Khái quát chung về xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hôn nhân của người việt ở làng vạn chài theo công giáo xã yên nhân, huyện ý yên, tỉnh nam định (Trang 26 - 30)

6. Bố cục luận văn

1.3. Khái quát chung về xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định

1.3.1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên xã Yên Nhân

Yên Nhân là xã nằm ở phía nam huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định với diện tích tự nhiên là 825,25 ha, dân số là 11.758. Phía bắc giáp xã Yên Cường, phía đông giáp đường 56 và xã Yên Lộc, phía tây giáp xã Yên Đồng. Sông Đào chảy qua phía đông nam của xã là phân giới tự nhiên giữa huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng, phía tây nam là sông Đáy phân giới giữa huyện Ý Yên với huyện Yên Khánh (Ninh Bình). Chỗ giao nhau giữa sông Đào và sông Đáy tạo thành ngã ba Độc Bộ chảy ra Biển Đông.

Nhìn trên bản đồ, Yên Nhân như một chiếc thuyền rồng ngự trên sông Đào và sông Đáy tạo nên một địa thế vừa đẹp vừa thuận lợi cho giao thông đường thủy, nên từ xa xưa người dân nơi đây còn gọi Yên Nhân là Tam Kỳ Giang (Ngã ba sông). Từ ngã ba Độc Bộ ở phía trước trung tâm xã có thể đi thuyền xuôi Kim Sơn, Phát Diệm (Ninh Bình) ra biển, hay ngược lên Nam Định theo sông Hồng lên Hà Nội ra Quảng Ninh. Đoạn sông Đáy và sông Đào nước giao nhau tạo thành dòng nước nửa đỏ nửa xanh trông xa như dải lụa hai màu, nét đặc biệt riêng chỉ có ở ngã ba sông Độc Bộ. Ngoài ra còn có nhiều nhánh sông nhỏ đổ về đây, tạo thành một mạng lưới sông ngòi dày đặc. Với hệ thống sông ngòi rộng lớn, từ đó hình thành nên những bến đò nối liền các con sông như đò Đống Cao (Yên Nhân) sang Nghĩa Hưng, đò Độc Bộ, đò Vọng, đò Vọng Châu sang Ninh Bình. Với vị trí địa lý, hệ thống sông ngòi thuận lợi đã tạo điều kiện cho giao thông đường thủy phát triển, đồng thời giúp nhân dân xã Yên Nhân mở rộng giao lưu, phát triển kinh tế, xã hội với nhiều địa phương khác.

Ngoài hệ thống giao thông đường thủy, còn có tuyến đường bộ 56 nằm về phía đông xã và chạy về phía bắc nối với Quốc lộ 10 tỏa đi khắp mọi miền của Tổ quốc. Đường 56 hiện nay là “đoạn đê Hồng Đức ở phủ Thiên Trường do nhân dân Quần Cường ấp cùng nhân dân vùng lân cận đắp”. Tại khu vực làng Dương Phạm, Phạm Xá của xã Yên Nhân có xứ đồng Đường Cao, Đường Ngang, Cổ Mã nối với đường 56, và đây là dấu vết của con đường bộ xưa kia [4, tr.7].

Là vùng cửa sông của Nam Định, nằm trong vùng châu thổ sông Hồng, Yên Nhân hội tụ đầy đủ các đặc điểm tự nhiên của vùng châu thổ Bắc Bộ. Khí hậu nóng ẩm, với bốn mùa rõ rệt, có mùa hạ mưa nhiều và mùa đông lạnh. Nhiệt độ trung bình của mùa đông là dưới 18°C. Với khí hậu nhiệt đới gió mùa cho phép Yên Nhân canh tác hai vụ lúa trong năm. Ngoài ra, người dân

còn có thể trồng thêm nhiều cây trồng vụ đông như khoai tây, khoai lang, su hào, bắp cải… làm đa dạng cơ cấu cây trồng, mở rộng sản xuất và tăng thu nhập cho người dân.

Là vùng biển nông được bồi tụ bởi phù sa của các con sông, đất đai nơi đây chủ yếu là đất phù sa mịn tương đối màu mỡ, thuận lợi cho canh tác nông nghiệm mà cây trồng chính là cây lúa, bên cạnh đó còn trồng xen canh gối vụ nhiều loại cây hoa màu khác. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nông nghiệp giữ vị trí là ngành kinh tế chính của người dân xã Yên Nhân.

Với vị trí và điều kiện tự nhiên thuận lợi, xã Yên Nhân có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp, mở rộng thông thương buôn bán với nhiều địa phương qua cả đường bộ và đường thủy. Đồng thời, với điều kiện môi trường đa dạng là nền tảng hình thành nên một vùng đất giàu truyền thống văn hóa.

1.3.2. Lịch sử hình thành vùng đất Yên Nhân

Từ xa xưa, Yên Nhân là một vùng biển nông, trải qua nhiều thế kỷ, biển đã đưa phù sa vào bồi đắp tạo thành vùng cát xa bồi chân sóng. Từ những thế kỷ đầu của Thiên nhiên kỷ thứ nhất, khu vực xã Yên Nhân có cửa biển Đại Nha ngày đêm sóng vỗ. Xưa kia còn có nhiều lớp sóng trào dữ dội nên nhân dân gọi là cửa “Đại ác” hay “Nha ác hải”. Tục truyền rằng có ba con sóng rất hung dữ, thuyền bè qua lại thường gặp nạn, xác thuyền đắm trôi dạt về đây, loài quạ, cú vọ gọi nhau về đây kiếm mồi, vì thế mà có tên gọi ấy.

