Phong tục, nghi lễ hôn nhân truyền thống

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hôn nhân của người việt ở làng vạn chài theo công giáo xã yên nhân, huyện ý yên, tỉnh nam định (Trang 53)

1.3.3 .Vài nét về kinh tế xã hộ i văn hóa xã Yên Nhân

2.2. Phong tục, nghi lễ hôn nhân truyền thống

Nghi lễ hôn nhân là một dạng nghi lễ chuyển đổi. Theo nhà Nhân học người Bỉ Arnold van Gennep trong công trình “Những nghi lễ chuyển đổi”

(Les rites de passage), xuất bản năm 1909, nghi lễ chuyển đổi là những nghi lễ đánh dấu sự chuyển đổi của cá nhân trong suốt vòng đời, từ tình trạng này sang tình trạng khác, từ vai trò, địa vị này sang vai trò, địa vị khác, hợp nhất những kinh nghiệm của con người và kinh nghiệm văn hóa với vòng đời: ra đời, sinh con, trưởng thành, kết hôn và chết đi. Arnold Van Gennep cho rằng “những thay đổi trạng thái (của con người) làm khuấy động cuộc sống cá nhân và xã hội, và để giảm thiểu các tác hại của những thay đổi đó mà một số nghi lễ chuyển đổi ra đời”. Hầu hết những nghi lễ chuyển đổi được chia thành ba giai đoạn chính: phân ly (trước ngưỡng), chuyển tiếp (trong ngưỡng) và hội nhập (sau ngưỡng). Giai đoạn phân ly bao gồm những hành vi báo hiệu sự tách rời của một cá nhân hay một nhóm người khỏi vị trí cố định trước đó trong cấu trúc xã hội hoặc các điều kiện văn hóa (một trạng thái); trong giai

đoạn giữa - giai đoạn ngoài lề, đối tượng thụ lễ (người được chuyển tiếp) ở trạng thái rất mơ hồ, không có những thuộc tính của trạng thái đã qua mà cũng chưa có những thuộc tính của trạng thái sắp đến; ở giai đoạn cuối người thụ lễ hoàn thành nghi thức, tái hòa nhập với một tâm thế mới [30]. Nghi lễ hôn nhân cũng nằm trong chuỗi nghi lễ chuyển đổi trong đời người.

Hôn nhân là một nghi lễ chuyển đổi quan trọng đánh dấu sự chuyển tiếp từ tình trạng xã hội này sang tình trạng xã hội khác, một cặp hôn phối sẽ kéo theo sự thay đổi về gia đình, họ hàng, địa điểm cư trú sau hôn phối. Mỗi nghi thức trong nghi lễ hôn nhân sẽ mang những đặc trưng ý nghĩa nổi bật thể hiện sự chuyển tiếp, thay đổi mà nghi lễ ấy mang lại.

Là Kitô hữu Việt Nam, nghi lễ hôn nhân của người Công giáo làng chài Phong Doanh, xã Yên Nhân là một nghi lễ chuyển đổi đặc trưng bởi nó là sự song hành của hai nghi lễ: nghi lễ thế tục riêng theo phong tục, tập quán hôn nhân truyền thống của người Việt (nghi lễ phần đời), và nghi lễ hôn phối của Công giáo (nghi lễ phần đạo).

2.2.1. Giai đoạn trước đám cưới

2.2.1.1 Nghi lễ phần đời

Phong tục, nghi lễ hôn nhân truyền thống của người Việt Công giáo làng chài Phong Doanh bao gồm các nghi thức được tuân theo một trình tự nhất định bắt buộc. Bởi quan niệm hôn nhân là do cha mẹ sắp đặt, con cái không có quyền lựa chọn cho nên, trước hết, hôn nhân xưa cần phải có người mai mối. Ông/bà mối là những người có tài ăn nói, gia đình đông đủ, hòa thuận, là người trung gian đảm nhiệm việc giao thiệp, liên kết giữa hai bên gia đình và đảm bảo mai mối được người phù hợp, đồng đạo. Sau khi mai mối thuận lợi, thì hai bên gia đình đi đến các thủ tục cưới hỏi. Các nghi lễ trước đám cưới nhằm xác lập sự hứa hôn, đính hôn cho đôi nam nữ.

