6. Bố cục của Luận văn
2.3. Phƣơng pháp ứng xử của Philippin trong việc giải quyết tranh chấp
2.3.3. Philippin vận động sự ủng hộ của Mỹ và Nhật Bản
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh (trước 1991), Philippin cho phép Mỹ thiết lập căn cứ hải quân (Subie). Philippin tin rằng, trong trường hợp nước này bị xâm lược, Mỹ sẽ can thiệp dựa trên tinh thần của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Phi năm 1951 để bảo vệ những lợi ích của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, ngay khi Philippin và Trung Quốc đụng độ tại dải đá ngầm Vành Khăn, Philippin đã tìm đến sự hậu thuẫn của Mỹ. Philippin mời ông Dana Rohrbacher, một thành viên kỳ cựu trong Hạ Nghị viện Mỹ, tham gia chuyến bay thị sát Vành Khăn. Sau chuyến bay, Rohrbacher tố cáo Bắc Kinh “xâm lược” và hứa rằng chính quyền Mỹ sẽ giúp Philippin trong tranh chấp giữa nước này và Trung Quốc [48]. Tuy nhiên, chính quyền Clinton tuyên bố rằng tranh chấp ở biển Đông, đặc biệt ở Vành Khăn, không nằm trong lợi ích chiến lược của nước Mỹ và lợi ích quan trọng nhất của Mỹ ở Biển Đông là tự do hàng hải – nghĩa là việc đảm bảo cho tàu thuyền quốc tế qua lại tự do trên các tuyến đường biển đi qua khu vực [67]. Mỹ đã phản ứng thận trọng trong tranh chấp Biển Đông, nhưng Mỹ cũng tỏ rõ sự phản đối việc đe dọa hay sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyền của bất kỳ nước nào. Philippin và Mỹ đã ký Hiệp ước viếng thăm quân sự vào tháng 2-1998, đây được coi là một đảm bảo về sự răn đe của Mỹ trước thách thức mới. Rốt cuộc Philippin nhận ra rằng Hiệp ước Phòng thủ tương hỗ năm 1951 không đủ để Mỹ can thiệp vào xung đột ở Vành Khăn. Các hoạt động ngoại giao vẫn tiếp tục sau đó.
Tuy nhiên, không vì thế mà Philippin bỏ qua sự can thiệp của Mỹ. Vai trò của Mỹ đối với Philippin bị giảm xuống, nhưng Philippin vẫn luôn cần sự hỗ trợ của Mỹ
trong vấn đề hải quân, tàu thuyền và máy bay dân sự. Tổng thống Aquino cho rằng “sự hiện diện của Mỹ sẽ đảm bảo rằng tất cả chúng ta sẽ được hưởng tự do hàng hải và sẽ tuân theo Luật pháp quốc tế”[69]. Mỹ có nhiều duyên nợ với khu vực nói chung và Philippin nói riêng. Những lợi ích của Mỹ đa dạng và trải rộng tại Đông Á – Tây Thái Bình Dương với tư cách là một cường quốc khu vực và toàn cầu. Để đảm bảo lợi ích của mình ở khu vực quan trọng này, Mỹ đã và đang tiếp tục sự hiện diện của mình ở khu vực thông qua các hoạt động hải quân ở Biển Đông. Cùng với việc “xoay trục” về châu Á, dưới danh nghĩa là một cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ đã đưa quân trở lại Đông Nam Á và tái khởi động quan hệ quân sự với các nước đồng minh. Trên cơ sở đó, mối quan hệ Mỹ - Philippin ngày càng tiến triển. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Del Rosario, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã khẳng định sẽ “bảo vệ Philippin” và
“tuân thủ Hiệp ước phòng thủ chung và liên minh chiến đấu lâu dài với quốc gia Đông Nam Á” [72]. Đại sứ Mỹ tại Philippin cũng nhấn mạnh “Mỹ và Philippin là những đồng minh chiến lược”, do đó “Mỹ sẽ sát cánh với Philippin trong tất cả các vấn đề, bao gồm cả Biển Đông” [79]. Đồng thời, Mỹ cam kết một loạt các biện pháp nhằm giúp Philippin phòng thủ trên cơ sở cung cấp các trang thiết bị phù hợp như quan chức Mỹ tuyên bố. Nghị định số 352 của Hạ viện Mỹ trong đó có nhắc việc Mỹ sẵn sàng cung cấp khí tài đề hiện đại hóa quân đội Philippin [73].
