Nguyên nhân tôn giáo tín ngưỡng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động của các điện thờ mẫu tư nhân trên địa bàn huyện bình xuyên, tỉnh vĩnh phúc (Trang 64 - 66)

7. Bố cục của luận văn

3.1. Nguyên nhân định hình phát triển

3.1.2. Nguyên nhân tôn giáo tín ngưỡng

Bên cạnh việc các điện thờ Mẫu tư nhân chịu sự tác động của lịch sử, thì bản thân nó cũng chịu sự tác động của các tôn giáo tín ngưỡng khác cùng tồn tại và phát triển trong một nền văn hóa nhất định. Sự tương tác giữa các tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam nói chung và giữa Đạo Mẫu với các tôn giáo, tín ngưỡng nói riêng sẽ tạo nên hai xu hướng rõ rệt: Xu hướng thứ nhất, dung hòa lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển; xu hướng thứ hai, triệt tiêu, loại bỏ nhau. Tuy nhiên, trong trường hợp ở Việt Nam, xu hướng thứ hai gần như không xảy ra với các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng khi định hình hoặc du nhập.

Sự tương tác qua lại có tính chất hai chiều giữa các tôn giáo - tín ngưỡng ở Việt Nam là một đặc tính chung cho đời sống tâm linh của dân tộc. Đạo Mẫu nói chung và các điện thờ Mẫu tư nhân cũng không là trường hợp ngoại lệ. Chính các tôn giáo ngoại lai khi xâm nhập vào Việt Nam đã dung hòa với tín ngưỡng thờ Nữ thần của người Việt, đó là trường hợp Phật giáo.

Phật giáo đã kết hợp với hiện tượng thờ Tứ Pháp mà tạo nên các ngôi chùa Tứ pháp: Vân, Vũ, Lôi, Điện. Rồi chính tín ngưỡng thờ nữ thần này đã qua Phật giáo trở nên thịnh hành hơn, có quyền năng hơn trong đời sống cộng đồng. Để sau này, các điện thờ Mẫu Tứ phủ nói chung ở Việt Nam có phối thờ thêm gian thờ Phật, hoặc các ngôi chùa đều có thêm điện thờ Mẫu. Một mặt là để đáp ứng nhu cầu tâm linh vốn đa dạng của người Việt, nhưng mặt khác cũng cho thấy sự hỗn dung đan xen giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ. Nhiều vị thánh Mẫu mang trong mình hai tư cách vừa là Nữ/Mẫu thần, vừa là hóa thân của các nữ Bồ tát trong không gian thờ tự của Phật giáo.

Từ việc tác động đến bản chất của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, Đạo giáo đã tác động đến trực tiếp đến các hoạt động của các điện thờ Mẫu tư nhân. Trong đó, những biểu hiện đầy chất cầu cúng ma thuật như trừ tà, cầu tài lộc thông qua hoạt động hầu đồng.

Cùng với Đạo giáo và Phật giáo, thì Nho giáo cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến tín ngưỡng thờ Mẫu. Tuy nhiên, khác với Phật giáo và Đạo giáo, Nho giáo không tác động trực tiếp đến Đạo Mẫu, mà nó ảnh hưởng một cách gián tiếp thông qua những hình thức biểu hiện khác nhau. Ngoài ra, các tín ngưỡng dân gian truyền thống cũng là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ và các điện thờ Mẫu tư nhân. Bản thân Đạo Mẫu được hình thành trên nền tảng tục thờ Nữ thần của tín ngưỡng dân gian. Từ tục thờ đó rồi phát triển thành tín ngưỡng thờ các thần Mẫu rồi hội nhập với các tôn giáo ngoại lai (Phật, Đạo giáo) mà hình thành tín ngưỡng thờ Tam Tứ phủ. Vậy, trước khi trở thành Đạo Mẫu có hệ thống bài bản tương đối chặt chẽ, thì nguồn gốc tín ngưỡng dân gian đã rõ. Các loại hình tín ngưỡng dân gian như: cầu mùa, thờ cúng tổ tiên, thành hoàng làng, thờ các hiện tượng tự nhiên… đã tác động đến nội dung của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Hệ quả của nhân tố tôn giáo - tín ngưỡng tác động đến hoạt động của các điện thờ Mẫu tư nhân là tạo ra sự tích hợp, đan xen giữa các loại hình tôn

giáo ngoại lai, tín ngưỡng bản địa với tín ngưỡng thờ Mẫu. Từ đó tác động trực tiếp đến nội dung thực hành, nghi thức tâm linh của các điện thờ Mẫu tư nhân trên địa bàn huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động của các điện thờ mẫu tư nhân trên địa bàn huyện bình xuyên, tỉnh vĩnh phúc (Trang 64 - 66)