Lễ vấn danh

Khác với một số địa phương, ở Phong Doanh, sau khi việc mai mối thuận lợi, gia đình nhà trai sẽ chuẩn bị một lễ nhỏ, đơn giản sang nhà gái để xin tên, tuổi của cô gái. Nhà trai thông qua người mai mối, cử một đoàn vài ba người với lễ vật gồm chè, rượu, trầu, cau sang nhà gái thưa chuyện. Chủ yếu lễ này là để nhà trai biết được ngày, tháng, năm sinh của cô gái để về xem tuổi. Khi nhà trai đến thì nhà gái đưa ra một tờ giấy đã ghi đủ họ, tên, ngày, tháng, năm sinh của cô gái. Nếu tuổi của đôi nam nữ phù hợp, thì gia đình nhà trai sẽ thông qua người mai mối, đánh tiếng với nhà gái để chọn ngày sang chơi nhà.

Lễ chạm ngõ (lễ nạp thái)

Sau khi mai mối, so tuổi, hai nhà thấy việc thăm hỏi nhau có thể tiến hành thì nhà trai xin đặt một cái lễ gọi là là lễ chạm ngõ (chạm mặt, xem mặt, đến chơi nhà). Ngày đến chơi nhà được định trước, người mai mối thường dẫn đầu đoàn nhà trai sang thăm nhà gái, gia đình nhà trai gồm cha mẹ, cô, dì, chú, bác… của chú rể sang nói chuyện. Bên nhà gái sẽ chuẩn bị mâm cơm để thiết đãi nhà trai, đồng thời gia đình nhà trai cũng mang theo rượu, gà (với số lượng vừa đủ) để góp cùng với nhà gái.

Lễ này thường là để hai bên gia đình trao đổi, thăm dò, xem mặt xem tính của cô dâu, đồng thời cũng là để nhà trai xem gia cảnh cũng như gia phong của nhà gái, từ đó đi đến dứt khoát việc hôn nhân của đôi trai gái.

Tuy nhiên, trong lễ chạm ngõ cũng có những trường hợp, nhà gái lấy chồng cho cô chị nhưng lại đưa cô em ra để nhà trai xem mặt, bởi lẽ cô em xinh đẹp nết na hơn, nhưng không thể để cô em đi lấy chồng trước cô chị, như vậy người ta gọi là “lộn sòng”, phải để cô chị đi lấy chồng trước thì cô em mới lấy được chồng. Về phía nhà trai cũng có thể làm như vậy, nghĩa là nếu chú rể xấu quá, họ có thể đưa một người đẹp trai sáng sủa giả làm chú rể sang

nhà gái đưa lễ chạm ngõ, nhưng khi cưới về mới hóa là bị lừa. Nguyên nhân của sự việc này cũng là bởi hôn nhân do cha mẹ sắp đặt, nam nữ không được tìm hiểu nhau, nên không biết mặt nhau, chính vì điều này mà làm cho bao người phải sống trong sự bất mãn với cuộc hôn nhân sắp đặt.

Sau lễ chạm ngõ có thể hai gia đình sẽ đi lại thân thiết hoặc có thể từ bỏ ý định cầu hôn. Nếu như nhà gái đồng ý nhận lễ thì chặng đầu tiên của cuộc hôn nhân coi như là xong. Về lý thì lễ này chưa có tác dụng ràng buộc hai bên, chỉ mang ý nghĩa hứa hôn.