Trải qua quá trình phù sa bồi đắp, biển lùi, cửa Đại Nha tiến dần ra biển. Đến thời Lý đổi tên là cửa Đại An. Khi phù sa bồi đắp đến vùng Quần Liêu (thuộc huyện Nghĩa Hưng ngày nay), cửa biển Đại Nha còn có tên gọi là Cửa Liêu.

Trên dải đất phù sa này, tổ tiên các dòng họ Dương, Phạm, Ngô, Nguyễn, Bùi, Chu, Lê, Trịnh, Trần, Đỗ… đã từ các vùng Kinh Bắc, Hải

Dương, Thái Bình về đây khai phá đất hoang, sinh cơ lập nghiệp, tạo nên những khóm dân cư ngày càng đông đúc. Những khóm dân cư đó qua nhiều đời dần dần đã hình thành nên khu vực dân cư đông đúc gồm có sáu xã, hai trại và hai ấp.

Sáu xã gồm: Dương Phạm, Độc Bộ, Phạm Xá, Thụ Ích, Thanh Khê, An Lại. Hai trại gồm: Trại An Đường, Trại An Xá

Hai ấp gồm: Ấp Độc Bộ, Âp Phong Doanh (làng chài)

Suốt chiều dài lịch sử, cùng với sự thay đổi của các triều đại phong kiến, Yên Nhân cũng nhiều lần thay đổi tên gọi. Lúc đầu gồm có 6 xã 2 trại rồi đến Thanh Giang thuộc tổng Thanh Khê huyện Đại An phủ Nghĩa Hưng. Năm 1890, huyện Đại An nhập vào phủ Nghĩa Hưng. Cuối năm 1945, xã Phạm Xá sáp nhập với xã Đống Cao thành xã Tân Dân (đất Phủ Nghĩa cũ). Năm 1946 lại tách về Thanh Giang. Đến năm 1947 xã Thanh Giang đổi là xã Nhân Hòa. Năm 1953 các xã ở phía bắc sông Đào thuộc miền Thượng huyện Nghĩa Hưng được sáp nhập vào huyện Ý Yên thuộc tỉnh Hà Nam. Từ đây xã Nhân Hòa là một trong những xã thuộc miền nam huyện Ý Yên. Đến năm 1956 (sau cải cách ruộng đất) huyện Ý Yên được cắt trả về tỉnh Nam Định. Huyện Ý Yên tiến hành điều chỉnh lại các đơn vị hành chínhtrong huyện, các xã được đổi tên xã mới, thống nhất lấy chữ Yên đứng đầu tên xã nên Nhân Hòa được gọi là Yên Nhân, tên đó được giữ cho đến ngày nay.

Trải qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển, để có được mảnh đất Yên Nhân trù phú, giàu đẹp như ngày hôm nay là máu xương của bao thế hệ cha ông đã đứng lên đấu tranh chống lại các đội quân xâm lược hung hãn. Ngay từ thời kỳ phong kiến, với cửa biển Đại Nha, Yên Nhân là vùng đất có địa thế chiến lược quân sự, quốc phòng quan trọng, là con đường gần nhất để tiến về kinh thành Thăng Long. Theo Đại Việt sử ký toàn thư chép: Tháng ba nhuận năm Tân Hợi (1371) “Người Chiêm Thành sang cướp cửa biển Đại An

tiến thẳng đến Kinh Sư” [47, tr.154], đây là một minh chứng rõ nét cho tầm quan trọng về vị trí chiến lược quốc phòng của Đại Nha khi xưa.

Cuối năm 1873, sau khi chiếm lục tỉnh Nam Bộ, thực dân Pháp dùng vũ lực tấn công xâm lược Bắc Hà. Chúng đã dùng chiến thuyền tiến theo đường sông Đáy, sông Đào qua ngã ba Độc Bộ tấn công vào thành Nam Định. Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị (quê làng Tam Đăng, nay thuộc xã Yên Thắng) đã dự đoán trước được đường tiến quân của địch. Sau khi đưa đoàn nghĩa binh từ Huế trở về, ông đã tổ chức cắm kè trên sông, nơi ngã ba Độc Bộ, để chặn tàu chiến của địch. Nhân dân Yên Nhân đã cung cấp lương thực, thực phẩm, tổ chức nơi ăn chốn ở cho nghĩa binh, cung cấp tre, gỗ để cắm kè. Hàng trăm người tham gia vận chuyển tre, gỗ, vác cây lớn làm kè dưới sông, vừa cùng nghĩa binh luyện tập cách đánh giặc khi chúng đổ quân lên bộ. Nhân dân ngày đêm tham gia canh gác, bố phòng và tuyệt đối giữ bí mật. Ngày 12/12/1873, thực dân Pháp đã dùng tàu chiến theo sông Đáy tiến vào cửa Độc Bộ. Chúng đã bị nghĩa binh chặn đánh. Cột cờ và ống khói trên tàu bị bắn gãy, tàu thuyền bị mắc kẹt. Quân Pháp đổ bộ lên bờ bị nghĩa binh và nhân dân ồ ạt xông tới tiêu diệt, một số tử trận, hoảng hốt chúng phải rút xuống tàu thuyền tháo chạy [5, tr.18-19].

Với vị trí địa lý chiến lược trọng yếu, trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, nhân dân Yên Nhân đã cùng với nhân dân cả nước kiên cường đấu tranh chống quân xâm lược, bảo vệ đất nước, giành lại độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hôn nhân của người việt ở làng vạn chài theo công giáo xã yên nhân, huyện ý yên, tỉnh nam định (Trang 26 - 30)