của những vùng này phải được xác định có tính đến những vùng đất lục địa các đảo lớn nằm ngoài lề. Các bên trong tranh chấp nội bộ ASEAN trong đó có Philippin
có thể thương lượng để đưa ra những bản tuyên bố chung về khu vực thềm lục địa như thềm lục địa ở phía Đông Nam của Việt Nam và Tây Nam biên giới Malaixia mở rộng đáng kể ra ngoài 200 hải lý so với bờ biển mỗi nơi. Yêu sách thềm lục địa mở rộng của Malaixia ở phía Đông cũng như yêu sách thềm lục địa mở rộng của Brunây có vẻ như không thể xác định rõ ràng được vì máng đông Palawan nằm gần bờ. Một yêu sách của Philippin dựa trên thềm lục địa mở rộng cũng không thể rõ ràng được vì đáy biển ngay phía Tây những đảo chính của Philippin lõm xuống quá nhiều. Đường chữ U của Trung Quốc đã xâm lấn vào thềm lục địa của các nước ven bờ Biển Đông. Như bãi Tư Chính của Việt Nam và bãi cỏ Rong nằm sâu trong thềm lục địa của Philippin, hay quần đảo Natura của Inđônêxia. Để hạn chế cũng như khẳng định rằng yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là vô lý và bất hợp pháp thì các nước trong khu vực nên có những thỏa thuận chung để đưa ra giải quyết với nhau, loại trừ sự tham gia của Trung Quốc. Chính vì sự chồng lấn này mà Philippin có thể đi đến đàm phán để đưa ra những bản tuyên bố chung giống như Malaixia và Việt Nam đã từng làm năm 2009.
Philippin có thể đàm phán với Việt Nam để đưa ra thông cáo chung chống lại việc sử dụng đá hay đảo nhỏ đã đòi quá nhiều không gian biển, chống lại lập luận đòi "quyền lịch sử" trên hầu hết diện tích Biển Đông của Trung Quốc, đồng thời ủng hộ việc xác định rõ ràng phạm vi của khu vực tranh chấp. Nếu phương án đàm phán bị bế tắc thì Philippin và Việt Nam có thể kêu gọi các bên khác trong tranh chấp cùng đồng ý đưa các câu hỏi phù hợp ra cho Tòa án Quốc tế về Luật Biển phân xử.
Đi xa hơn, Philippin và Việt Nam có thể đàm phán với nhau để xác định phạm vi của các vùng nước phụ thuộc Trường Sa và sau đó lên tiếng ủng hộ nhau một khi Trung Quốc cố gắng gia tăng áp lực lên hai nước này bên ngoài các phạm vi ấy. Thí dụ, Philippin có thể đề nghị với Việt Nam rằng các vùng nước trong khu vực bãi Cỏ Rong phía ngoài vành đai 12 hải lý tính từ các đảo, đá, nếu có, trong khu vực đó là không thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Trường Sa, và Việt Nam có thể có một đề nghị tương tự cho bãi Tư Chính. Trên thực tế, bãi Cỏ Rong và bãi Tư Chính là những bãi ngầm và theo luật quốc tế thì không nước nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ hai bãi này, mà chỉ có thể tuyên bố chủ quyền đối với những đảo, đá nổi từ chúng lên trên mặt nước, nếu có. Phần dưới mặt nước của bãi Cỏ Rong và bãi Tư Chính sẽ thuộc quyền lãnh hải 12 hải lý, hay vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, hay
thềm lục địa của những đảo, đá này, nếu có, hay của các vùng lãnh thổ chung quanh. Trong các loại vùng biển này, một nước chỉ có chủ quyền đối với lãnh hải 12 hải lý, nhưng thông tin đại chúng thường ghi nhầm rằng một nước có chủ quyền đối với cả vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa.
Như vậy, Việt Nam và Philippin nên đàm phán với nhau để xác định vùng đặc quyền kinh tế ở bãi Cỏ Rong và bãi Tư Chính nói riêng và trên Biển Đông nói chung. Việt Nam và Philippin có thể tận dụng quy định của Tòa án Quốc tế về Luật Biển và cùng thi hành thủ tục để hai nước có thể xin ý kiến tư vấn của Tòa, nhằm giúp hai nước xác định phạm vi của vùng đặc quyền kinh tế thuộc Trường Sa, cũng như nhằm bác bỏ những lập luận của Trung Quốc. Sau khi thoả thuận về phạm vi của vùng đặc quyền kinh tế thuộc Trường Sa, Việt Nam và Philippin sẽ cùng nhau lên án những động thái của Trung Quốc nhằm biến những vùng bên ngoài phạm vi đó thành vùng tranh chấp. Nếu như Philippin và Việt Nam có thể cùng lên tiếng một cách dứt khoát rằng một sự kiện đối đầu cụ thể nào đó trên Biển Đông là do Trung Quốc mưu toan mở rộng vùng tranh chấp một cách không phù hợp với luật quốc tế quy định thì việc đó sẽ tạo ra một thế trận mới cho cuộc đấu tranh ngoại giao và việc tranh thủ dư luận quốc tế, so với chỉ có một nước tranh cãi với một nước.
Những nhà hoạch định chính sách của Philippin sẽ hoạt động có hiệu quả hơn cho đất nước nếu biết tận dụng việc Philippin và Việt Nam cùng hỗ trợ ngoại giao cho nhau để bảo vệ quyền chủ quyền trên các vùng nước Biển Đông mà không ảnh hưởng