Lễ nạp cát (lễ ăn hỏi)

Sau khi xem tuổi và xét gia cảnh nhà gái, nếu thấy phù hợp, nhà trai sẽ đánh tiếng để làm lễ ăn hỏi. Lễ ăn hỏi thường được tổ chức sau một tháng, và phải chọn ngày lành, tháng tốt để nhà trai mang sính lễ qua. Nhà trai thường ướm hỏi ý nhà gái chi tiết, cụ thể về số lễ vật. Sính lễ ăn hỏi thường có một vài buồng cau to độ ba, bốn trăm quả, dăm chai rượu trắng, thuốc lá, bánh nếp... Những lễ vật này có thể thay đổi tùy điều kiện từng gia đình. Lễ hỏi phải chuẩn bị đủ bốn lễ chính đó là lễ bên nội, lễ bên ngoại, lễ bố mẹ, và lễ họ. Đó là những lễ bắt buộc nhà trai phải chuẩn bị để xin với ông bà, tổ tiên, dòng họ nhà gái chấp nhận cho con gái đi lấy chồng. Sính lễ được đặt trong thúng đậy bằng dần, sàng hoặc đựng trong mâm, gánh quang gánh mang sang nhà gái.

Việc dẫn lễ ngày xưa thường có bà mối, mẹ hoặc cha chú rể, cũng có thể là chú, bác, những người có tư cách đại diện cho cha mẹ chú rể dẫn đoàn sang nhà gái làm lễ ăn hỏi. Đây là lễ quan trọng có ý nghĩa đính hôn giao ước giữa hai gia đình, vì vậy, lễ ăn hỏi được chuẩn bị chu đáo, tổ chức rất trang trọng, dưới sự tiếp đón nồng hậu của nhà gái.

Bên nhà gái nhân dịp này thường mời bà con, bạn bè thân cận nhất đến dự. Lễ vật nhiều nhưng chỉ đặt tượng trưng lên bàn thờ. Khi nhà trai ra về, nhà gái thu xếp gửi lại mỗi thứ một ít gọi là “lại quả” cho nhà trai.

Sau lễ ăn hỏi, nhà gái chia quà biếu cho họ hàng, bạn bè, làng xóm để thông báo chính thức việc con gái đi lấy chồng. Lễ ăn hỏi có ý nghĩa quyết định hôn nhân. Sau lễ ăn hỏi, chàng rể được thừa nhận như con cái trong nhà, phải thường xuyên thăm hỏi gia đình vợ, phụ giúp việc khi nhà có công việc. Sau lễ ăn hỏi thì đợi đến lễ cưới, chọn ngày đẹp để đón dâu, lễ cưới thường sau lễ ăn hỏi 1 - 2 năm.

Lễ nạp chính (hay còn gọi là lễ dẫn cưới)

Trước khi cưới, nhà trai thăm dò ý nhà gái thách cưới thế nào. Có khi nhà gái đòi hỏi đủ thứ: đồ trang sức, quần áo, tiền bạc, trà rượu, trầu cau, heo bò, gạo để thết đãi bà con bạn hữu. Đã gọi là “thách” thì nhà gái thường nói quá lên những yêu cầu rất cao về sính lễ. Nhà trai tùy khả năng mà đáp ứng. Có khi nhà trai không đáp ứng được phải hoãn hôn lễ lại vì yêu cầu của nhà gái quá cao. Cũng có những trường hợp nhà trai không có nhưng cũng cố chạy vạy lo cho đủ lễ thách cưới để lấy vợ cho con. Có lẽ đó cũng chỉ là những trường hợp hãn hữu, thông thường, nhà gái cũng tuỳ theo điều kiện nhà trai mà thách cưới, để hai bên dễ bề qua lại. Người Việt quan niệm rằng thách cưới cao chẳng khác nào bán con gái, sau này về nhà chồng phải nai lưng ra làm trả nợ, vì vậy, cha mẹ thường ứng xử sao cho thuận cả đôi bên, mong muốn sau này con gái được hạnh phúc, và được gia đình chồng thương mến như con ruột. Đó cũng là cái tình cái lý của người Việt xưa nay.

