Tác động của điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hôn nhân của người việt ở làng vạn chài theo công giáo xã yên nhân, huyện ý yên, tỉnh nam định (Trang 102 - 107)

1.3.3 .Vài nét về kinh tế xã hộ i văn hóa xã Yên Nhân

4.1. Những yếu tố tác động đến biến đổi của hôn nhân

4.1.1. Tác động của điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội

4.1.1.1. Sự chuyển biến về kinh tế

Yên Nhân là một xã thuần nông, không có nghề phụ, chủ yếu là lao động sản xuất nông nghiệp, các lao động dư thừa đi buôn bán, làm nghề ở địa phương khác và đi lao động xuất khẩu nước ngoài. Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XVIII và trực tiếp là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Yên Nhân lần thứ XX, Đảng bộ và nhân dân xã Yên Nhân xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay.

Trong những năm trở lại đây, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của xã Yên Nhân đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Về sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch mạnh cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng vật nuôi. Đối với trồng trọt, tăng tỷ lệ lúa xuân muộn và mùa trung, đưa nhanh các giống lúa mới có năng suất cao phù hợp với đồng ruộng xã Yên Nhân vào sản xuất như: Tạp giao, Nhị ưu 63, Nhị ưu 838, D ưu 527, Bắc ưu 903… đưa tỷ lệ giống mới vào canh tác đạt tới 80%. Để đưa các loại giống

mới vào sản xuất, xã Yên Nhân đã đề ra nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, đem lại hiệu quả tốt. Đó là đẩy mạnh công tác thủy lợi nội đồng, đáp ứng kịp thời công tác tưới nước khi nắng hạn, tiêu úng vào mùa mưa. Công tác phòng chống bão, úng lụt cũng được chỉ đạo thực hiện cụ thể, chặt chẽ, kịp thời nhất là trong những tháng mưa bão. Vấn đề tiếp tục kiên cố hóa kênh mương được tập trung đầu tư hoàn chỉnh, góp phần mở rộng cũng như thâm canh các giống cây trồng cho năng suất cao. Công tác phòng trừ dịch bệnh cho các loại cây trồng cũng được thực hiện kịp thời, cung cấp đủ các loại thuốc bảo vệ thực vật chất lượng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, xã Yên Nhân cũng đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, thực hiện việc xây dựng các Hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012, nhằm tạo ra môi trường sản xuất mới cho bà con nông dân, đổi mới các hoạt động dịch vụ, đem lại hiệu quả sản xuất cho nông dân. Đồng thời, sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh thưc hiện để không ngừng thâm canh tăng năng suất theo hướng đa dạng, nhất là các cây trồng và vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Dọc theo đê Đại Hà sông Đáy cả phía trong và phía ngoài đã hình thành nhiều mô hình sản xuất theo kiểu trang trại. Nhờ có kinh tế trang trại, nhiều hộ đã giàu lên, xóa đói, giảm nghèo.

Diện tích gieo trồng hàng năm của xã Yên Nhân là trên 1000ha, trong đó diện tích cây lúa trên 700 ha, còn lại là các cây vụ xuân và cây vụ đông. Đáng chú ý, diện tích cây vụ đông đang ngày càng được mở rộng với nhiều giống cây trồng mới được đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như cây khoai tây Đức, khoai tây Hà Lan, giảm diện tích cây khoai lang và cây khoai tây Trung Quốc. Để chủ động về giống khoai tây xã Yên Nhân đã đầu tư xây một kho lạnh để nhận giữ, bảo quản giống khoai tây cho bà con trong xã và cả xã bạn. Vụ đông ở Yên Nhân thực sự trở thành vụ chính, có năng suất chất lượng hiệu quả [5, tr.230-231].

Trong nông nghiệp, chăn muôi trong những năm qua phát triển mạnh chiếm tỷ trọng đáng kể trong kinh tế nông nghiệp nói chung, góp phần tăng thu nhập ngày càng cao. Công tác chăn nuôi đang phát triển mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, năm 2000 trên địa bàn xã Yên Nhân chăn nuôi chủ yếu theo kiểu bán công nghiệp từng hộ gia đình, đến nay, chăn nuôi đã cơ bản là chăn nuôi công nghiệp. Đặc biệt, số trang trại chăn nuôi của nhiều hộ gia đình có từ 50 - 100 con, thức ăn chăn nuôi và thuốc chữa bệnh theo hướng công nghiệp. Với mô hình VAC được mở rộng ở nhiều hộ gia đình trong xã, trong chăn nuôi cũng thực hiện đa con, ngoài lợn, đàn trâu bò, gia cầm cũng tăng nhanh qua từng năm.