Cam kết của Philippin và Mỹ càng được củng cố hơn khi gần đây nhất là vụ tranh chấp bãi cạn Scarborough giữa Philippin và Trung Quốc (tháng 4-2012). So với những năm trước 1995, mặc dù lực lượng hải quân của Philippin chưa được củng cố nhiều và vẫn ở thế yếu so với Trung Quốc, nhưng vị thế của Philippin ngày hôm nay khác xa so với một Philippin của năm 1995. Philippin nhận được sự ủng hộ về cả vật chất lẫn tinh thần của thế giới và đặc biệt là Mỹ. Xuyên suốt vụ việc tại bãi cạn Scarborough, Mỹ luôn chú trọng thể hiện sự khăng khít với Philippin, thông qua những tuyên bố và hành động cử tàu chiến tới hiện diện trong khu vực.
Với trang bị hiện tại, sức mạnh của lực lượng cảnh sát biển Philippin rõ ràng không tương xứng với một quốc gia quần đảo. Bản thân trong những lần tranh chấp trước đây, các tàu của lực lượng này đều bị tàu hải giám, ngư chính của Trung Quốc đẩy lui. Chính những bất lợi trong tranh chấp này cộng với những lời tuyên bố rút quân khỏi khu vực tranh chấp Scarborough kiểu “nửa vời” của Trung Quốc khiến cho Manila cảm thấy không thực sự yên tâm. Chính vì thế thông qua Mỹ, Philippin đang
rất cần những tàu tuần tra ven biển hiện đại và cơ động để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ bờ biển trước những mối xâm hại đến từ bên ngoài. Philippin cho rằng, việc Mỹ giúp Philippin cải thiện sức mạnh tuần duyên là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bên cạnh việc tìm kiếm đồng minh từ Mỹ, Philippin còn dựa vào sự ủng hộ của Nhật Bản. Khi mới xảy ra tranh chấp dải đá ngầm Vành Khăn, Philippin coi trọng việc xây dựng sự đồng thuận trong ASEAN và đàm phán song phương với Trung Quốc. Nhưng khi phát hiện ra Trung Quốc không giữ cam kết, tiếp tục củng cố các công trình trên đảo Vành Khăn, Philippin đã phải viện đến Mỹ và sau đó là Nhật Bản. Trong tháng 12-1998, ông Blas Ople, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Philippin đã cầu cứu sự ủng hộ của Nhật Bản, cho rằng Philippin đang bảo vệ sự “tồn vong của Nhật Bản” một cách khách quan bởi tuyến đường vận chuyển dầu khí qua biển Đông đang bị đe dọa [60]. Tuy nhiên, Nhật Bản né tránh đưa ra quan điểm chính thức về vụ việc này. Rõ ràng, ở thời điểm đó, vị thế của Nhật sau Chiến tranh lạnh đã bị suy giảm và đang trong thời gian củng cố lại nền kinh tế. Nhật Bản phải dựa vào Mỹ để đảm bảo sự an toàn các tuyến đường biển. Hơn nữa Nhật Bản cũng có tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc liên quan đến các hòn đảo Senkaku ở phía Đông Bắc của Đài Loan.
Mâu thuẫn tại vùng biển Nhật Bản với Trung Quốc từ những năm 70 của thế kỷ trước vẫn tồn tại và trong những năm trở lại đây, tình hình lại trở nên căng thẳng, diễn biến xấu với sự hung hăng của Trung Quốc đã khiến cho Nhật phải lo ngại. Chính vì vậy, trong cuộc chiến tại Scaborough, Nhật Bản nhiệt tình ủng hộ Philippin cho thấy họ cũng như Mỹ, hiểu rõ vai trò yếu huyệt trên biển ở Đông Nam Á trong việc kiềm chế Trung Quốc. Một khi Trung Quốc bị kiềm chế thì sẽ tăng sự ổn định cho tuyến đường biển trong khu vực, vốn trực tiếp liên quan tới lợi ích kinh tế của Nhật. Mặt khác, nó cũng khiến Trung Quốc phải phân tâm, không thể dồn toàn lực vào việc đối đầu với Nhật Bản tại những hòn đảo mà giữa hai bên đang có tranh chấp.
Sự quan tâm và hỗ trợ của Nhật Bản và Mỹ có vai trò rất quan trọng đối với Philippin trong vấn đề an ninh quốc phòng và việc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Sự hiện diện của Mỹ và Nhật Bản ở Philippin có thể giúp cân bằng lực lượng giữa các bên tranh chấp, kìm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Vì vậy, Philippin trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng mong muốn là đồng minh của Mỹ và Nhật Bản tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.