Gánh lễ nạp tài xưa thường có sọ lợn, đấu gạo, be rượu, gà, chè, trầu cau… Đoàn nhà trai do bố hoặc chú, bác ruột của chú rể dẫn đầu cùng với, ông (bà) mối và chú rể mang lễ sang nhà gái để chuẩn bị cho đám cưới. Theo tục lệ, nhà trai phải lo đủ nhưng đồ lễ này để bên gái chia đủ cho anh em, họ

hàng. Ngoài những lễ này, còn phải có lễ họ, lễ bên ngoại để xin phép ông bà, ông vải nhà gái.

Lệ làng xưa còn có tục, con gái đi lấy chồng phải nộp cheo cho làng. Theo tục, con gái đi lấy chồng còn phải nộp cho làng 100 viên gạch để xây đường làng. Sau khi hoàn tất các thủ tục nộp cheo thì coi như hôn sự của đôi trai gái đã được làng chấp thuận chỉ còn chờ ngày tốt tháng lành để rước cô dâu về nhà chồng.

Xưa kia, cư dân Phong Doanh, xã Yên Nhân cư trú chủ yếu theo hình thức thủy cư, nhà là thuyền, gia đình sinh sống trên thuyền cũng có đến ba thế hệ là ông bà, bố mẹ và con cái. Thuyền thường dài 20 thước, được chia làm ba không gian là đầu lái, buồng giữa (nơi để ăn, ở, ngủ), đầu mũi. Mỗi thành viên trong gia đình có một chiếc thuyền nhỏ làm phương tiện đi lại. Khi con cái lập gia đình, bố mẹ sẽ mua cho con một chiếc thuyền mới để ra ở riêng, hình thức ra ở riêng này cũng gần giống như cư dân trên bờ cắt đất cho con cái làm nhà khi lập gia đình. Phương tiện di chuyển chính của cư dân vạn chài thủy cư làng Phong Doanh là thuyền.

Phong Doanh trước kia thuộc làng Phong Doanh, xã Đại An, Phủ Nghĩa Hưng, về nhân khẩu và hành chính trực thuộc sự quản lý của làng Phong Doanh. Tuy nhiên, do điều kiện cư trú đặc biệt nên người dân nơi đây thường lênh đênh sông nước, không có nơi ở cố định, lấy thuyền là nhà, không có đất trên bờ.

Với điều kiện cư trú đặc biệt như vậy, nên mọi sinh hoạt chung của cộng đồng thường khó tập trung được đông đủ, để tiện bề tập trung sinh hoạt, người dân chọn một bãi đất trống trên bờ làm nơi hội họp, đặc biệt những dịp cưới hỏi, ma chay đều tập trung tại đây.

2.2.1.2. Nghi lễ phần đạo

Với người Công giáo làng chài Phong Doanh, nghi lễ phần đạo mới là những nghi lễ quan trọng và có tính chất quyết định tới hôn nhân. Trước hết,

đôi nam nữ cần phải làm các thủ tục hôn phối theo giáo luật. Các thủ tục của Hội Thánh có mục đích bảo đảm những điều kiện cần thiết, giúp đôi bạn cử hành Bí tích Hôn phối được thành sự. Sau khi hai bên gia đình gặp mặt, nói chuyện về hôn sự của đôi nam nữ, hai gia đình thống nhất đến gặp Linh mục giáo xứ (thường là Linh mục bên nữ) để trao đổi và Linh mục sẽ giúp đôi nam nữ làm tờ khai hôn phối, để biết họ có đúng là Kitô hữu không (đã thực hiện các phép bí tích Rửa tội, Rước lễ, Thêm sức chưa) và hiểu được ý nghĩa của đời sống hôn nhân Công giáo [18, điều 1063, 1067].

Để hiểu được ý nghĩa của hôn nhân Kitô giáo, biết rõ nhiệm vụ của vợ chồng và cha mẹ Kitô hữu, đôi bạn cần phải tham gia một lớp học giáo lý hôn nhân do nhà thờ tổ chức, lớp học thường kéo dài trong sáu tháng. Tại đây, họ được giảng dạy về ý nghĩa của hôn nhân Công giáo, những nghĩa vụ của vợ chồng và những ơn sủng mà họ nhận được từ Thiên Chúa khi thực hành Bí tích Hôn phối. Kết thúc lớp học giáo lý hôn nhân, đôi bạn trẻ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học.