Ngoài sản xuất nông nghiệp, xã Yên Nhân còn khuyến khích các lao động đi làm thợ xây, thợ may và làm kinh tế ở các địa phương khác, đặc biệt là đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, cũng tạo nên một nguồn thu nhập cho gia đình và địa phương khá lớn. Tổng thu nhập kinh tế toàn dân năm 2014 là 306,1 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người là 26,15 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo đã được giảm dần, hiện nay có 100 hộ nghèo/3380 hộ chiếm tỷ lệ 2,95%. Đời sống kinh tế của người dân xã Yên Nhân đã từng bước nâng lên theo tiêu chí nông thôn mới, nhiều nhà kiên cố cao tầng đã được xây dựng, phương tiện, tiện nghi sinh hoạt gia đình ngày càng nhiều; đường giao thông liên xã cũng như đường làng ngõ xóm ngày càng phát triển đổ nhựa, bê tông hóa, giao thông thông thoáng [12, tr.3].

Hòa chung nhịp phát triển kinh tế - xã hội của toàn xã Yên Nhân, tình hình kinh tế xã hội xóm đạo Phong Doanh trong những năm qua cũng có nhiều bước đổi mới mạnh mẽ. Xuất phát điểm Phong Doanh là một làng thủy cư đặc thù, người dân sinh sống chủ yếu dựa vào nghề sông nước và cư trú trên thuyền. Mỗi hộ gia đình thường có một thuyền lớn và nhiều thuyền nhỏ. Trước kia, 100% số hộ giáo dân Phong Doanh sinh sống trên thuyền, đời sống

vô cùng khó khăn, bấp bênh. Đi kèm với đó là sự hạn chế trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế, giáo dục. Trẻ con thường theo cha mẹ lênh đênh theo con nước, không được đến trường. Tình trạng sinh nhiều con là khá phổ biến, có những gia đình sinh 10 con, vì thế, đời sống ngày càng khó khăn. Người Phong Doanh sinh hoạt tôn giáo chủ yếu ở nhà thờ Đò Thông (xã Yên Trị), khi có người chết phải đưa lên tận nghĩa trang Đò Thông để chôn cất.

Đến năm 2000, những hộ giáo dân Phong Doanh được Uỷ ban nhân dân xã Yên Nhân tạo điều kiện, cấp đất để làm nhà lên bờ định cư sinh sống và chuyển sang làm nông nghiệp. Đồng thời xã cấp đất để xây dựng nhà thờ giáo họ. Năm 2009, chính quyền địa phương cấp đất cho Phong Doanh làm nghĩa trang. Đến nay, đã có 1/3 số hộ giáo dân Phong Doanh có đất và làm nhà trên mặt đất. Bên cạnh hoạt động đánh bắt cá truyền thống, người Phong Doanh dần chuyển sang nhiều hoạt động kinh tế khác như mở trang trại chăn nuôi và chủ yếu là làm ao hồ nuôi cá, kinh doanh vận tải đường sông. Hơn thế nữa, một số gia đình đã mạnh bạo xây dựng doanh nghiệp tư nhân về vận tải đường sông. Đến nay, Phong Doanh đã có ba doanh nghiệp tư nhân như Thắng Xuyên, Hương Lan. Doanh nghiệp tư nhân được xây dựng đã tạo ra nhiều việc làm cho người dân Phong Doanh, đồng thời đóng góp sức người, sức của vào xây dựng làng xóm. Nhà thờ giáo họ Tân Doanh được xây dựng khang trang là nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ các doanh nghiệp tư nhân.