Sau khi nhận bằng giáo lý hôn nhân, hai bên gia đình gặp mặt, thống nhất và đến trình Linh mục giáo xứ về hôn sự của đôi bạn trẻ tại nhà thờ. Để giúp đôi nam nữ kết hôn hợp pháp theo luật của Hội Thánh quy định, Linh mục cũng cần phải biết chắc hai người không bị mắc ngăn trở nào. Theo điều 1066, Giáo luật Công giáo: “Trước khi cử hành Bí tích Hôn phối, phải chắc chắn không có gì cản trở việc cử hành hữu hiệu và hợp pháp”. Nếu có ngăn trở nào, Linh mục sẽ giúp họ giải quyết. Ngoài ra, hai người cũng được hướng dẫn để hiểu rõ ý nghĩa các nghi thức khi cử hành Bí tích Hôn phối. Linh mục sẽ làm lời rao hôn phối tại nhà thờ vào ba chủ nhật liên tiếp, để cho mọi người trong cộng đoàn biết, thêm lời cầu nguyện và xem xét có gì ngăn trở (như là người Công giáo đã có gia đình hay chưa, hoặc là người kết hôn có phải là người khác đạo…) thì giải quyết trước hoặc trình báo với Linh mục sở tại,

đồng thời cũng để ấn định lễ cưới. Theo giáo luật, điều 1067 quy định: “Hội Ðồng Giám Mục phải ra những quy luật về việc khảo hạch đôi bạn, việc rao hôn phối, và về những phương thế tùy tiện khác để hoàn tất công việc điều tra phải có trước khi kết hôn. Sau khi tuân hành kỹ lưỡng những điều đó, Linh mục mới có thể tiến hành việc chứng giám hôn phối”.

Sau ba tuần rao hôn phối, nếu không gặp ngăn trở gì, hai bên gia đình sẽ xin Linh mục sắp xếp ngày tổ chức Thánh lễ hôn phối. Theo giáo luật Công giáo, ngăn cấm mọi hành vi mê tín dị đoan, xem bói, vì vậy, ngày cử hành Bí tích hôn phối thường do Linh mục sắp xếp.

2.2.2. Giai đoạn trong đám cưới

2.2.2.1. Thánh lễ Hôn phối trong nhà thờ

Với người Việt theo Công giáo, trong năm có hai mùa không được tổ chức lễ cưới trong nhà thờ là Mùa Chay thường bắt đầu từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 3 Dương lịch (đây là mùa ăn chay, chuẩn bị tưởng niệm ngày Chúa chịu chết); và Mùa Vọng - mùa chuẩn bị đón Chúa giáng sinh, bắt đầu từ cuối tháng 11 đến hết 25 tháng 12 Dương lịch. Đây là hai mùa để mọi người tĩnh tâm, chuẩn bị đón lễ lớn của Thiên Chúa. Bởi vậy, lễ cưới phải được tổ chức trước hoặc sau hai mùa này. Ngoài ra, lễ cưới trong nhà thờ thường được tổ chức vào ngày thường trong tuần, không được tổ chức vào ngày Chủ nhật (hay còn gọi là ngày Chúa nhật, là ngày riêng của Chúa, ngày tôn kính Chúa) và tránh các ngày lễ trọng như lễ các Thánh, lễ Đức Mẹ lên trời, lễ Truyền tin…

Sau khi hoàn tất các thủ tục theo giáo luật của Hội Thánh như trên, đồng thời hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn với chính quyền địa phương, đôi nam nữ sẽ cử hành Bí tích Hôn phối tại nhà thờ giáo xứ của bên nam hoặc bên nữ. Trong trường hợp chưa đăng ký kết hôn, hoặc chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn thì không được làm lễ cưới trong nhà thờ. Thông thường lễ cưới sẽ được

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hôn nhân của người việt ở làng vạn chài theo công giáo xã yên nhân, huyện ý yên, tỉnh nam định (Trang 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)