Có thể nói, đến nay, hoạt động kinh tế của làng chài Phong Doanh khá sôi nổi và phát triển. Người dân Phong Doanh có nhiều cơ hội việc làm và phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

4.1.1.2. Sự chuyển biến về văn hóa, xã hội

Gắn liền với phát triển kinh tế sẽ đẩy mạnh sự phát triển văn hóa, xã hội, trong đó vấn đề về giáo dục, y tế luôn được Đảng bộ và chính quyền xã

Yên Nhân quan tâm, chỉ đạo kịp thời nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu về an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Về y tế: Trong những năm qua, Trạm y tế xã luôn giữ vững trạm chuẩn quốc gia về y tế và nếp sống văn hóa, có cảnh quan, cơ sở vật chất đảm bảo, đội ngũ y bác sỹ, cộng tác viên nhiệt tình đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong năm 2014, Trạm y tế xã Yên Nhân đã có 7256 lượt người khám và chữa bệnh, trong đó, khám điều trị bảo hiểm y tế cho 2746 lượt người, khám chữa bệnh xã hội cho 74 người. Phong trào kế hoạch hóa gia đình được thực hiện thường xuyên, năm 2014 đã có 181 cháu được sinh ra, trong đó con thứ 3 là 37 cháu, chiếm tỷ lệ 20%. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên là 0,6%, tỷ lệ trẻ em SDD giảm xuống còn 12%. Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn xã.

Về giáo dục: Xã Yên Nhân luôn đạt sự nghiệp giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Năm 2014, trường Tiểu học A đã xây dựng được 08 phòng học cao tầng. Trong năm, các trường học trên địa bàn xã đều tổ chức hội nghị nâng cao chất lượng giảng dạy, trẻ hóa đội ngũ giáo viên. Tỷ lệ giáo viên, học sinh khá giỏi được nâng cao. 100% học sinh trong độ tuổi được đi học, không có học sinh bỏ học. Học sinh lên lớp các khối đạt 100%, tỷ lệ học sinh vào lớp 10 các loại hình đạt 93%, số học sinh đỗ đại học cao đẳng là 82 em. Tất cả các trường học trên địa bàn xã đều thực hiện tốt công tác xã hội hóa, xây dựng nhà hiệu bộ, phòng vi tính nâng cao chất lượng dạy và học [12, tr.4]

Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, xã hội, văn nghệ, phòng trào thể dục thể thao trên địa bàn xã cũng diễn ra thường xuyên và sôi nổi. Hàng năm, vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm, tại khu trung tâm xã, chính quyền xã Yên Nhân cùng với nhân dân đã tổ chức nhiều hoạt động thể thao như cầu lông, cờ tướng, bóng đá, bóng bàn. Xã còn thành lập đội để tham gia thi đấu do huyện Ý Yên và tỉnh Nam Định tổ chức và đạt được thành tích cao như giải Nhì thi

đấu cầu lông, giải Ba thi đấu bóng chuyền. Đặc biệt, môn thể dục dưỡng sinh “Thức vũ kinh” do Hội Người cao tuổi xã đảm nhiệm thường xuyên hoạt động và đã tổ chức đồng diễn 4 xã tại trung tâm sân vận động xã và đạt giải Nhất.

Có thể thấy, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân xã Yên Nhân. Bên cạnh đó, các dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh xã hội được đảm bảo và phát triển đã đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cuộc sống cho người dân. Đặc biệt, đối với giáo dân xóm Phong Doanh, các chính sách về phát triển y tế, giáo dục, văn hóa xã hội đã giúp cải thiện đáng kể đời sống của cộng đồng giáo dân. Trẻ con được đến trường, người già được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, người dân có điều kiện tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội của địa phương. Hiện nay, xóm Phong Doanh đã có nhiều người làm giáo viên, bác sỹ, trình độ học vấn được nâng cao, xóm đạo đã có 02 người đạt trình độ Thạc sỹ và 01 người hoàn thành bậc học Tiến sỹ.

Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống văn hóa, giáo dục, y tế được cải thiện và nâng cao đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân làng chài Phong Doanh hội nhập với tình hình kinh tế - xã hội mới. Cư dân làng chài Phong Doanh không còn là dân chài, không mảnh đất cắm dùi mà trở thành tấm gương tiêu biểu trong sản xuất và phát triển kinh tế. Vị thế mới của người Phong Doanh cũng tạo điều kiện cho họ gặp gỡ và quen biết với nhiều người ở địa phương khác, lựa chọn đươc người bạn đời phù hợp, tương xứng, trợ tá và phụ giúp nhau trong đời sống hôn nhân, gia đình, loại bỏ mọi rào cản, ngăn trở ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hôn nhân của người việt ở làng vạn chài theo công giáo xã yên nhân, huyện ý yên, tỉnh nam định (Trang 102 - 107)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)